Ông ‘Mỹ Tho’ |
Tác Giả: Bút Ký Của Trần Mộng Tú / Người Việt |
Thứ Ba, 23 Tháng 2 Năm 2010 10:37 |
Cũng như hầu hết những cặp vợ chồng không chung một chủng tộc, quê hương của người phối ngẫu bao giờ cũng là một vùng đất hấp dẫn để đến quan sát, tìm hiểu và thưởng thức. Hơn ba chục năm lập gia đình với người phụ nữ Việt Nam này, trong khoảng thời gian mười năm gần đây, anh đã về quê vợ đến sáu lần và lần nào anh cũng thấy hài lòng cho chuyến đi của mình. Ông ‘Mỹ Tho’ (giữa) chụp hình với hai anh em vừa mù, câm,và điếc ở trại mồ côi, tu viện Đa Minh thuộc Trung Lao, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. (Hình: Trần Mộng Tú/Người Việt) Cái hài lòng của anh giản dị lắm! Anh đến Việt Nam chỉ muốn tìm xem đời sống, văn hóa của một nước Á Châu khác nước Mỹ như thế nào, nhất là nước đó lại sau mấy chục năm nội chiến. Anh là người thích tìm hiểu về đường xá, về địa phương ở những chỗ khác nhau, và anh rất giỏi ở mặt này. Chỉ với một cái bản đồ trong tay, không cần biết ở quốc gia nào, và dùng ngôn ngữ nào, bao giờ anh cũng tìm ra những con đường một cách dễ dàng. Lần nào đến Việt Nam cũng thế, những ngày không đi du ngoạn xa chung với nhau, chị muốn đi mua sắm, đi thăm bạn riêng, chị đưa cho anh một ít tiền, cắt nghĩa qua về trị giá khác biệt giữa một trăm ngàn đồng Việt và một Mỹ kim thế nào, dặn anh mua bán ra sao, rồi chị đưa cho anh tấm thiệp của khách sạn cất vào túi, sợ anh lạc đường về. Sau này chính anh phải cắt nghĩa lại về tiền cho vợ khi chị lúng túng, anh nghĩ anh giỏi toán hơn vợ, chị chỉ biết làm thơ; anh chào chị, đi lang thang một mình, không bao giờ lạc. Anh có thói quen thức dậy thật sớm, ra đi cùng với tiếng chuông nhà thờ. Những buổi sáng ở Hà Nội, có khi chị còn ngủ, anh dậy đi xem lễ 5 giờ sáng ở nhà Thờ Lớn. Xem lễ xong anh quay về góc phố gần khách sạn anh chị ở, ngay vỉa hè nơi có bà cụ bán nước trà, bánh chưng rán, bánh mì và trứng ốp la cho khách. Anh kéo chiếc ghế thấp sát đất, ngồi chênh vênh trên cái ghế quá nhỏ với mình; vừa ăn, anh vừa mở cuốn tự điển cầm tay nhỏ xíu ra, nói chuyện với bà cụ chít khăn mỏ quạ, răng đen. Anh ngắm cụ, cụ ngắm anh, cả hai cùng hạnh phúc. Sau hai năm anh trở lại góc phố này, tìm bà cụ ngày trước, cụ vẫn ngồi đó, nhưng không nhận ra người khách cũ, anh buồn mãi, than với chị, tại sao không nhận ra tôi. Chị biết rồi, cụ cũng coi anh như những ông “Tây ba lô ấy mà,” cụ bán hàng xong, cụ nhớ làm gì, cụ đâu có biết anh có tình như thế. Tội nghiệp anh! Có lần anh thuê một chiếc xe đạp, anh đi lang thang mỗi ngày, anh chụp hình, anh mua nải chuối, quả bưởi, cái bánh đa, gói xôi của những người buôn gánh, bán bưng, anh mang về xếp đầy buồng. Khi bất chợt có người thân đến tìm thăm anh chị, anh đem ra mời, để được dịp kể lại những khuôn mặt, cách bán mua ở những người anh được may mắn gặp trên phố. Anh đi cả năm cửa Ô bằng chiếc xe đạp này, anh về nói với vợ: Chân cầu Long Biên bẩn quá sức, người ta buôn bán ngay ở đó, không biết làm sao mà thở được! Có một buổi sáng khác, anh thức dậy trước tiếng chuông, anh ngủ lơ mơ thế nào, cứ ngỡ chuông nhà thờ đổ rồi, anh vội vàng sửa soạn đi, anh xuống nhà, đánh thức người gác khách sạn, mở cửa cho anh. Ra đến ngoài đường, anh mới giật mình vì trời còn tối quá, chắc mới hai, ba giờ sáng (anh không bao giờ đeo đồng hồ,) quay lại đánh thức người gác cửa lần nữa, không nỡ; anh đi thử một quãng, mới vài chục bước, bỗng từ đâu, bốn năm phụ nữ ùa ra, chặn trước mặt anh; anh nhìn cách ăn mặc của họ, phấn son trên mặt, anh biết anh đang gặp ai rồi, anh cứ bước thẳng về phía nhà thờ. Một cô níu tay anh lại, cô không nói được tiếng Anh, cô giơ tay làm hiệu, anh lắc đầu, cô khác lại đến cắt nghĩa thêm, anh lắc đầu tiếp. Anh đành phải quay lại làm phiền người gác cửa. Anh về kể cho vợ nghe, rồi than, đáng nhẽ tôi phải cho người ta ít tiền chứ, nhưng tôi không có nhiều trong túi. Tội nghiệp họ, việc làm của họ mà. Ra ngoài đường, gặp những thanh niên lao động, hay sinh viên ngồi ăn ở vỉa hè, bên dưới cái bảng có chữ “Chả Rươi” hay có chữ: “Miến Lươn,” anh chẳng biết là món gì, nhưng họ giơ chai bia lên, cười với anh, chỉ nói: “Hello” thế là anh sà xuống ngay; anh nói với chị là họ muốn thực tập tiếng Anh đấy. Hôm sau anh lại hẹn hò ra ngồi uống bia với họ, cho họ thực tập tiếp. Một lần khác anh đang đi trên cầu Long Biên, đang ngó ngang ngó dọc, bỗng anh thấy có ai móc tay vào túi sau quần, anh quơ tay lại, nắm được cổ tay một thanh niên, người đó sợ quá, vội buông cái ví đã cầm được trong tay ra, rồi vụt chạy. Anh thấy người đàn ông đó ốm yếu, anh rượt theo, muốn cho ít tiền, nhưng người đó chắc sợ anh đánh, nên chạy vụt xuống phía dưới chân cầu; anh về kể với vợ, chạy nhanh quá, tôi không bắt kịp. Anh thích nhất được cắt tóc ở vỉa hè, chị cản thế nào cũng không được. Chị đành đi theo anh đến chỗ cắt tóc. Người thợ treo cái gương nước thủy đã mờ trên một bức tường thấp, sứt mẻ, nước vôi cũ, loang lổ; hộp đồ nghề để dưới chân tường, anh ngồi vào ghế, người thợ mở ra một cái khăn có một mầu nhờ nhờ, không phải trắng, không phải vàng, nó gần tiệp mầu với cái áo người thợ đang mặc, giũ một cái rồi đeo vào cổ khách. Chị gần đứng tim khi thấy người thợ mở con dao lưỡi lam cán dài ra đưa vào cổ anh cạo ngược lên mặt. Chị rên thầm trong cuống họng. “Chúa ơi, ông này không phải là người trở về từ Trường Sơn chứ? Ông ta có từng hô chống Mỹ cứu nước không? Ông ta có bị chiến tranh làm cho tinh thần xuy xụp không?” Chị thở phào khi thấy con dao lưỡi lam được gấp lại cho vào cái hộp gỗ dưới đất. May quá! Ông thợ ít nói, nhưng không chống Mỹ. Anh ngồi nhắm mắt một cách khoan khoái khi được ông thợ tẩm quất trên vai, trên cổ. Lần kế về Hà Nội, chị nhất định không cho anh cắt tóc vỉa hè nữa, chị dọa anh, coi chừng lưỡi dao đó có vi trùng HIV, và có thể làm trầy da anh. Anh nể vợ, thôi lần đó, nhưng cũng trốn đi cắt tóc vỉa hè ở hai chuyến về Việt Nam kế tiếp. Anh về Yên Bái nơi có họ hàng bên nội của vợ, anh cũng sẵn sàng đón miếng trầu từ tay mấy bà chị, cho vào miệng nhai thử. Anh ăn tất cả những thức ăn được tiếp vào bát, dù đã quá no, hay có miếng rất lạ, chưa ăn bao giờ. Ăn xong anh cũng ra giếng múc nước rửa tay, rửa mặt, anh nói với chị. Họ sung sướng hơn mình nhiều! Anh làm sao hiểu được con sông Hồng sau nhà là một mối lo cho mọi người. Anh theo các anh chị ra thăm mồ mả thân nhân bên vợ ngoài đồng, đi theo những rẻo đất bên bờ ruộng, và ao ước có một ngày được bước xuống cấy thử một nắm mạ, được tát thử một gầu nước như mấy nông gia ở đây. Anh nói với chị, thế nào anh cũng phải thử một lần cho biết. Anh về nhà cháu vợ ở vùng ngoại ô Tân Thái Sơn, Sài Gòn. Những người hàng xóm, những trẻ con trong xóm kéo đến đầy nhà thăm hỏi vợ chồng anh. Chỉ mười phút sau, chị đã thấy anh ngồi trên một cái thành tường thấp, đưa hai chân xuống cho trẻ nhỏ bám đu lên, và hai mươi phút sau thì đứa trên vai, đứa trên lòng bu kín lấy anh, không nhìn thấy anh đâu cả, chỉ nghe thấy tiếng cười ròn rã, tiếng nói huyên thuyên của trẻ con tranh nhau đòi trèo lên anh. Lần đi Việt Nam vừa qua, anh cũng có thêm bao nhiêu bạn. Khi ở Sài Gòn, sáng sớm, chị còn ngủ, anh đã ra đường, đi bộ ra công viên ở góc Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Trãi, xem hoặc cùng tập thể dục với những người ở đó, rồi đi bộ ra chợ Bến Thành, lấy xe bus trở về lại Nguyễn Trãi. Bao giờ anh về cũng có gói quít, và cái bánh đa. Đó là bữa điểm tâm của anh. Rồi anh lang thang vào sâu những con hẻm nhỏ hơn ở phía sau nhà, những con hẻm chia ra như những con lạch nhỏ giữa hai con hẻm chính của Nguyễn Trãi và Cống Quỳnh. Chính trong những hẻm này anh đã lúc trưa, lúc chiều ngồi xuống với từng nhóm bạn mới, chung quanh một cái bàn thấp kê sát tường hay dưới một gốc cây, hay trước một cái quán, với vài ba cái ghế nhỏ. Những người đàn ông làm bạn với anh, có nhóm mới khoảng trên dưới ba mươi, có nhóm xấp xỉ tuổi anh. Anh và họ không nói chung một ngôn ngữ nhưng vẫn hiểu nhau nói gì, và vẫn hòa đồng với nhau trong một “buổi nhậu” được. Anh ăn bất cứ cái gì họ mời, anh luôn luôn giành phần trả tiền, nhưng đôi khi với số tiền nhỏ anh để họ trả như một điều anh tôn trọng họ. Có hôm anh về hỏi chị: -Em biết chả chìa là chả gì không? Chị há hốc miệng, à ra thế. Hóa ra anh ngồi ở mấy cái quán “Cầy Tơ” trong con hẻm Cống Quỳnh. Anh kể lại với chị, mới đầu anh tưởng thịt bò, ăn xong họ mới nói là thịt chó, không dám ăn nữa. Anh chị ở Sài Gòn ít ngày, xong ra Hà Nội, đi Cam Bốt, rồi quay lại Sài Gòn ở thêm mấy ngày nữa. Chị ngất ngư, muốn nghỉ ngơi trước khi về Mỹ, nhưng anh thì không. Anh tiếc rẻ mấy ngày còn lại, muốn đi thăm được càng nhiều nơi càng thích. Anh lấy mấy tấm bản đồ, trải ra, anh tìm đường đi Vũng Tàu. Anh làm một chuyến đi “Solo”, vừa đi vừa về trong ngày. Đi bằng cả đường thủy, đường bộ cho biết. Chị tin anh làm được, đưa cho anh thêm ít tiền, dặn anh đến nơi phải gọi về cho chị an lòng. Anh đi xe đò từ Sài gòn lúc bảy giờ sáng; buổi trưa chị đã nhận được email anh gửi về từ Vũng Tàu. Anh về lại Sài Gòn bằng tàu cánh ngầm, bảy giờ chiều anh đã ngồi ở quán cóc với bạn. Anh có cái thú nói chuyện với thanh niên lao động, với những bà bán hàng gánh (chẳng hiểu bằng cách nào mà họ hiểu nhau). Anh thích nhìn hình ảnh trẻ em mặc đồng phục tan học túa ra ở cổng trường, thích ngắm nghía những người đàn ông lớn tuổi ở Hà Nội đi cái xe đạp khiêm nhường không có chắn bùn, chắn xích, mặc cái áo vét cũ nhưng vẫn rất tươm tất, anh nói ngay cả những người rất nghèo ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, áo quần luôn thẳng, không nhàu nhĩ, chị bảo, đó là những người có gốc Hà Nội cũ, họ cố giữ câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” đấy. Hơn ba mươi năm lập gia đình với chị, anh ăn những thức ăn chị nấu, bưng lên bàn. Món thích, ăn nhiều, món không thích lắm, ăn ít, anh không bao giờ kén chọn. Chắc anh ăn cái tình của chị trong thức ăn hơn là chính thức ăn. Hình như cái bao tử của anh cũng bị Á Đông hóa rồi, nên thỉnh thoảng ăn thức ăn của Âu, Mỹ anh than nặng bụng quá. Cuối tuần chị có đi chơi với bạn gái, chỉ cần thổi cho anh một đĩa xôi lạc, để sẵn lên bàn, chị yên tâm đi chơi nửa ngày. Anh yêu không khí tụ họp giỗ tết trong gia đình, anh giới thiệu với các bạn Mỹ về truyền thống tốt đẹp của bên vợ và anh mời các bạn mình đến dự, khi chị làm giỗ cho cha mẹ chồng. Anh sống thoải mái với phong tục, tập quán Việt, mặc dù trước khi lập gia đình với chị, anh không có một chút khái niệm gì về quê hương chị. Hơn thế nữa, chị là người phụ nữ Á Đông đầu tiên anh gặp. Anh như dòng nước mặn hòa tan vào dòng nước ngọt không một chút do dự. Trong khi chị sống ở Mỹ, lúc nào cũng lúng túng, không tự nhiên như một người bé nhỏ được ai cho cái áo dày quá, rộng quá, hơi sặc sỡ, mặc vào vì lịch sự cộng thêm một chút hàm ơn, thế thôi. Chị đặt tên anh là: “Ông Mỹ Tho” vì anh đã Việt hóa. Còn chị, chị yêu chồng, yêu con, yêu cái phần đất bao dung chị, nhưng vẫn chẳng bao giờ Mỹ hóa được. Chị nghĩ, trong cuộc hôn nhân này, anh là người sung sướng hơn chị.
|