Cuối năm về quê (2): Ðặt chân đến Sài Gòn |
Tác Giả: Bút ký của Trần Mộng Tú / Người Việt |
Thứ Sáu, 05 Tháng 2 Năm 2010 19:13 |
.. Tôi đứng nhìn chiếc vòng đai 'Carousel' đang quay vòng tròn, mang hành lý ra cho hành khách của chuyến bay từ Taipei thả xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Mặc dù, tiếng Việt trên chuyến du hành bắt đầu nghe được nhiều nhất ở trạm chuyển tiếp Taipei, nhưng tại đây, mới đúng hoàn toàn bắt đầu thế giới của người Việt Nam. Hình ảnh rõ nét nhất là hành lý. Một gánh hàng rong trên vỉa hè đường Lê Lợi, Sài Gòn. (Hình: Huỳnh Ngọc Dân/Người Việt) Tôi đi xa khá nhiều lần, đến những thành phố khác nhau, nhưng chưa tới một phi trường nào có hành lý thả xuống cái vòng tròn 'Carousel' giống như những hành lý thả xuống Việt Nam. Những chiếc thùng to hết cỡ giới hạn và nặng chắc cũng đến mức cuối của sức nặng cho phép, thường là thùng cạc-tông, băng keo vải mầu xám, chằng ngang, chằng dọc, tên họ Nguyễn, họ Trần, hay họ Lê, viết bằng bút nỉ đen cả bốn mặt thùng. Tôi biết trong đó là: quần áo, kẹo, bánh, phấn son, thuốc gội đầu, thuốc bổ, thuốc bệnh, sữa bột,... và tất cả tình thương của người gói, người gửi, ép vào trong thùng. Tôi nhớ lại cảnh đi mua thêm, đi thu xếp những thứ tích trữ từ lâu, gói ghém, cân đo nặng, nhẹ, cho vào thùng. Thỉnh thoảng lại có người bạn đến gửi một gói nhỏ cho thêm vào đó. Cái thùng cứ mỗi ngày một to thêm, và phải lấy bớt ra, cân đi, cân lại, cho chính xác. Nếu người ta có thể gói một bát mây, một ly nước mưa, hay một chén không khí của vùng trời Âu Mỹ về cho thân nhân quê nhà, chắc người ta sẽ chẳng đắn đo gì. Tôi cũng đang đứng chờ lấy ra, một trong những chiếc thùng đó. Những chiếc thùng bị sây sát, có khi bị rách góc, méo mó đến tội nghiệp, trông giống như người lính trở về từ mặt trận, nhầu nhĩ tang thương! Tôi bỗng thấy giữa những chiếc thùng này với chiến tranh đã đi qua hình như có một gạch nối rất mơ hồ. Sau khi khám xét, hỏi han, mang nhiều, mang ít, chiếc thùng được chở ra phía ngoài. Thân nhân đang chờ đón với bao nỗi hân hoan, được người, được của. Chiếc thùng mang về một địa chỉ nào đó, được mở tung ra, giữa những tiếng cười vui, cặp mắt sáng rỡ. Anh được ra đi trong chương trình H.O trở về thăm nhà, anh nhìn thân nhân mở thùng quà, khác chi nhìn xuống chính thân phận mình đang được mở ra. Anh khác thùng quà ở chỗ, cái sây sát anh gói ở bên trong và cái ngọt ngào, tốt đẹp anh sơn phết bên ngoài. Anh tha hồ muốn bỏ bao nhiêu buồn tủi, hạnh phúc, tình thương vào thùng quà, không cần cân đo nặng, nhẹ. Anh gói tất cả vào bên trong, miễn sao cái thùng thân thể anh, những cái băng vải không sây sát để anh được nhìn như một tặng phẩm tương đối tươm tất là anh vui rồi. Không biết đến bao giờ, người trở về mới hết mang theo những chiếc thùng “dâu bể” như thế nữa. Tôi được một độc giả chưa gặp mặt bao giờ, chị đến từ email và chở tôi trên chiếc Honda của chị nguyên một ngày. Chị mang đến cho tôi một chiếc mũ an toàn còn mới tinh, chị mới mua cho khách phương xa, và một bao có hai cái khẩu trang bằng giấy mỏng (loại đeo một lần, vứt đi), chị mở ra, đội nón, đeo cái khẩu trang che miệng, che mũi cho tôi. Chị nói, đi xe ôm cho biết, cứ nhắm mắt lại. Nhưng tôi mở mắt, và tôi thỉnh thoảng la lên một tiếng, làm chị giật mình. Trước tiên chị cho ăn phở, ngay tại đầu ngõ, chỗ nhà cháu tôi. Ðây là tiệm phở bán cho du khách và người khá giả, giá đến 37,000 đồng VN một tô nhỏ, tiệm bình dân giá 10,000 đồng đến 20,000 đồng. Tiệm phở tên “Hùng”, chủ nhân từ Oregon bên Mỹ về kinh doanh. Người giầu lại giầu thêm. Tôi chưa kịp đổi tiền, chị phải đãi tôi phần ăn sáng, hơi cao với giá chị vẫn thường trả. Phở khá sạch sẽ và ngon, khách ra vào tấp nập. Ðĩa rau sống xanh mướt với ngò gai, húng lủi, húng quế hào sảng để giữa bàn, như vừa được hái ở vườn vào, đĩa ớt cay hai mầu cam nhạt và đỏ, thái mỏng, để bên cạnh những miếng chanh cốm, cắt đôi trông vừa nồng nàn, vừa thiết tha mời mọc! Tất cả như muốn nói đến cái khác biệt của phở Mỹ, phở Việt rất rõ rệt. Ðặc biệt tiệm phở này, từ nhân viên múc phở, nhúng bánh, đến chạy bàn, đều rất trẻ. Cô cậu nào cũng từ 18 đến 25 tuổi là cao nhất. Sau ăn sáng, địa điểm đầu tiên tôi nhờ chị đưa đi mua sách, chị biết tiệm sách có giảm giá 30%. Loay hoay hơn một tiếng trong hiệu sách, tôi mua được hơn mười cuốn, phần đông là sách dịch từ văn bản Trung Hoa. Mua hai cuốn Căn Phòng Riêng (A room of One's Own) của Virginia Woolf do nhà văn hải ngoại Trịnh Y Thư dịch, nxb Tri Thức VN in, sẽ mang về làm quà cho hai người bạn văn: Thơ Thơ và Nguyễn Tường Thiết. Chúng tôi ngưng xe lại ở giữa đường để uống nước dừa cho qua cơn khát. Cái xe bán nước nhỏ của chị hàng nước, dựng ở một gốc cây me già, sát lề đường. Khói xe, bụi đất cứ việc bay bám đầy chị. Chị có nón lá, khẩu trang che chở được phần nào hay phần đó. Cái bàn nhỏ, hai cái ghế nhựa nhỏ, đang có hai người đàn ông ngồi, một người uống trà, người kia uống bia. Nắng trên trời như đàn bướm trắng sà xuống đậu trên hai khuôn mặt màu bánh mật. Chị bạn mới của tôi trả giá, chọn dừa, chê cùi dừa già, cùi dừa non mãi; còn tôi nao nức hỏi chuyện bán mua của chị hàng nước. Chị cho biết những trái dừa khách uống xong, chị bán lại cho những người làm mứt, họ lựa những quả có cùi già về cậy ra, xên đường bán cho hàng tết. Cùi dừa mua hôm nay, có thể hai ba hôm sau mới bắt đầu làm (cần thu gom đủ số dừa) nên chắc chắn dừa sẽ bị mốc và ôi. Người làm mứt sẽ ngâm thuốc tẩy cho sạch, trước khi xên đường, rồi cho mầu xanh, đỏ. Ba ngày tết bán món gì mà không được. Ai cũng cần có một chút ngọt ngào trong nhà cho ngọt quanh năm. Người Việt ở quê nhà, bao tử, ruột già chắc đã quen với độc tố và hóa chất, nên số bị ngộ độc không làm hốt hoảng số chưa bị. Những người dân quê ở xứ dừa Bến Tre, chắc cũng buồn lòng vì những trái dừa tươi ngon của họ bị dân thành phố làm cho mang tiếng một cách oan ức. Phải chăng những cô gái Bến Tre nổi tiếng với làn da trắng như cơm dừa, cũng đang bị điêu đứng vì chính cái nhan sắc mình có hay không? Dù không nóng khủng khiếp như Tháng Bảy, Tháng Tám, thời tiết Sài Gòn vào gần tết được cho là mát, cũng đủ làm người đến từ xứ của gió, mưa Seattle bị đổ mồ hôi nhớp nháp. (Còn tiếp) |