Home Văn Học Tùy Bút Sài-Gòn thương mấy cho vừa nỗi đau

Sài-Gòn thương mấy cho vừa nỗi đau PDF Print E-mail
Tác Giả: Phương Triều   
Thứ Bảy, 24 Tháng 10 Năm 2009 13:29

(Xin lỗi, tôi mượn Thơ của quý vị để nói chuyện nầy chuyện nọ.
Nếu tôi có nói trật điều gì, xin quý vị cứ cười, nhưng đừng giận.) "SÀIGÒN THIẾT THA TRONG NỖI NHỚ"

 

Trong bài GIÓ ĐƯA MÂY KHÁC, tôi viết:

Trước 1975, Sàigòn đã không còn là đất riêng của dân địa phương hay dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sàigòn là nơi tụ hội của tao nhân mặc khách, của hào kiệt tứ phương, của đồng bào gốc ba miền Nam Trung Bắc. Người gốc miệt vườn miền Nam, gốc miền Trung, gốc miền Bắc đã sống thuận thảo với nhau, góp tay xây dựng Sàigòn thành một thành phố văn minh trù phú.

Ở hải ngoại, nhiều bài viết về Sàigòn của các giáo sư, học giả, nhà văn nhà thơ nhà báo cùng những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, Lam Phương, Nam Lộc, Việt Dzũng... đã khiến Sàigòn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng người ly xứ.

Sàigòn hòn ngọc Viễn Đông. Sàigòn Thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Nắng Sàigòn. Mưa Sàigòn. Dân Sàigòn... Không cần biết gốc gác anh, chị ở đâu. Nếu anh, chị ở Sàigòn thì anh, chị được gọi là dân Sàigòn. Bà con ở các miền quê thường vui vẻ nói với nhau, "Hôm nay có dân Sàigòn về chơi!".

Ba tiếng "dân Sàigòn" dùng để bày tỏ một sự yêu mến chớ không phải để tâng bốc, cũng không phải vì ganh ghét đố kỵ. Điều tôi muốn nhấn mạnh là ngày trước người dân Sàigòn và người dân các tỉnh, miền quê rất quí trọng nhau.

Với ghi nhận nầy tôi xin kể lại một chuyện bên lề. Đầu thập niên 60, tôi làm phóng viên và đặc phái viên cho một vài tờ báo ở Sàigòn nên có nhiều dịp đi về các tỉnh. Có lần nhân chuyến đi làm phóng sự ở miền Tây, tôi ghé lại Cái Tàu Hạ, Cái Xép, Nha Mân (Sađéc) thăm bà con bên nội. Tôi đưa một số tiền bảo mấy đứa em họ làm mấy món nhậu có lươn, tôm, cá. Tôi nằm đưa võng chờ mấy món ngon miệt vườn của quê tôi. Ở đây chắc không thiếu những con lươn vàng, tôm càng, cá lóc lớn như thường thấy ở Quán Biên Thùy gần Cầu Ông Lãnh. Khi bàn ăn dọn ra tôi hơi ngạc nhiên khi thấy lươn là lươn bông nhỏ xíu chỉ lớn hơn con lịch một chút, tôm cá cũng nhỏ.

Tôi gượng cười, "Các em hà tiện quá! Sao lại mua mấy con lịch, tép và cá ròng ròng như vầy nè?".

Em tôi cười ha hả, "Nói vậy là anh không rành rồi anh Hai ơi! Lươn vàng và tôm càng, cá lớn đều được đưa về Sàigòn bán mới được giá, chớ ở miệt dưới nầy toàn ăn tôm cá "giạt" ra thôi! Tụi em mỗi lần nhậu là chơi những "quái chiêu" như: cá thòi lòi, rắn mối nướng lá chanh, chuột đồng ướp ngũ vị hương nướng ăn với xoài tượng bằm.".

Tôi hỏi, "Còn món rắn?" - "Cũng vậy! Rắn hổ cũng được đưa về Sàigòn, còn tụi em chơi loại ri voi, ri cá, bông súng.".

Mấy ngày sau tôi đi mấy chỗ khác cũng vậy. Nhưng người dân địa phương không tỏ ra tự ái hay phiền hà mà còn vui vẻ, "Tụi tôi ăn tôm cá rắn rùa từ nhỏ tới già riết rồi cũng ngán, có khi lại thèm cục cà-rem, ổ bánh mì của Sàigòn. Thôi thì mình dành tôm cá ngon bán cho Sàigòn được cao giá để có tiền mua lại những thứ mình đang cần! Có gì đâu mà phiền! Hơn nữa dân miệt vườn thảo với nhau lắm cậu ơi! Không bao giờ có chuyện tranh ăn đâu!".

Người dân Miệt Vườn đã nhịn món ngon để đãi dân Sàigòn. Đây chỉ là câu chuyện tượng trưng. Thật ra vào thời đó, tình dân tộc nghĩa đồng bào đã được thể hiện một cách đậm đà gắn bó. Rất ít xảy ra những chuyện lường gạt, gian trá, hãm hại lẫn nhau. Thanh thiếu niên ở Sàigòn và cả ở các tỉnh đều học hành đàng hoàng, mặt mày sáng sủa, tóc hớt cao, rất ít cậu bé biết tiếng chưởi thề. Học trò ra đường gặp thầy cô và bậc trưởng thượng đều lễ phép cúi chào, thể hiện đúng mức câu "Tiên học lễ hậu học văn".

Nhìn về Sài Gòn bằng đôi mắt xưa
Ta thấy ta buổi đầu mới lớn
Ôm những ước mơ nam- bắc - đông - tây
Nhốt trong mắt nai của cô hàng xóm!
(Trần Lộc)

và:

Tôi nhớ Sài-gòn đêm tháng chạp
Khi trời trở lạnh gợi hồn thơ
Đường qua phố nhỏ khô tà áo
Từng bước em về như giấc mơ
(Yên Lang)

Có một thời gian nào đó người ta cho rằng con gái thành thị ít người đoan trang hiền thục. Dần dần người ta bỏ hẳn ý nghĩ đó. Con gái Sàigòn, nhứt là nữ sinh được coi như những bông hoa quý trong vườn hoa dân tộc. Người ngoại quốc nhìn phụ nữ Sàigòn tha thướt trong chiếc áo dài đều bày tỏ sự yêu mến và quý trọng.

Là một đô thị lớn đẹp và rực rỡ không thua kém những thành phố lớn của các nước Á châu, dĩ nhiên Sàigòn cũng phải có những địa điểm giải trí dành cho người lớn và du khách, nhưng không có sự lộ liễu phơi bày trắng trợn. Trên đường phố Sàigòn, người ta ít khi thấy được những phụ nữ ăn mặc hở hang.

°
"SÀIGÒN NHƯ NÚM RUỘT"
Sàigòn thiết tha trong nỗi nhớ
Chắt chiu từng giọt máu Sàigòn đau
Thương Sàigòn như khóc cuộc biển dâu
Nhớ Sàigòn,
Như thuở ấu thơ, nghe tiếng mẹ ạ ời ru não nuột...
(Hoài Điệp Tử)

"Chắt chiu từng giọt máu Sàigòn đau". Thương Sàigòn bao nhiêu đau bấy nhiêu. Sàigòn một thời tượng trưng cho sự phồn thịnh của miền Nam đột nhiên lụn bại sau cuộc "đổi đời" để rồi bây giờ tràn ngập những trò ăn chơi sa đọa.

Sài Gòn chiều nay nhớ chiều qua
Bên kia bờ mộng tuổi mùa sa
Nắng chia đại lộ chiều hai lối
Em lạc đường về khuất nẻo xa
(Song Nhị)

Viết về Sàigòn không thể chỉ viết vài trang giấy. Mấy trăm năm nay nhiều người đã viết về Sàigòn, đã chụp ảnh Sàigòn, quay phim Sàigòn, vẽ tranh Sàigòn... Tôi nghĩ chúng ta nên cùng nhau sưu tầm tất cả bài viết và hình ảnh về Sàigòn để in thành một bộ sách bằng giấy quý (nếu được dịch ra nhiều thứ tiếng càng tốt). Bộ sách đó sẽ được trang trọng trao lại cho các thế hệ mai sau.

Cũng nên mời mọi người cùng viết về Sàigòn, đặc biệt là thế hệ:

Sàigòn phóng "vê-lô" rất hăng
Đôi tay hoàng yến ngủ trong "găng"
...
Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
(Nguyên Sa)

Sau 1975, ở hải ngoại, Ngọc Hoài Phương tặng Nguyên Sa bốn câu thơ:

Áo lụa ngày xưa đã nát nhầu
Thơ còn sót lại gửi cho nhau
Mấy mùa hoa nắng chưa tàn úa

Đời vẫn vô tình ai biết đâu.
(Ngọc Hoài Phương)

và theo Đỗ Bình:

thương quê ngập bóng hoàng hôn
đìu hiu xóm chợ, phố phường vắng tanh.
(Đỗ Bình)

Sàigòn với Vũ Uyên Giang:

Đã mất Sàigòn dáng nét quen
Nhìn quanh bao ánh mắt ưu phiền
Phất phơ con phố hoang mang sống
U uất chờ mong lúc biến thiên

Cảnh cũ ngày xưa cũng ngậm ngùi
Người muôn năm trước đã xa xôi.
Không tìm thấy lá me đường nhỏ
Nhưng hạt mưa trầm luân vẫn rơi.
(Vũ Uyên Giang)

"hạt mưa trầm luân vẫn rơi". Tôi nghĩ, chỉ một câu nầy đã đủ diễn tả một tình cảnh nhiễu nhương đau khổ kéo dài đã quá lâu.

°
Thế hệ "Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát"ù hiện còn khá đông ở hải ngoại. Xin mời thế hệ đó viết thêm về Sàigòn. Đặc biệt là quý bà. Vì chính quý bà là những người đã đóng góp không ít trong việc xây dựng và làm đẹp hình ảnh Sàigòn.

Thử nhớ lại đôi điều về Sàigòn xưa:

Sàigòn không những có tóc ngắn mà có cả tóc dài, thấp thoáng cũng có những tóc đuôi gà, tóc thề, tóc bới (búi). Và, Sàigòn có nón lá, nón bài thơ.

Sàigòn không những có áo dài mà có cả áo bà ba, áo túi lỡ.

Sàigòn không những có quần lãnh Mỹ A mà có cả xiêm, váy thanh nhã.

Sàigòn không những có văn thi sĩ, ký giả, nhạc sĩ, ca sĩ mà có cả võ sĩ, lực sĩ và hiệp sĩ thời đại.

Sàigòn có tân nhạc rộn ràng cùng vọng cổ muồi mẫn song hành và các ban cổ nhạc ba miền. Đặc biệt có một sắc thái độc đáo là "tân cổ giao duyên". Người ta mến mộ Trần Văn Trạch, Ban Hợp ca Thăng Long, Ban AVT, Thái Thanh, Anh Ngọc, Duy Trác, Sỹ Phú, Lệ Thanh, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Tam ca Sao Băng, Thanh Thúy, Lệ Thu, Hoàng Oanh, Châu Hà, Bạch Yến, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước, Phương Dung, Thanh Lan, Ngọc Minh, Phương Hồng Quế... nhưng cũng dành sự ngưỡng mộ đối với Út Trà Ôn, Lệ Liễu, Bạch Huệ, Thành Công, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Việt Hùng, Minh Chí, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Hữu Phước, Thành Được, Phượng Liên...

Sàigòn có Tao Đàn của Đinh Hùng với giọng ngâm thơ tuyệt vời của Hồ Điệp, Quách Đàm... Có Mây Tần của Kiên Giang.

Sàigòn có các rạp chiếu bóng Đại Nam, Rex, Eden... nhưng Sàigòn cũng có rạp hát cải lương Thành Xương, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh...

Điều đáng nói là Sàigòn có rất nhiều trường học từ Mẫu giáo đến Tiểu học, Trung học, Đại học, có lập bằng Tiến sĩ đệ Tam cấp và Tiến sĩ Quốc gia. Có nhiều thư viện, nhà sách lớn đầy đủ sách báo. Thầy cô khi đi dạy, nam thắt cà-vạt, nữ mặc áo dài. Ngày Tết nhiều nơi vẫn thực hiện đúng câu "Mùng Một Tết Nhà, Mùng Ba Tết Thầy."

Sàigòn cũ ngàn năm như Chợ Lớn
Bến Chương Dương hay cõi Nhị Thiên Đường
Linh thổ đã bao lần ta đứng lại
Nhìn trăng rằm cổ độ mấy mùa sương
(Trần Tuấn Kiệt)

Thật ra, khi nói về Sàigòn là bao gồm luôn Chợ Lớn. Cuối thập niên 50 còn nghe mấy tiếng Sàigòn - Chợ Lớn. Nhưng, từ thập niên 60 trở đi người miền Nam chỉ gọi chung là Sàigòn.

Sàigòn... Ôi! Sàigòn... Sàigòn đúng như Song Nhị viết:

Em ạ, Sài Gòn như núm ruột
Như con xa mẹ nhớ từng đêm
(Song Nhị)

và bốn tiếng "quê hương Sài Gòn" của Bùi Vĩnh Hưng làm tái tê lòng người:

Cũng là mưa, sao nghe buồn vây quanh
Không như quê hương Sài Gòn mưa xanh
Rồi chợt nắng. Một khung trời rực sáng
Tiếng cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh.
(Bùi Vĩnh Hưng)

Cũng đừng quên mời các thế hệ thứ hai, thứ ba viết về Sàigòn, bày tỏ cảm tưởng về Sàigòn. Có một thời gian nào đó, chúng ta đã lo lắng đến đỗi có cảm tưởng rằng các thế hệ con cháu không biết gì về giai đoạn cận đại lịch sử, về hai nền đệ I và đệ II Cộng Hòa và thời gian sau 30-4-1975. Những nét trưởng thành của thế hệ trẻ gần đây khiến chúng ta phấn khởi. Hơn nữa tuổi trẻ cũng đã có những suy nghĩ và việc làm khiến chúng ta thán phục. Tôi nghĩ các vị trưởng lão đã đúng khi tôn trọng tuổi trẻ và nhường bước cho tuổi trẻ.

PHƯƠNG TRIỀU

SÀI-GÒN

Sài-gòn bao lượt tiễn đưa...
Sài-gòn thương mấy cho vừa nỗi đau!
Sài-gòn trong tiếng nghẹn ngào
Dù thân cát bụi ta nào lãng quên!

Sài-gòn đã thức bao đêm
Sài-gòn đã ngủ mấy niềm cô đơn
Sài-gòn xa lắm tình thương
Ta trong thất lạc sầu cơn bạc đầu

Sài-gòn nghiêng ngửa biển dâu
Sài-gòn mang trái tim sầu đi xa
Sài-gòn lở thịt, bong da
Theo cơn bệnh dữ, tà ma lậm bùa

Sài-gòn Xuân đã lỡ mùa
Sài-gòn cây rụng trái chua đời buồn
Sài-gòn ngày qua lâu hơn
Sài-gòn đau quá nỗi buồn sơ sinh!...