Cây bạch tùng ( the white pine ). |
Tác Giả: Trần Khánh Liễm |
Chúa Nhật, 04 Tháng 10 Năm 2009 20:40 |
Tôi đến Virginia Beach vào buổi chiều thượng tuần tháng tám. Không khí tương đối mát vì cơn mưa rào vừa đổ tới. Những hàng cây tươi dầy đặc hai bên đường. Trường bay xuất hiện, khi máy bay đáp xuống rồi, tất cả được bao phủ dưới những cây rậm. Từ phi trường đi ra, nếu không có những bảng chỉ dẫn thì không thể nào biết được đó là nơi chứa đựng nhiều cơ sở và cả mấy trăm chiếc máy bay của một phi trường quốc tế.
Virginia Beach nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp đón nhận nhiều du khách từ Hoa Thịnh Đốn hay từ những thành phố khác của tiểu bang tới. Nơi đây cũng có nhiều ngàn quân nhân Hải quân của hạm đội đồn trú gồm có căn cứ, các bến tầu đủ lọai từ không vận hạm tới các lọai chiến hạm đủ cỡ. Cảnh trí đẹp về cách xây cất các cơ sở đến những bố trí cây cối đủ lọai, nhất là các loại tùng và phong mọc chằng chịt hai bên đường, kết thành những khu rừng lá xanh tươi. Mỗi lần tôi tới Virginia Beach đều có những cảm nhận về vẻ đẹp này. Hôm nay đến đây với nhiệm vụ trông cháu. Con tôi mới sinh cháu trai thứ hai được sáu tuần lễ. Mẹ bồng con trong một giải vải quấn từ vai xuống hai vòng eo. Còn thằng cu lớn thì tôi bồng bế. Trẻ dưới hai năm không phải mua vé, do đó không có ghế ngồi. Chuyến bay chật ních, không thừa một chỗ trống! Con tôi căn chuyến bay tối với hi vọng hai cháu nhỏ khi lên máy bay đúng vào giấc ngủ, như thế thuận tiện hơn cho người giữ trẻù. Tính chuyện là một việc mà sự xảy ra lại không chiều theo ý người: Thằng cu lớn trước khi lên máy bay, nó đã nhìn thấy nhiều chiếc máy bay đậu trong phi trường. Từ phòng chờ đợi, nó thấy những chiếc máy bay khổng lồ bay lên đáp xuống thật thú vị. Những chiếc máy bay này lôi cuốn sự chú ý của nó nên nó chẳng chịu ngồi yean nhưng được cái nó lại ít đòi những thứ khác. Con tôi về nhà tính tới nay tám tháng để bố mẹ lo chuyện giúp đỡ lúc sinh đẻ. Thế là có thằng cu lớn, rồi lại thằng cu tiù. Thú vị thật. Thằng cu lớn thì lắt tắt bắt đầu biết đi, lúc về nhà nó được đầy năm! Cu lớn sinh tuổi heo, con heo vàng! Nên cả nhà muốn mua một con heo quay để mừng sinh nhật nó. Một bữa ăn có đầy đủ các con, các cháu trên mười người, nếu phải làm một bữa ăn thì cũng không dễ dàng, phải có món nọ món kia. Bây giờ có một chú heo quay 25lbs thơm phức, cộng thêm bún, bánh hỏi, ít chai bia đưa cay, rau thơm và một vài món lặt vặt khác thì cũng xôm trò. Bữa cơm hôm đó vui đáo để. Chàng rể cả của tôi lớn hơn hết trong gia đình, nên những việc gì nặng là tới tay. Anh được trao phó chặt heo. Cái tính cẩn thận, khéo tay đã được gia đình tín nhiệm, nay việc quan trọng như thế này thì làm sao tránh được cái vai trò chủ bếp. Con heo quay vừa đưa về hãy còn nóng. Thế là nó được xả ra một nửa, một nửa để dành cho các con các cháu sau bữa ăn đưa phần về nhà; còn nửa kia được chặt xếp lên đĩa, nhưng những miếng sườn thì được cắt từ phía xương sống ra tới ngoài để cho cả nhà , mỗi người một miếng, khá đẹp. Bố mẹ con cái nâng ly chúc mừng con heo vàng chóng lớn, ngoan ngoãn. Sườn heo nướng ngon quá nên được tiếp lần thứ hai. Và cứ như thế, cả nhà có một bữa cơm thật vui vẻ trong không khí đoàn tụ mừng sinh nhật bé đầy năm. Annie từ phía góc bàn chạy lại nói : ông ơi chắc lâu lâu cũng nên mua một con heo quay như thế này, ngon quá ông ơi. Tôi nói nhỏ : con ơi, con là dứa cháu lớn nhất trong nhà. Con được mọi người yêu quí, chiều chuộng. Ông thường bế con và nâng nưu con hơn ai hết vì lúc đó chỉ có con là cháu duy nhất của ông bà. Annie ôm lấy tôi cảm động. Annie sinh vào những tuần lễ nóng bỏng, công nương Diana vừa tử nạn ở Pháp. Tôi cứ nhớ mãi cái dịp sinh cháu dính liền với cái tang công nương. Ngày mừng cháu ra đời, cả nhà chúng tôi tụ tập đông đủ: Đứa cháu đầu tiên được nuôi nấng kỹ lưỡng. Tôi bắt đầu rửa tay thật nhiều mỗi khi bế cháu. Annie ra đời, đã đưa lại cho gia đình niềm vui vô tận. Rồi đến Matthew, đến Liam, đến Emily, đến Logan! Năm cháu nội ngoại của chúng tôi đã có là niềm an ủi và là sợi giây liên hệ trong gia đình giữa cha mẹ, con cháu. Tới Virginia vào buổi giữa đêm. Thời gian bay chỉ ba tiếng mà tôi mệt nhoài. Thằng cu Liam lăn lộn trong tay tôi cả hai tiếng đồng hồ. Mệt quá nó mới đi ngủ, và tôi thảnh thơi được đôi chút. Sáng nay thức dậy trễ, nhưng tôi thấy cơ thể dễ chịu hơn và lại có một chương trình trong một tuần lễ ở đây bế cháu. Tôi không thích bế con nít, nhất là những đứa trẻ vừa mới sinh. Có thể vì không cẩn thận, nó bé quá, sợ đánh rớt xuống đất không chừng. Một hôm nói chuyện với con dâu của tôi, cháu cũng nói : bố con cũng nói vậy. Thế ra không phải riêng tôi mà những người đàn ông như tôi ít khi có dịp để bế con bế cháu. Tay thì khờ khoạng, mà tâm trí thì cũng chẳng khá hơn các bà một chút nào trong việc bồng bế . Chàng rể cả của tôi ít nhất cũng có hai đứa con : đứa mười hai, đứa mười tuổi. Bây giờ cậu ta bế con đã nhuyễn nên mỗi lần về là bồng bế cu Liam. Cu Liam lúc này gần hai tuổi nên đã nói sõi tiếng Việt và biết nhận diện trên mặt hình. Liam nhìn ảnh gia đình đã nhận ra và nói : bác V. Trở lại buổi sáng nay, cha con tôi cho các cháu ăn sáng rồi, bỏ tụi nó vào chuồng. Cái chuồng được đóng khung ba mặt tường, còn mặt khác thì chận ghế bành và cái giường nôi đặt baby để cho bé Logan nằm vào đó. Chúng tôi chuẩn bị sắp xếp lại nhà cửa, vì đã nhiều tháng con gái tôi không có ở nhà để sắp xếp cho gọn ghẽ. Được một lúc sau khi xắp xếp nhà cửa, tôi lấy điện thoại liên lạc với người bạn ở Richmond, Virginia. Tôi đã có ý nghĩ từ khi ở nhà là thế nào cũng phải đi Richmond. Đi Richmond để gặp một người bạn H.O. tôi vừa liên lạc được cách đây sáu tháng. Đã bao nhiêu năm tôi vẫn trông ngóng có dịp gặp lại những người bạn đồng ngũ của tôi. Ông bạn này ngày xưa nằm ngay sát phòng với tôi. Đơn vị của tôi toàn nhà tiền chế nên chỉ cần đục tường là có một lỗ liên lạc với nhau. Cách ngày mất nước ba năm, khi tôi được chỉ định về coi đơn vị. Một ngày mưa to gió lớn, chúng tôi bị nước tràn vào từng căn nhà .Sáng dậy : giun, dế, cả rắn nữa không chừa phòng nào mà không có. Đơn vị tôi, những người làm văn nghệ, cứ gọi là nghệ sĩ đi! Tôi quyết định lập một kế hoạch chống lụt. Thế là anh em ngồi bàn với nhau : đơn vị nhỏ của tôi chỉ được cấp phát có 200 lít săng cho một xe jeep, một xe dodge và một xe truck. Làm sao có thể đủ xăng chạy. Chúng tôi mỗi khi đi công tác xa thường được cấp bông xăng, lại khi đến đơn vị thì cũng được lì xì một vài cái bông xăng. Cha con ráng dành dụm để tặng lại cho đơn vị bạn, nhờ chở đá đất sửa lại các căn phòng làm việc. Tôi chạy tới công ty đường V.N xin được hai trăm bịch xi măng. Chúng tôi đào đất chung quanh nhà, đào một chiếc hồ lớn chứa nước chảy từ chung quanh nhà ra đó để nuôi cá tra, một hồ nhỏ trồng hoa sen và thả cá phi. Sau ít tháng, chúng tôi đã làm xong kế hoạch. Thế là hồ cá tra được thành hình , bên trên là chỗ để tạo đồ ăn cho cá. Hồ sen được thả cá phi và trồng sen. Những buổi sáng trước giờ điểm danh hay buổi chiều những nhân viên trực đều ra ngắm những bông sen nở ra thơm phức. Mấy tháng sau hồ cá cha đã hoạt động vui vẻ. Nhân viên trực được câu cá phi, nhưng không được dí điện, sợ cá chết cả hồ. Thế là các anh em trong đơn vị của tôi câu cá, đưa vào câu lạc bộ nhờ chiên với xả cho buổi tối trực thêm hương vị. Câu lạc bộ đơn vị của tôi không cho đấu thầu như những đơn vị khác, mà để dành nuôi gia đình tử sỹ. Kế hoạch nuôi cá tra là để khi nó lớn bán đi lấy tiền cho nhân viên đi công tác hay xử dụng vào những công việc hiếu hỉ. Khi nhạc sĩ Anh Thi tử nạn nhân chuyến đi công tác tại Qui nhơn. Trong xe có Mạc Thế Nhân, Người Nhạn Trắng, chuyên viết truyện ma và Anh Thi. Xe jeep lật thì có người bị thương, cả ba được đưa vào bệnh viện băng bó. Anh Thi tỉnh táo không sao, nhưng vì cẩn thận để tránh những bất trắc. Đêm hôm đó Anh Thi lên cơn và đã ra đi tất tưởi. Lúc đó Anh Thi mang cấp bậc trung sĩ. Anh Thi được nhiều người biết tên đến nhờ bài Hoa Biển của anh. Nếu tôi không lầm thì cũng vì thế mà anh có tên trong cuốn hải sử của Hải Quân Việt Nam. Sau cái tang này, chúng tôi dành việc trông coi câu lạc bộ của đơn vị, không nhạân tiền đấu thầu, để gia đình Anh Thi, gồm bố mẹ và các em làm việc lấy tiền nuôi gia đình. Trọng những kỷ niệm như thế, nên tôi cố tìm mỏi mắt mà không gặp được những bạn đồng ngũ. Thọ là sĩ quan tiếp liệu của chúng tôi. Anh đã khéo thu xếp mọi chuyện trong đơn vị. Chúng tôi có nhiều tâm tình với nhau. Sâu đậm như thế làm sao mà không nhớ nhau, không tìm gặp lại với nhau. Lý do thứ hai tôi muốn đến Richmond để thăm một người bạn khác, năm ngoái khi nghe tin tôi tới Norfolk, anh đã không quản ngại lái xe xuống thăm chúng tôi. Hôm đó vợ tôi nấu phở tiếp bạn, được bạn khen là ngon. Mới gặp năm ngoái mà năm nay lại còn muốn gặp. Chỉ vì ân tình. Tôi coi ân tình nặng nên đã viết cuốn Tình Viễn Xứ kể chuyện ba tháng sống ở Lyon, cùng bà xã chăm lo cho bà nhạc bị bạo bệnh. Sau những giờ ở nhà thương về, tôi lang thang trên hè phố, có khi đi trên những bờ đê trên giòng sông Sôan, nghe đủ mọi chuyện. Nhớ và ghi lại để chia sẻ với bạn đọc. Cuốn sách dự trù gửi về chùa bán gây quỹ. Vì những chuyện không vui nên chỉ tới tay thầy thượng tọa trụ trì có một cuốn và một số cuốn cho bạn bè ở Lyon. Tôi được biết người bạn tên họ Kiều từ khi ở Việt Nam, nhưng sâu đậm nhất trong thời gian chúng tôi cùng học ở California. Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trong lớp học hay ngoài những quán ăn trong trường. Học xong mỗi người mỗi ngả, nổi trôi. Sau mười lăm năm tôi gặp lại khi đi qua Richmond. Cả hai vợ chồng làm ăn khá giả. Vợ chồng con cái ở một căn nhà khá lớn ngay bên cạnh bờ hồ. Nhà có chiếc thuyền nhỏ để những lúc nhàn rỗi bơi lội thưởng thức cảnh vật. Bạn tôi vì còn bà cụ ở lại Việt Nam nên cứ mỗi lần về mất cả một hai tháng. Người vợ ở nhà lo tiệm và nuôi nấng các con. Trong chuyến dừng chân lại ngủ một đêm, chia nhau chai rượu và những miếng thịt nướng, để lại bao nhiêu tâm tư quí mến và mừng cho những thành công của nhau. Tôi cũng được nói chuyện với chị và chia sẻ tâm tư. Trong cái ưu tư và lo lắng tôi thấy tội nghiệp, không biết bao lâu gia cảnh mới ổn định, các cháu khôn lớn và thành tài. Tôi muốn trở lại gia đình này một lần nữa để tận mắt nhìn thấy cảnh êm ấm và sự trưởng thành của các cháu. Trước khi đi Virginia, Tôi đã liên lạc và định một mình đi tới đó. Thế nhưng được các bạn quí mến tình nguyện đưa đón. Tình người sao tới lúc này vẫn còn sâu đạâm đến như thế! Tôi gọi cho bạn Kiều để hẹn đón tôi. Ngày thứ sáu, tôi lấy con gà đi bộ tươi ra rửa rồi cho lên nồi nấu phở. Vào buổi trưa, chúng tôi đã gặp nhau. Tôi đưa phở mời bạn. Bạn tôi khen ngon cũng như lần trước được vợ tôi tiếp đón bằng tô phở nóng. Chúng tôi lên xe trực chỉ Richmond. Vui chuyện quá, bạn tôi lạc đường trước khi ra khỏi Norfolk! Đường đi hôm nay có nhiều xe nên tương đối chậm. Bạn tôi nói đoạn đường này lúc nào cũng như thế. Chỉ một trăm dặm mà mất gần ba giờ lái xe. Rốt cuộc chúng tôi đã tới nhà. Tay bắt mặt mừng, tôi gặp vợ bạn trong tay dang ôm thằng cu tám tháng nặng trĩu. Như đã hẹn, chúng tôi tới càfé starbuck. Gặp được Thọ, anh em vui mừng, thỏa dạ mong nhớ. Thọ trông chững chạc hơn trên ba mươi năm về trước. Anh đã có gia đình, có hai đứa con gái và đã ổn định cuộc sống. Chúng tôi mừng cho anh. Cả ba chúng tôi nhâm nhi ly càfè nóng, chuyện vãn không ngừng và biết được sự liện hệ giữa Kiều và Thọ. Chúng tôi mừng cho nhau và mừng cho ngày anh em gặp gỡ trong dịp này. Trở về nhà bạn Kiều, tôi được dẫn đi thăm quanh nhà. Phía trước có cả ba cây bạch tùng lá xanh mướt thật đẹp. Một cây phong mầu đỏ rồi nối tiếp là thông. Phía sau có dàn dây leo, nếu tôi không lầm là clematis mầu vàng. Vợ bạn tôi có kể những ngày mùa xuân, khi con vành khuyên trở về bên song cửa kèm theo những tiếng líu lo, gợi lại bao rung cảm. Tối hôm đó, chúng tôi dùng cơm tại nhà bạn Kiều. Thọ bắt đầu kiêng cữ. Tôi cũng kiêng, nhưng những dịp như thế này không cho phép. Mấy người chúng tôi đã cưa hết một chai sauvignon đưa cay với món ăn tiếp bạn đầy khoái khẩu. Sau bữa ăn, Thọ về, chỉ còn ba chúng tôi ngồi trong phòng khách trò truyện. Trời về khuya, với đoạn đường vừa đi vừa về, bạn tôi lái xe gần sáu tiếng mệt lử, xin phép đi ngủ sớm. Hai chúng tôi còn lại ngồi nói chuyện về cuộc đời, về những thành công, về con cái, về việc dậy dỗ các cháu về những rung cảm trước những cảm hứng, viết thành lời cho người chồng viết những giòng nhạc trầm bổng. Chị cho tôi biết đã viết nhiều lời cho nhạc trẻ, từ khi con gái có mang cho tới khi cháu đầu lòng ra đời và bây giờ bồng bế nó. Chúng tôi nói chuyện quá nửa đêm, xem bộ đã mệt. Tôi có lời mừng cho cặp vợ chồng này. Nhất là cả hai đã hoàn tất bổn phận nuôi dưỡng con cái cho tới ngày nay thành đạt. Họ không còn lo lắng mà chỉ chăm lo công việc thường nhật. Những lúc rảnh rỗi, chị viết lời , anh phổ nhạc. Tôi thấy chị đã có được sự bình an vào tuổi này. Buổi sáng thức dậy, tôi và bạn Kiều đưa nhau ra phía trước cửa. Cả hai bàn về việc chăm sóc, cắt tỉa cho ba cây bạch tùng đẹp mượt. Tôi thấy anh chị đang tận hưởng cái đẹp lúc mái tóc bắt đầu đổi mầu; Hạnh phúc tuyệt vời cho tuổi hạc! Một luồng gió nhẹ đu đưa phe phẩy những cành lá trên rặng bạch tùng lả lướt. Không gian tĩnh lặng mơn trớn niềm vui họp quần của bạn hữu./. |