Ba ơi! |
Tác Giả: Nguyễn khắp Nơi | ||||
Thứ Hai, 26 Tháng 7 Năm 2010 22:02 | ||||
30 tháng Tư 1975, tôi không nhớ gì nhiều vào thời gian này, vì lúc đó, tôi chỉ mới có 5 tuổi đầu thôi. Ba tôi đi làm sáng đi chiều về, mỗi lần về là lại dắt tôi đi chỗ này chỗ kia vui lắm. Một hôm, vào sáng sớm, tôi nghe súng nổ thật nhiều chung quanh vùng tôi ở, người ta Ra tới đường lớn, tôi thấy rất nhiều người, đông lắm, vừa đi bộ vừa chạy xe, ai cũng có vẻ hồi hả. Tôi chưa bao giờ được thấy xe và người nhiều như vậy, ai cũng có vẻ hối hả, lo sợ. Ba tôi chạy một hồi thì ngừng xe lại, dựng xe khóai lại ở lề đường rồi dắt mẹ và tôi chạy nhanh về phía bờ sông. Tôi không biết chỗ này là chỗ nào? Chạy được vài bước thì tôi đã mỏi chân rồi, nhưng không dám kêu. Ba tôi thấy vậy, vội vàng đưa túi xách cho mẹ rồi ngồi xuống cõng tôi lên lưng chạy đi. Tôi cố gắng ghé miệng vào tai ba mà hỏi: “Mình đi đâu vậy ba?” Nhưng ba không nghe tiếng tôi hỏi, cứ thế mà chạy thục mạng. Tới một chỗ thật đông người, đông lắm. Tôi thấy trước mặt là một chiếc tầu thật là lớn, trên đó đầy những người. Mẹ lục tìm trong giỏ ra một cái khăn đưa cho ba, ba tôi lấy cái khăn này cột chặt tôi vào người của ba rồi rắt mẹ leo lên tầu. Người ở chung quanh thật là đông, ba đi trước chen chỗ này lách chỗ kia nắm tay mẹ kéo đi. Nếu không có chiếc khăn cột tôi vào người của ba, tôi đã bị người ta chen lấn rớt xuống dưới đất rôi. Phải mất rất lâu, ba mẹ tôi mới leo được lên tầu. Chỗ nào cũng có người, người ta chen lấn xô đẩy nhau khủng khiếp, làm tôi sợ quá, khóc thét lên. Mẹ tôi vội ôm chặt lấy tôi, luôn miệng dỗ tôi: “Đừng sợ, đừng sợ, con ơi! Tầu sắp chạy rồi đó!” Mẹ dổ tôi đừng khóc nữa, nhưng chính mẹ cũng khóc, làm cho tôi càng khóc lớn hơn nữa. . . Khi tôi tỉnh lại thì trời đã tối rồi, và tôi . . . đang nằm trên giường, ở nhà. Không ai ngó ngàng gì tới tôi cả! Mẹ tôi đang lo xếp những bộ quần áo lính của ba tôi lại, bỏ vào những túi nhỏ, còn ba thì bắc ghế leo lên gỡ những khung hình xuống. Tới lúc tôi kêu đói, mẹ mới đi nấu cơm. Ba tôi không chơi đùa với tôi nữa. Mẹ tôi lúc nào cũng lúi húi xếp cái này cất cái nọ, cũng không ngó ngàng gì tới tôi cả. Rồi đến một ngày, ba lại chở mẹ và tôi đi tới một chỗ gần nhà, ở đó có nhiều chiếc xe chờ sẵn. Ba tôi xuống xe, ôm tôi thật chặt một hồi lâu rồi đặt tôi xuống, lấy cái túi vải bước đi về phía những chiếc xe đậu sẵn, vừa đi ba vừa quay lại nhìn mẹ, nhìn tôi. Đến tối, ba vẫn chưa thấy về. Tôi thắc mắc, chạy đến hỏi mẹ: “Ba đi đâu sao lâu quá, chưa thấy về hả mẹ?” Mẹ ôm lấy tôi, khóc một hồi lâu, rồi buồn bã trả lời tôi: “Ba đi công việc . . . ba hôm nữa ba sẽ về . . .” Đầu óc non nớt vào thời đó của tôi chỉ nhớ được có bây nhiêu đó thôi. Ba ngày là bao lâu? Tôi không biết, chỉ biết rằng kể từ đó, chỉ có mẹ và tôi ở trong nhà mà thôi. Thời gian đầu, mỗi lần mẹ dắt tôi qua Bà Ngoại chơi, khi về nhà, tôi lại có cảm tưởng là nhà mình rộng ra. Có lần tôi hỏi mẹ cái tủ, cái bàn của nhà mình đâu rồi? Mẹ nói rằng nhà mình không dùng nữa, nên đã đem đi gởi rồi. Mãi sau này, tôi mới biết là mẹ đã bán đi để có tiền sinh sống. Đêm hôm đó, tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng khóc la vang dội cả xóm, sẵn cửa mở, tôi bước xuống giường đi thẳng ra ngoài xem là chuyện gì? Mẹ tôi đã đứng đó tự bao giờ, nhìn chăm chăm qua nhà Bác Trung, tôi nhìn theo, thấy nhiều xe đậu ở đó, có những người Bộ đội mặc quần áo xanh đậm đội nón cối cầm súng chĩa vào mọi người, những bộ đội khác kéo những người ở trong nhà Bác Trung ra, đẩy lên xe. Tiếng kêu khóc là từ những người bị đẩy lên xe, tôi nghe Bác Trung vừa khóc vùa hét lên: “Chồng tôi đã bị mấy người bắt đi cải tạo rồi, bây giờ còn đuổi mẹ con chúng tôi ra khỏi nhà là sao? Mấy ông muốn ăn cướp nhà của dân hả?” Mặc cho Bác Trung và con cái phản đối, những người bộ đội cứ im lìm đầy gia đình bác lên xe. Không riêng gì mẹ tôi và tôi đứng nhìn, mà cả xóm đã đổ ra nhìn cảnh tượng nhà Bác Trung bị tống lên xe, nhưng không ai dám nói gì cả, chắc là họ sợ những người bộ đội khác đang cầm súng sẽ bắn họ. Khi tất cả mọi người đã bị đẩy lên xe rồi, một nguời bộ đội chợt cất tiếng nói cho mọi người nghe: “Không sản xuất thì phải đi kinh tế mới!” Đoàn xe chạy đi rồi, tất cả những người còn lại tụ lại nhìn nhau, không ai nói với ai câu nào. Mãi sau, mới có một người cất tiếng: “Căn nhà của Bà Trung lớn quá, nên mới bị chúng nó đuổi đi kinh tế mới để chiếm nhà đó!” Một người khác phụ họa theo: “Không biết lúc nào tới phiên mình!” Sáng hôm sau, tôi vừa thức giấc, nhớ lại cảnh tuợng tối hôm qua, tôi vội chạy ra ngoài đường, đứng nhìn qua nhà Bác Trung, có rất nhiều người tụ tập ở đó, họ đang treo một tấm bàng gì đó lên lan can của căn nhà. Tấm bảng mầu đỏ, viết chữ mầu vàng, tôi chưa có đi học, nên không bíết đó là cái gì. Thời gian sau, tôi thấy mẹ xếp dọn trong nhà, dồn tất cả vào từng bao, từng bao. Các cô dì, các bác của tôi cũng tới, mỗi người cũng đem lại nhiều bao giống như của mẹ. Thế rồi vào một buổi sáng, mẹ gửi tôi qua nhà Bà Ngoại, nói rằng mẹ phải đi bán hàng chợ trời. Chú Kha, em của mẹ, có nhiệm vụ mỗi sáng chở mẹ và đống hàng bằng xe Honda ra chợ, tối mịt mẹ mới đón tôi về nhà. Tới ngày tôi đi học, mẹ đưa tôi tới trường học. Cô giáo đón tôi ở của lớp, nói chuyện với mẹ một lúc rồi dẫn tôi vào lớp. Buổi tối mẹ đón tôi về nhà, lúc ăn cơm, mẹ hỏi tôi “Đi học có vui không?” Tôi trả lời là vui lắm, nhưng thật ra có một chuyện làm tôi không vui tí nào. Đứa con gái bằng tuổi tôi, ở cái nhà của Bác Trung mà các bộ đội đã đuổi bác đi, nó cùng một đám nữa trong giờ ra chơi đã đón tôi mà gây chuyện. Con nhỏ đó tên là Mùi, giọng nó nói the thé lên, rất là hung dữ. Nó chỉ mặt tôi mà nói: “Con của Ngụy, không có được học ở đây.” Tôi thấy chúng nó dữ dằn quá, phần nữa, tôi không hiểu “Ngụy” là cái gì? Nên bỏ đi chỗ khác chơi, không nói chuyện với chúng. Ngày nào mấy đứa con cách mạng cũng cứ tìm tôi mà la hét, tôi trốn chỗ nào chúng nó cũng đi kiếm để mà xỉa xói tôi. Không riêng gì tôi, mà có nhiều anh chị lón cũng bị những đứa “Bắc Kỳ Nón Cối” bắt nạt. Tôi chịu không nổi nữa rồi, một hôm, ngồi ăn cơm với Chú Kha, tôi đã hỏi chú: “Chú Kha . . . Ngụy là gì vậy?” Chú Kha ngạc nhiên nhìn tôi, rồi hỏi: “Có ai gọi cháu như vậy hay sao mà cháu hỏi?” “Mấy đứa ở cái nhà chiếm được của Bác Trung, chúng nó gọi cháu là như vậy. Chúng nó nói cháu là con của Ngụy.” “À, chúng nó muốn nói ba của con là Ngụy, con là con của Ngụy. Ngụy là xảo trá, là hèn hạ. Ba của con là Lính Cộng Hòa, ba của con không hèn hạ. Chỉ có cái đám chúng nó đi cướp nhà dân mới là hèn hạ mà thôi. Đứa nào nói con là con Ngụy, con cứ nói con là con của Lính Cộng Hòa, vậy thôi, nhưng mà đừng gây sự với chúng nó làm chi, mình là người thua cuộc rồi, không nên cãi cọ vói chúng nó.” À thì ra mấy đứa con của cách mạng kia dám gọi ba tôi là Ngụy! Nhũng nguời lớn thì ngại ngùng, chứ tôi là con nít, lại là một đứa con gái nữa, tôi đâu có sợ chúng nó. Ngày hôm sau, trong giờ ra chơi, chúng nó lại kiếm tôi gây sự nữa. Tôi nghe theo lời chú Kha, không nói gì cả, cứ lẳng lặng bỏ đi. Cô Giáo đã nhìn thấy bọn con cách mạng ăn hiếp tôi, nên khi thấy tôi đứng một mình ở góc phòng, cô đã đến bên cạnh tôi, đưa tay ôm lấy vai tôi, dịu giọng nói nhỏ: “Em đứng chấp bọn chúng nó làm gì, cứ bỏ đi chỗ khác là tốt nhất.” Buổi chiều đi học về, bọn con gái cách mạng đi theo tôi, một đứa dựt cái cặp của tôi rơi xuống đất rồi đứng nhìn tôi cười trêu chọc: -“Đồ cái thứ con của Ngụy, cút đi!” Nếu chúng nó chỉ dựt cái cặp cùa tôi mà không nói lời trêu chọc, tôi sẽ im lặng bỏ đi, nhưng nó lại nói tôi là con của Ngụy, Ba tôi là Lính Cộng Hòa, không phải là Ngụy, chúng nó mới là Ngụy. Tôi quay lại nhìn con Mùi, sẵng giọng: -“Ba tao là lính, không phải là Ngụy. Mày nhặt cái cặp của tao lên, đưa cho tao.” “Tao không nhặt, mày làm gì tao? Cút đi, đồ Ngụy, mày không là Ngụy thì ai là Ngụy bây giờ?” -“Chính mày mới là ngụy đó! Lượm cái cặp lên đưa trả cho tao.” -“A! con này hỗn nhẫy, dám gọi cách mạng là ngụy hả? Tao kêu ba tao cho mày đi cải tạo bây giờ đấy, liệu hồn.” Nó vừa nói, vửa xông lại phía tôi đưa nắm tay lên thật là hung dữ. Nếu tôi không cho nó biết mặt, nó còn làm phiền tôi nhiều hơn nữa. Không những nó đánh tôi, cả đám chúng nó xông vào đánh tôi, làm sao tôi chịu nổi. Tôi phải ra tay trước mới được. Tôi không liệu hồn, tôi làm liền. Thừa dịp con Mùi đang huênh hoang, tôi tát cho nó một cái tát thẳng cánh: -“Này thì Ngụy này, cho mày biết tay Ngụy nhé!”. Con Mùi bị cái tát bất ngờ, nó hoảng hốt khựng lại, đưa tay lên xoa mặt, khóc lên thật lớn. Cả bọn chúng nó nhao nhao lên, cô Giáo Nga từ đằng xa chạy lại can chúng tôi ra và hỏi chuyện gì đã xấy ra? Con Mùi vừa ôm mặt vừa khóc, mách cô giáo: “Con Lan nó đang tôi đấy.” Cô Giáo Nga quay lại nói với Mùi: “Cô là cô giáo, em phải gọi cô là “CÔ” và xưng là “EM” nghe chưa! Tại sao Lan lại đánh em? Em có chọc ghẹo gì Lan hay không?” “Tôi nói nó là con của ngụy, thế là nó đánh tôi. Phải gọi Giám Hiệu ra đây, đuổi không cho nó học nữa.” Tôi lên tiếng liền: “Thưa cô, Mùi nó dựt cái cặp của em vứt xuống dưới đấy, em nói nó lượm lên trả cho em, nó đã không lượm, lại còn chửi em là con của Ngụy và xông lại muốn đánh em nữa. Em phải đánh trước để tự vệ.” Cô Nga nhìn tôi, có vẻ như cô đồng ý với hành động của tôi, nhưng cô cũng làm mặt giận, la tôi: “Em không được đánh nhau, Mùi có chọc ghẹo em thì em phải mách cô, lần sau không được như vậy nữa nhé! Còn Mùi nữa, em không được dựt cặp của Lan, không được chọc ghẹo Lan nữa, nghe không?” Con Mùi nguýt tôi một cái thật dài, rồi vừa xoa mặt vừa đi. Cô Giáo Nga nhìn tôi trìu mến, cô nói nhỏ cho tôi nghe: “Em giỏi lắm, em không là Ngụy đâu! Thôi, về đi, coi chừng chúng nó đó!” Cô nhìn quanh, thấy mấy đứa con trai đứng gần đó, cô kêu một đứa lại: “Em Nghĩa, lại đây, em đưa Lan về nhà dùm cô nhé!” Anh Nghĩa ở gần nhà tôi, nên thật là tiện. Anh nắm tay tôi dẫn đi, vừa cười vừa nói với tôi: “Em hay quá, anh phục em quá. Anh cũng bị chúng nó chọc ghẹo, nhưng chưa có gan đánh chúng nó như em!” Tôi mỉm cười cám ơn anh. Tôi không phải là gan góc gì, tôi chỉ bảo vệ ba tôi thôi. Ba tôi không hề là Ngụy, chúng nó mới là ngụy. Đã lâu lắm ba tôi vẫn chưa được về. Tôi nhớ ba lắm. Tôi vừa đi vửa suy nghĩ, nếu gặp ba, tôi sẽ kể chuyện này cho ba nghe, chắc ba sẽ hài lòng lắm. Bọn con Mùi, sau lần đó, không còn đến làm phiền tôi nữa. Tôi yên tâm học, sau giờ học, tôi cũng ra chợ bán phụ với mẹ. Thời gian thấm thoắt qua đi, tôi đã lên trung học rồi, mà ba tôi vẫn chưa về. Mẹ nói ba bị đem ra ngoài Bắc, ở mãi Hoàng Liên Sơn, lạnh lắm. Gia đình anh Nghĩa đã được đi thăm ba của anh ta, chắc thế nào cũng đến lượt mẹ tôi. Tôi nhớ ba lắm, nếu được phép thăm nuôi, thế nào tôi cũng xin mẹ cho đi theo. Nhìn bóng mẹ mỗi buổi tối lui cui một mình, nhất là lúc mẹ đứng dựa cột nhà nhìn ra phía xa xa, tôi biết mẹ đang nhớ ba, tôi thương mẹ lắm. tôi cầu mong ba tôi được an lành để trở về với mẹ, với tôi. Một buổi chiều, mẹ tôi đang lui cui bán hàng, bổng chú Kha hớt hải chạy xe tới báo tin: “Chị ơi . . . . anh về rồi . . . anh Phúc được về rồi, đang ở nhà đó!” Mẹ vội vàng gọi tôi rồi hai mẹ con dắt nhau chạy về nhà, bỏ cả hàng quán đó. Chú Kha hoảng hồn, gọi giật lại: “Chị ơi, chờ em đưa chị về, làm sao mà chạy bộ về được, xa lắm.” Mẹ lại dắt tôi chạy ngược về chợ. Mẹ hối hả gửi người bạn hàng kế bên: “Chị trông hàng hộ em nha, chồng em được về rồi, em phải về nhà.” Ai cũng mừng cho gia đình tôi, nên đồng ý trông hàng dùm để chú Kha chở mẹ và tôi về nhà. Xa xa, tôi đã thấy bóng dáng của ba đứng chờ ở trước cửa. Ba tôi gầy lắm, gầy không còn nhận ra là ba nữa. Thực sự thì đã 8 năm trời rồi, hồi ba đi tù, tôi còn quá nhỏ, nên cũng không nhớ rõ ba ra sao nữa. Khi đi, ba còn bồng được tôi trên tay, nay tôi đã lớn rồi, ba đâu còn bồng tôi được nữa! Ba ôm lấy tôi mà khóc: “Con gái của ba! Con gái của ba lớn quá rồi!” Cả nhà cùng khóc gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Ba tôi ở nhà được vài ngày thì đã có công an phường đến thăm, kêu gọi ba tôi đi kinh tế mới. Một buổi tối, tôi nghe lén ba mẹ bàn tán với nhau: Mình ráng tìm chỗ, đi . . . vượt biên. NGUYỄN KHẮP NƠI. Viết theo lời kể của một người con.
|