Góc vui hiu quạnh |
Tác Giả: Vũ Đình Kh | |||
Chúa Nhật, 05 Tháng 9 Năm 2010 06:43 | |||
- Bộ chơi với con gái không được hả?...Con Mít bây giờ đã ngồi bò xổm hẳn, hai tay bám vào song sắt. Tâm giang tay hứng nước, đổ ào ạt từ hiên mái tôn. - Bọn con gái ngu thật. Tắm mưa vui, vậy mà tụi nó chê dơ. Duy cười hồn nhiên tiếp lời. - Ừa, nhìn mái tóc… thấy ngu rồi. - Ê! Sao chê con gái ngu hoài vậy? Tâm lảng tránh, khua chân trên vũng nước ngầu bùn, còn Duy vênh mặt nhìn con Mít. - Không ngu, sao không chịu cắt tóc ngắn? - Tóc dài đẹp! - Xời, đẹp như con Mít đó hả! Mít đỏ bừng tai, lấp liếm bằng cách vuốt vội, vuốt vàng nước mưa trên mặt. - Không thèm chơi với Duy nữa. Duy trâng tráo nhìn con bé đang lủi thủi đi dưới cơn mưa xầm xập. - Lại mít ướt, đồ con gái! Tâm và Duy cũng lầm lũi theo sau. - Thôi đừng chọc nó nữa, nó méc má tao ăn đòn bây giờ. Duy trơ trẽn nói thật to cố tình cho con bé nghe được. - Nó mà méc tao sẽ tát nó phù mỏ! Mít quay lại chanh chua. - Con trai mà đánh con gái, đồ mất dạy Duy cũng đổ quạu, nhè những vũng sình lầy lội nhảy dựng cho nước hắt tung toé vào Mít. Tâm can bạn. - Thôi đi Duy, tụi bay muốn tắm mưa hay muốn cãi nhau. Con Mít giọng tức tưởi. - Tui dzìa, không thèm chơi với cái đồ mất dạy. Nó chạy biến vào cuối hẻm, dáng người gày gò của nó khuất dần mà thằng Duy vẫn chưa thôi gào theo. - Mít ướt, mít ướt… Tuổi thơ của Tâm không phải là không êm đềm, nhưng chắc chắn không có màu sắc vương giả như lũ trẻ ngoài phố. Nó chơi thân với Duy và cứ thắc mắc không hiểu thằng Duy thích gì trong cái xóm nghèo để lê la với lũ trẻ con nhà bạch đinh như câu mắng của mẹ Duy. Nhiều hôm, Duy đi chơi về quần áo rách bươm bị bà mẹ lôi ra cho một trận đòn tơi tả rồi cấm cung, nó lên lầu thượng nhìn vào khu xóm nghèo thèm thuồng như tên tù khao khát tự do; trong khi Tâm và Mít ngồi dưới khoanh xóm nhỏ ngước mặt ao ước được một lần lên cao như vậy. Tâm dúi vào tay Mít quả mận. Con bé lau qua loa vào vạt áo rồi ăn không thèm cám ơn, mà còn hạch hỏi. - Tâm không lấy muối ớt hả? - Đã hái trộm mà còn đòi muối ớt! - Chứ Duy lần nào cho cũng có đủ vậy? - Thằng Duy đâu có ăn cắp, nhà nó thiếu gì! - Tâm sai “gồi”. Hôm nọ, Duy cũng leo cây nhà cậu Bào hái ổi cho Mít bị chó rượt gần chết. - Hèn chi nó bảo Mít ác như con mẹ ranh. - Tui đâu có nhờ nó đâu, nó tình nguyện chứ bộ. Lần nào con bé nổi nóng, Tâm cũng phải giảng hoà trước. - Mận ngọt không? - Không, chua lét. Táo tàu của nhà Duy ngon hơn. - Cái gì của Duy cũng hơn của Tâm. Tâm bỏ lửng câu nói im lặng. Tuổi thơ của Tâm bắt đầu nhen nhúm lên những mầm mống ghen tị. … - Ê Duy, mày dẫn tụi tao lên sân thượng nhà mày nhé. - Ừa, Duy. Mít muốn coi nóc nhà Mít giống cái gì! Duy nheo mắt cười châm chọc. - Thì giống cây Mít chứ giống cái gì. Cho Tâm lên thì được, chứ không cho Mít lên, rủi mấy anh chị nhà Duy ngó thấy, nói Duy chơi với con gái quê lắm. - Bộ chơi với con gái không được hả? - Không được, chơi với con gái lây tính õng ẹo. - Xí, không chơi thì thôi, ai thèm… - Ừa, không thèm thì đi chỗ khác chơi đi. Bày đặt xí xoọn. Duy kéo Tâm đứng lên, bỏ mặc cô bé xụ mặt hờn dỗi. Con nít chưa có thứ tự ái vĩ đại như đám người lớn nên không thể dấu diếm sự thèm muốn nông nổi. - Cho Mít theo với. - Ừa, theo thì theo, nhưng không được la lớn, sợ nhà Duy biết. Cả ba đứa lom khom chờ mẹ Duy đi lên nhà trên, Duy đưa ngón tay lên môi ra dấu cho chị người làm, rồi rón rén dẫn nhau trên các bậc thang đá mài nhẵn bóng. Tâm nhìn những mái nhà ngói đỏ, những nóc tôn xám nhạt chằng chịt giây điện với con mắt thích thú. Còn Mít cuống quýt ríu người nắm chặt cánh tay Duy, khép nép sau lưng không dám nhìn thẳng xuống dưới đất sâu hun hút. - Cao quá Duy ơi, Mít sợ té. - Ai bảo đòi lên, có thành lan can sắt làm sao mà té! Tâm cũng run run. - Cao thật đó Duy, bà bán cháo lòng nhỏ xíu kia kìa. Con Mít bây giờ đã ngồi bò xổm hẳn, hai tay bám vào song sắt. - Dzìa, dzìa… Duy, cho Mít xuống lầu. - Từ từ, chút nữa. Cái gì Mít cũng đòi cho bằng được. Tâm nhìn Mít thương hại nhưng nó không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm có. - Chờ Tâm coi ngoài đường đã. Nó mạnh dạn đi băng qua căn nhà gió ra phía trước . Đường phố ngập xe cộ khói xăng mù mịt. Một chiếc máy bay hạ thấp dần, động cơ gầm vang. Duy chỉ tay ra vẻ thông thạo. - Nó đáp xuống phi trường chỗ đó kìa Tâm, Mít. Con Mít tò mò nhìn theo quên cả sợ. - Đâu đâu, chỗ nào… - Chỗ xanh xanh đó. Duy chỉ đoán mò theo câu chuyện của người lớn, chứ thực sự nó cũng chẳng biết phi trường lớn nhỏ ra sao hay chính xác hướng nào, nên khi con Mít hỏi vặn nó to giọng lấp liếm. - Đó, chỗ đó đó. Ý chừng, con Mít cũng không dám tập trung nhìn lâu vì còn mải liếc về hướng ngã tư, nơi có từng giòng xe cộ nhỏ nhắn xinh xắn lượn qua vòng lại. Thế giới của đám trẻ con không pha trộn những tư duy vẩn đục như làn không khí đầy ô nhiễm của thành phố. Mít quen dần, quên cả sợ ở độ cao, mon men đến những chậu kiểng của bố Duy, ngắt vài cái hoa ném xuống đường. Cánh hoa xoay tròn rơi chơi vơi theo cơn gió. Cả bọn mải vui với trò chơi lạ quên bẵng chậu hoa bắt đầu trơ trụi loe ngoe vài bông ủ rũ như sau trận mưa rào. - Trời ơi, mấy đứa phá kiểu này thế nào ông cũng đánh cho mà coi. Duy quay lại hốt hoảng nhìn chị bếp. - Đừng mách bố em nha chị Trang. Chị quát sơ sơ cho có lệ rồi lắc đầu ái ngại nhìn ba đứa trẻ con riu ríu xuống lầu. Tối nay thế nào cậu Duy cũng ăn một trận chổi lông gà. Chị nhặt những cánh hoa rơi vãi, đưa lên mũi ngửi trước khi lưỡng lự ném xuống đường. Chị cũng nhìn những cánh hoa cuốn theo chiều gió, nhưng chị không còn nụ cười hồn nhiên, chỉ là một kiểu nhếch môi gượng gạo, chút sót sa vương vấn của thời con gái đã qua. Mỗi hoàn cảnh, mỗi con người, mỗi thời gian chỉ khác nhau đôi chút cũng đủ pha trộn thành muôn ngàn thứ tình cảm kỳ lạ khó hiểu. Chị không đủ chữ nghĩa để hiểu chính xác cảm xúc của mình, nhưng chị mơ hồ được nỗi buồn của cánh hoa, của một người con gái giữa dòng đời. Mùa mưa là những ngày ba đứa trẻ co ro nghịch ngợm với cơn gió lành lạnh, chia nhau mẩu bánh mì chan tương mua của bà hàng rong. Những lần vò đầu bức tai tìm lý do này nọ để giải thích cho cặp môi xám xịt và quần áo sũng nước. Vui cười hỉ hả hay giận hờn cấu xé nhau bất chợt tự nhiên như tia nắng sau đám mây đen. Không ẩn ý, không mưu toan, không hứa hẹn cho đến ngày cả ba đứa không còn rủ nhau chạy đuổi dưới mưa. Chẳng đứa nào một lần bận tâm. Cũng chẳng đứa nào hối tiếc. Duy có nếp sống của người vương giả. Tâm trở mình theo thói quen của một gia đình lao động và Mít lạc lõng giữa cái nửa quê nửa tỉnh. Cô bé không còn thích ai gọi mình bằng cái tên mà cô ghét cay ghét đắng. Cái tên gì cục mịch chẳng phù hợp với mái tóc thề, khuôn mặt bầu bĩnh và đường nét ẻo lả của tuổi dậy thì chút nào. Duy và Tâm tuy vẫn đi chung với nhau, vẫn đến học cùng trường nhưng hai đứa không còn thực sự chia xẻ tất cả như ngày tắm mưa. Nếp sống cách biệt của ba đứa đẩy chúng xa dần như ba giọt nước từ một đám mây vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Hạt may mắn rơi trên mái ngói, trên mặt lộ tráng nhựa, hạt ngớ ngẩn rơi giữa vũng lầy cống rãnh. Cuối cùng rồi cũng ra biển, thăng hoa và quay lại trong cái duyên may rủi của vũ trụ. - Con Mít bây giờ đẹp quá mày ạ, ngày nào tao cũng thấy nó có vô số thằng theo. Tâm hơi nhăn mặt. - Đừng gọi nó là con Mít, nó giận đó. - A, mày có vẻ mết nó ra mặt hả Tâm? - Nói tầm bậy, Thảo là bạn tụi mình từ nhỏ. - Thôi đi ông thần ơi, ông mê nó đờ đẫn mà còn chối. Không vô liền người khác tán mất đừng hậm hực. Tâm bưng ly cà phê, cố làm ra vẻ sành điệu bằng cách kẹp điếu thuốc hờ hững giữa hai ngón tay. Chiếc ghế đẩu cập kênh khiến Tâm hụt hẫng, tàn thuốc rơi trên đùi cùng lúc với cà phê tung toé. Tâm đỏ mặt lúng túng nhìn mọi người chung quanh. - Mày tập hút thuốc làm gì? - Cho giống người lớn! - Làm người lớn chán ngấy, đủ thứ lo. Con gái không thích mấy thằng hút thuốc như tao, đừng bắt chước. - Vậy mà Thảo lúc nào cũng nhắc đến mày. - Nhắc cái gì? - Nó hỏi tao, sao cả ngày mày la cà mà vẫn học giỏi. - Ha ha, nó biết tao học hành ra sao mà nói như vậy? - Nó nói, ngày nào mày cũng đến trường nó, đón chị mày nên nó nghe bạn nó nói lại. Ừ, mà mày học giỏi thật. Sao tao học mãi mà chẳng bằng mày được. - Mày tào lao. Tao nhờ học tư thêm chứ không cũng bét lớp. Tâm chợt thốt lên một câu đầy bất mãn. - Tại sao trên đời có những người toàn may mắn và những người đầy bất hạnh? - Ai may mắn? Ai bất hạnh? - Thì như mày đó. Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Đầy đủ điều kiện để con gái nối đuôi theo. - Ha ha, này Tâm, mày có vẻ bất mãn nhiều quá đó. - Bất mãn là phải. Mày thấy không, tao cũng quần áo lôi thôi như mày, mà tụi nó nói tao ăn mặc tồi tàn. Còn mày thì chúng bảo nghệ sĩ tính, là sao? - Tại mày chú ý đến cái lôi thôi, còn tao không biết tao lôi thôi. Uống hết đi rồi về. Tao rủ rê mày lần này thôi, chứ đừng đến đây một mình, tụi du đãng nhìn kiểu mày hút thuốc lại ngứa mắt tát cho mấy cái bợp tai. - Mày gan thật, tao thấy tụi nó gườm gườm ớn quá. - Ớn gì, ông chủ quán quen ba tao nên có gì ổng bênh. Với lại tao ghé đây nhiều lần, quen rồi. - Đó, mày thấy không. Đi đâu mày cũng có rào đón, đúng là con quan lớn. - Dẹp cái tính càm ràm của mày đi được không. Chơi với con Mít mày lây tính nó! Tâm im lặng chờ Duy trả tiền. Hình ảnh Thảo trong chiếc áo dài học trò trắng tinh thanh thoát lại ám ảnh đầu óc Tâm. Phải chi nó có Honda để rủ Thảo đi chơi, phải chi nó biết quán sá sành sõi để mời con nhỏ đi ăn. Phải chi nó có tiền… ừ, chỉ cần có tiền là có tất cả. - Lại mơ màng gì đó ông? - Tao nhớ con Thảo. - Ha ha, mày thú tội rồi nhá. Có cần tao dạy bài học tán gái không? - Chắc tao vô không nổi nó đâu Duy, nó đẹp vậy, làm sao tao tranh cử nổi với mấy thằng khác. - Mày dở hơi ghê, cứ tán bừa không được thì thôi. Mày có lợi thế hơn mấy thằng kia, vì nó là bạn tụi mình chơi chung từ nhỏ. Muốn ghé nhà nó chơi bây giờ? Tâm ngần ngừ. Nhà Tâm sát cạnh nhà Thảo, vậy mà chưa bao giờ nó có ý nghĩ đến nhà Thảo chơi. - Thôi, đến nhà nó, má nó nghi chết cha cả lũ. - Mình làm gì mà nghi, lớn hết rồi. Sang năm vào đại học chứ bộ con nít sao. - Mày sao ngang tàng quá. - Ừa, cùng lắm ăn chổi chà là huề. - Thôi khi khác đi Duy. Tao cũng phải về bây giờ. - Cũng được, mai mốt gặp con Mít tao nhắc cho. - Cho tao can, mày hứa không được vô con Thảo nha Duy. - Trời, tao với nó như lửa với nước, gặp nhau là chỉ có cãi lộn. Mày chỉ lo vớ vẩn. Hai đứa bạn cùng ký với nhau một thứ văn kiện không bài bản. Đồng ý một điều khoản nhượng bộ theo tình thần phóng khoáng của tuổi trẻ. Chẳng có đứa nào hiểu sự khúc mắc của tình yêu. Thảo là biểu tượng của một mục đích thành thân, một cách chứng minh về sự tồn tại của nhân loại. Cả hai đứa đều ngu ngơ chưa hiểu tí gì về trái tim đàn bà, những ngõ ngách phức tạp được che kín bằng ánh mắt nụ cười. Bài toán tình yêu của hai đứa giản dị như thứ tam đoạn luận ấm ớ sai bét từ đầu hàng. Trai gái phải yêu nhau, Tâm là con trai và Thảo là con gái. Vậy hai đứa phải yêu nhau. Duy có trưởng thành hơn đôi chút để hiểu: mê và yêu khác nhau, nhưng từ mê đến yêu hay từ yêu đến mê là hai con đường không song song, không quy ước đông tây nam bắc rõ ràng. Lòng vòng rồi cũng gặp nhau đâu đó trên thứ chiến tuyến hạnh phúc. Đá cứng rắn hiên ngang chịu đựng theo bản chất của đá, vậy mà nước uốn quanh đá tảng mãi cũng phải mòn. Nước mềm mỏng quyến luyến, vậy mà chỉ chực trôi ra biển hay nếu không cũng manh nha bốc hơi thoát khỏi mọi ràng buộc. Con số ba tạo thành chiếc kiềng vật chất vững trãi, nhưng liệu có thể nào hoàn thành chiếc nôi tinh thần ba chân mà không một lần khập khễnh. Dòng đời vẫn bình thản tưởng như vô hình giữa ba đứa trẻ. Không, ba người vừa đủ lớn để biết nếm trái đắng tình yêu. … - Duy, Duy ơi!!! Duy đang mơ màng ngắm những tà áo trắng, giật mình vì giọng con gái quen thuộc. - Chị của Duy nhắn Duy về trước, chị Kim phải đến nhà bạn. - Bạn gì? Chắc lại đi chơi với bồ đó mà. Thảo có anh nào đón hôm nay không? Thảo ngần ngừ do dự. - Không Duy, mấy ông anh họ của Thảo đón mà cằn nhằn quá nên em không muốn nhờ nữa. - Vậy Thảo về bằng gì? - Xe lam. - Hèn chi Thảo có mùi cá khô! - Duy lúc nào cũng chọc Thảo. Thảo liếc nhìn đám bạn gái xa xa đang khúc khích cười. - Duy chở Thảo về, rồi Thảo giới thiệu cho Duy cái cô tóc bum bê má lúm kia đi. - Không được đâu, nó có bồ rồi. - Có thì kệ nó chứ. - Duy làm như Duy bảnh lắm vậy. - Cần gì bảnh, cứ chai mặt ra là được, phải không Thảo. Thôi cô nương có lên xe không hay còn đứng ngóng bồ đón. Thảo rụt rè leo lên yên, chèn chiếc cặp táp vào giữa. Duy vừa cười vừa vòng tay rút nhanh đặt vào giỏ xe phía trước. - Còn bày đặt, dằn ổ gà té cho biết chứ ở đó mà e lệ. Thảo cấu mạnh vào sườn Duy, mặt đỏ bừng, lúng túng giữ vào mép nệm xe. Tà áo dài khép nép bay bay. Muốn hay không, mỗi lần chiếc xe vòng vèo uốn lượn, hai đứa lại sát vào nhau hơn. Duy nhắm ngay lỗ trũng trên mặt đường lao xe xuống và Thảo mất thăng bằng vòng tay ôm ngang lưng Duy. Duy thì thầm trêu Thảo. - Lợi dụng há. - Xí, Duy lái xe ẩu quá hà. Giọng Thảo kéo dài cùng lúc với vòng tay xiết mạnh hơn. Đầu óc nàng chợt trắng xoá như cơn nắng trưa Sài Gòn lấp lánh trên mặt đường nhựa. Nàng khẽ áp má tựa đầu vào lưng Duy tránh tia mặt trời chói chang. Hai đứa im lặng suốt quãng đường. Cảm giác lâng lâng như người say men rượu không buồn để ý lũ bạn học cùng trường vượt mặt nhìn hai cô cậu học trò đang bất cần đời. “Thằng Duy chớp được con nhỏ hoa khôi rồi kìa”. Hay tiếng thì thầm của lũ con gái. “Thằng bồ con Thảo hôm nay trông bụi đời hơn thằng cha già ngáp tuần trước”. - Duy đưa Thảo về tận nhà nha. - Sao Thảo gan vậy, không sợ ba mẹ la sao? - Không la đâu, mẹ Thảo thích Duy lắm. - Vậy hả, gần tới nhà rồi còn chưa chịu bỏ eo Duy ra nữa. - Không, cho Tâm nhìn thấy để Tâm không theo tán Thảo nữa. Chữ Tâm khiến Duy giật mình. - Bỏ tay ra đi Thảo, Tâm nhìn thấy sẽ giận Duy. - Cho Tâm giận, con trai gì mà dai như đỉa, điệu như quỷ. - Tâm làm gì mà Thảo có vẻ ghét Tâm dữ vậy. Hồi nhỏ Tâm nó bênh Thảo nhất trong đám bạn. - Không làm gì hết, nhưng Thảo không thích Tâm. Hai đứa mải nói chuyện không để ý từ xa, Tâm đã nhìn thấy và lẳng lặng bỏ vào nhà. Ngày nào, Tâm cũng cố đạp xe thật nhanh để về trước chỉ với mục đích được nhìn Thảo đi học về, ngắm cô bé cười tươi trong chiếc áo dài trắng muốt hay để hỏi bâng quơ vài câu thật ngớ ngẩn. … Mùa thi đến, cả Duy và Tâm vùi đầu vào đống sách như muôn ngàn thanh niên khác. Không đứa nào còn thời giờ bận tâm đến những chuyện lẻ tẻ của trái tim. Đúng ra, cả Duy và Tâm đều tránh mặt nhau. Tình bạn của hai đứa đã bị thứ tình yêu lạc loài chen vào. Cánh đồng cỏ xanh vừa điểm vàng những bông hoa dại. Hai đứa cùng tìm quên trong bút vở để khỏi lúng túng khi lỡ gặp nhau. Cùng nói loanh quanh về những đề thi để khỏi nhắc đến câu chuyện trong quán cà phê hôm nào. Sự dấu diếm non dại làm cả hai đứa ngượng ngập lảng tránh như người ta sợ ma nhưng chẳng hiểu con ma hình dáng ra sao! Thảo ôm ấp niềm vui bé nhỏ của cô gái vừa biết yêu. Mỗi ngày chỉ cần được nhìn thấy Duy đến trường đón chị và nhìn Duy mỉm cười là đủ cho Thảo nuôi dưỡng chút mộng mơ của thời thiếu nữ. “Lấy thằng Duy là cả đời ăn sung mặc sướng không phải lo nữa đâu con”. Mẹ Thảo vẫn thường nói như vậy, cho đến ngày bà đột ngột qua đời. Thảo vội vã bỏ trường lớp để thay mẹ lo lắng cho ba đứa em và ông bố nông dân lúc nào cũng ấp ủ ngày trở về với mớ ruộng nương mà ông quen biết. Dòng đời đẩy đưa. Cái nghèo của gia đình Tâm, giúp Tâm có tấm lý lịch trong sạch để vào trường đại học. Tâm hân hoan ra trường với mảnh bằng kỹ sư ngẩng mặt nhìn đời, nhìn Thảo tất ta tất tưởi buôn bán ngược xuôi. Tâm vẫn còn yêu Thảo, nhưng nó vẫn chưa quên niềm đau quặn thắt ruột gan hôm nhìn thấy Duy chở Thảo về. - Sao về sớm vậy Thảo? - Hôm nay phòng thông tin văn hoá bố ráp dữ quá nên nghỉ sớm, anh Tâm. - Tâm muốn rủ Thảo đi chơi được không? - Cám ơn Tâm. Thảo còn phải nấu cơm cho nhà nữa. Thảo cúi mặt vào nhà. Cô bé học trò ngây thơ năm xưa bây giờ sạn sỏi trên vỉa lề Lê Lợi. Khói toả mù mịt trên bếp lò củi ướt, khiến nước mắt Thảo giàn dụa. Nhưng không phải Thảo khóc vì thứ khói cay quen thuộc mà chỉ là cái cớ để Thảo có thể khóc nức nở cho thoả nỗi lo sáng nay. Sáng nay, Duy bị bắt lúc chạy hàng giùm Thảo. - Bỏ sách, chạy đi Duy. Nàng gào lên giữa tiếng còi huýt lanh lảnh, vài phát súng chỉ thiên chát chúa xua đuổi đám dân chợ trời tứ tán khắp nơi. Duy vẫn cố túm chặt bốn góc tấm ny lông hỗn độn những quyển sách, quyển truyện của chế độ cũ, chạy băng băng qua hướng đường Tự Do. Mắt Thảo nhạt nhòa nhìn Duy vấp ngã sóng xoài, nhìn người ta còng tay Duy, dẫn độ về đồn công an quên cả vốn liếng tài sản vừa bị thu nhặt, vứt vào đống lửa “văn hoá đồi truỵ” cháy bùng cao ngọn ngay ngã tư phố. Duy, người nàng yêu thương với bản lý lịch tư sản rớt đại học như kẻ tụt xuống hố sâu. Sẵn tính ngang tang, Duy vẫn mỉm cười ngạo mạn gia nhập lũ người hè phố, la cà như đám dân du thử du thực, phụ Thảo buôn bán. Chưa bao giờ Duy thú nhận đã yêu Thảo, nhưng thứ cảm giác của buổi trời chiều cuối ngày, hai đứa thả bộ từ Sài Gòn đến Phú Nhuận là thứ hạnh phúc sót lại, mà Duy bám víu làm chân đứng. Những lần trúng mánh, Thảo mua cho Duy điếu thuốc thơm làm Duy cảm động mân mê mãi trên tay chưa vội hút. - Hết hè này, Duy phải lên nội trú trên Thủ Đức. - Duy đậu vào Tổng hợp rồi hả? Duy không trả lời, trong khi Thảo lộ vẻ hãnh diện ra mặt. - Chị Khanh, Duy đậu đại học rồi. Em đi gọi cà phê đãi anh Duy, trông hộ hàng cho em nha. Nàng nhanh nhẩu lách mình giữa giòng người chen chân giữa hai bờ hàng quán, trải dài dọc con phố. Còn lại Duy và chị Khanh. - Sao thi đậu mà Duy không có vẻ vui vậy? - Mẹ em hứa hôn. Bả không bằng lòng cho em chơi với Thảo chị ạ, thành ra em chọn Tổng Hợp để xa gia đình một thời gian, chứ em định lấy kết quả của trường Trung Học chuyên nghiệp theo ngành gây mê hồi sức cho ba em vui, vì ông ấy mong em học ngành y. Hơn nữa, học chỉ ba năm và được ở Sài Gòn chứ không phải cắt hộ khẩu. Chị Khanh nhìn Duy, ánh mắt xa xăm. Chị hiểu thân phận người đàn bà nếu không được mẹ chồng ưng ý như chị. - Duy quyết định như vậy, chị thấy cũng phải, chứ mẹ Duy có vẻ phong kiến lắm. Làm dâu mà mẹ chồng không bằng lòng, sáng đay chiều nghiến chẳng thấy hạnh phúc. - Khi nào em nhập học, chị từ từ khuyên Thảo giùm em nha chi Khanh. - Ừ, để từ từ chị nói còn bây giờ cho nó vui trọn vẹn một chút. Nó yêu Duy lắm, suốt ngày khoe: “Em thương Duy từ nhỏ kìa”! Duy đứng co chân tựa vào thân cột sắt, tấm bảng sắt con con màu sơn lỗ chỗ hàng chữ “cấm đậu” làm anh buồn cười. Dấu nặng đã tróc mất màu đỏ nhìn vô duyên như gã thanh niên phòng thông tin văn hoá nhăn nhở gạ bán lại một số sách tịch thu được của bạn hàng tuần trước. … Thái độ của Thảo là lạ. Thảo không còn vẻ mừng rỡ như những lần cuối tuần trước đây. Thảo cũng không đòi đi bộ về mà mượn cớ chân đau để đi xe buýt, dù Duy biết chắc Thảo ghét cay ghét đắng chiếc hòm chật như nem cối, hôi như tổ cú và đầy những bàn tay lỗ mãng. - Thảo giận Duy hở? - Không. - Đừng dấu. Có chuyện gì phải không? - Không, Duy. Thảo lại im lặng, không tíu tít líu lo như mọi lần. Duy châm hết điếu thuốc này sang điếu thuốc kia, rồi vò nát cái bao giấy phẩm chất nghèo nàn như để trút cơn bực bội. - Tuần tới anh sẽ không đến thăm Thảo nữa. Vẫn im lặng. Gương mặt Thảo đanh lại nhìn lơ sang chỗ khác. Duy tần ngần ngượng ngùng nghĩ thầm đến chuyện thế thái nhân tình. Ừ, phải rồi . Duy sẽ không bao giờ có ngày ra trường. Đâu có ai dại gì quen với bọn nghĩa vụ để sống dở chết dở với đồng lương tháng không đủ một bát phở. Duy mon men tới nói chuyện với chị Khanh. - Em định đến chào chị và Thảo lần cuối. Em bị gọi nghĩa vụ, thứ Hai này trình diện rồi chị ạ. Chị Khanh thở dài. Chị nghĩ đến câu nói quen thuộc của đức Phật “đời là bể khổ”. - Thôi Duy về chơi với gia đình đi, chị chúc Duy nhiều may mắn. Chị nhìn theo Duy lầm lũi khuất vào đám đông buổi chiều thứ Bảy. Có lẽ Duy buồn lắm, buồn như hôm Thảo ôm chị khóc vùi kể cho chị nghe chuyện mẹ của Duy đến nhà. - Bác biết thằng Duy nhà bác thương cháu, nhưng cháu nên nghĩ lại. Nó bất tài chỉ lo rong chơi. Lấy nhau xong làm sao nó gánh vác nổi gia đình cháu. Mà cho dù nó cãi lời, bác cũng không bao giờ để nó lấy cháu. Sau này cháu sẽ có gia đình, sẽ có con và sẽ hiểu tình thương của một bà mẹ. Thảo chết lặng, lắng nghe như những bát nước lạnh toát hất vào mặt. Lời của mẹ Duy điềm tĩnh, cân nhắc đầy tính toán, đủ để Thảo không thể nổi giận bất ngờ thành vô lễ. Soi mòn tự ái của Thảo sát khít khao với tâm trạng người con gái còn nặng gánh cha em, để nàng tự suy và lùi bước. Thảo tiễn bà ra cửa, lễ phép hứa với bà sẽ không gặp Duy nữa. Nàng khép nhẹ cánh cửa. Cơn gió thoảng làm đôi cánh hé mở như tâm hồn nàng đang lưỡng lự nửa muốn đóng chặt con tim, nửa còn quyến luyến với tình cảm Duy dành cho nàng. Chị Khanh quay sang nhìn Thảo, hai mắt đỏ hoe chực khóc. Gương mặt cương quyết lạnh lùng biến dần theo từng bước chân của Duy. Kinh nghiệm đời của Khanh, dạy chị im lặng chứ không lựa lời an ủi Thảo. Chị biết nước mắt sẽ khiến Thảo nguôi ngoai hơn. Chị sẽ yên lặng, để Thảo ôm niềm đau mặc cảm nghèo; cũng như Duy, chôn kín mối hận đàn bà đen bạc để cả hai cùng có lý do quên đi một chuyện tình chẳng đưa đến đâu. Hồi xưa chị nghe theo tiếng gọi con tim, cãi cha mẹ để lấy người mình yêu, nhưng cuộc sống chật vật không đáng sợ bằng nỗi khổ tâm của hai đứa khi bị gia đình từ bỏ. Chị hiểu hơn tình yêu chỉ là thứ màu sắc sặc sỡ chóng phai tàn, thứ giây leo sống bám víu vào những cội già tình cảm thân thiết khác ràng buộc từ giòng máu gia đình. Ai cũng phải trải qua một lần rạn nứt. Có lẽ vì vậy, mà hình thù trái tim bao giờ cũng vằn vện những mạch máu yêu thương. … Mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm sáng cả một vùng trời. Đã qua giây phút hoảng loạn, không còn tiếng la hét náo loạn nữa. Mọi người đã vượt quá mức tuyệt vọng. Họ yên lặng chờ đợi sự phán xét của tạo hoá, lầm rầm lời cầu kinh, rời rạc tiếng tụng niệm. Chiếc thuyền bé nhỏ loay hoay dập vùi theo từng cơn sóng thịnh nộ. Định mệnh an bài bằng lượn sóng cuối cùng, chiếc thuyền vỡ tan. Chị em Thảo cố nắm níu lần cuối trước khi trôi giạt tứ hướng. Tiếng gào thét tắt lịm. Thảo mở mắt nhìn thằng em mờ xa dần, cảm nhận nỗi bất lực của lũ người tầm thường. Nàng gọi tên Duy, mơ hồ thấy bóng dáng Duy cười chờn vờn ngạo nghễ. Nàng xuôi hai tay, chìm sâu dần xuống vực thẳm tăm tối. Một đời người đoản số trước hay sau cũng vẫn chìm đắm trong bể trầm luân. … - Bác khoẻ không bác? - Cám ơn cháu, vẫn bình thường. - Cháu có chuyện này muốn thưa với bác. Trên phường lập danh sách những gia đình không có công ăn việc làm, nhà nước đưa đi vùng kinh tế mới. - Ôi, đi thì đi, ở đây cũng đâu vui sướng gì! - Em Thảo đi bán hàng hở bác? - Ừa, nó vẫn đi mỗi ngày, bây giờ kéo theo mấy đứa em ra đó luôn. - Cháu có ý kiến này thưa bác… - Ý kiến, ý cò gì trong buổi họp chưa đủ sao cậu Tâm? - Dạ, cháu muốn xin hỏi cưới Thảo. Cháu định gặp Thảo hỏi quyết định của Thảo trước khi thưa chuyện với bác, mà cả tháng nay không gặp Thảo, nên cháu mạo muội thưa với bác. Cháu nghĩ, nếu tụi cháu lấy nhau thì gia đình mình thuộc vào loại công nhân viên chức nhà nước, sẽ khỏi phải đi kinh tế mới. Tâm nói một hơi như trút xong những tính toán, mà Tâm tốn bao nhiêu ngày mới nghĩ ra để Thảo không có lý do từ chối lời cầu hôn của Tâm. Cạnh nhà nhau, ông còn lạ gì bản tính tham vọng cầu vinh của Tâm. Ông già nhà quê nhìn Tâm bình thản, vợ ông mất, con ông đã đi rồi, chẳng biết tới đâu, nhưng chắc chắn tụi nó sẽ có một đời sống khá hơn hiện tại. Ông chẳng có gì để lo nữa, nay mai nhận được tin con cái đến bờ tự do, ông cũng tự xin đi kinh tế mới vui với cảnh chân lấm tay bùn. - Cháu Tâm nè… tình lối xóm bác nói thiệt cháu biết. Con Thảo và mấy em vượt biên rồi. Cháu đừng chờ đợi nó nữa. Tâm chưng hửng nhìn sững. Mọi dự định của Tâm chợt tan tành như mây khói. Tâm nghẹn lời, không kịp chào, bước nhanh về nhà ngồi thất thần trên chiếc ghế bố nhìn lên trần. Buổi trưa nóng hầm hập trên mái tôn. Khuất trong nóc gác, con thằn lằn chắt lưỡi nghe buồn não ruột. Cũng lại quán cà phê. Vẫn là Duy lè phè và Tâm chải chuốt trịnh trọng. Mười mấy năm gặp lại nhau, tình cơ mà cũng tất nhiên vì quả đất tròn. Hai đứa không vồn vã khách sáo mà tự động khơi lại vết thương cũ. - Thảo mất tích năm 81, lâu quá không có tin. Chắc chết rồi! - Không có đâu, chắc Thảo định cư đâu đó mà không có tin tức. - Ba Thảo bị khủng hoảng sau khi hay tin tàu Kiên Giang bị bão đắm ngoài khơi Hòn Tre. - Mày vẫn còn thương Thảo hả Tâm? Tâm im lặng. Nhìn thẳng vào mắt bạn hậm hực. - Mày hứa với tao mày không cua nó rồi mà! - Ở tuổi này, mà mày vẫn còn hỏi một câu ngây thơ như vậy hả Tâm? Tình yêu, làm sao biết nó dẫn mình đến đâu. Nhưng mà cuối cùng Thảo đá tao đau hơn hoạn. - Mày nói nó đá mày, chứ không phải mày bỏ rơi con người ta hả? Bà già mày đến nhà người ta nói xa nói xôi, nên Thảo không gặp mày nữa. Cả xóm đồn đại con Thảo mang tiếng đèo bồng nhà quan. Gia đình mày làm con bé ê mặt mà mày còn trách nó. Duy ngớ người. - Ơ, vậy sao, tao chẳng biết gì hết. - Mày ở nội trú tuốt trên Thủ Đức biết con khỉ gì. Thảo khóc, thiếu điều tao tưởng nó “lỡ” với mày rồi đó chứ! - Không. Tao chỉ thấy nó lạnh nhạt đúng lúc tao bị gọi nghĩa vụ nên tưởng nó đá tao vậy thôi. - Dù sao thì Thảo cũng chết rồi. Tao xin hỏi cưới nó trễ quá, lúc đó nó đã đi được một tháng. Những vòng khói thuốc lại thay nhau phì phà. Duy mường tượng đến cảnh Thảo vùng vẫy giữa biển như bà chị của Duy. Tự nhiên nước mắt Duy chảy thành giọt. - Khóc cái gì nữa! Ít ra mày cũng được Thảo thương, còn tao theo Thảo từ lúc bé mà có được cái gì đâu. Cuối tuần này ghé tao ăn cơm tối, tao trao lại mày cái này. Thảo dặn ông bố chừng nào gặp mày thì đưa, mà mày biến mất nên ổng nhờ tao tìm mày trao lại. Tao có một chút thắc mắc này mày trả lời thật nha. - Cứ hỏi đi, tao đang chán đời mà mày cứ lòng vòng. - Hồi Ba Thảo đưa tao cái hộp không. Tao nghĩ ổng bán mất cái ruột rồi. Nhưng không lẽ ông già chất phác đó, lại làm như vậy. Mà chẳng lẽ, Thảo tặng mày cái hộp không làm gì chứ. Hãy khoan, tao sốt ruột quá, để tao chạy về lấy lại đây ngay bây giờ. Duy trả lời một cách uể oải - Ừ, sao cũng được, trở lại tao sẽ kể cho mày nghe. Duy lại châm thuốc, quán ngày thường vắng tanh. Góc phòng còn lại một mình, Duy trầm ngâm nhớ lại kỷ niệm xưa… - Thảo, anh đưa Thảo đến tiệm vàng sắm nhẫn cưới. - Thôi xạo đi. - Thì coi trước rồi sau này tính. - Duy, người ta nói coi ươm nhẫn cưới sớm quá là chuyện không thành! - Tin dị đoan. Thảo ghét con Hương nhà tiệm vàng đó phải không? - Em làm sao dám sánh với con nhà đó mà ghét người ta. - Nói đùa vậy thôi. Duy ghé đó đóng hụi cho mẹ anh. - Vậy mà cũng nói, Thảo chờ ngoài xe chứ không vào đâu. Hôm đó Duy đã xin bà chủ tiệm vàng chiếc hộp nhẫn bọc nhung đỏ thắm. - Hộp có rồi, Thảo mà làm mất chiếc hộp này thì khỏi có đồ đựng nhẫn. Thảo cầm chiếc hộp xinh sắn đưa lên môi. - Rồi như hộp còn mà nhẫn không có? - Không có nhẫn này thì có nhẫn khác chứ sao, vô duyên vậy mà cũng hỏi được. Thảo trề môi liếc mắt lườm Duy. Duy đau đớn bật cười một mình thành tiếng, khiến cô chủ quán cũng tủm tỉm cười theo với anh chàng điên vừa xuất hiện trong góc quán hiu quạnh.
|