Home Văn Học Tùy Bút Hà Nội, nhìn đâu cũng thấy “khẩu hiệu”

Hà Nội, nhìn đâu cũng thấy “khẩu hiệu” PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Minh Hà   
Thứ Tư, 09 Tháng 9 Năm 2009 18:21

LTS: xin giới thiệu bài viết dưới dạng ký sự của nhà văn Lê Minh Hà trong chuyến cùng gia đình đưa người con trai lần đầu về thăm Việt Nam. Lê Minh Hà, hiện đang sinh sống tại Ðức.

... Và lại rơi đánh phịch vào trong cái ồn ã chứa đầy sức sống tôi chưa cảm hết của những dãy phố mới thành hình. Trên cao biểu ngữ đỏ rực, dưới thấp biển báo mời chào đủ mọi màu sắc. “Vịt nướng đi em” bên cạnh lời mời “Tắm thuốc bắc”. “Khoan cắt bê tông” nằm sát “Dịch vụ sản xuất thương binh nặng.” Sát bên hàng “Bánh tẻ quê hương nhân thịt lạc” là tiệm “Thời trang tóc và Gối chăn ga Hàn Quốc.”

Hà Nội có khác chăng chỉ còn là mấy nhà hàng nhớn nhằm vào đám khách ngoại quốc hay đôi ba người có tiền chê nước dùng (miền Nam miền Trung gọi là nước lèo đây), nóng chảy mỡ nhưng ưa mì ống Ý ăn giữa không gian máy lạnh. Hàng ăn mở thẳng ra đường, hàng ở, tỉ như hàng tắm thuốc bắc kia thì cửa kính mờ đóng kín đáo. Những quán “bia cỏ” người ngồi ràn rạt làm thằng con tôi kinh ngạc kề sát bên phòng khám hay hiệu thuốc.

Nếu cứ nhòm vào các nhà hàng kiểu này thì thấy dân mình sướng kinh khủng, chỉ thấy ăn và uống, sự ăn uống đã trở thành cả một công nghệ cực kì phát triển. Nhưng cậu lái xe thì khuyến cáo tôi hãy gắng nhìn qua những khe kẽ ở mặt phố ra phía sau.

Phía sau, giữa Hà Nội, là những ngõ hẹp chi chít nhà và người, ở ngoại thành mới mở, là cánh đồng ruộng nước phấp phới bù nhìn, hàng rào nilon ngăn chuột và đôi ba bóng người lủi thủi dưới nắng. Từ trên xe nhìn ra, không còn nữa cánh đồng Phùng vừa được cày ải và tháo nước, con cua càng khó nhọc bò trên luống cày, nơi tôi đau đáu nhớ một Hà Nội vừa rời buổi sáng, chờ chuyến xe xuôi cùng bao nhiêu người đàn bà tần tảo với bịch xô màn nhà dệt, với khối mật mía nặng như bộc phá, với thịt chó, bu gà, dưa lê, thúng bún, thúng nem chua. Rất nhiều người trong số đó là học trò cũ của trường tôi, gặp nhau miệng chào cô ạ cô ạ tay dúi thẳng hàng hóa vào lòng cô hi vọng qua mắt phòng thuế để yên lành tới được chợ Hàng Bè, Hàng Da, chợ Âm Phủ, chợ Hôm và bao nhiêu chợ cóc mới thành. Họ giờ cũng tuổi bốn mươi rồi, không biết đã thôi lam lũ, không biết có ra được mặt phố làm bà chủ nhỏ hay hết ruộng rồi vẫn phải lần hồi kiếm ăn quanh nuôi chồng con?

Giữa rừng người bịt mặt phóng xe máy nháo nhào kiếm sống, giữa cánh đồng còn chưa bị những dự án quy hoạch ma thôn tính toàn phần từng lúc lại hiện ra một khoảng xanh mênh mang cây lá, một biệt thự như được khuân thẳng từ một góc phố Châu Âu nào đặt giữa một vườn hoa cũng hệt ở Châu Âu, con đường vào uốn lượn có rất nhiều cổ thụ bứng nguyên cây từ trên rừng về trồng lại trên đất ruộng nghiêng mình trầm tư. Ðấy là trang trại, là nhà của các đại gia. Không thể hình dung nổi mức độ giàu có của lớp người mới này, nhưng có thể tận mắt thấy cực kia của đời sống. Thế mà một đại gia bạn tôi còn chép miệng “bọn mình mới chỉ coi là trung nông.

Phú nông địa chủ thật ra là viên chức nhà nước. Có điều họ chưa xây nhà, chưa ăn chưa chơi như bọn mình khi chưa đến thời hạ cánh.”

Bạn tôi không có lí do gì để đùa cợt trên sự thiếu hiểu biết của tôi. Chỉ mới hôm kia thôi, trên đường sang làng gốm Bát Tràng, dừng chân thăm một nghệ sĩ về sống ở Văn Giang, nơi có công trình Bắc Hưng Hải nức danh miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa khi xưa, tôi đã thấy đằng sau nhà của chủ nhân một khu đất mênh mông đã giải tỏa xong xuôi. “Năm trăm héc ta” - ông chủ khàn giọng kể - “người ta đền bù cho dân 19 triệu một héc ta, và bây giờ rao bán 6 triệu một mét trên ti vi, nhưng thực phải trả 15 triệu một mét. Không biết chúng nó chạy cửa nào để đuổi được dân đi như thế này. Bao nhiêu nước mắt. Cả máu...”

Và đất nước từng ngày thay đổi theo hướng đô thị hóa, hay nói đúng hơn là tỉnh hóa. Và khoảng cách sướng khổ giữa con người từng ngày giãn dần ra. Chúng ta hay nói về khoảng cách giàu và nghèo, tôi nghĩ ở đâu chẳng vậy. Hãy nói về khoảng cách sướng khổ. Tương quan tinh thần này có gốc rễ từ tương quan vật chất, đã đành, nhưng nó soi rọi cho người ta thấy rất nhiều điều khác.

Và khi đó, sẽ không thể yên lòng khi nhìn mông thôn nữ mẩy căng sau lớp quần Jean thường là hàng Trung Quốc, vai trần thôn nữ phơi qua cổ áo cắt theo kiểu Hàn Quốc, chân thôn nữ ngả nghiêng trên đôi giày cao gót rất đỗi Hà Nội phố. Cũng không phải là bằng chứng của sự đồng đẳng về chất lượng sống, khi thanh niên làng hát karaoke, bà lão mặc quần hoa ra ngõ hóng gió, và các cô các chị trong làng giờ bữa cơm chiều sai con vác bát đi mua dưa cà tương mắm như ở một góc đường phố nào giữa Hà Nội, Sài Gòn.

Sẽ, bất an, khi từ nghĩa trang Yên Kì xuôi về Hà Nội chỉ một quãng đường đã thấy một cái cổng cao vòi vọi trên có tấm biển rất “hoành tráng” “Công viên Vĩnh Hằng”. Thoáng nhìn, tôi tưởng đó là một công trình văn hóa nào của địa phương và bật cười vì chuyện nghĩa trang dành cho người chết kề bên công viên chơi nhởi dành cho người sống. Chứ sao, chẳng phải là một ý tưởng tuyệt vời ư, khi để sinh kề bên tử.

Nhưng không phải, công viên Vĩnh Hằng là một nghĩa trang tư bên nghĩa trang công. Ở đó, các đại gia mua đất xây mộ phần cho người thân, cũng là chuẩn bị sẵn sinh từ kiểu mới cho mình. Nghe nói kiến trúc của các ngôi mộ ở trong đó đẹp lắm, chí ít vì có không gian. Có ngôi mộ ngự hẳn trên diện tích 400 mét vuông. Bao nhiêu tiền của nhỉ? Khi viết Ðất đá ong chan ngàn ngấn lệ, Quang Dũng làm sao hình dung được quê mình có những địa danh mới tinh như thế này.

Những người dân thường chắc chắn không thể nào hình dung nổi công sá cả tháng trời vất vả của họ chỉ bằng tiền một bữa ăn sáng bình thường của một số không ít người giàu mới nổi, và nhiều lần công sá như thế cũng không thể nào mua lại được một mảnh đất tương tự để cả gia đình nằm khi sống. Cậu cháu tuần trước đưa tôi về Hưng Yên khẳng định điều tôi từng nghe qua mấy ông bạn nhà báo, rằng tiền cắt xén từ các dự án lên tới 70 %. Mà đó là tiền nhà nước đi vay. Ai đó ngồi lo thế hệ sau còng lưng trả nợ, chứ cậu ta thì không: “Nước nào chẳng phải đóng thuế, khổ cũng chẳng đến lượt bọn nhóc như thằng cu nhà cháu, ngay cả khi cháu không hạ cánh an toàn. Chỉ khổ mấy ông cắn vào tay thôi.”

Ai? Mấy ông cắn vào tay là nông dân tay làm hàm nhai, ráo mồ hôi là nước bọt cũng phải ráo.