Cuối năm về quê (1) |
Tác Giả: Trần Mộng Tú /Người Việt |
Thứ Năm, 04 Tháng 2 Năm 2010 19:15 |
Người Việt trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bút ký của nhà thơ Trần Mộng Tú được viết sau một chuyến từ Hoa Kỳ về thăm quê nhà Việt Nam vào những ngày cận Tết. Bài sẽ đăng 4 kỳ, kể từ số báo ngày Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010. Kỳ 1: Ừ, em sẽ về Em sửa soạn về Việt Nam, em gấp cái áo, em gấp cái quần; cái áo dầy cho Hà Nội, cái áo mỏng cho Sài Gòn. Chao ôi, em gấp áo lót như gấp hồn, gấp áo mặc ngoài như gấp hai cánh tay, em gấp quần như gấp hai chân. Em bỏ lọ thuốc, em bỏ lọ dầu nóng, em bỏ lọ kem thoa mặt, cái lược, cái gương soi, và cuối cùng em bỏ khúc ruột ngàn dặm của em vào va-li, em về. Những con hẻm thân quen một thời của Sài Gòn. (Hình minh họa: Huỳnh Ngọc Dân/Người Việt) Em sẽ ngồi trên máy bay hơn mười bốn tiếng; em ngủ, em đọc sách, em ăn, em thức, em đọc kinh, em lần tràng hạt, tất cả đều lơ mơ. Nhưng cái khúc ruột ngàn dặm của em nó sẽ không lơ mơ chút nào cả, nó co dần lại, ngắn dần lại, khi em sắp về đến quê nhà. Quê nhà, hai chữ thân yêu đó, mỗi ngày hiện ra trước mặt em biết bao hình ảnh, biết bao tin tức, văn bản, xa gần, gửi tới tấp trên cái khung hình của máy điện toán. Trên máy bay, em sẽ nằm ngửa đầu ra ghế, nhắm mắt lại, em sẽ để cho những hình ảnh những dòng chữ đó mở từ từ ra như một cuộn phim trong đầu mình. Hình những thiếu nữ Việt mới lớn, thướt tha xinh đẹp, duyên dáng, trong những chiếc áo dài đủ kiểu, từ cổ điển đến cách tân, những hình ảnh được dựng trên một sân khấu để mang đi nước ngoài, với nhãn hiệu: “Duyên Dáng Việt Nam.” Rồi hình ảnh kế tiếp là những trẻ em thành phố, mặc đồng phục vừa tan học túa ra từ cổng trường, như đàn chim câu ra tổ; đường phố chen chúc, xe cộ ngược xuôi... Khúc phim kế tiếp là những cảnh xử án, cảnh biểu tình, cảnh người dân kêu oan; cảnh linh mục, thượng tọa, tu sinh, tín đồ, ra trước tòa án; khúc phim cứ từ từ mở ra dài thêm, kéo ra đến hình ảnh những người nghèo khổ ở ngoại ô, xa thành phố, sống hàng ngày bên những đống rác, có trẻ em không được đi học, có người già không được trợ cấp; ở thôn quê, những túp lều như cái chòi chăn vịt, trước của lều có một người tàn tật ngồi hiu hắt, không phân biệt được họ tàn phế vì bảo vệ cho phần đất nào của quê hương mình. (Có cần phân biệt như thế không?) Họ ngồi nhìn những cây cầu gẫy, trên con sông khô cạn. Tiếp theo, những hình ảnh, những bài viết lạ lùng kinh hoàng về một xã hội Việt Nam đổi mới như: “Vũ khỏa thân ở đám tang”; những khuôn mặt thanh niên, thiếu nữ non nớt nhưng đầy hoang đàng, phá phách, hưởng thụ trong những hộp đêm; bệnh viện cho trẻ sơ sinh chưa chết mang về nhà chôn. Chưa hết, cuốn phim còn mở ra những cảnh gái Việt mãi dâm đông đảo trên các nước Á Ðông láng giềng, gái Việt nổi tiếng vừa đẹp vừa rẻ. Trên màn hình nhỏ của máy bay, em sẽ thấy, máy bay, bay ngang trên mặt biển Thái Bình Dương. Cái hình máy bay như một con chuồn chuồn kim, la đà trên một tấm thảm mênh mông xanh biếc. Nhìn hình, khúc ruột ngàn dặm của em sẽ bị kéo dài ra khỏi cái va-li quần áo, rồi nó cuộn lại thành một mớ rối bù, bay lơ lửng bên trên lưng con chuồn chuồn kim đó. Mới đây nhất, email của em nhận được một trang có tên “Tỵ Nạn Việt Nam,” gửi vào, em chỉ vào đọc có hai lần, không có đủ tinh thần đọc tiếp những tin tức quá bi thảm về thuyền nhân. Mặc dù những tin tức này, cách đây hai mươi năm em có nghe, có đọc. Nhưng mở lại những trang quốc nạn bi thương đó, tinh thần em sẽ suy sụp lắm, khúc ruột em sẽ đứt ra từng đoạn ngắn, em không nối lại được. Cái nước mình bé tí teo, người dân mình bé tí teo, sao cái bất hạnh nó to lớn thế! Nó bao phủ từng sinh vật bé tí bằng một cái chăn đen thui, rồi nó quấn lấy con người bé tí ở trong đó thật chặt bằng chính sợi ruột của nạn nhân nên không bao giờ tung ra được. Tại sao người ta lại gọi là “buồn đứt ruột” hay “thấy vui trong bụng” nhỉ? Cái ruột nó quan trọng đến thế nào? Theo y học, nó giống như một cái đường cống của ngôi nhà thân thể. Nếu cái đường cống bị cắt ra từng đoạn, nước sẽ trào ra lênh láng, làm suy sụp cả nền nhà. Ruột đứt thì làm sao cứu vãn được thân thể. Em đi Việt Nam hay em về Việt Nam, tức là em mang theo cả tim, gan, máu, ruột mình về. Chỉ ngày mai, khi máy bay thả bàn chân em chạm xuống mặt đất của thành phố cũ, em sẽ được đi lang thang, được nhìn ngang, nhìn dọc, nhìn lên trời, ngó xuống đất, lau giọt mồ hôi trên trán; em sẽ vừa đi vừa nghe ruột mình chuyển động. Nếu em là khúc ruột xa ngàn dặm, thì quê nhà thế nào cũng phải có những khúc ruột bị hao hụt, phải tìm đến em để gắn vào. Sẽ có người chạy đến gần em, kêu lên: “A! khúc ruột thất lạc đây rồi!” Em sẽ cầm bài thơ đưa ra cho người đó, nói: “Khúc ruột xa ngàn dặm đây, xin người cầm lấy.” Em mong người đó nhận, vì thơ em viết từ ruột viết ra mà. Nhưng những câu thơ, những bài văn em viết có gắn khít khao vào đâu không? Hay ở quê nhà, trong những nơi đô hội, ruột của họ làm bằng những thứ khác, mà những câu thơ, bài văn em rứt ruột viết ra không nối vào được. Em về, em sẽ thở bằng lồng ngực cũ trong không gian mới, em phải tự mình biết cách thích nghi với hoàn cảnh. Em cứ thở như em đã thở hơn ba mươi năm về trước, em nhìn theo cách của riêng em, em sẽ thanh lọc và em tưởng tượng. Em biết, ngay giữa Sài Gòn đổi mới em vẫn tìm được trên con đường cũ, dấu viên gạch bể năm xưa, dù người ta có cào nó đi, thay vào đó viên gạch mới. Bàn chân cũ của em vẫn tìm ra dưới viên gạch mới đó những hạt cát thân quen. Em về, dù cho bao nhiêu dâu bể chăng nữa, em vẫn tìm ra trên những khuôn mặt xa lạ lạnh lùng đó, một nụ cười của người trăm năm cũ, có thể của thầy giáo, của ông chú, của bà bác hay của cha, mẹ em, những người đã qua đời. Em sẽ ngồi xuống góc đường của một con phố cổ Hà Nội, nhìn cụ già co ro vì gió mùa Ðông Bắc cuối năm, ngồi bán nước trà buổi sáng, để nghe thương yêu tràn ngập trong lòng. Khúc ruột ngàn dặm của em sẽ lên tiếng gọi: “Mẹ, cha ơi!” để em thấy mình giơ tay áo lên chặm những hạt nước mắt đang lăn trên má. Ừ, em sẽ về, em về, để biết rằng: Chao ôi, sao mình vẫn quá đỗi Việt Nam! (Còn tiếp) |