Quê nhà, khi nhìn lại |
Tác Giả: Bích Huyền |
Thứ Sáu, 23 Tháng 4 Năm 2010 14:29 |
Quê hương là những điều nhỏ nhặt, giản dị trong đời sống hàng ngày khi xưa, nay trở thành những kỷ niệm trân quý nhất trong đời sống tha hương... Hình: photos.com Khi xe dừng lại bỏ tôi đứng tần ngần trước dãy cư xá ngày cũ của gia đình mình, trái tim tôi như đập nhịp thảng thốt rối bời. Cái cầu thang lên dãy lầu trên cư xá với tay vịn tròn bóng lại là chỗ cầu tuột cho tôi mỗi khi di chuyển lên xuống. Tôi sờ lại cái tay vịn nhẵn bóng này như thấy lại hình ảnh con bé sún răng là tôi ngày đó… Lên cầu thang rẽ phải, tôi hồi hộp để nhìn lại ngôi nhà của mình nằm gần cuối dãy phố. Đứng ở hành lang ngó qua bên kia đường cách một công viên là ngôi nhà thờ chính toà, có cái gác chuông bằng hình tượng điêu khắc thật nghệ thuật... Như vẫn nghe đâu đây tiếng chuông đổ giục giã của buổi lễ chiều năm cũ... “Ngày ấy đã xa Khi gõ cửa xin phép người trong nhà được vào thăm hỏi, tôi được biết ngôi nhà cũ của tôi bây giờ phân cho nhà tập thể trú ngụ, mỗi gia đình đều có một khoảng không gian riêng của họ trong từng phòng ở trong căn nhà, nên họ cũng chỉ chăm chút sửa sang lại cho riêng tổ ấm của mình thôi, vì thế quang cảnh chung của ngôi nhà không gì thay đổi. Từ bức tường nhà còn lỗ chỗ vết đóng đinh treo ảnh hồi xưa của gia đình, đến cái lan can cũ kỹ mất vài thanh song chắn, khung cửa sổ hình chiếc thuyền dong buồm, cánh cửa cái xiêu vẹo, nền gạch bông vàng trắng... Khi đưa tay sờ lại song sắt cửa sổ của ngôi nhà cũ thời thơ ấu, tai tôi vẫn như còn nghe tiếng réo gọi của đám bạn hàng xóm rủ ra ngoài chơi, nhưng đành bất lực đưa mắt thèm thuồng vì tôi đang bị nhốt ở nhà, bởi mạ khóa trái cửa lại đi chợ... Hành lang nhỏ hẹp của dãy cư xá là sân chơi của chúng tôi. Đám trẻ nhỏ của chúng tôi rượt đuổi, hò hét bày trò chơi u, đánh đũa, nhảy lò cò, chơi trò đóng tuồng hát cải lương, đóng kịch... Trí tưởng tượng của trẻ thơ thật là phong phú. Tuổi thơ của chúng tôi thời ấy không hề biết tị hiềm và cạnh tranh. Chúng tôi vui chơi với nhau trong tình bạn bè lối xóm thân thiết, bất kể hoàn cảnh gia đình của nhau. Dù nhà tôi thuộc dạng nghèo nhất cư xá công chức đường Phạm Hồng Thái bấy giờ... Bao nhiêu năm không có dịp trở lại quê nhà cũ... giờ trở lại đứng ngẩn ngơ trước ngôi nhà xưa mà nhìn chung không hề thay đổi. Chỉ đứng một chỗ tần ngần trước ngôi nhà cũ, mà tôi như thấy lại quá nhiều điều tưởng như chìm khuất. Quá khứ của mười mấy năm sống ở đó lần lượt trôi chầm chậm qua trí nhớ. “Ai quên được những ngày xa xưa đó Tôi như thấy lại dáng ba tôi mỗi sáng còm cõi bên ly cafe đọc báo trước khi đi làm. Thấy anh chị em chúng tôi quây quần trước nồi cơm đậu với cục đường thẻ mạ chia phần để ăn sáng trước khi đi học... Thấy ngôi trường Trung học có tên là Phụng Sự, có tôi bé loắt choắt trong chiếc áo dài trắng dài thậm thượt… Thấy lại mạ tôi sáng nào cũng mặc áo dài xách giỏ đi bộ ra chợ, khi trở về ngồi trên chuyến xe lôi với cái giỏ nhiều rau ít thịt cá. Nhớ mỗi sáng thức dậy sớm đi lễ mà vừa đi vừa ngủ gục bị mạ cốc đầu thật đau… Trở về Sài Gòn, tôi gặp lại ông bạn cũ ngày xưa thời niên thiếu. Bây giờ chúng tôi, đều vượt ngưỡng cửa tri thiên mệnh, mái tóc chớm bạc, gặp nhau kể lể trong tiếng cười mà mắt lại long lanh… nhắc hai tiếng “hồi đó” mà sao êm đềm nghe giống như lời má kể chuyện đời xưa… Quê nhà… Bạn bè thời thơ ấu và những kỷ niệm tuổi thơ mãi mãi là một hình ảnh cô đọng lấp lánh thật tinh khôi trong trí nhớ còn lại của tôi bây giờ… * Trở về mái nhà
|