Mẹ đặt tên con, xin an lành cho Bố |
Tác Giả: Tường Chinh | |||
Chúa Nhật, 20 Tháng 6 Năm 2010 20:05 | |||
"Bố tôi là ai? Tại sao tôi không có bố để được thương yêu và chiều chuộng như những đứa trẻ bình thường khác?” Ðó là những suy nghĩ cứ ám ảnh suốt thời thơ ấu của tôi. Mẹ tôi kể rằng, bà đặt tên con là Tường Chinh vì “Tường” là lành, “Chinh” là chinh chiến. Mẹ muốn bố trở về nguyên vẹn hình hài. Bố tôi mất trong trận Quảng Trị, cũng là thời điểm mẹ tôi mang thai tôi. (Hình: Tác giả cung cấp) Có một lần, tôi hỏi mẹ rằng: “Tại sao con không có bố?” Tôi thấy gương mặt mẹ chùng xuống, ánh mắt mẹ đăm chiêu và buồn buồn làm sao ấy. Mẹ tôi kể rằng: “Ba con mất tích trong trận Quảng Trị, ba con là một người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày bố con ra Quảng Trị là ngày mẹ biết đang mang thai con.” Cái tên “Tường Chinh” của con cũng xuất phát từ ý tưởng an lành: “Tường” có nghĩa là lành, “Chinh” có nghĩa là chinh chiến. “Mẹ đặt tên này cho con, mong ước cuộc chiến Mùa Hè Ðỏ Lửa năm ấy được sớm chấm dứt!” Và đến mãi tận bây giờ, tôi mới thực sự hiểu rằng: Bố tôi đã chết. Một cái chết thật lặng lẽ, không mộ bia, không ai biết hài cốt của bố tôi ở đâu. Cũng như tôi chưa hề một lần gặp mặt bố! Sài Gòn sụp đổ năm 1975, lúc đó tôi mới chỉ là cô bé lên ba. Tôi không được biết gì đến cuộc chiến mà bố tôi đã tham dự và hy sinh. Mẹ tôi vì quá bận rộn mưu sinh và nuôi nấng tôi, hay vì những lý do khác nữa, không bao giờ nhắc đến những điều đã xảy ra trong quá khứ. Riêng tôi, tôi lớn lên với những mâu thuẫn trong đời sống. Tôi thật sự không hiểu tại sao tôi phải được mẹ di chuyển chỗ ở nhiều đến như vậy. Thậm chí có khi cả nhà tôi phải trốn chạy ra Long An, lúc thì Mỹ Tho, khi thì Bạc Liêu... và sống chui rúc trong những căn nhà đất chật hẹp, dơ bẩn, có khi chứa tới gần 50-60 người, bao gồm cả người lớn và trẻ con. Sau này tôi mới hiểu, mẹ tôi dẫn tôi đi vượt biên nhiều lần nhưng không thành. Có lúc tôi hỏi mẹ: “Tại sao mình phải đi vượt biên vậy mẹ?” Mẹ tôi bình thản trả lời: “Vì mẹ muốn con có một tương lai tốt đẹp hơn mẹ!” Lúc đấy, tôi rất ấm ức vì không hiểu điều gì đã, đang, và sắp xẩy ra với gia đình mình, và tại sao mình không có bố bên cạnh? Tại sao mình không được tình thương yêu và gần gũi của bố mẹ như những đứa trẻ khác?! Mẹ tôi và tôi, những ngày xa xưa. (Hình: Tác giả cung cấp) Thậm chí, khi tôi đến tuổi đi học, mẹ tôi phải “tranh đấu” để tôi được giữ cái tên cúng cơm của tôi. Bà kể rằng: Giữa năm 1975, khi mẹ lên công an phường để làm lại giấy khai sinh cho con. Một viên chức nhà nước bảo mẹ phải đổi tên của con. Vì tên “Tường Chinh của con gần giống tên của một thủ tướng Cộng Sản Việt Nam.” Tôi vội vàng hỏi mẹ: “Vậy mẹ có đồng ý không?” “Tất nhiên là không, vì tên của con là tên mẹ đã tâm huyết đặt cho con. Ông ấy chỉ là tên giả, chứ không phải tên thật.” Lúc đó, tôi rất ngưỡng mộ mẹ tôi. Tôi đã học từ bà sự can đảm, sự tự tin, và nghị lực sống của bà. Kể từ ấy, mẹ tôi mang hình ảnh của bố tôi. Cuộc sống thầm lặng và khổ nhọc khiến mẹ trở nên rất khó hiểu. Tôi không bao giờ hiểu hết về mẹ. Về những gì mẹ tôi đã thực sự trải qua. Ngay cả về cuộc tình của bố mẹ tôi. Giữa tôi và mẹ luôn có một khoảng cách rất kỳ lạ, và đôi khi tôi có cảm giác sự ra đời của tôi là sự cản trở cho tương lai hạnh phúc của mẹ. Và tôi luôn thầm ước: “Giá như tôi có bố, thì mẹ tôi sẽ thương tôi hơn và cuộc sống của gia đình tôi sẽ hạnh phúc hơn!” Khi bước vào tuổi dậy thì, tôi thường tự hỏi: “Nếu như tôi có bố - tôi sẽ thương ai hơn?! Ai sẽ là thần tượng của tôi để tôi có thể học hỏi và dựa dẫm mỗi khi vấp ngã trong đời sống?” Sau những lần vượt biên thất bại, mẹ tôi quyết định làm lại từ đầu và muốn tôi có được một cuộc sống ổn định hơn. Bà kể với tôi, có lúc bà nghĩ rằng “có lẽ ông Trời không muốn cho mẹ con mình đi vượt biên rồi con ạ!” Kể từ đó, mẹ tôi dốc hết tâm trí và thời gian vào công việc dạy may vá để nuôi tôi đi học. Trong tâm trí tôi, mẹ như là hình ảnh của một người bố. Vì tôi thường hay tìm hiểu và quan sát những người bạn lớn lên cùng tuổi của tôi, hầu hết ai cũng có bố, có mẹ. Mỗi ngày, bố của họ đi làm, mẹ của họ ở nhà nấu cơm, chăm sóc nhà cửa. Gia đình tôi thì khác. Mẹ tôi ra tiệm may từ sáng sớm đến tận khuya mới về nhà. Nhiều lúc cận Tết, mẹ tôi hầu như thức trắng đêm để may kịp quần áo giao cho khách. Phương tiện duy nhất để tôi trao đổi với mẹ là viết giấy để lại cho mẹ. Vì khi mẹ thức dậy thì tôi đã đến trường đi học. Khi mẹ tôi về nhà, thì tôi đã đi ngủ sớm để ngày mai đi học. Ngày nào tôi cũng bưng tô cơm ăn một mình. Muốn ăn lúc nào thì ăn, buồn ngủ thì lăn ra ngủ một mình. Hình ảnh được mẹ âu yếm, vuốt ve, và chăm chút cho tôi trong đời sống tinh thần, chỉ diễn ra trong giấc mơ. Không có bố, tôi dồn hết tình thương vào mẹ; vì tôi đã hiểu được là vì mẹ quá bận rộn; vì không có bố nên mẹ phải thay bố một mình nuôi dưỡng tôi. Dù vậy, mắt tôi vẫn thấy cay cay mỗi khi nhìn thấy đám bạn trong xóm có bố và mẹ. Lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của bố khiến tôi mạnh mẽ hơn. Tôi rất ít có dịp bày tỏ tâm sự của mình, dù là với mẹ. Tôi thường viết lách và giam mình đọc sách mỗi khi tôi cảm thấy đơn độc và buồn chán. Tôi tìm đến nghề viết lách như là cách để bộc lộ tâm sự riêng của mình. Tôi đã từng viết về những đề tài mồ côi, trẻ em nghèo, bịnh tật, và bất hạnh trên một số báo trong nước từ năm 1994-1996. Vào nghề báo lúc đó, tôi chưa hoàn tất chương trình đại học. Càng viết nhiều, tôi càng gặp nhiều khó khăn và bế tắc về cách viết và những điều muốn viết. Cuối cùng, tôi hiểu ra một điều: Tôi cần phải hoàn tất việc học và rời bỏ công việc hiện tại của mình, vì nơi đây tôi sẽ không có cơ hội tiến thân và viết những điều mình muốn viết! Tôi ghi danh sang Mỹ theo diện du học vào Mùa Thu năm 1996. Khi đặt chân đến khu Little Saigon, tôi nhìn thấy cờ Mỹ bên cạnh lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ mà ngẩn người ra. Một người chú đỡ đầu hỏi tôi: “Cháu nhìn gì vậy?” Tôi vội hỏi: “Lá cờ nước nào vậy chú?” Chú V. liền đùa: “Chắc chú không dám đứng gần cháu quá - đúng là ngố như... Việt Cộng.” Từ đó, qua chú V., tôi hiểu nhiều về giá trị của lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ. Sự ra đi biệt tăm của bố tôi, sự ra đời của khu Little Saigòn, động lực thúc đẩy mẹ tôi phải đưa cả nhà đi vượt biên, đều có dính dáng, nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp, đến lá cờ này! Tôi đã trưởng thành và lớn lên không có bố. Khi rời Việt Nam sang Mỹ du học, tôi một lần nữa sống không có bố, lẫn mẹ. Số tiền mà mẹ tôi rất vất vả mới dành dụm được qua việc dạy và may vá cũng nhanh chóng hết vì đóng học phí cho tôi. Hơn mười năm đi học ở Mỹ, mỗi ngày tôi đều nghĩ đến bố và mẹ, điều đó giúp tôi vượt qua mọi khó khăn và thử thách của đời sống. Cuộc sống tự lập và thiếu vắng hình ảnh của bố và mẹ đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, chững chạc hơn. “Không có bố” là điều bất hạnh và buồn nhất của đời tôi. Nhưng qua đó, tôi đã hiểu ra một điều rằng, không có gì có thể thay thế được tình thương yêu của bố mẹ mình, và giá như tôi có bố thì mẹ tôi đã không vất vả đến thế. Hơn thế nữa, mẹ đã không mất đi những giây phút an ủi, động viên, và vỗ về tôi mỗi khi tôi vấp ngã trong đời sống. Tình cảm gia đình, tình cảm thiêng liêng và quan trọng nhất đời tôi, là điều tôi thiếu vắng trong suốt thời thơ ấu của mình!
|