Home Văn Học Tùy Bút Hippie năm cũ!

Hippie năm cũ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Quỳng Giao   
Thứ Năm, 10 Tháng 9 Năm 2009 08:17

Khi Phạm Duy viết bài “Kỷ Niệm”, ông mới có 45 tuổi.

Vậy mà đã đòi... xin đi lại từ đầu! Sau đó ông cũng đã vội xưng là “gã Duy già” rồi trở thành một gã hippie già như ông thường nói đùa.


Trong bài “Kỷ Niệm” để nhìn lại tuổi ấu thơ, ông đã có những lời tiên tri:
 
Bông hoa cài trên áo
Trên môi một nụ cười.
 
Tiên tri vì một năm sau, một ca khúc mới vang lừng thế giới từ một thành phố khi ấy còn xa lạ với nhiều người Việt. Bài “San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair)” xuất hiện vào năm 1967 như một lời hiệu triệu cho phong trào hippie. Hãy cùng đổ về nơi đó, với bông hoa cài trên tóc. Vài năm sau, phong trào này mới lan tới Việt Nam sau khi chinh phục cả thế giới.
 
Vào thời đó, phải mặc áo bông in màu sặc sỡ, hoa cài trên tóc hoặc dán trên má, dưới mặc quần ống loa với dây lưng to bản có hình phản chiến trên cái khóa... thì mới là người biết điệu và hợp thời trang! Ðúng là “cho tôi thời non yếu, dễ khóc dễ tin theo” như Phạm Duy đã viết trong bài “Kỷ Niệm”.
 
Sau này rất lâu, người viết mới có dịp... “về nguồn” khi thăm khu vực giữa hai đường Haigh và Ashbury tại thành phố San Francisco.
 
Nói là “về nguồn” cho oai, chứ người viết chưa từng có một giây là hippie, mà thật ra cũng chẳng biết hippie là gì! Nhưng người ta kể rằng phong trào hippie xuất phát từ khu vực tồi tàn ấy. Có một thuyết đã giải thích chữ hippie từ chữ viết H.I.P. của Haigh-Ashbury Independent Property. Ðây là nơi tập trung một số thanh thiếu niên chán đời và muốn dựng lại một đời sống mới, tương phản với lối sống vô vị của bọn trưởng giả! Có khi họ là thế hệ cha anh của đám Tây-Mỹ đeo ba lô sống đời phiêu dạt ngày nay.
 
Khi qua đến Mỹ và tìm hiểu chất ma túy tinh thần đã mê hoặc một thế hệ trẻ thì mình thấy như trở về chuyện cổ.
 
Ðời nào cũng có một lớp người muốn chứng tỏ là mình bất cần đời. Cao điệu hơn thì họ nâng lối sống đó lên hàng triết lý hoặc mở ra một trào lưu mới. Phong trào hippie cũng thế. Khi các nước Tây phương giàu có đã phục hồi sau chiến tranh và kinh tế tạo ra sự thịnh vượng, lớp người trẻ bỗng khinh miệt xã hội tiêu thụ đại chúng ấy, họ tìm một giấc mơ khác.
 
Giấc mơ ấy có thể là một thế giới thanh bình không có chiến tranh. Họ trở thành lớp người phản chiến và chống chiến tranh ở nơi đang xảy ra chiến tranh dữ dội, là Việt Nam. Hãy yêu nhau đi chứ đừng chém giết nhau làm gì! Họ gào như vậy ở bên này vùng hỏa tuyến, trong các thành phố còn thanh bình nhờ sự bảo vệ của các binh lính mà họ khinh miệt. Sài Gòn năm xưa cũng có hiện tượng ấy, dù không đến nỗi ồn ào kệch cỡm như tại Hoa Kỳ hay các thành phố Âu Châu.
 
Giấc mơ ấy có thể là một thế giới đại đồng đầy tình huynh đệ. Người người coi nhau là anh em và yêu nhau thắm thiết trong cả nghĩa đen. Phong trào hippie xuất hiện cùng cuộc cách mạng tình dục và nồng nhiệt ngợi ca việc yêu cuồng sống vội. Vào thời đó, tấm hình gần như lõa thể của vợ chồng John Lennon và Yoko Ono là một mời chào rất khêu gợi.
 
Giấc mơ ấy có thể là một thế giới của ảo giác do cần sa ma túy phả lên. Những màu sắc hình tượng huyền ảo phiêu diêu ấy đã tràn qua thế giới thời trang hay hội họa, phim ảnh và cả âm nhạc phổ thông, với cuộc hòa nhạc nổi tiếng ở Woodstock cách nay đúng 40 năm.
 
Giấc mơ ấy có thể là một thế giới buông thả, nơi mà tuổi trẻ đương nhiên phải là những người ngự trị. “Trên ba chục tuổi thì hết là kẻ đáng tin!” đấy là một khẩu hiệu. Chỉ còn thiếu một điều là cho người già leo cây dừa để tuổi trẻ ở dưới rung cho rụng. May là chuyện đó không xảy ra.
 
Giấc mơ ấy của họ cũng có nét hướng thượng, là tìm về Ðông phương thần bí, tu tập với những đạo sư Ấn Ðộ hay leo lên Katmandou của Nepal để tĩnh tâm. Thế giới duy vật của Tây phương là những gì đáng xa lánh hay phỉ nhổ, và lên tới Katmandu mà húy cần sa thì còn chóng đắc đạo hơn nữa.
 
Một số người cao điệu trong phong trào này thì vươn tới cảnh giới của Lão tử, một trạng thái vô vi của con người và xã hội. Nhiều nhà xã hội học đã chỉ dẫn họ tới con đường vô vi đó để cứu vớt sự trầm luân của một thế giới vật chất quá ngăn nắp, đầy ràng buộc.
 
Cứ như vậy, giấc mơ ấy cũng dẫn họ tới thiên nhiên hay cảnh giới tiền văn hóa của loài người. Văn hóa và văn minh cơ khí làm con người sa đọa nên chúng ta phải tìm về trạng thái hồn nhiên chân thật từ thuở hồng hoang.
 
Bây giờ nhớ lại thì ngần ấy giấc mơ đã hòa thành màu gây loạn sắc, thành lối sống phóng túng buông thả cho tới khi những người trong cuộc bị đẩy tới tuổi ba mươi để trở thành già lão trước tuổi. Họ âm thầm hay mệt mỏi ngồi xuống, phong trào hippie ồn ào đó tan lịm dần như bọt biển trên cát. Những người chạy theo phong trào hippie tại Sàigòn thì không gây được tiếng vang gì vì sự ồn ào của họ bị át trong tiếng đạn bom của Mậu Thân.
 
Còn lại là gì?
 
Là dư âm của các ca khúc phản kháng, phản chiến hay những tác phẩm tuyệt vời của Bob Dylan mà điển hình là “Blowing in the Wind”. Hãy để cho gió cuốn đi. Nghĩ lại thì đấy vẫn là một kỷ niệm dễ thương và thật ra không độc ác như một trường hợp của Ðông phương.
 
Ngày xưa, vào cuối đời Tam Quốc cũng có một số người không chấp nhận đời sống trước mắt và những eo xèo nhân thế trong triều mà lui vào ẩn sâu trong rừng trúc. Họ là bảy người làm thành nhóm “Trúc lâm thất hiền” nổi tiếng trong văn học và nghệ thuật về tinh thần phản kháng rất đẹp. Mãi sau này người viết mới được biết rằng nhóm ấy rã đám, có kẻ bước ra làm quan và còn hại nhau khiến một nhạc sĩ trong đó là Kê Khang bị thảm tử! Dân hippie không đến nỗi xấu như vậy.
 
Và một vài ca khúc của thời ấy nay vẫn còn lãng đãng trong thế giới của chúng ta....
 
Nữ ca sĩ Quỳnh Giao còn là giáo sư dương cầm về nhạc cổ điển Tây phương.