Home Văn Học Tùy Bút Lễ Lao Ðộng ở xóm Bolsa

Lễ Lao Ðộng ở xóm Bolsa PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan   
Thứ Năm, 10 Tháng 9 Năm 2009 10:20
Ngày lễ Lao Ðộng ở Mỹ gần như là ngày báo hiệu Mùa Hè đã thực sự kết thúc, và lòng người cũng sẵn sàng rộng mở chờ đón Thu về. Lễ Lao Ðộng ở Mỹ đã có từ hơn 100 năm nay, rơi vào Thứ Hai đầu tiên của Tháng Chín, khiến cho kỳ nghỉ cuối tuần được kéo dài hơn. Ðối với hầu hết người dân Mỹ, lễ Lao Ðộng là một ngày để vui chơi chứ không phải là để làm việc. Như lệ thường người ta sẽ vui chơi với những người trong gia đình và bạn bè, tổ chức các buổi ăn trưa ở ngoài trời, ra biển hay tụ tập quanh hồ bơi để thư giãn, một số bố mẹ nhân dịp này cùng con cái làm thêm một chuyến chơi xa trước khi bước vào năm học mới.
 
Tuy nhiên, theo thống kê, năm nay số người không dám vui chơi nhiều hơn hẳn những năm trước đây. Người ta ước tính có khoảng 39 triệu người Mỹ đi chơi xa bằng xe hơi hay máy bay vào cuối tuần này. So với năm ngoái con số này đã giảm đi 6 triệu người.
 
Nhìn chung là vậy. Riêng đối với những gia đình bình dân sống quanh đây thì kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn này vẫn mang đến cho họ những điều thú vị riêng. Người có tiền ăn lễ theo kiểu có tiền, người ít tiền cũng có kiểu hưởng lễ theo cách của riêng mình. Dạo một vòng quanh Little Saigon trong những ngày cuối tuần qua cũng cảm nhận được một không khí lễ lạt rõ ràng.
 
Ðường phố dường như vắng hơn trong cái nắng oi nồng cố rớt lại trước khi chia tay Mùa Hạ. Xe đậu dày hơn, đông hơn trong các con phố. Văng vẳng đâu đó trong các xóm nhà đông người Việt có tiếng nói cười lao xao. Thỉnh thoảng lại giật mình nghe những câu, “dzô, dzô, trăm phần trăm,” rất đúng kiểu người Việt. Không biết xuất phát từ đâu mà người Việt nhậu thì phải cụng ly, phải “dzô” thì mới ra dáng nhậu! Có điều, nhậu xong sớm thì cũng ráng ngồi lại nhà bạn hay người quen cho tan hơi men, không thì nhờ ai đó chở về. Bài học của “người nổi tiếng A.Q” vậy mà cũng hay cho nhiều người, phải nhớ.
 
Ðó đây lại phát ra âm thanh của những giọng hát “có tuổi nhưng chưa có tên.” Bên này người ta không quen đi đến những tiệm karaoke để hát như ở quê nhà, mà hình như cũng không có mấy chỗ để mà đi, thì tụ tập nhau cùng ăn cùng hát ở nhà vậy. Không được ái mộ để khán thính giả bình chọn yêu cầu hát trên Thúy Nga Paris, thì ngồi nhà rỉ rả tình khúc của Lam Phương, Trịnh Công Sơn, Ðoàn Chuẩn-Từ Linh gì gì đó, để da diết lòng người trong nhà và đau nhức lỗ tai hàng xóm. Cũng là một kiểu nghỉ lễ. Vui mà.
 
Hàng quán tiệm ăn cũng đông đúc và ồn ào hơn. Ghé vào một tiệm ăn lấy hàng đã đặt trước, vậy mà cũng phải chen chân, luồn lách qua người đứng người ngồi chờ bàn vào ăn. May là đã học được chút ý thức văn minh, muốn vượt qua người nào là phải cất tiếng hỏi trước, “Anh/chị/cô/chú có đang chờ lấy thức ăn không?” họ lắc đầu thì mình mới dám vượt lên, và lại hỏi người đứng trước, cứ thế. Dẫu mắc công nhưng không “bị quê” hay bị cho là “đồ mất lịch sự” như một thiếm nọ xớn xác nhào lên, la to, “Cho lấy 50 cái gỏi cuốn đặt trước đi!” Vừa nói xong, bị ngay một anh chàng đẹp trai đứng cạnh nói nhỏ nhẹ, “Tôi đến trước vẫn còn đang xếp hàng đây. Bà phải chờ sau tôi.” Bà thím lỏn lẻn, “vậy hả, ai biết” rồi le te ra đứng xếp hàng sau anh đẹp trai. Ông bà bảo, “nhập gia tùy tục,” ở nơi mà xếp hàng theo trình tự trước sau đã là văn hóa thì người quen với cảnh bon chen, xô đẩy, mạnh được yếu thua trước đây cũng phải ráng mà học để làm quen, nếu không muốn người khác nhìn mình như... kỳ đà quái đản.
 
Không ăn uống ở nhà, không tập làm ca sĩ thì đi kiếm cái gì mua sắm cho thỏa mãn thú shopping cũng được. Shopping ngày lễ cũng lắm điều thú vị. Choáng ngợp trong một rừng nào sale, nào giảm, nào mua hai tặng một, nào mua một cái trả tiền nửa cái, nào mua lần này tiết kiệm lần sau... Ðủ mọi kiểu mời gọi người ta phải dừng bước để mà ngắm nghía, lựa chọn, thử tới thử lui. Sau vài tiếng dạo shop, có người khệ nệ túi vác túi mang, có người cũng nhẹ tênh với mỗi cái ví đeo vai, bởi chẳng có gì mua được.
 
Lựa hàng xong thì tạt luôn vào khu vực ăn uống gần đó. Ðây chỉ toàn loại fast-food nhưng được cái đông hàng quán, nhiều chỗ ngồi nên lại cũng hay luôn. Vừa nhâm nhi món khoai tây chiên, uống ly nước ngọt, vừa ngắm dân tình chung quanh. Cạnh bên trái là đôi vợ chồng trẻ người Việt, cạnh bên phải là đôi vợ chồng không già người Mễ. Cả hai cặp đều có chiếc xe nôi với một cô nhóc hay chú nhóc ngủ ngon lành để ba mẹ yên tâm ăn uống, bàn tán chuyện mua sắm sau vài giờ lùng sục đồ sale. Góc kia cặp vợ chồng già Korean (đoán vậy, bởi nhìn họ sao giống những nhân vật ông bố bà mẹ trong các bộ phim Hàn Quốc thường chiếu trên tivi) đã ăn xong, nhưng vẫn còn ngồi lại nhìn người chung quanh để mà ngẫm chuyện thế gian.
 
Bên này một bác trai đẩy chiếc xe lăn có bà bác ngồi trên đến tìm chiếc bàn trống. Một chiếc túi in hàng chữ một cửa tiệm treo sau chiếc xe lăn. Có lẽ hai ông bà cũng vừa tìm một chút niềm vui trong cái thú lựa chọn hàng giảm giá. Ðâu cần phải đi tận đâu xa, chỉ quanh khu Bolsa này thôi, bà bác cũng đã có được nụ cười mãn nguyện của một ngày chơi lễ, trong lúc chờ ông bác xếp hàng mua thức ăn.
 
Góc kia một nhóm gần 20 đứa cỡ tuổi high school, đủ trai đủ gái, cũng râm ran chuyện trò. Phần đông chúng là người Á Châu, nhưng không dám chắc là Việt, bởi tất cả chỉ cùng nói thứ tiếng Anh dễ hiểu của chúng.
 
Cuộc sống ngoài kia có dẫu đang bộn bề, nhiều người ngày nay không đi chơi, ở nhà lên Internet tìm kiếm việc làm hay viết cho trọn vẹn hơn bản resume chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tìm việc ngày mai, nhưng trong góc nhỏ nơi đây, nhìn những người dân bình thường đang cảm nhận những niềm vui hạnh phúc, chợt thấy lòng bình yên khi nghe tiếng cười khúc khích của hai đứa nhỏ đang hướng về mình.
 
Một kỳ nghỉ lễ bình an, không mấy tốn kém đã qua, lại tiếp tục bắt tay vào công việc hối hả ngày tới.