Yes, Virginia - Sorry, Biên Hòa |
Tác Giả: Nguyễn Trần Diệu Hương |
Thứ Sáu, 18 Tháng 12 Năm 2009 05:55 |
Hơn một thế kỷ trước, đầu mùa Đông năm 1897, một cô bé tám tuổi nghiêm chỉnh đến hỏi cha: - Ba ơi, ông Santa Claus (ông già Noel) có thật không? Câu hỏi đơn giản nhưng làm Tiến sĩ Phillip O'Hanlon không biết cách trả lời. Ông hỏi lại cô con gái Laura Vỉginia O'Hanlon mới học lởp ba của mình: - Tại sao con lại hỏi như vậy? - Vì bạn của con ở trường nói là ông Santa Claus không có thât. Ba cô bé Laura Vỉginia đăm chiêu suy nghĩ. Ông hiểu cô bé không còn quá ngây thơ để tin tất cả những điều người lớn nói mà không suy luận, nhưng ông cũng không muốn làm tan biến thế giới hồn nhiên của con. Sau cùng ông trả lời: - Ba đề nghị con nên viết thơ hỏi báo "New York Sun" (một tờ báo có uy tín ở khu nhà giàu Manhattan nổi tiếng của New York, nơi bé Vỉginia chào đời). Nếu họ bảo là Santa Claus có thật thì con không còn phải nghi ngờ thắc mắc gì nữa. "Thắc mắc lớn" của một cô nhỏ tám tuổi làm Virginia ngồi vào bàn học, viết một cái thư ngắn có câu hỏi quan trọng "Ông già Noel có thật hay không?" gởi đến tờ New York Sun. Cái thư ngắn chấm dứt bằng một sự khẩn cầu "xin vui lòng nói cho cháu biết sự thật" Người thư ký tòa soạn mở cái thư mỏng dính có nét chữ con nít ra, và vì thư không có tên người nhận cụ thể, ông Francis Church, người chịu trách nhiệm bài vở của tờ báo phải trả lời câu hỏi rất đơn giản mà không một người lớn nào có thể làm hài lòng cả người thắc mắci lẫn người trả lời. Lúc đầu, ông Francis muốn trả lời bằng sự thật cho cô bé tám tuổi ký tên trên thư là Virginia biết là Santa Claus chỉ là một biểu tượng trong huyền thoại, được người lớn dựng lên để muốn trẻ con ngoan hơn, và có một thế giới tuổi thơ thật sự hồn nhiên, êm đềm. có thêm niềm tin ở cuộc sống rằng mình cứ sống tốt đẹp thì sẽ được đền bù xứng đáng. Nhưng rồi ông Francis nhớ lại thời gian nội chiến của Mỹ (American Civil War 1861-1865) giữa mười một Tiểu bang miền Nam có nhiều nô lệ da đen nhất nước Mỹ với những tiểu bang còn lại. Thời gian đó không những nước Mỹ chỉ thiệt hại về tài sản và nhân mạng của cả hai sắc dân di cư từ Âu Châu và Phi Châu, mà hy vọng và niềm tin cũng không còn. Ông hiểu niềm tin quý vô cùng, có niềm tin người ta có thể làm được nhiều thứ tưởng như quá sức mình. Hơn nữa, ông muốn cô bé Virginia nào đó kéo dài được thêm niềm tin thánh thiện ít nhất là thêm một năm nữa, và có được niềm cảm hứng cho cả cuộc đời trước mặt của cô. Đôi khi vì lợi ích của con nít, người lớn vẫn phải nói dối. Thế là ông trả lời cho bé Virginia là ông già Noel có thật. Thư trả lời được đăng trên một cột báo nhỏ xíu nằm khiêm nhường dưới những câu trả lời khác thực tế hơn cho độc giả người lớn, nhưng không những chỉ làm cho bé Virginia vui, mà còn làm cho cả trăm ngàn em bé còn ở bậc Tiểu học hớn hở như vừa tìm lại được một vật quý giá nhất trên đời vì "Yes, Virginia, there is a Santa Claus" Khỏi phải nói, bé Laura Virginia O'Hanlon hớn hở đem tớ báo vô trường, trịnh trọng chứng minh cho các bạn cùng lớp là Santa Claus có thật. Vì tờ báo tiếng tăm "New York Sun" và ông Chủ bút hiểu rộng biết nhiều đã trả lời như vậy rành rành trên giấy trắng mực đen. Thư trả lời nằm khiêm nhường ở trang trong ,cuối một cột báo nhỏ nhoi không quan trọng vậy mà có ảnh hưởng đến cả triệu em bé không những chỉ ở Manhattan, New York mà còn ở khắp nước Mỹ, và lấn qua cả nước láng giềng Canada nói cùng ngôn ngữ. Dĩ nhiên, sau này lớn lên, cô nhỏ Virginia hiểu mặc dù ông già Noel không có thật trên đời nhưng thế giới tuổi thơ thần thánh của cô và cả triệu em bé được kéo dài thêm ít nhất là một năm và quan trọng hơn hết, niềm tin về điều tốt đẹp được củng cố vững chắc, nên Virginia vẫn trân trọng giữ gìn thư trả lời trên báo xác nhận, "Yes, Virginia, there is a Santa Claus" Rồi như quy luật tự nhiên "what's going up, will be down", cô Virginia lớn lên với niềm tin được vun xới bởi một ông Chủ bút tờ báo địa phương không quen biết, thành một nhà giáo trong suốt 47 năm, luôn luôn tìm cách củng có niềm tin của học trò và trẻ thơ vào cuộc đời. Bà Laura Virginia O'Hanlon Douglas mất năm 1971 trong một nhà dưỡng lão ở tiểu bang New York, quê hương chôn nhau cắt rốn của mình và để lại một trang báo đã ngả màu vàng úa có câu trả lời của ông chủ bút báo New York Sun năm xưa cho cô cháu ngoại duy nhất. Trong số đồ nhà dưỡng lão giao lại cho cháu ngoại của bà cụ Laura Virginia sau khi bà cụ qua đời, còn có một hộp lớn thư từ của rất nhiều em bé khắp nơi gởi đến Virginia hỏi về sự hiện diện của ông già Noel trên đời có thật hay không? Bà Virginia, suốt cả cuộc đời, đã nối tiếp công việc của người trả lời thư cho mình năm xưa, ông Francis Church, trở thành một sứ giả gieo rắc niềm tin, hy vọng và niềm cảm hứng cho trẻ em. Mãi cho đến đầu năm 1972, khi bốn sinh viên khoa báo chí tình cờ đọc tiểu sử cuộc đời của bà cụ 82 tuổi Virginia trên một trang báo của tờ New York Times vào dịp Christmas, mở đầu bằng câu "Yes, Virginia" nói về thái độ lạc quan và tin tưởng rằng khi mình làm điều tốt sẽ gặp việc tốt (như thuyết nhân quả của đạo Phật). Bài báo tạo được nhiều cảm xúc trong lòng bốn sinh viên vứa bước vào tuổi hai mươi, họ quyết định lập một công ty nhỏ có tên Elizabeth Press, tự xuất bản tác phẩm đầu tay là một quyển sách cho trẻ em có tựa là "Yes, Virginia" . Quyển sách bán khá chạy vi thời đó không có các trò chơi điện tử, trẻ em đọc sách nhiều hơn bây giờ, nhưng "Yes, Virginia" không thật sự nổi tiếng cho đến khi các tác giả đưa tác phẩm đầu tay của họ đến công ty phim ảnh kỳ cựu Warner Brothers, thuyết phục các đạo diễn dựng thành một phim truyền hình dựa trên câu hỏi của cô bé Virginia và câu trả lời của ông Chủ bút Francis cả trăm năm trước. Lần trình chiếu đầu tiên năm 1974 dưới hình thức phim hoạt họa của con nít , được một giải thưởng Emmy của các show truyền hình vì nội dung và ý nghĩa của việc củng cố niềm tin cho trẻ thơ. Đến lúc đó, kỹ nghệ điện ảnh thấy được viễn ảnh lợi nhuận tử quyển sách "Yes Virginia", họ nhảy vào khai thác, kéo theo cả các Công ty bán lẻ lớn như Macy's vào việc biến câu chuyện nhỏ của cô bé Laura Virgina từ cuối thế kỷ 19 thành một cách quảng cáo hữu hiệu nhất lôi kéo khách hàng đến cửa tiệm trong mỗi dịp Giáng sinh. Trầm lặng hơn, nhưng mang nhiều ý nghĩa hơn là ở một góc phòng truyền thống của phân khoa Báo chí trường Đại học nổi tiếng Columbia (ở vùng Manhattan, sinh quán của Virginia; và là nơi đào tạo ông chủ bút Francis Church thành một nhà báo có uy tín), hàng năm mỗi dịp Christmas, người ta vẫn để một em bé tám tuổi đọc lá thư của cô nhỏ Vỉginia nâm xưa, và một nhà báo đọc câu trả lời của ông Francis như là một cách tưởng niệm hai nhân vật chính đã vô tình tạo nên cả một "kỹ nghệ kiếm tiền" từ câu hỏi và trả lời đơn thuần dựa trên niềm tin và tấm lòng của họ. Giáng sinh năm 1974, đúng vào năm cả nước Mỹ bắt đầu biết đến câu chuyện về niềm tin của cô nhỏ Virginia ở New York xảy ra vào cuối thế kỷ 19 qua bốn sinh viên phân khoa báo chí, ở Biên Hòa cũng có bốn người bạn nhỏ (người lớn nhất học lớp mười một, người nhỏ nhất vừa vào ngưỡng cửa Trung học, cùng học ở một trường lớn nhất miền Đông Nam phần, bên dòng sông Đồng Nai) đạp xe mười lăm cây số đường trường mang quà đến một cô nhi viện ở chân núi Châu ThớI, Biên Hòa. Họ chỉ muốn các em bé, trạc tuổi cô nhỏ Virginia lúc viết thơ, tin rằng dù chiến tranh vẫn đang xảy ra, dù các em không còn cha mẹ nhưng cũng có những tấm lòng nghĩ đến và lo cho các em. Con nhà nghèo thường khôn sớm hơn con nhà giàu, nên các em bé bảy tám tuổi ở cô nhi viện ngoại ô Biên Hòa năm đó không thắc mắc ông già Noel có thật hay không như Virginia và các bạn cùng lớp ở khu nhà giàu Manhattan của Mỹ, nên những ánh mắt tuổi thơ chỉ sáng lên vì được quà, vì có người đến thăm. Bốn người bạn nhỏ hẹn Giáng sinh sang năm sẽ trở lại thăm các em, và các em phải ngoan, phải chăm học để có quà nhiều hơn. Lời hứa đó không bao giờ thực hiện được dù cả nhóm bạn vẫn giữ canh cánh bên lòng. Vì chỉ vài tháng sau đó là biến cố tháng 4 năm 1975, mọi thứ đổi thay, xã hội đảo lộn, cô nhi viện không còn hoạt động bình thường như trước. Một người trong nhóm bạn bị cơn lốc tháng 4 thổi qua tận Washington, tiểu bang miền Tây Bắc của Mỹ. Mỗi dịp Christmas, giữa những rộn ràng, hân hoan đón mừng lễ Giáng sinh, anh vẫn âm thầm xin lỗi những em bé mồ côi ở cô nhi viện năm nào vì đã không thực hiện được lời hứa dù rằng lỗi không phải ở anh và ba người bạn thời mới lớn. Anh tin những em bé Virginnia của Việt Nam lớn lên, hiểu được mọi chuyện trên đờI, sẽ tha thứ cho anh và cả nhóm bạn về chuyện không giữ lời hứa. Người nhỏ nhất trong nhóm, đến Mỹ cuối thập niên 80, để bù lại lời hứa không thực hiện được năm nào, đã gỏp một bàn tay trong tổ chức thiện nguyện Milkcare Foundation (http://www.milkcare.org), chuyên cung cấp sữa đậu nành cho các em nhỏ, và sách vở cho các em lớn ở các cô nhi viện rảii rác đó đây trên quê hương hình chữ S. Dù là một tổ chức từ thiện nhỏ bé, chỉ hoạt động khi những người làm thiện nguyện đã xong bổn phận với nợ áo cơm mỗi ngày,nhưng cũng được sự đóng góp của nhiều người bản xứ và những tấm lòng Viêt Nam lưu vong khẳp nơi. Một trong những cô nhi viện được tài trợ hàng nâm là cô nhi viện ở Biên Hòa, nơi mà Giáng sinh năm 1975, chắc là có nhiều em bé mồ côi mỏi mòn chờ đợi các anh chị Khối Xả hội của Trung học Ngô Quyền đến thăm. Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng ánh mắt rạng rỡ của các em mồ côi ở cô nhi viện năm xưa vẫn soi sáng cả một ký ức của cả nhóm bạn mà sau này lưu lạc từ Đông sang Tây của nước Mỹ, mỗi lần dịp Giáng sinh nghe lại câu chuyện "Yes Virginia" giữa mùa Đông băng giá của nước Mỹ, lòng họ vẫn quay về với các em bé mồ côi ở quê nhà vẫn đang cần được sự giúp đỡ, quan tâm của người lớn để các em lớn lên có đủ niềm tin khi bước xuống cuộc đời. Nguyễn Trần Diệu Hương Santa Clara , Christmas 2009 |