Home Văn Học Tùy Bút “Chân đi xa, trái tim bên nhà...”

“Chân đi xa, trái tim bên nhà...” PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Hai, 05 Tháng 10 Năm 2009 18:55

Chỗ dịch vụ gởi tiền gần tiệm cơm chay, nên tôi hay thấy ông bạn già ở chỗ ấy.

Ông tâm sự với tôi, tháng nào cũng phải gởi về nhà năm ba trăm, khi cho đứa em, khi giúp người bạn cũ, khi gởi cho một người không quen nhưng chỉ vì thấy hoàn cảnh khó khăn của họ đăng trên tờ nhật báo tuần trước. Ở trên đất Mỹ, xứ văn minh giàu có, người ta không phải lo cái ăn cái mặc vất vả, mà nhiều khi thèm tô phở không dám ăn, vẫn chiếc quần đã mặc hơn mười năm nay, chiếc xe cũ đã có lúc nằm đường mà ông vẫn có đủ tiền để gởi đều đều về cố hương.

Cố hương, nơi từ đó ông đã ra đi, thề không ngoảnh mặt lại, chứ khoan nói chuyện có ngày trở về, khi nơi đó còn bọn người đã dày xéo không chỉ có bản thân và gia đình ông mà còn làm cho cả dân tộc ông khốn khổ. Vậy mà, mỗi ngày những tin tức ở quê nhà, trên báo chí, qua đài phát thanh, trong đài truyền hình vẫn như đập vào mắt ông, rộn ràng bên trong tai ông không làm ông dứt bỏ ra được. Xếp tờ báo lại rồi, tắt màn ảnh TV đi rồi, ông còn ngồi đó, có khi lặng người. Có khi ông cảm thấy mệt ngực như sắp đến cơn đau tim, có khi ông cảm thấy mặt nóng bừng như lửa đốt như triệu chứng của cơn cao máu hay cũng có khi ông cảm thấy rã rời như cạn hết sinh lực. Tuổi già, nhiều đêm thức giấc, vào phòng vệ sinh xong, trở lại giường, ông không ngủ tiếp được, cái tin ban chiều trên tờ báo vẫn lởn vởn trong đầu óc, làm ông trằn trọc.

Tin tức từ quê nhà đối với ông có ba loại làm phiền đến ông, loại chính sách cai trị của nhà nước, loại tình trạng xã hội suy đồi và loại thiên tai, nghèo đói.

Ngày miền Nam thất trận quá nhanh chóng, rồi ông bạn già của tôi, ngày ấy tuổi còn thanh xuân, phải tập trung vào nhà tù Cộng Sản, ông thường kín đáo tâm sự với bạn bè nếu như ông ngồi tù trong này vài ba năm mà dân tình miền Nam no ấm, hạnh phúc hơn ngày trước thì chính ông và bạn bè ông đã có lỗi. Nhưng rồi nỗi đau cá nhân, sự đói lạnh của một người tù của ông, nghĩ ra không thấm gì với nỗi nhọc nhằn của gia đình ông cùng cả dân tộc từ Nam ra Bắc. Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc chẳng qua chỉ là cái bánh vẽ làm tốn máu xương của hàng triệu thanh niên nhiệt huyết nhưng ngây thơ và cả tin. Vì sao người ta lại so sánh đời sống nông thôn ngày nay còn thua xa cả thời Pháp thuộc, vì cường hào ác bá hôm nay đầy rẫy và chẳng ai khác xa là bọn cầm quyền có đảng tịch. Vì sao có người đã lầm lỡ đi theo tiếng gọi của đảng Cộng Sản, đã bị tù thời Tây, bị tù Quốc Gia rồi giờ đây lại bị tù dưới chế độ Cộng Sản, mà không ao ước được ra tù, chỉ ao ước được trở lại nằm trong nhà tù dưới thời Pháp thuộc. Thời Tây cũng không nỗi có cảnh “bạt tai, đá đít” hay đánh người đến chết như của bọn công an đời nay mà không bị kết tội.

Ông đọc bài tường thuật của phóng viên báo chí về tình trạng trẻ em Việt Nam ở Kampuchea chỉ mới 8 tuổi đã phải đi khách phục vụ cho bọn người thích ấu dâm mà ông chảy nước mắt. Cháu ông ở đây, tuổi ấy còn đi học, lo ăn lo ngủ. Loại người nào, chế độ nào đã xua đuổi những đứa trẻ như thế vào chốn địa ngục trần gian. Có thời đại nào mà tấm thân đàn bà bị coi rẻ như thời Cộng Sản hôm nay, lớp làm vợ ngoại nhân, lớp đĩ điếm nuôi thân, lớp mang thân ở đợ xứ người. Ở quê nhà, bây giờ món hàng phụ nữ như món thịt phơi ngoài chợ, ai cũng coi thường trinh tiết, gia phong hay điều sỉ nhục, miễn sao cho có đồng tiền. Cũng vì đồng tiền người ta bán cả danh dự, kể cả danh dự của đất nước. Xã hội đó tha hóa đến mức khó có thể tưởng tượng ra nỗi, từ những viên chức cao cấp cho đến đứa trẻ kiếm sống ngoài chợ đời đều mang thói lưu manh, lường gạt, đểu cáng.

Mấy hôm nay lại nghe tin bão lụt, trận bão số 9 đánh vào miền Trung, nặng nhất là hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Lại thêm những kẻ không nhà, thêm người chết. Bản tin ấy chắc chắn làm cho nhiều người Việt đau lòng hơn là khi nghe tin, cũng trận bão ấy mấy ngày trước thổi qua Philippine. Một độc giả nóng lòng, xót ruột, mà cũng khá nóng tính, đã gởi ý kiến đến tòa soạn: “Bão Số 9 đánh vào miền Trung: 38 người chết, 90 tàu chìm, 100 ngàn nhà tốc mái. Những chuyện như thế này thì lại không đăng báo rộng rãi để bà con có thể giúp đỡ cho đồng bào trong những lúc tuyệt vọng. Còn chuyện gì đâu không thì lại la lên. Thật không ra trò trống gì. Mong quý vị hãy hướng về quê hương đang chìm trong bão lũ miền Trung. Và nên tạm gạt qua mọi chuyện chính trị. Mong lắm thay.” Cái câu “còn chuyện gì đâu thì la lên!” đáng lẽ dành cho nhà cầm quyền trong nước hơn là để mắng mỏ một tờ báo hải ngoại chỉ có nhiệm vụ đưa tin. Dân đói, dân chết, ưu tiên cứu trợ là nhiệm vụ của ai, chắc chắn không phải ưu tiên là của “đám tha phương cầu thực” này, trong khi nhà nước còn lo nhiều chuyện như lễ hội, thi hoa hậu, thi uống bia, xây thêm sân golf... để tô vẽ cái bộ mặt tráng lệ bề ngoài.

Người ta kêu hải ngoại “hận thù, chống phá tổ quốc” mà tuồn hàng tỉ đô la về cứu đói, như vậy thì có phải chúng ta vẫn khư khư ôm chuyện chính trị hay không, trong khi rõ ràng trên những dữ kiện có thật, “Việt Kiều” làm sao sánh với “Việt Cộng” về tài sản, lối tiêu pha, ăn xài huy hoắc.

Tôi thương những ông bạn già của tôi, rời bỏ quê hương đã hai mươi năm, nhưng “chân đi xa, trái tim bên nhà” như lời nhạc Trịnh Công Sơn. Có những lúc ông mất ngủ vì những chuyện bất công, có lúc ông ngậm ngùi cho thân phận con người trong chế độ ấy, cũng có lúc ông mủi lòng vì cảnh nghèo đói thiên tai, đọa đày trên quê hương. Ông không biết làm gì hơn, chỉ tỏ mối tình bằng những đồng tiền tiện tặn, chia sẻ nỗi nhọc nhằn của của bà con ruột thịt hay đồng bào của ông. Ông biết cái thân thể gầy còm đang mang chứng ung thư kia, đang cần bồi dưỡng, nhưng chưa cắt bỏ được khối u, mà ông còn tẩm bổ thêm, thì khối ung thư càng ngày càng phát triển. Cái ác có khi thắng, nhưng cái ác không tồn tại. Ông vẫn nhớ câu “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” trong Bình Ngô Ðại Cáo.

Chưa lúc nào, ông bạn già của tôi mong sống thêm được vài ba năm nữa như bây giờ. Sung sướng hay nhọc nhằm ông đều đã trải qua, sống thêm vài năm nữa để nhìn thấy cố hương thay đổi. Ôi tấm lòng của những người tha hương như ông bạn già của tôi đây, đếm làm sao hết!