Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Một Đời Nhìn Lại

Một Đời Nhìn Lại PDF Print E-mail
Tác Giả: Tường Vi   
Thứ Tư, 09 Tháng 6 Năm 2010 05:17

 Đây là thành phố, nơi bà đã sống. Nó đã thay đổi hoàn toàn, đến nỗi bà không còn có thể nhận ra nó

Tác giả tên thật Lisa Hạnh Nguyễn, hiện là dân Milpitas , miền Bắc Cali., cho biết bà chỉ là người thích đọc sách. "Một đời nhìn lại" làmột tự sự nhân dịp 30 tháng Tư, kể lại những đoạn đường gian khổ đã trải qua từ quê nhà sau 1975 tới xứ Mỹ, của một gia đình 4 thế hệ chung sống.

Những ngày gần đây, sinh hoạt cuả tôi là ra vào bịnh viện và những đêm thức trắng ở đó, để săn sóc cho mẹ tôi.

 

Và rồi mẹ tôi đã được chuyển thẳng qua viện dưỡng lão nơi bác sỉ tim của bà là giám đốc.

Cuối cùng thì sau nhiều năm do dự, lo sợ đủ thứ, sợ người ta săn sóc không chu đáo, sợ mẹ lạc lõng bơ vơ...Trăm lo ngàn sợ, với tâm lý của người Việt Nam, chúng tôi cũng phải quyết định, để mẹ tôi vào chỗ có những săn sóc đặc biệt và cần thiết cho bịnh tình của bà, sau những cơn đột qụy về tim và chứng mất trí nhớ của người già.

Hôm sau, thứ bảy vào tới nơi, mẹ tôi đang ở phòng sinh hoạt. Bà ngồi chung với ba bà gìa đang gục đầu xuống ngủ. Mẹ tôi nói "Ở đây chán lắm, toàn những người sắp chết". Bà muốn về nhà vui hơn. Tôi thấy được sự cô đơn, sợ hãi của bà khi phải vào đây ở, nhất là ban đêm, bà nói có nhiều ma chung quanh bà, bà sợ lắm.

Tôi nhìn mẹ tôi thấy hình ảnh của một dòng sông:

"Bây giờ sông đã già.                                                                         
Bây giờ sông đã cạn.                                                                          
Đã mỏi mệt vì những nắng mưa qua.                                                   
Chỉ còn nơi đây tình thương vẫn thế                                                   
Khi dòng đời vẫn lặng lẽ trôi đi"

Mẹ tôi lưng còng, tóc bạc trắng như bông với tuổi đời 86 chồng chất trên vai.

Khi dọn dẹp nhìn chiếc ghế mẹ tôi vẫn thường ngồi, tôi thoáng nghe, tiếng ru trầm bổng của me:

"Kĩu ca, kĩu kít.                                                                              
Bà đưa cháu bổng tít lên mây.                                                            
Cháu tôi tuy nhỏ mà hay.                                                                   
Đáng trông, đáng cậy cho ngày mai sau.                                             
Kĩu ca, kĩu kít".

Tiếng ru đó, đã đưa tôi, các con và các cháu tôi vào đời, với tất cả yêu thương trìu mến. Bằng những món ăn ngon mà bà nấu cho cả nhà. Bằng những chiếc áo dài nhỏ xíu, bà may cho các con tôi lúc còn nhỏ. Bằng những chiếc áo len xinh xắn, đủ màu, đủ kiểu mà bà cặm cụi hằng đêm, đan cho các cháu, khi mùa đông đến.

Mẹ tôi đọc rất nhiều sách, từ đông sang tây, từ cổ tới kim. Có lẽ vì thế mà bà đã tìm cho mình một nhân sinh quan về cuộc sống.

Bà thường dạy các con tôi phải sống đạo đức và giúp đỡ mọi người.

Có người nói "hạnh phúc là khi mình có nhiều kỷ niệm đẹp để mà nhớ trong đời". Nếu quả thật như vậy, thì gia đình tôi với 4 thế hệ, tứ đại đồng đường, chung sống dưới một mái nhà, chúng tôi có quá nhiều hạnh phúc, vì lúc nào gia đình chúng tôi cũng quây quần, hội họp, ồn ào, náo nhiệt.

Qua những thăng trầm của cuộc sống, mẹ tôi luôn luôn ở bên cạnh để giúp đỡ, chăm sóc các con, các cháu, đi làm về có được những bữa cơm ngon lành, ấm áp.

Và bây giờ mẹ tôi phải một mình vào sống ở đây, không được gần các con cháu, tôi thấy xót xa vô cùng, nhưng chẳng còn cách nào hơn.

Mong mẹ tôi sẽ quen dần với đời sống nơi đây và nhất là sẽ tìm được sự bình an cho tâm hồn, trong những tháng ngày còn lại của tuổi gần đất xa trời này.

Qua Mỹ tháng Tư năm 1986 với diện đoàn tụ, do cô em bảo lãnh, mẹ tôi không được hưởng trợ cấp của chính phủ. Từ tiểu bang Oklahoma chúng tôi dọn về Cali, vì nghe nói ở đây khí hậu ấm áp và rất đông người Việt. Với gia đình 7 người, hai vợ chồng, mẹ tôi và 4 đứa con, nhỏ nhất 11 và lớn nhất 18. Chân ướt chân ráo, tới miền đất hứa, chúng tôi phải đi làm ngay để trả tiền nhà 750 đô một tháng ở Mountain View, tuy đắt hơn San Jose, nhưng chúng tôi yên tâm vì nơi đây trường học tốt, lại không có nhiều băng đảng.

Được 3 tháng, thì chúng tôi đều mất việc. Rất may cô em họ xin được cho chồng tôi một route báo.

Thế là cứ 4 giờ sang, chồng và thằng con trai thứ ba 12 tuổi, đã phải thức dậy, với cái lạnh cóng da của tháng 12, đầu tiên trên đất Mỹ, để đi nhận báo, xếp báo rồi đi bỏ cho khách hàng. Khổ nhất là những ngày mưa, hoặc cuối tuần báo quảng cáo nặng trịch, phải bỏ bao nylon, mất gấp đôi thời gian. Thằng con tôi đã giúp bố nhiều năm cực nhọc như thế, nhất là trong những mùa đông lạnh giá, mưa tầm tã, khi các đứa trẻ khác còn nằm trong chăn ấm, thì con tôi đã phải thức dậy, mắt nhắm, mắt mở, co ro ngồi gấp báo, không một lời than van. Có những lúc phải đi bộ bỏ báo ở những apartments, trời tối đen, con tôi rất sợ ma.

Có lẽ những cơ cực từ lúc ấu thơ này, đã rèn luyện và giúp cháu thành công trên đường đời và có một tấm lòng nhân hậu.

Mẹ tôi vay được 240 đô một tháng, mới có tiền mua thức ăn và phải thật tằn tiện, nhờ mẹ tôi chế biến nhiều món ăn ngon mà rẻ. Mỗi tuần chúng tôi lên San Jose mua đồ ăn một lần.

Sau đó, tôi được bà chủ nhà người Phi tốt bụng, chở đi giới thiệu với bà bạn, là Manager phụ trách ẩm thực trong 1 viện dưỡng lão. 

Thế là tôi bắt đầu vào làm việc ở đó, tiền lương hơn 5đô/1 giờ, có đầy đủ benefit.

Chúng tôi chỉ có một chiếc xe hiệu Ford Maverick, 8 máy, 2 cửa, uống xăng thần sầu, của một người bạn cho. Cả nhà 7 mạng, nhồi nhét chật cứng trên xe, mỗi khi đi đâu. May mà chưa bị cảnh sát phạt. Có lần bị một xe đằng sau đụng phải, không biết luật lệ về bảo hiểm, thấy xe mình body cứng cáp không sao, mà xe họ bị móp méo, chồng tôi cho họ đi. Về nhà mới biết ống bô bị xút ra. Thế là phải móc tiền túi ra sửa. Kinh nghiệm đầu tiên trên đất Mỹ. Rồi có lần xớn xác không đọc kỹ tấm bảng "Cấm quẹo trái từ 7 đến 9 giờ sáng" Chồng tôi quẹo vào, một ông cảnh sát đang ngồi chờ sẵn. Tấm giấy phạt đầu tiên và để đời.

Lại một lần không rành đường, North với South, chồng tôi đi lộn tuốt về hướng Sacramento, càng đi càng thấy xa và lạ hoắc, anh sợ quá dừng lại trên đường. Cảnh sát tới anh đưa số phone, họ gọi chồng cô em họ và một người bạn tới lái xe về giùm, vì anh sợ quá hết lái nổi.

Mỗi sáng khi bỏ báo được phân nửa, chồng tôi chở ôi đi làm ca 6 giờ, về đi bỏ nốt báo, sau đó chở các con tôi đi học, trưa đón về. Tôi về nhà lúc 2:30 chiều, ăn vội vàng rồi ngồi vào bàn máy, may những túi ren nhỏ, mẹ tôi giúp nhồi hoa hồng khô vào và cột dây thung, sau đó 2 cô con gái lớn giúp gắn hoa và nơ lên trên. Đặc biệt cuối tuần cả nhà ngồi xúm xít làm cho xong để giao hàng. Mỗi cái được khoảng 10 cent. Một tháng kiếm thêm được vài trăm, nhưng nhiều hôm làm đến khuya, tôi không đứng lên nổi, mới thấy thấm thía những cực nhọc của những năm tháng đầu tiên trên xứ Mỹ, không có trợ cấp của chính phủ để có thể học thêm.

Ai nói thiên đường là đây?

Nhưng cho dù có cực khổ tới đâu, chúng tôi vẫn cảm nhận được cái hạnh phúc, sự tự do, sung sướng mà chúng tôi đang có, để so sánh với 11 năm ở lại Sài Gòn sau năm 75.

Chúng tôi đã ở lại trong một thành phố mang tên người xa lạ, với những con người xa lạ, với cuộc sống tả tơi, như một miền Nam đang tơi tả từng ngày qua đi, với ngậm ngùi "Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên." Với những đói khát, với nạn ghẻ, nạn đau mắt, sốt xuất huyết lan tràn. Một giường bệnh 3 đứa trẻ nằm ngang, phòng gần cầu tiêu, mùi khai thối xông lên nồng nặc, dưới đất dơ bẩn, đầy vỏ cam, vỏ chanh, ruồi nhặng bu đầy. Tôi không thể nào quên được những hình ảnh này.

Vào thời buổi ấy, chữ Đi được xử dụng hơi nhiều: Đi họp tổ - Đi thủy lợi - Đi thanh niên xung phong - Đi kinh tế mới - Đi gác dân phòng - Đi vượt biên - Đi bán chính thức - Đi thăm tù cải tạo - Đi bán chợ trời - Đi tù v.v..

Trộm cắp hoành hành. Có hôm chúng tôi để dép ngoài sân, sáng ra mất hết, trộm leo vào ăn cắp, đem bán ve chai. Khốn khổ chưa?

Có hôm tôi đi ngang qua ngôi trường cũ thân thương, thấy buồn tê tái khi nghe bài hát"

"Một mai anh về qua trường Gia Long.
Thấy nón vành nghiêng nhớ dáng em hiền.
Bờ vai mòn mỏi theo ngày tháng                                                      
Tình cũng tan theo những muộn phiền."

Thời khó khăn ấy, nhiều gia đình sống nhờ tiếp tế của những người thân nước ngoài nên đỡ khổ. Còn những ai không có thì khốn khổ vô cùng, vì trong nhà những gí có thể bán được, đã lần lượt ra đi. Có những người vợ đã phải bán máu trong thân xác khô cằn của mình để đi thăm nuôi chồng.

Tôi đã thấy những đứa bé, phải đi nhặt rác bên những bờ kinh rạch đen ngòm, rửa sạch đem bán, để mua từng củ khoai, thìa mỡ. Nhiều gia đình bị ép đi kinh tế mới, vì có người thân là lính ngụy cải tạo, đã không thể sống nơi đất cằn sỏi đá, bồng bế con thơ, lôi thôi, lếch thếch trở về thành phố, sống cảnh màn trời chiếu đất, vì nhà cửa đã bị tịch thu, không hộ khẩu, mà chồng thì chẳng biết ngày về.

Chúng tôi sống trên chính quê hương của mình, với một tâm trạng thật buồn cười "Chỉ là sống tạm bợ" Có phải vì cái cột đèn, nếu có chân nó cũng đã bỏ đi rồi.

Sau những chuyến vượt biên đầy gian khổ, nhiều người may mắn đến được bến bờ tự do. Nhiều người đã phải bỏ xác trên biển đông. Nhiều đàn bà, con gái đã bị hãm hiếp dã man.

Rồi những đợt ra đi chính thức được cứu xét. Chúng tôi đi chụp hình lăn tay, nhìn người nào cũng vêu vao, ốm đói. "Ôi! Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?"

Buổi sáng trước khi ra phi trường, chúng tôi đã phải ký tên cống hiến căn nhà cho chính phủ. Thật dã man. Nước mắt tuôn rơi, người ở lại với tâm trạng kém may mắn. Kẻ ra đi biết mình đã mất quê hương. Lúc máy bay cất cánh, tôi tự nhủ thầm "Sài Gòn Ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời."

Chúng tôi đã bắt đầu cuộc sống mới trên xứ người, tuy là có cực khổ hơn nhiều người khác, nhưng tất cả rồi cũng qua đi.

Các con tôi bắt đầu lên đại học, vừa học vừa làm. Tôi đã đi học ra làm cô giáo nhà trẻ.

Chồng tôi là một người yêu thích võ thuật từ lúc còn trẻ, lúc này anh đã mở một võ đường nhỏ dạy Thái Cực Đạo ở thành phố Santa Clara, với sự phụ giúp của thằng con trai, đã theo bố học võ từ lúc 5 tuổi. Cháu may mắn được sự chỉ dẫn của nhiều người thầy, bạn của bố, và vì có năng khiếu nên cháu đã có một căn bản vững chắc về võ thuật, 7 tuổi cháu đã bắt đầu đứng dạy ở Việt Nam.

Sau đó, võ đường dời qua một chỗ rộng hơn ở Milpitas, con gái lớn của tôi mua nhà cũng ở thành phố này. Chúng tôi dọn về ở chung.

Tháng 6 năm 1998, chồng tôi đột ngột qua đời, mang theo tiếng cười dòn dã, vô tư, giữa lúc đang yêu người và yêu cuộc sống, với giọng hát trầm ấm như Sĩ Phú và dáng dấp khỏe mạnh của một người tập võ. Anh bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Và sau 3 tháng chống chọi với tử thần bằng tất cả nghị lực và can đảm cho tới phút cuối cùng. Anh đã vĩnh viễn nhắm mắt, xuôi tay ở tuổi 55, chưa được hưởng nhàn và có được một giấc ngủ ngon từ ngày tới Mỹ.

Anh ra đi, để lại đằng sau muôn vàn thương tiếc của những người ở lại. Nhất là các bạn anh, những người bạn từ thời trung học, vẫn thường nhắc nhớ về anh, mỗi khi họp mặt, vì anh là người qua sau, nhưng anh đã bỏ nhiều thì giờ, liên lạc với các bạn ở khắp tiểu bang, nối vòng tay lớn, thành lập hội Trần Lục _ Chu Văn An 64-65-66.

Anh có rất nhiều bạn bè, đủ mọi thành phần. Ai cũng đều thương mến anh, ngay cả các phụ huynh, đều trở thành những bạn thân của anh, vì anh là một người rất chân tình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tôi vẫn thường nghĩ 3 tháng quá ngắn, để sống với nhau một đời, nhưng cũng quá dài, vì nó có quá nhiều kỷ niệm khó quên một đời.

Chúng tôi vẫn thấy cảm xúc, bùi ngùi, mỗi khi nghe bản nhạc cuối cùng, mà anh đã hát 2 tháng trước khi chết.

"Trên con đường anh bước.
Một chiếc bóng đơn côi.
Bây giờ là tháng mười.
Sao vẫn còn mưa rơi."  

Bài hát thật buồn, như con đường anh đã vội vã bước đi cô đơn một mình.

Tôi nhớ tới vị giáo sư đại học người Mỹ, còn rất trẻ bị ung thư gan thời kỳ cuối, trong bài giảng cuối cùng, ông yêu cầu mọi người vỗ tay hát chúc mừng sinh nhật cho vợ ông, người vợ đã ôm ông khóc và nói "Xin đừng chết"

Để nối tiếp hoài bão dở dang của bố (là "Đào tạo một thế hệ thanh thiếu niên khoẻ mạnh, tự tin, thắng không kiêu, bại không nản, với tinh thần hiệp sĩ đạo" "Lễ nghĩa, Liêm Sỉ, Nhẫn Nại, Khắc Kỷ, Bất khuất" và luôn luôn giữ gìn danh dự, bãn sắc của người Việt Nam), con trai tôi đã tiếp tục điều hành võ đường lúc 24t đời. Tuy còn trẻ, nhưng cháu rất chững chạc và đạo đức, có tác phong của một người thầy có thực tài, được sự thương mến và tín nhiệm của các phụ huynh.

Và ngày 20 tháng 10 năm 2004 con trai tôi đã trở thành Grand Master trẻ tuổi nhất, được cấp Huyền Đai Đệ Thất Đẳng ở tuổi 30, của hai môn phái Han Moo Kwan và Moo Duk Kwan. Và đặc biệt hơn cháu là người Việt Nam duy nhất, được môn phái "Han Moo Kwan" cấp bằng này.

Đã 12 năm trôi qua, tôi vẫn đứng nơi đây bên đời lộng gió, hạnh phúc với những gì mình đang có. Các con tôi đều đã lập gia đình, có tương lai tốt đẹp và tôi đã có 7 đứa cháu nội ngoại. Tôi bận rộn với những công việc hàng ngày. Nhưng hạnh phúc bây giờ của tôi là ở đây, là ở những đứa cháu nghịch ngợm, nhưng rất dễ thương của tôi.

Chúng đã khen cơm tôi nấu "super good".  Thế là quá đủ. Cho bõ công tôi thường nghêu ngao hát "Đời tôi cô đơn, nên quanh năm đứng nấu cơm".

Tôi rất thích bức tranh treo ở phòng khách nhà con gái tôi. Hình ảnh một cậu bé 6-7 tuổi, hai tay thọc túi quần, đang đứng nhìn một dòng sông, với những giòng chữ ở dưới:

"Từ bây giờ cho đến 100 năm sau, bất kể trong nhà băng của tôi, có nhiều tiền đến đâu. Cái nhà sang trọng tôi đã ở. Hay cái xe lộng lẫy mà tôi đã lái. Tất cả đều không thành vấn đề. Nhưng thế giới này, có thể sẽ khác hơn, vì tôi đã rất quan trọng trong đời sống của một đứa trẻ."

Tôi thường nghĩ hoàn cảnh và môi trường sống thời thơ ấu rất quan trọng tới tâm lý và ảnh hưởng đến cả suộc sống sau này khi đứa bé lớn lên. Tục ngữ ta có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng."

Các cháu tôi sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ này, thật sung sướng và đầy đủ vật chất. Vì bố mẹ chúng không nhiều thì ít, đã trải qua những tháng ngày đói khát, thiếu thốn sau năm 75, nên khi có gia đình, muốn con cái mình có được những gì ấm no, hạnh phúc nhất.

Các cháu tôi mùa đông đi chơi tuyết, mùa hè đi biển thật vui. Thằng cháu 8 tuổi của tôi, ngày nào cũng đem tiền ra đếm rồi khoe, "Con có 206 đồng." Tôi thường dạy các cháu phải thương và giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình. Tôi cho chúng nó xem hình những đứa trẻ tàn tật, kém may mắn ở Việt Nam. Thằng cháu đưa 6 đô để giúp, tôi đùa "Con có 200, mà con cho có 6đ, con giữ nhiều tiền để làm gì?" Nó đáp "Con không giúp thì cũng có người khác giúp. Tiền này con để dành, mai mốt khi mẹ con già, không đi làm được, đâu có ai cho mẹ con tiền."  Tôi không cãi vào đâu được.

Cũng như khi tôi kể chuyện về một phi công Việt Nam, trên đường trở về sau một phi vụ, anh thấy một máy bay Mỹ bị nạn dưới thung lũng đầy sương mù. Thấy tình hình khẩn cấp, anh đã anh dũng bay xuống cứu họ, bất kể hiểm nguy và cho dù đó không phải là bổn phận, trách nhiệm, của anh. Nhưng anh vẫn cứu họ vì tình người, vì tình chiến hữu.

Thằng cháu tôi nói "Cứu người là quan trọng, nhưng mạng sống của mình vẫn quan trọng hơn."

Tôi không thể cãi lý với nó được. Cháu tôi sinh đẻ ở đây, một đất nước hòa bình. Tính vị kỷ tự nó đã có.

Làm sao tôi có thể cắt nghĩa, để các cháu tôi hiểu được rằng, chúng tôi, những người dân miền Nam đã mất tất cả, chỉ còn lại một niềm kiêu hãnh. Đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã từng chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng tự do, một cách hào hùng, cho lá cờ tổ quốc, đã từng phất phới bay cao trên Đông Hà, Huế, Quảng Trị ngày nào.

Có lẽ chúng sẽ không bao giờ hiểu được điều này. Nhưng ít ra tôi đã kể cho chúng biết lý do, tại sao bao nhiêu người VN phải bỏ nước ra đi tìm tự do, bất chấp sự sống chết. Bởi vì họ không muốn sống dưới gông cùm Cộng Sản.

Trẻ con ở đây thích nói tiếng Mỹ. Tôi thường phải nhắc nhở "Nói tiếng Việt". Vì tuy cùng một ý nghĩa, nhưng ngôn từ trong tiếng Việt, khi nghe vẫn cảm thấy ngọt ngào và ấm áp lòng người hơn. Tôi nhớ có lần chỉ chỗ, cho thằng cháu ngoại, cái cặp sách, mà nó tìm mãi không thấy. Nó đã nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên và tự động khoanh tay nói "Con cám ơn bà, con thương bà nhiều lắm."

Và tôi chợt nhận ra một điều. À! Thì ra khi mình làm một việc đó cho người khác, với tất cả tấm lòng yêu thương, thì ngay cả một đứa bé cũng có thể thấy được và nói lên sự biết ơn, cũng bằng cả tấm long của nó. Tôi nghĩ đây là những món quà quí báu nhất, mà tôi đã nhận được trong cuộc đời của mình.

Tôi không biết mình có làm được những điều như bức tranh đã viết hay không? Bởi vì tôi đã có trong đời sống tuổi thơ, không những 1 đứa mà là 7 đứa trẻ.

Nhưng tôi biết rõ một điều, đó là, tôi đã mang yêu thương, sự chia xẻ, không ích kỷ, ghen ghét vào thời thơ ấu của các cháu tôi. Và tôi chỉ hy vọng rằng, nó có thể giúp ích một phần nào, khi chúng lớn lên, có thể trở thành những người tốt và hữu dụng cho xã hội.

Thế là quá tốt.

Bây giờ đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không khỏi một chút ngậm ngùi, mỗi khi bóc những tờ lịch của tháng 4. Tôi lại nhớ về Sàigòn.

Sàigòn bây giờ ồn ào náo nhiệt, đông đúc hàng quán, nhà lầu san sát, phồn hoa giả tạo. Nhưng tôi vẫn thấy gần gủi với một Sàigòn của những ngày xưa thân ái. Vì đó mới chính là Sàigòn của tôi, của anh, của chị, của chúng ta, của những người đã phải bỏ nước ra đi. Vì ở đó, có một cái gì để mà tiếc nuối, có một cái gì đó, để mà nhớ, mà quên một đời.

Tôi nhớ bài hát "Bonjour Việt Nam" của một nhạc sĩ người Pháp:

"Tôi chỉ biết quê hương, mịt mù khói chiến tranh. Tiếng gầm thét của những chiếc trực thăng giận dữ. 

Một ngày nào đó, tôi sẽ về miền đất cũ. Thăm lại tâm hồn tôi, ở đó đã bao năm.                                                                                   

Tôi không có một Hà Nội để mà nhớ, chỉ có một Sàigòn với những kỷ niệm đã theo tôi suốt một đời, mà đã nhiều năm qua chưa một lần trở lại. Tôi vẫn mong một ngày nào đó, khi các cháu tôi lớn  khôn, tôi sẽ cùng các cháu tôi về thăm lại quê hương.

Để các cháu tôi được thấy tận mắt, đất nước nơi bố mẹ chúng đã sinh ra và lớn lên. Có con sông dài xinh xắn, có lũy tre làng, có con đò chuyên chở mưa nắng, một đời lam lũ của những người dân quê.

Chúng sẽ thấy mình hạnh phúc và may mắn biết bao, khi thấy những đứa trẻ nghèo đói, kiếm ăn trên đường phố mà đôi khi chỉ có một ước mơ nhỏ nhoi "Mong có nhiều đồ phế thải đễ nhặt, có tiền mua đồ ăn".

Có thể các cháu tôi sẽ học được nhiều điều mới lạ trong cuộc đời, mới thấy quý cuộc sống ấm no, và sự tự do mà chúng nó đang có, một cuộc sống mà nhiều người Việt Nam đang khao khát.

Tôi sẽ nói với càc cháu tôi rằng. "Đây là thành phố, nơi bà đã sống. Nó đã thay đổi hoàn toàn, đến nỗi bà không còn có thể nhận ra nó. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì khi bà bỏ nó ra đi, bà đã mang theo những hình ảnh đẹp nhất trong trái tim của bà". Thế là quá đủ.

Mùa xuân đã tới. Trời trong xanh gió mát.

Hôm nay vào thăm, đẩy mẹ tôi ra ngoài vườn ngồi, chắc bà vui lắm.

Tôi nghe có tiếng hát trầm ấm của người ca sĩ tôi ái mộ vang xa:

"Có nụ hồng ngày xưa rớt lại, bên cạnh đời tôi đây.
Có chút tình thoảng như gió vội, tôi chợt nhìn ra tôi."

Tường Vi