Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Nhất Linh và 'Ðời Thi Sĩ' (làm thơ trào phúng và thơ lục bát tiếng Pháp!)

Nhất Linh và 'Ðời Thi Sĩ' (làm thơ trào phúng và thơ lục bát tiếng Pháp!) PDF Print E-mail
Tác Giả: Tài liệu trích trong Khởi Hành   
Thứ Hai, 05 Tháng 7 Năm 2010 07:48

Còn mấy ngày nữa là tới kỳ giỗ lần thứ 47 của nhà văn-chính trị gia Nhất Linh Nguyễn Tường Tam,

 người sáng lập Tự Lực Văn Ðoàn và cũng là vị trưởng phái đoàn Việt Nam trong Hội Nghị Ðà Lạt để đàm phán với Pháp về tình hình Việt Pháp thời 1945, 46. Nhất Linh tự kết liễu đời mình vào ngày 7 tháng 7, 1963 để phản đối chính phủ Ngô Ðình Diệm, chính quyền đã định sẽ đưa ông ra Tòa xét xử vào ngày hôm sau. Từ đó đến nay, báo chí đã viết nhiều về ông, còn trên trang báo này, người sưu tập chỉ trình bày một khía cạnh rất nhỏ trong cuộc đời cầm bút của ông: Nhất Linh và thơ văn trào phúng.

 
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1905-1963). 

Theo tài liệu của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai ông Nhất Linh, thì thân phụ ông ra đi để lại một số di cảo còn dang dở, như hai văn bản: Ðời Thi Sĩ và Ðời Làm Báo, và bài Giao Thừa Năm Quý Tị 1953 mà ông ghi chú là: “Cũng là chúc thư luôn thể,” với niềm mong mỏi: “Người qua, sách mọt, đời thay đổi. Tự lực, danh chung, tiếng vẫn truyền.”

Trong văn bản Ðời Làm Báo, Nhất Linh đã viết trong mấy lời nói đầu: “Ðây là ký ức về đời làm báo của tôi về hai tờ báo khôi hài, châm biếm, văn chương: tờ 'Phong Hóa' và tờ 'Ngày Nay', và phổ biến (một cách chính thức) danh tính 7 thành viên của Tự Lực Văn Ðoàn do ông thành lập vào năm 1933: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ và Xuân Diệu.

(Vấn đề này, như nhiều người có thể đã biết, vốn không thống nhất: có danh sách đưa ra thiếu một người, hay dư một người.)

Văn bản: 'Ðời Thi Sĩ'

Mở đầu cho cuốn ký ức dự định này, Nhất Linh viết, một cách chắc nịch: “Trước hết, tôi là một thi sĩ.” Câu văn đáng chú ý ấy rõ ràng là để báo trước cho độc giả biết: những trang kế tiếp là để thuật lại “ký sự của một thi sĩ,” đúng như cái nhan đề 'Ðời Thi Sĩ.'

Dưới đây là nguyên văn ký sự ấy:

“Năm mười tuổi, phải rời bỏ Hà Nội về huyện Cẩm Giàng, tôi đâm ra nhớ Hà Nội và làm thơ. Bài thơ khá dài, nhưng tiếc thay tôi không nhớ hết. Có một câu tả cảnh Hồ Gươm tôi còn nhớ nhưng đến nay (nghĩa là 43 năm sau) tôi cũng chưa thấy được cái hay của nó:

“Chung quanh cây cối rườm rà
Giữa hồ có một chùa ta đây này.”

Thầy tôi biết ngay là thơ không xuôi nên đổi ra: “Giữa hồ có một chùa là Ngọc Sơn.” Tôi còn bé nhưng cũng biết ngay câu thơ của thầy tôi hay hơn.

Tôi lại là người làm thơ mới thứ nhất của nước Việt Nam. Bài thơ bốn câu tôi còn nhớ cả:

“Hai bên trắng nước chảy te te
Cầu ngang bắc lại tí tẻ te
Bầu giời ngõ trắng tròn xoe xoe
Chim kêu ríu rít, cảnh buồn te.”

Gần hai mươi năm sau lúc bắt đầu có thơ mới tôi mới biết mình là nhà thơ mới đầu tiên, còn thơ thì đến nay tôi cũng chưa thấy nó hay ở chỗ nào. Nhưng mới thì nhất định mới vì những chữ hai bên trắng, cầu ngang, bầu giời ngõ trắng cũng bí hiểm như những bài thơ mới nhất của những nhà làm thơ mới bí hiểm nhất.

Ðược cái viết thơ mới, thầy tôi chịu không biết chữa thế nào. Thầy tôi chỉ lắc đầu thở dài, cho tôi là một thằng bé lẩn thẩn. Rất tiếc là năm tôi 13 tuổi thì thầy tôi mất và vì thế không được cái vui thấy con mình bốn năm sau có hai bài thơ đăng ở “Trung Bắc Tân Văn.” Thơ ấy vịnh cảnh đi thuyền chơi trăng trên Hồ Tây, tôi còn nhớ hai câu: “Con thuyền đè sóng tênh tênh vượt. Chiếc bóng sau người lướt thướt theo!”

Thầy tôi vốn hay làm thơ và thích thơ đúng niêm luật, chắc phải cho hai câu trên này là đúng niêm luật và đối chọi chan chát. Hai bài thơ của tôi cũng không hơn không kém gì mấy nghìn bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn hồi đó (1922) nhưng riêng đối với tôi thật là một kỷ niệm đẹp: tên tôi và văn tôi lần đầu tiên được nêu lên báo.

Trong báo Phong Hóa lúc bắt đầu cổ động cho thơ mới tôi cũng có viết ít bài nhưng đến khi có thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận ra đời thì tôi tự thấy mình là người thừa trong làng thơ. Bài thơ cuối cùng của tôi trong đời làm báo là bài Dân Quê. Bài ấy đã làm cho báo Phong Hóa suýt bị đóng cửa, tôi bị mời ra Ty Kiểm Duyệt và báo bán tăng thêm được hai nghìn số. Từ đấy tôi không làm thơ nữa.

Mười năm sau (1945) ở hải ngoại về Hà Giang, tôi lại làm thơ nhưng làm thơ chính trị. Hồi ấy Hà Giang bị Việt Minh bao vây phải mở chợ phiên lấy tiền giúp quân đội. Nhà thi sĩ mặc binh phục, đi giầy cao ống cầm kéo cắt dây chăng cửa trong khi một tràng súng liên thanh nổ vang cả tỉnh lỵ Hà Giang và mấy cô thiếu nữ dâng hoa. Nhà thi sĩ thì thích hoa, nhưng sợ tiếng súng. Nhà chiến sĩ thì thích súng và sợ hoa. Người tôi lúc đó vừa thích vừa sợ lại vừa sợ vừa thích thật là phân vân khó tả. Nhưng biết làm thơ cũng là một cái lợi. Chợ phiên có bán một bức tranh vẽ bó hoa và người mua tranh cứ nhất định đòi phải có bài thơ vịnh của nhà thi sĩ chiến sĩ thì họ mới trả 2,000 đồng (gần hai vạn bạc bây giờ). Thế là tôi lại phải làm thơ. Thơ rằng:

Trăm đóa hoa tươi hợp sắc mầu

Muôn nghìn người Việt dạ như nhau
Bó hoa biểu hiện tình đoàn kết
Của khắp nhân dân vạn kiếp sau.

Nhà thi sĩ mơ mộng hão huyền: muôn nghìn người Việt dạ như nhau và đoàn kết! Trước sự thực, nhà thi sĩ thở dài. Bài thơ tuy mơ mộng nhưng thực là “hàng hàng châu ngọc” vì mỗi chữ đã bán được bảy trăm đồng bấy giờ. Chưa bao giờ tiền nhuận bút của tôi lại nhiều như vậy, nhưng than ôi, tiền lại không vào túi mình.

Ðến lúc tôi làm bộ trưởng Ngoại Giao trong Chính Phủ Liên Hiệp và trưởng phái đoàn phái bộ ở Ðà Lạt để đàm phán với Pháp thì tôi lại có dịp làm thơ khôi hài, và cả làm thơ Tây. Những thơ ấy tôi cùng làm với ông bạn quen đã lâu, rất vui tính, ông Nguyễn Duy Thanh lúc đó là cố vấn chuyên môn của phái đoàn. Ðoàn trưởng phái bộ Pháp là ông Max André (Mạc Ăng Ðê). Sau gần một tháng hai bên thăm dò ý kiến nhau đủ thứ, thì ông Max André phải về Pháp. Chúng tôi (ông Thanh và tôi chứ không phải cả phái đoàn) họp kín ở trong phòng tôi và hai người cùng nhỏ lụy làm thơ sầu biệt ly:

Ới Mạc quân, hỡi Mạc quân!
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Anh đường anh, tôi đường tôi.
Biết bao giờ lại nối lời nước non.

Mấy câu thơ này không hay gì lắm, mà lại phải cái sáo nữa! Quả nhiên tôi và ông Mạc, ông đường ông, tôi đường tôi, không bao giờ gặp nhau cả. Mới gần đây, ông bạn tôi có dịp gặp ông Mạc. Ông có nhắc đến tôi. Xin cảm ơn ông nhưng trời đã định vậy, ông và tôi không bao giờ lại nối lời nước non nữa. Bài thơ ấy chúng tôi có dịch ra tiếng Pháp và thơ dịch hay hơn nguyên văn nhiều:

Oh! Max André! Ah! Max André
Cheveux noir si court que ca!
Toi! Chemin toi, moi, chemin moi,
A quand se relieront les paroles d'Eau et
Montagne, moi pas connaitre!

Thơ Tây đến thế thật là tuyệt vời và thật là cảm động, đọc nghe thật trúc trắc và thật êm ru. Trong đời thi sĩ của tôi có may câu thơ tây trên đây là hay nhất!

Rồi chúng tôi lại làm thơ ta (lục bát lối ca dao) bằng chữ Tây:

Depuis que je te connaisse
Jusqu'ici c'est presque un mois
A quand on se revoir?
Bien! On se quitte, aur'voir monsieur!

Trong đời chính trị khô khan của tôi, mấy câu thơ này đã làm tôi trở lại cái đời sống vui vẻ của nhà viết báo khôi hài. Nếu cái cười chữa được bệnh thì trận cười vì mấy câu thơ này đã chữa được cái bệnh nghiêm trang giả vờ của tôi lúc giữ việc ngoại giao.

Khi qua đất Trung Hoa lần thứ hai, ở Nam Kinh tôi lại có làm hai bài thơ “Ðốt lò than” và “Vịnh cụ Nà” nay chưa tiện đăng. Ðó là hai bài thơ sau cùng của tôi và cũng là hai bài thơ cuối cùng của tôi, tôi mong thế!

-Thơ mừng cụ Nguyễn Hải Thần, 70 tuổi, tóc chưa bạc sợi nào, cụ bà mới sinh con trai:

Mừng cụ Nguyễn Hải Thần

Thần mộng đêm qua báo một câu
Báo rằng cụ Nguyễn sống còn lâu
Dân đen chưa thoát phường xanh mắt
Trời biếc đâu cho cụ bạc đầu
Càng nỏ, càng dai, càng giúp nước
Ðể danh, để tiếng, để về sau
(Ðưa thơ mừng cụ bẩy mươi tuổi
Cụ đọc, cụ cười, cụ vuốt râu) (*)

(Nam Kinh Tháng Chạp, năm 1946)

(*) Nhất Linh có sửa hai câu kết thành:

Nước nhà lắm việc thân già mỏi.
Miệng nửa cười vui, nửa ngậm sầu.

Nhóm than đun nước

Nước lạnh cho nên phải đốt lò
Hai bàn tay trắng những than tro
Chiếc mồi vừa nhóm còn leo lét
Ngọn lửa bùng lên đã sáng lòa
Thân cựa thân hồng kêu lách tách
Nước giam ấm chật réo vo vo
Bật vung sức ép phì hơi tỏa
Chắc chẳng bao lâu nước sủi mà!
(Nam Kinh, Tháng Chạp, 1946)

Trên đây là những trang tự thuật của “Ðời Thi Sĩ” của Nhất Linh. Người đọc hiểu rằng cuốn sách này (nếu được hoàn tất), sẽ là một cuốn tự trào, một thể văn vui của ông. Cuốn sách không được hoàn tất, vậy ta có thể coi như là một tản văn hay của Nhất Linh; đọc để biết thêm về một nhà văn tài ba đã kết liễu đời mình trong hoàn cảnh chính trị khắc nghiệt.

(Tài liệu trích trong Khởi Hành số chủ đề Nhất Linh/Tự Lực Văn Ðoàn, Viên Linh chủ biên, tháng 7, 2001. Ảnh Nhất Linh do Trương Kim Anh cung cấp.)