Mấy hôm vừa qua, nhiều người đơm sẵn những lời chúc mừng Ngày của mẹ hoặc kể những câu chuyện về mẹ. Vốn không mấy khi chạy theo “trào lưu”, thôi thì mình lại đi kể chuyện về cha xem sao, để qua tháng sau, đến “trào lưu” Ngày của cha, chắc mình sẽ không nhắc lại câu chuyện về cha nữa. Cũng không phải tự nhiên tôi nhớ về cha mình. Chả là, hôm kia, mẹ tôi chợt trông thấy một gia đình có vẻ hạnh phúc, trong đó người cha cũng là người chồng chở vợ con đến hóng mát ven bờ kênh. Khi mẹ tôi nhìn thấy họ là lúc họ đã hóng mát xong và đang dẫn nhau bước vào xe. Mẹ kể lại một cảnh tương tự, xảy ra hồi xa xưa lắm, hồi ấy, cũng trên chiếc xe hơi như gia đình kia, chiều chiều bố tôi thường chở mẹ và chị tôi (lúc ấy còn nhỏ xíu) đi hóng mát ven sông, rồi sau đó đi ăn tối. Tôi trả lời: “Con chưa bao giờ được bố chở đi đâu chơi, dù là chở trên xe đạp.” Mẹ đáp: “Đến thời con sinh ra đời rồi, thì nhà mình làm gì có điều kiện!” Tôi hiểu lắm chứ! Tôi nói ra câu đó, đâu phải để trách móc gì ai, mà chỉ để nhận xét về một sự thật. Bố có chở tôi, rất hay chở tôi trên những vòng xe chậm rãi quay bằng sức đạp của hai chân bố, rất hay ghé vào hàng kem để hai bố con cùng giải khát hoặc hàng bánh trái gì đó để mua cho tôi miếng bánh cầm về nhâm nhi. Nhưng đó là tiện đường mà ghé vào, không phải là thảnh thơi đi chơi. Ký ức của tôi về bố là hình ảnh một người trái ngược với tên “G. mập” mà người ta đặt cho ông. Người ta gọi bố tôi là “G. mập” để phân biệt với “G. còm”. Nhưng từ khi tôi được thấy mặt bố cho đến khi bố qua đời, tôi chẳng thấy ông “mập” một ngày nào cả. Tôi nghĩ thân thể bố đã được “cải tạo” để biến mất hẳn lớp mỡ màng kể từ khi bố “được” đưa đi “cải tạo” trong mấy năm rồi sau đó mang theo tấm thân chỉ còn những da cùng xương về với gia đình. Nói tiếp chuyện về những vòng xe… Ngày ấy, tôi bé như viên kẹo nên xem ra số kí lô của mình quá nhẹ so với sức đạp xe của bố. Có lần, hai bố con dắt xe ra cửa, tôi chưa kịp leo lên xe, bố đã đạp nó chạy đi tuốt luốt mà chẳng buồn nhận ra là xe vắng tôi có nhẹ hơn bình thường. Tôi vừa lẹt đẹt chạy bộ theo, vừa í ới gọi từng hồi “Bố ơi”. Những vòng xe dù chậm rãi vẫn lao đi nhanh hơn so với sức chạy bằng đôi chân tôi. Chạy được một phút, tôi nghĩ ra: tội tình gì phải vậy, đằng nào mình cũng có đuổi kịp xe đâu, thôi thì cứ thong thả đi đến hàng kem, chắc bố sẽ chờ mình ở đó. Và quả đúng như vậy! Bố thích dạy tôi học, dù tôi lại thấy bố là một ông thầy… chán phèo, như người ta thường nói “Bụt nhà không thiêng” mà. Những món Toán, tiếng Anh, tiếng Pháp… mà bố truyền đạt, tôi thấy khó nuốt vô cùng. Đến khi vào lớp, điều bất ngờ thú vị nhất là khi vào lớp 6, bắt đầu chương trình học tiếng Anh, qua dần dà vài tháng, thấy mình cứ dẫn đầu lớp mãi trong môn học này, mới thầm hỏi sao tiếng Anh học với bố thì khó quá mà học ở đây lại dễ quá với mình (dù nó cũng có khó với nhiều bạn học khác)… Lại có lần, bố đọc chính tả tiếng Pháp cho tôi viết lên chiếc bảng đen ở nhà, dạo ấy bố dạy hai anh em tôi học chung, nhưng tôi được cưng hơn. Bố đọc thế nào thì mình viết thế nấy, tự thấy mình hơi giống con vẹt. Thế mà rồi đến khi bạn bố đến chơi, bố hớn hở chỉ vào bảng, khoe: “Con bé nó viết chính tả tiếng Pháp này, ông!” Năm tôi vào lớp 10, trông ánh mắt bố trìu mến nhìn tôi trong đồng phục nữ sinh áo dài trắng, tôi nghĩ chắc bố thấy “con gái rượu” của mình đẹp. Mà đúng là bố nghĩ vậy! Một hôm, sáng ra xe tôi bị hư, tôi phải đi học bằng cyclo. Giờ tan trường, bố đến đón tôi mà tôi không hay biết rằng mình được đón, nên đã thẳng tiến tự tìm cách về nhà mà không đợi ai ở cổng. Bố chờ đến khi trường tan hết chẳng còn ai, không gặp được tôi, mới về nhà. Về rồi, bố còn hí hửng kể mẹ nghe: “Tôi điểm mặt hết đám nữ sinh ở trường rồi. Con mình nó đẹp nhất trường!” Sau này, thỉnh thoảng mẹ vẫn nhắc lại câu nói này của bố để cười. Khi ấy, tôi chỉ thầm nghĩ: bố “điểm mặt” kiểu gì mà đã bỏ sót mặt mình, thì cũng có thể bỏ sót những khuôn mặt đẹp nhất trường mà! Sự thật là, tôi tự biết thân biết phận mình đẹp nhất lớp còn không nổi, huống gì đòi nhất trường. Lời phát ngôn “xanh dờn” của bố khiến tôi nhớ lời một anh kia từng bảo rằng: “Vợ người hàng xóm thì đẹp hơn vợ mình, nhưng con mình lúc nào cũng là nhất!” Chỉ hơn một năm sau ngày có câu tuyên bố như trên về nhan sắc cô con gái mình, bố tôi đã không qua khỏi cơn tai biến mạch máu não lần thứ hai. Nay, nhìn trên mặt mình, tôi thỉnh thoảng thấy phảng phất nét của bố. Tôi nhìn thấy bố ở cái sống mũi của mình, ở đôi gò má của mình, và… chán nhất là ở cái cằm của mình. Chị tôi thậm chí còn nhìn thấy bố ở trên nét mặt… con chó cưng của hai chị em tôi nữa. Từ bao lâu nay rồi, chị cứ bảo con bé Vàng ấy trông có nét giống bố, hay là bố đầu thai vào nó (!). Rồi một hôm, chị lại nói với tôi: “Bé Vàng dạo này trông đỡ giống bố rồi ha bé!” Tôi trả lời: “Phải nói là ‘bớt’ giống bố chứ sao lại nói ‘đỡ’ giống bố! Chị làm như giống bố là cái gì xấu lắm mà bớt đi thì gọi là ‘đỡ’!” Chị chỉ cười, và lần sau lại nói rằng con Vàng dạo này “đỡ” giống bố… Một hôm, tôi đi viếng đám tang bố một người đồng nghiệp. Anh ta kể rằng anh chỉ hơi ân hận vì bố anh – là dân ghiền thuốc lá – những ngày bệnh đã đòi hút mà anh nhất định không cho, nên chỉ vài hơi thuốc cuối đời mà ông đã không được toại nguyện. Thông thường, nếu nghe kể về sự chống chọi với cơn thèm thuốc, có lẽ tôi sẽ cong cớn đáp rằng người ta thường hay thèm những khoái cảm phù du. Nhưng, trường hợp này, tôi chỉ lặng im, liếc nhìn những giọt nước rơm rớm trong mắt anh ta. Chỉ là đôi khi có vài điều gợi mình nhớ về một thời “gót đỏ như son”.
|