Ngủ đò đêm sông Hương |
Tác Giả: Châu Nguyễn sưu tầm |
Thứ Tư, 04 Tháng 11 Năm 2009 14:23 |
Ngủ đò sông Hương là thú chơi văn hóa, sao lại không? Khoắt khuya nào đó, ta đang ngủ say, bỗng vẳng lên điệu hò mái nhì xao xuyến như gọi trong mơ, tỉnh dậy hóa ra là thực. Giọng hò con gái từ một con đò đêm nào đó từ dưới sông Hương vọng lên lay thức tâm can... Vâng, những con đò đêm sông Hương không ngủ, mà cần mẫn chở lời ca tiếng hát, chở niềm tri ân tri kỷ, chở cả giấc hoa của bao lữ khách giang hồ. Từ đó sinh ra cái thú "ngủ đò". Trên con đò xưa, không chỉ có đàn ca Huế, mà hình như khi cuộc vui đến độ, thì ai có thơ đọc thơ, sĩ tử. Nam Bộ thì cứ cải lương, vọng cổ, dân Bắc thì Quan họ, ca trù v.v.. Nghĩa là đủ món ba miền. Đam mê nhất những đêm "ngủ đò" xưa là thú thả thơ. Nghe nói nhà thơ Lưu Trọng Lư, thời đôi mươi, vào Kinh đèn sách, bỗng gặp rồi mê đắm tiếng đàn nguyệt của cô gái Huế, thế là hai người rủ nhau xuống đò tâm sự thơ ca, đàn hát suốt mấy tháng trời. Văn Cao "ngủ đò" để đàn ca trong "một đêm đàn lạnh trên sông Huế": Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi Nguyễn Tuân vô với bố làm quan ở Huế cũng thường xuống đò đêm ngày vừa chơi vừa viết báo gửi ra Hà Nội, rồi đợi măng-đa nhuận bút về. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, một đêm say trên con đò Huế, đã phát hiện ta một hình tượng thật ấn tượng: Sông Hương hóa rượu ta đến uống Sau đó anh còn viết bản nhạc "Sông Thơm". Ấy, thú vui "ngủ đò" sông Hương khởi nguồn là vậy. Nên gọi là ngủ đò, nhưng người xuống đò sông Hương không ai ngủ cả. Trên sông Hương bây giờ có hàng chục con đò "dịch vụ", tức đò bán bún bò giò heo, bánh nậm, bánh bèo, trứng vịt lộn, chè hạt sen, chè đậu vánv.v… Mỗi thứ thức ăn có một con đò nhỏ, với ngọn đèn hoa kỳ thao thức, ở đâu đó trong đêm, sẵn sàng cặp mạn khi nghe tiếng "ới" của chủ đò. Thế nên, có thú vui tao nhã, thì cũng dần có lạc thú trần tục. Thế rồi, cứ nghe nói đến "ngủ đò" là nghĩ ngay đến sự mua hoa bán nguyệt, xấu xa, trần tục. Đã là lái đò, tức là người có đò thì không bao giờ là gái "bán hoa", vì con đò là tài sản lớn của họ. Tài sản đó làm ra thu nhập bằng các hoạt động văn hóa trên sông Hương ban đêm. Đó là ý nghĩ không công bằng, oan cho sông Hương! Khi đêm xuống, thuyến rời bến chạy máy (hoặc chèo tay nếu khách yêu cầu), ngược sông lên Hòn Chén hoặc Hương Hồ thì dừng lại, tắt máy, rồi thả trôi. Những điệu ca Huế, những thú chơi lịch lãm như thả thơ, bình thơ, hoặc lời thủ thỉ câu chuyện canh trường bắt đầu. Đò trôi đến Thiên Mụ hoặc Phú Văn Lâu thì buông neo. Lúc này đã về khuya, sương trăng huyền ảo, chén thù chén tạc nặng lòng, không ai ngủ được. Lại đàn, lại hát, lại trằn trọc nghe eo óc tiếng gà... Đói thì ăn, say thì nằm gối đầu nghe lẩy Kiều... Thật thi vị. Ngủ thiếp đi cũng chẳng việc gì. Tinh sương thì đò nhổ neo xuôi về bến, bịn rịn chia tay, mơ màng cứ ngỡ mình vừa qua một kiếp người. Con đò sông Hương phục vụ thú "ngủ đò" (như đò ca Huế , thuyền rồng, thuyền phụng) được kết cấu rất tao nhã, khác với các loại đò trong Nam, ngoài Bắc, lại hoàn toàn khác với đò bán hàng, đò đánh cá, đò vận chuyển trên sông Hương. Các loại đò khác cứ thống thống từ lái đến mũi, ở giữa chỉ có cái mui che. Còn đó sông Hương phục vụ khách "ngủ đò" bao giờ cũng có bốn phần: Phần mũi là khoảng không gian để du khách ngồi hóng gió, ngắm trăng, ngắm cảnh vật đôi bờ. Tiếp theo là khoang thuyền dành cho khách. Ở khoang này, có mui vòm đóng bằng tôn hoặc gỗ, có cửa để vào ra đóng mở. Bên trong người ta thiết kế có phòng ngủ, có sàn gỗ làm nơi trải chiếu để uống rượu, ngâm thơ, hoặc nghe đàn hát. Khoang tiếp theo là chỗ ở của gia đình chủ đò, cũng có mui vòm, có cửa đóng mở, có sàn trải chiếu để ngủ, cách biệt hẳn với gian ngủ, chơi của khách. Sau cùng là chỗ để máy đò, bánh lái để người lái thuyền điều khiển đò. Nghĩa là con đò Huế giống như một ngôi nhà di động. Bây giờ gọi là thuyền Rồng, thuyền Phụng, có cái đơn, có cái đôi (gọi là bằng)… Ở trên những chiếc bằng, người ta thiết kế cả sân khấu, chỗ ngồi có ghế cho khán giả, lại có cả hai phòng ngủ giường nệm rất đàng hoàng. Các đò ca Huế, nhà hàng nổi trên sông hiện nay đều theo thiết kế này. Khách xuống đò hoàn toàn tự do, không ngại chủ đò nghe ngóng, hay nhìn thấy. Những dịp Festival Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chủ trương cho dân đăng ký phòng trọ trên sông Hương. Mấy chục hộ đò đã đăng ký đón khách trên sông. Nghe nói đã có rất nhiều đò đón được hàng trăm khách Festival qua đêm. Như vậy, tỉnh đã không quan niệm ngủ đò là xấu! Đó là sự cởi mở đáng khích lệ để cho văn hóa ngủ đò trên sông Hương phục sinh. Vâng, ngủ đò sông Hương là thú chơi văn hóa, sao lại không? |