Chị tôi |
Tác Giả: Lê Mỹ Hân | ||||
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 10:54 | ||||
Chiếc xe bus đưa chị ra phi trường Narita (NRT) khuất dần sau góc phố. Tôi lặng lẽ quay gót băng ngang qua đường để trở về nhà. Tuy sống ở khu phố này hơn mười năm, nhưng mãi đến hai năm gần đây, tôi mới khám phá ra tuyến xe bus chạy thẳng đến NRT chỉ mất 55 phút vừa nhanh hơn xe điện ngầm mà lại có thể mang theo hành lý nặng. Từ đó, tôi chẳng cần phải làm phiền chồng đưa đón mỗi khi có dịp đi xa. Vệt nắng yếu ớt đang ngả dần về hướng Tây, nó chưa đủ sức để xóa tan đi cái lạnh lẽo của một buổi chiều cuối Đông ở thành phố sát mé biển. Từ nhà tôi ra biển gần lắm. Đứng đây, ta có thể ngửi thấy mùi tanh của gió biển thổi vào. Khoảng ba chục năm trước, toàn bộ vùng này đều là biển nước mênh mông. Chính phủ cho công nhân ngăn bờ, đổ đất, và họ đã xây dựng lên một khu phố rộng lớn, trù phú như ngày nay. Nếu không đọc lịch sử, chắc chả ai đoán được rằng khu vực quanh nơi tôi sinh sống hiện nay, trước kia hoàn toàn là biển cả. Chiều nay, chị hớn hở kéo va li lên đường về nước, bỏ tôi lại đây một mình với nỗi lo "phóng xạ" đang treo lơ lửng trên đầu..... Chị qua Đông Kinh từ đầu năm với cái "Visa Du Lịch" ba tháng. Vì muốn được chị em gần nhau, nên tôi đã mai mối một người đàn ông độc thân để chị có tấm chồng. Lúc đầu, chị giãy lên khi nghe lời đề nghị của tôi, nhưng do bị thuyết phục miết nên chị đã gật đầu ưng thuận. Cuối Tháng Giêng, chị ra Quận làm giấy tờ và tổ chức đám tiệc nhanh như đám cưới chạy tang. Sang Tháng Hai, lo gấp rút thuê nhà. Đầu Tháng Ba, chị theo chồng dọn về nhà mới. Cũng ngày hôm đó, tôi đã tằng hắng lấy giọng, nắm hờ bàn tay (giả làm microphone) đưa lên sát miệng chị làm bộ phỏng vấn: - Xin chị cho biết cảm tưởng khi về nhà chồng ạ? Chị gạt tay tôi ra, liếc xéo: - Chồng với chả con! Mày kén ngay cho chị cái ông này ở bẩn như quỷ! Tôi phá lên cười sặc sụa, cười tới chảy nước mắt. Vừa ôm bụng, vừa nói: - Ông bẩn nhưng mà ổng nhiều tiền.... Chị bĩu môi: - Nhiều tiền? Lúc nào tao cũng thấy hắn “trên răng dưới cát-tút” mà mi bảo là nhiều tiền! Tôi lại lăn ra cười: - Thôi, chịu khó đi mà! Phải “hy sinh đời bố củng cố đời con” giống như em chớ! Tôi hạ giọng xuống: - Tiền lương ổng cao, sẽ dễ làm giấy tờ bảo lãnh cho vợ đấy. Mấy năm trở lại đây Sở Di Trú họ cứu xét kỹ càng lắm chị à! Chị im lặng không trả lời. Tính chị vẫn vậy, ít nói, lầm lì, nhưng hễ mở miệng ra thì câu nào câu nấy sắc lẽm. Đã vậy, chị còn có "tật" thù dai, và ghét ai thì "ghét cay ghét đắng." Chị thích yên tĩnh, lại siêng năng, chăm làm. Tối ngày chị lụi cụi lo dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, và chị nấu ăn rất khéo, nên theo tôi, chị đúng là một mẫu phụ nữ lý tưởng để cưới làm vợ. Bố Mẹ tôi sinh được bảy anh chị em, 2 trai, 5 gái. Chị là thứ Ba trong gia đình, còn tôi thứ Năm, kém chị bốn tuổi. Người ta bảo rằng gia đình nào có 5 cô con gái tức “Ngũ Long Công Chúa” thì không thể nghèo được. Chắc đúng vậy, vì so với chòm xóm cùng thời, gia đình tôi cũng có chút của ăn, của để. Chị tôi vừa xinh gái lại vừa khéo tay nhất nhà. Chị mang nét đẹp dịu dàng của một cô gái quê chân chất không cần trang điểm. Còn tôi thì hoàn toàn ngược lại: Ngổ ngáo như con trai; khoái ăn ngon mặc đẹp mà lại nhác làm. Tính tôi thích ồn ào, và khoái "họp tổ dân phố"(nhiều chuyện). Tôi không chịu được sự cô đơn, buồn tẻ. Bởi vậy, khi còn ở Sài Gòn, nhà tôi thường chứa một lúc 5,7 mạng (có khi lên đến mười mấy mạng) trong một căn phòng chỉ vỏn vẹn 24 mét vuông. Với tôi thì "Ăn nhiều, chứ ở có bao nhiêu", nên hễ ai "sa cơ lỡ bước" xin đến nhà tá túc, là tôi đều chứa tất. Tôi nóng tính, lúc nào bực mình là miệng la lối ong ỏng, thế nhưng chỉ qua một đêm thì tôi lại quên sạch mọi chuyện, và trong đời chả biết thù ghét ai bao giờ. Hai cậu con trai nhà tôi thật đúng là hai con trâu trắng (cùng tuổi Sửu), "đi đến đâu, mất mùa đến đó." Bố tôi thường thở dài mỗi khi nhắc đến hai “quý tử” nhà mình, bởi cả hai cậu đều đam mê nghiệp cờ bạc. Thằng Út khỏi nói rồi! Nó mà đã đặt chân vào sòng bài, cho dù còn “cái lai quần” nó cũng đánh nốt! Ông anh tôi tuy đỡ hơn sau khi đã được Đảng và Bác "nuôi ăn" (giùm) chín năm dài. Nhưng đến lúc được trả về nhà với vợ, thì chỉ chưa đầy hai năm sau là ông lại "tính nào tật đó": Cờ bạc, cá độ tối ngày. Nghe đâu, bây giờ ông còn rước thêm một thằng rể gốc Miên chả có nghề ngỗng gì; tối ngày bố vợ & con rể cứ thi nhau lê lết ngồi đổ cá ngựa khắp xóm. Một hôm, thấy tôi vừa gác điện thoại với bạn xuống, chị bước đến gần, rồi nhẹ nhàng bảo tôi rằng: - Suốt ngày cứ ôm lấy cái điện thoại, thật tội nghiệp cho thằng chồng mi! Biết lúc còn sống, Mẹ đã mắng mi câu gì không? Tôi ngậm miệng, lắc đầu, chị trả lời: - Mẹ bảo mi là "Khi ăn thì muốn ăn ngon. Lúc làm, chọn việc cỏn con mà làm." Tôi cười ré lên, hỏi: - Ơ! Mẹ bảo em thế thật à? Sao em chả nhớ câu đó nhỉ ? - Con người vô tâm như mi thì có nhớ cái gì! - Chị nói đùa ! Em còn nhớ mãi câu thơ mẹ chửi khi em không đưa hết tiền lời đi buôn vải trên bản Mèo cho mẹ hồi còn học cấp ba: "Bấy lâu ăn mảnh của chồng, Chị em tôi lại phá lên cười, rồi cùng đồng thanh nói: - Tội nghiệp mẹ quá ! Càng lớn tuổi, chị càng giống Mẹ, còn tôi thì giống Bố. Gần năm năm rồi, tôi không trở về Việt Nam, nên tôi chỉ được nhìn thấy mọi người trong gia đình qua hình ảnh "Webcam" trên máy điện toán. Bữa đó, ông anh tôi đã thốt lên: “Ơ.....! Con nhỏ này càng lớn tuổi càng giống hệt "Anh Bảy" nhà mình nhỉ?"..... ("Anh Bảy" là tiếng lóng, chúng tôi dùng để nói về Bố)....Nghe xong câu đó, tôi giãy nảy trả lời rằng: "Người ta xinh gái thế này mà lại bảo xấu giống Anh Bảy! Ông nói sao kỳ vậy?" Cả nhà lại được một trận ôm bụng mà cười. Mấy tháng có chị ở đây, tôi chẳng phải động đến móng tay, vì chị cứ lọ mọ dọn dẹp nhà cửa suốt cả ngày. Ngôi nhà bề bộn chứa đầy sách vở của tôi, đã trở nên gọn gàng ngăn nắp hơn, và ngày nào tới bữa cơm thì mùi thức ăn cũng thơm nức mũi. Giờ vắng chị, tôi thấy như thiếu đi một cái gì đó. Từ nhỏ, chị em tôi đã quen quấn quýt bên nhau, chia nhau từng củ khoai lang, tấm mía. Ngày tôi sắp sửa đi học, chị là người đã cầm tay tôi tô từng nét chữ đầu đời. Sau ngày Mẹ mất, tôi được Bố đưa vào Sài Gòn sinh sống, thì vài năm sau chị cũng tiếp bước theo tôi. Ngày tôi sinh con, chị là người thân duy nhất luôn luôn có mặt bên cạnh để chăm lo cho em gái được "mẹ tròn con vuông" . Đến khi phải theo chồng sang Nhật Bản định cư, tôi đã gửi con lại nhờ chị nuôi nấng. Rồi lúc thằng nhỏ qua đây, vì không theo kịp bạn bè trong vấn đề ngôn ngữ nên bị trầm cảm, thì cũng chính chị lại là người đòi tôi phải mang nó về lại Việt Nam cho chị. Những ân tình chị đã dành cho mẹ con tôi, có trả ngàn đời cũng không hết được. Bởi vậy, tôi muốn chị ở lại đây để chị em có thể gần gũi nhau, để tôi không còn cảm thấy lạc lõng bơ vơ cảnh phận gái lấy chồng xứ lạ. Chị theo chồng dọn về nhà mới được mươi ngày thì xảy ra trận động đất làm rung chuyển nước Nhật (11-3-2011). Rồi sóng thần giận dữ tràn tới cuốn trôi nhà cửa, phố phường ra biển khơi. Xe cộ, máy bay, tàu điện, hàng hóa... nổi lềnh bềnh như đồ chơi. Người chết, người mất tích lên đến con số gần ba chục ngàn. Mấy nhà máy điện nguyên tử bị nổ, cháy, đã rỉ chất phóng xạ ra môi trường thiên nhiên. Báo chí & truyền thanh/truyền hình thi nhau đưa tin tức 24/24. Đài nào cũng chỉ nói một tin về trận thiên tai 11 /3 này. Mấy ngày đầu, cả nước như náo loạn, người ta túa nhau ra đường lùng sục mua đồ về dự trữ. Gạo, nước, thực phẩm, cả đến giấy vệ sinh đều nhẵn nhụi. Trong siêu thị, chỉ còn trơ trọi mấy bịch xà bông trên kệ hàng. Suốt hai tuần liền, tôi chẳng dám đi làm, vì ngày nào cũng có vài trận dư chấn làm rung chuyển nhà cửa. Tôi sợ lỡ khi đường xe điện ngầm bị sập, hay chỉ cần xe điện ngưng chạy thôi, thì tôi không biết đường nào để lội bộ về nhà. 3 giờ chiều hôm động đất, tôi ở nhà một mình tán phét với bạn bằng “PC Phone” thì căn nhà bắt đầu rung chuyển, cái đèn chùm trên trần nhà lúc lắc đong đưa. Với tôi, động đất chỉ là “chuyện bình thường xảy ra ở huyện”. Hơn 10 năm sống ở xứ này, tôi chả nhớ là đã chứng kiến bao nhiêu lần nhà cửa rung chuyển rồi. Thường, thì nó chỉ rung vài giây hoặc 1 phút là tối đa, nhưng lần này cường độ càng lúc càng cao lên và thời gian kéo dài thêm ra. Đến lúc nhà cửa chao đảo mạnh, tôi nhảy vội vào bếp tắt hệ thống lò “gas”, rồi ôm gối chui ngay xuống gầm bàn. Căn nhà lắc mỗi lúc một mạnh hơn, giống như con lật đật. Cánh cửa (kéo) đong đưa, chạy qua chạy lại. Con ngựa gỗ của thằng Nhung lắc lư lắc lư. Sách vở đổ ào ào. Nồi chảo rơi lẻng kẻng. Bên ngoài,loa phóng thanh của Quận Edogawa ong ỏng nhắc nhở bà con nên tâp trung đến công viên, trường học để được hướng dẫn vì e sóng thần sẽ ập tới bất cứ lúc nào. Tôi "điếc không sợ súng" vì nghe cũng chả hiểu gì nên ngồi co ro dưới gầm bàn theo dõi tivi. Chúa ơi! Trận động đất lên tới 9 độ (theo “Richter Magnitude Scale”) ở ngoài đại dương, cách Đông Bắc Tokyo khoảng 400km. Đông Kinh chỉ bị ảnh hưởng có gần 5 độ mà trời đất đã quay cuồng thế này rồi. Vừa dứt cơn động đất, tôi nhấc phone gọi cho chị ngay. Lúc đó, tất cả hệ thống điện thoại di động đều đã tắt ngúm, chỉ điện thoại bàn (landline) là còn hoạt động, nhưng nhà chị lại không gắn điện thoại bàn nên tôi đành bất lực ngồi chờ. Mãi đến vài tiếng đồng hồ sau, hệ thống điện thoại di động mới được nối lại, và yên lòng khi nhận được cú điện thoại của anh rể báo tin rằng đã liên lạc được với vợ, (và) anh phải mất gần chín tiếng đồng hồ mới đi bộ về đến nhà. Sau này, chị kể tôi nghe lúc bắt đầu xảy ra trận động đất, chị vừa trong bồn tắm bước ra ngoài, chưa kịp bận quần áo. Căn nhà rung chuyển quá mạnh làm chị choáng váng. Đến khi dứt cơn địa chấn, chị không còn đứng nổi mà phải bò lết vào phòng. Ấy vậy mà lúc đang "bò" dưới sàn, chị cũng ráng với tay đẩy cho bằng được hũ nước mắm mới pha trên kệ bếp xuống cái bồn rửa chén. Chị bảo để lỡ nó đổ ra nhà thì thúi um lên. Tôi nghe xong, ghẹo thêm: - Lần sau nhớ bận quần áo trước khi động đất nhá, kẻo phiền lắm đấy! Bị chị mắng: - Mi đúng là vô duyên! Ba ngày sau, tôi mới dám đi xe điện qua rước chị về nhà mình. Lúc ấy tình hình quá nguy hiểm, tôi không an tâm để chị bên đó một mình (vì anh rể đi làm cả ngày mà chị lại không biết Tiếng Nhật). Những ngày tiếp theo, tụi tôi sống trong phập phồng. Điều nguy hiểm nhất là chuyện mấy lò điện nguyên tử đang bị rỉ chất phóng xạ. Tôi mở TV suốt cả ngày để theo dõi tin tức được cập nhật từng giờ. Bạn bè, người nhà, liên tục gọi điện thoại sang hỏi han, thúc dục tôi "Sao còn chưa bỏ của chạy lấy người?" Ngoài phi trường Narita, thì hàng loạt "Gaikokujin" (người ngoại quốc) đang chen chân nhau, ào ào bỏ chạy khỏi nước Nhật. Đông nhất phải kể là dân Trung Cộng, Nam Hàn và Ấn độ. Trong khi Người Nhật vẫn bình chân như vại, thì Người Mỹ đã cho di tản gần hết nhân viên và gia đình họ ra khỏi nước Nhật (viện cớ tình hình khó khăn). Hai mươi lăm Tòa Đại Sứ các nước khác hè nhau tuyên bố tạm đóng cửa. Ngay cả Hoàng Gia Nhật cũng được di chuyển về cố đô Kyoto. Ngay sau khi Tòa Đại Sứ Trung Cộng ra thông báo di tản kiều dân, thì hàng loạt xe bus đã được trưng dụng để chở người từ bốn tỉnh như Miyagi, Fukushima, Ibaraki và Iwate đến phi trường. Hãng hàng không China Southern Airline điều động nhiều phi cơ loại Airbus 300 đến Nhật để di tản kiều dân nước mình. Họ còn chuẩn bị hai con tàu có sức chứa 4000 người, sẵn sàng rời bến. Tuy kéo nhau di tản, nhưng hầu như hôm nào cũng có ít nhất cả ngàn Người Trung Quốc đứng chầu chực trước Sở Di Trú để xin cho được cái "Re-entry Permit" (giấy phép ra vào nước Nhật) trước khi lên tàu về lại cố quốc. Điều làm cho tôi buồn cười là chuyện động đất ở Nhật Bản, người Nhật không hề có loạn nhưng bên Trung Quốc lại náo loạn cả lên. Cái tin gây xôn xao nhất là chuyện đặt mua vé trên con tàu “No-e (Noah’s Ark) Tây Tạng”. Người ta hoảng sợ về “Ngày Tận Thế” như trong bộ phim 2012 mà tôi bắt chồng mình phải tìm mua cho bằng được để ngồi xem. Rồi thì đến cơn sốt tìm mua muối vì có tin đồn rằng ăn muối I-ốt (Iodized salt) sẽ giúp chống chất phóng xạ. Cả nước (Trung Cộng) kéo nhau đi mua...muối! Có người lại còn khuân về nhà số lượng muối ăn trong vòng 5 năm. Trước tiên là muối "i-ốt", rồi đến muối thường, muối thô, muối tinh. Hết muối, họ quay qua tìm mua bột canh, bột nêm, xì dầu, rong biển và cả cá khô. Miễn thứ gì có dính dáng đến muối là họ gom tất tật. Cơn sốt tranh cướp muối diễn ra khắp Trung Quốc, từ thành thị đến nông thôn nghe cứ như là câu chuyện của “những người thích đùa.” Ngày 15 tháng Ba, khi tôi đang dạo trên nét thì Lê gửi tin nhắn hỏi: - Chị ơi, chị có biết chỗ nào bán vé máy bay về nước không? Em phải về thôi vì em đang có thai. Nghe giọng hoảng hốt của Lê, tôi cảm thông cho nỗi lo lắng của cô bé. Lê là cựu giảng viên trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, theo chồng qua Nhật đã 2 năm nay, có một bé trai 5 tuổi và bây giờ lại mang thai đứa thứ hai. Tình hình như thế này thì mang con về Việt Nam là cách lựa chọn đúng.Tôi hiểu tâm trạng lo lắng của Lê nên sốt sắng: - Ừ để chị tìm cho, chờ một tí nhé. Tôi liền vào mạng online của hãng hàng không ANA tìm vé cho Lê. Chỉ sau hôm động đất 2 ngày (chủ nhật 13/3) tôi đã mua giùm cho cô bạn vé đi Việt Nam ngày 25/3, thế mà hôm nay (15/3) vé đặt tới ngày 1/4 đã không còn một chỗ trống. Tôi liền trả lời Lê: - Bên ANA không còn vé rồi, em biết tiếng Nhật vào HIS xem sao, trang đó toàn chữ Hán chị đọc không được. Lê vội vã vào trang HIS. Một lúc sau, cô nàng hí hứng báo cho tôi cái tin vé còn và sẽ mang tiền ra đại lý gần nhà ngay khi họ mở cửa vào lúc 10:00 sáng. Thế nhưng đến chiều tối Lê gửi tin nhắn báo rằng "Chả còn vé nữa chị ạ. Chỗ nào cũng vậy, em gọi điện thoại hỏi thì họ bảo còn vé. Thế nhưng, khi mang tiền tới thì họ lại trả lời là hết vé rồi". Tôi đành an ủi Lê rằng chờ anh đi làm về chị sẽ nhờ tìm xem chỗ nào còn vé cho em, nhưng tôi chỉ nói vậy thôi chứ biết chắc không có đại lý nào còn vé bán. Tôi không đọc được báo bằng tiếng Nhật, cũng không nghe tin tức bình luận trên ti vi vì họ toàn dùng chữ Kính Ngữ, mà bản thân mình thì không chịu học hành. Muốn biết gì tôi phải vào mạng tìm đọc bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mấy ngày nay, báo chí truyền thông Tây Phương loan tin quá nhiều về thảm họa phóng xạ nguyên tử ở Nhật. Nhất là CNN của Hoa Kỳ, họ tung ra những bài viết khiến tôi hoảng hốt cực độ, cộng thêm những cú điện thoại từ người nhà, bạn bè, thúc dục mỗi ngày làm tôi cuống quýt, quyết định: - Tình hình nguy hiểm quá rồi! Chị phải về Việt Nam thôi, chưa lấy được visa cũng về. Để em nhờ chồng đổi lại chuyến bay cho chị. Chị tôi miễn cưỡng gật đầu. Thật sự trong lòng tôi cũng không muốn chị về Việt Nam, bởi tôi đã phải tốn bao công sức trong mấy tháng qua, nếu chưa lấy được visa thì công tôi sẽ thành công cốc. Nhưng tôi không thể ích kỷ để chị ở lại đây trong tình trạng này. Tôi cần phải dứt khoát rằng trong hai chị em thì phải có một người sống để lo cho gia đình, cho hai thằng nhỏ đang còn ở lại Việt Nam. Khoảng 10 giờ trưa ngày 17-3, tôi gọi điện thoại cho chồng: - Anh biết tình hình nguy hiểm không? - Dĩ nhiên. . - Sao anh chả nói năng gì vậy? Anh làm ơn xem đổi lại chuyến bay cho chị nếu được vào ngày 25-3 là tốt nhất. Còn tôi sẽ mua vé qua Mỹ lánh nạn một thời gian, anh có đi theo tôi không? - Được rồi, em muốn đi đâu thì đi. Gửi chi tiết cái vé của chị bằng email cho anh, sẽ trả lời em sau. Cúp điện thoại, tôi vào trang điện tử Delta Airline tìm mua cho mình một tấm vé đi Mỹ. Kệ, cầm tấm vé cho chắc ăn, dù có đi hay không. Tối đó trở về nhà, chồng tôi để xấp giấy in vé của chị lên bàn điện toán, không nói năng gì với vợ. Chị tôi dọn cơm lên bàn, cả nhà dùng bữa ăn trong không khí nặng nề. Tôi định bàn với chồng mình vài chuyện, nhưng thấy gương mặt lầm lì của anh nên tôi im lặng. Anh bắt đầu mang sách Tiếng Anh ra đọc miết, rồi thì bỏ vào phòng ngủ đóng cửa ở lì trong đó. Chị em tôi im lặng nhìn nhau, chị bảo: - Tội nghiệp Takahashi quá! Mình bỏ đi hết thế này nó buồn chết! Bất ngờ có điện thoại từ Việt Nam gọi qua, nhấc phone lên đó là Bố tôi. Từ hôm động đất đến nay, ông gọi qua mấy lần hỏi han vu vơ vài câu chứ không hề đề cập đến chuyện "di tản". Lần này vừa nghe tiếng tôi, Bố nói một tràng: - Con ơi, tình hình nguy hiểm lắm rồi. Về thôi con, hai chị em bay về đi! - Bố yên tâm, con đổi vé cho chị rồi, thứ Sáu tuần tới bà sẽ có mặt ở Sài Gòn. - Còn vợ chồng con? - Con sẽ qua Mỹ lánh nạn vài tháng xem tình hình ra sao. Chồng con thì ở lại Tokyo, Phát Xít không sợ chết bố ạ. - Sao không về nhà lại qua Mỹ làm gì? Về nhà đi con, lâu quá con không về Bố cũng nhớ con lắm! Tôi khựng lại, nước mắt muốn trào ra. Hình như từ nhỏ đến giờ tôi mới được nghe chính miệng Bố mình nói một câu xúc động đến như vậy! Và tôi tin đó là điều ông nói thật từ trong tim của ông. Tôi im lặng chờ cơn xúc động qua đi, mới trả lời bố: - Con có lý do để qua Mỹ. - Đất nước mình bây giờ thay đổi nhiều lắm, Bố nghĩ chắc chẳng đến nỗi nào đâu. Về nhà đi con à! Tôi hiểu ý Bố muốn nói gì, nhưng tôi không muốn vì mấy cuốn sách mình viết vài năm trước rồi để mọi người trong nhà phải lo lắng sợ hãi. Cả nhà tôi xôn xao khi "Đảng, Bác" hỏi thăm. Mấy bà dì thì thầm to nhỏ làm như chuyện quan trọng lắm. Con của mấy bà Dì thì nhao nhao lên hỏi rằng nhà mình có bị ảnh hưởng gì không, mặc dù chúng nó chưa từng đọc một chữ nào trong hai cuốn sách đó. Còn bà chị yêu dấu này thì sợ sệt đem ngay hai cuốn sách duy nhất có được đi phi tang, trong khi chính chị là người đầu tiên khuyến khích tôi trong nghề cầm bút. Tôi nhớ như in lần về thăm nhà năm 2003, chị bảo với tôi rằng: "Nhà chỉ có mình em là người học giỏi nhất, em viết sách đi, cứ mang chuyện nhà mình ra mà kể, kể cả đời cũng chưa hết em à." Tôi ngơ ngác đến buồn cười, vì sách viết về bản thân mình thì có gì mà phải sợ. Tuy Bố tôi không nhắc gì đến chuyện này, và tôi cũng không hỏi đến, nhưng tôi nghe người nhà kể lại bố đã khí khái trả lời khi bị hỏi thăm, rằng "Nó là nó, tôi là tôi. Mấy người muốn gì thì qua Nhật kiếm nó mà hỏi". Bà má nhỏ (vợ ông) trong một lần tôi gọi điện thoại về hỏi thăm đã bắn tiếng cho biết: "Con à, ổn định bên đó rồi thôi bay đừng về làm gì nữa. Má nói ít con hiểu nhiều. Dù sao ba má cũng là cán bộ nhà nước, con có ăn nói gì, viết lách gì cũng phải nghĩ đến gia đình mình há con." Tôi cười khì khì, ai cũng như nấy, chả có gì mà đã sợ quýnh quáng cả lên ! Nghĩ đến điều này tôi lại cảm thấy buồn nhưng không hối hận, tôi đã viết ra những điều mình cần viết, đã cho độc giả của tôi có cái nhìn trung thực hơn về quê hương của mình. Bố tôi cúp điện thoại, chị lặng lẽ rút vào phòng riêng, chỉ còn lại mình tôi ngoài phòng khách đối diện với cái máy điện toán. Tuy mắt nhìn vào bài báo, nhưng đố có một con chữ nào lọt vào đầu mình. Tôi cứ ngồi như vậy đến tận 12 giờ khuya mới leo lên giường. Thật sự muốn ngủ một giấc cho nhẹ đầu mà hai mắt cứ mở thao láo nhìn lên trần nhà. Bên cạnh, Phát Xít làm bộ ngủ say, nhưng tôi biết chàng vẫn còn trằn trọc. Lâu lâu tôi lại nghe tiếng cựa mình của chồng kèm theo tiếng thở dài, nhưng tôi vẫn im lặng không nói một lời nào. Tôi choàng mở mắt khi có cảm giác ai đó nhìn mình. Quả đúng như vậy, Phát Xít đang nằm xoay nghiêng ngắm vợ ngủ. Tôi cất tiếng hỏi: - Anh thức sớm vậy? Phát xít mỉm cười đưa tay vuốt nhẹ mấy lọn tóc lòa xòa trên mặt tôi. Chàng thường có thói quen ngắm vợ lúc đang ngủ, và sáng nào cũng lập lại điệp khúc trông gương mặt tôi giống như củ cà rốt héo lâu ngày để trong tủ lạnh. Lúc đầu tôi còn nổi giận, riết rồi quen đi, chỉ cười mỗi khi nghe chồng nói vậy. Có lẽ vì cả tối hôm qua không thấy tôi mở miệng, nên vừa sáng ra chàng đã nhỏ nhẹ bên tai: - Anh biết em đang hốt hoảng lo sợ, nhưng vụ rỉ chất phóng xạ này đâu chỉ một tháng hai tháng là hết, mà nó còn kéo dài đến tận 30 năm sau. Nguy hiểm cho con nít dưới 18 tuổi thôi, chứ như vợ chồng mình ngót nghét 50 cả rồi thì lo gì nhiễm phóng xạ. Có chết cũng đủ rồi. Tôi im lặng, thở dài. PX lại tiếp tục: - Em sợ thì tạm thời về Hiroshima với bố mẹ, đâu cần phải đi tuốt qua bên Mỹ cho xa xôi. Liệu rồi em có thể đi luôn được không? - Chưa biết nữa, em qua đó vài tháng xem tình hình ra sao rồi tính. Anh thì không sao rồi nhưng em còn con, còn gia đình bên Việt Nam. Anh phải hiểu rằng em là trụ cột trong gia đình mà. Tôi ngồi dậy, hít một hơi thở thật dài, tiếp tục: - Nói vậy chứ đến ngày đi còn cả tuần, để xem tình hình ra sao rồi tính. 7:30 sáng, anh đi làm như thường lệ. Chờ chồng tôi ra khỏi nhà, chị mới lọ mọ ra phòng khách. Tôi ngồi xem tin tức bằng mớ tiếng Nhật "ba rọi", bực bội vì xem tin tức mà chả hiểu gì. Chị rót nước pha cà phê, hỏi vọng ra: - Hân uống cà phê không, chị pha luôn? - Không, em uống trà rồi. - Có tin gì mới không em? Tôi lắc đầu, chán nản. Chị nhắc lại câu nói hôm qua: - Tội nghiệp Takahashi, một mình nó ở lại buồn chết ! Tôi im lặng không trả lời, mắt nhìn chằm chằm vào ti vi mà đầu óc thì trống rỗng. Rồi chị có điện thoại từ Việt Nam gọi qua, chị vào phòng riêng nghe đâu chừng một tiếng đồng hồ. Sau đó quay ra phòng khách, chị bảo với tôi: - Thôi, chị không về nữa, chờ lấy visa rồi về cũng không muộn. Tôi trố mắt nhìn chị, như không tin ở tai mình nên hỏi lại: - Chị nói cái gì? - Chị bảo chị không về. Em sợ thì qua Mỹ trước. Anh mình gọi điện thoại sang nói cứ yên tâm mà ở lại, mọi việc bên quê nhà để anh lo. Em đổi vé máy bay lại cho chị. - Suy nghĩ kỹ chưa đó bà? - Rồi! Chuyến bay của chị được đổi lại tới tháng Tư, chuyến bay của tôi vẫn để nguyên xi vì tới ngày bay còn cả tuần, chờ ngóng tình hình coi sao rồi đổi cũng chưa muộn. Bụng thì nghĩ vậy chứ chị còn ở lại đây thì làm sao tôi có thể bỏ chị đi cho đành. Mấy ngày tiếp theo tình hình có vẻ khả quan hơn. Công an, quân đội phối hợp với công ty điện lực TEPCO dùng máy bay trực thăng lẫn vòi rồng phun nước vào làm nguội mấy lò điện nguyên tử nhằm ngăn chặn sự tan chảy của những thanh nguyên liệu đã & đang xử dụng qua. Tin tức vẫn được cập nhật mỗi giờ trên Tivi hàng ngày. Chị em tôi như ngộp thở trong bầu không khí căng thẳng. Thường khi, sau mỗi trận động đất lớn thì sẽ có hàng loạt dư chấn to nhỏ liên tục xảy ra, những trận dư chấn này kéo dài tới cả tháng, có ngày xảy ra vài trận làm rung chuyển nhà cửa. Tôi luôn ở trong nhà, còn chị thì thích phóng ra ngoài phố bất chấp lời cảnh báo nguy hiểm. Chị lang thang khắp các siêu thị lớn nhỏ quanh đây khảo sát giá cả để tìm hiểu cuộc sống của người Nhật. Chị khoe với tôi rằng: - Nhiều thứ còn rẻ hơn cả Việt Nam em à. Tôi đồng tình với chị, và nói thêm: - Nếu chị chịu khó đọc báo quảng cáo, chị còn mua được hàng giảm giá bất ngờ nữa. Có nhiều món hàng hơn ba mươi năm rồi không hề đổi giá. Mắt chị sáng ngời, thốt lên: - Ôi sướng Thế! dân Nhật hay thật, họ cứ lặng lẽ xếp hàng, chỉ nhặt một món đồ cần thiết, họ nhường nhịn cho người đi sau. Chị lại thờ dài: - Biết đến bao giờ dân trí Việt Nam mình mới được như họ. - Trời biết ! Cuối cùng thì chị cũng nhận được giấy báo cấp visa do Sở Di Trú gửi đến, điều này khiến tôi mừng hơn cả chị. Chị líu ríu chuẩn bị hành trang về nước, tôi đổi chuyến bay qua Mỹ vào tháng Sáu. Tokyo không đến nỗi nguy hiểm như lúc ban đầu. Chị em tôi còn dư thời gian để tâm sự chuyện quê nhà, và bao điều phải làm trong nhưng ngày sắp tới.... * Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, chị tôi sẽ có mặt ở Sài Gòn, tha hồ phét lác "họp tổ dân phố" kể chuyện động đất bên nước Nhật. Tôi bật cười nhớ đến câu dặn dò của chị trước khi lên xe bus ra NRT về nước rằng: - Mi nhớ bảo anh rể giữ gìn nhà cửa sạch sẽ giùm chị. - Chồng bà sao bà không dặn lại kêu tui. - Chồng tao nhưng bạn mi. - Thôi đi, chưa nói được tiếng Nhật thì nhận, để tui nói giùm cho. Chị phá ra cười, tiếng cười vẫn còn văng vẳng bên tai tôi tới giờ này, chưa ngớt. Tôi lại thèm được trở về quê nhà cùng với chị lần này... Tokyo 5/2011
|