Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Tháng 4 đen, thiếp kể chàng nghe vì sao mất nước?

Tháng 4 đen, thiếp kể chàng nghe vì sao mất nước? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lý-Trần Anh Thư   
Thứ Hai, 05 Tháng 4 Năm 2010 22:07

Anh yêu, lâu quá em không nhận tin. Chắc anh khỏe? Em cũng thường, vẫn ngày ba bữa, tà tà vác ô đến sở.

Ở Mẽo này chán chết được. Nói tà tà chứ, chạy y như… cướp đuổi í. Xã hội gì cứ chạy như giặc, chả ai còn kịp thở. Mai mốt em mà được bầu thành nữ tổng thống, việc trước tiên là sẽ ra chiếu chỉ cho muôn dân ngày làm năm tiếng thôi, ba giờ còn lại để dành dẫn vợ con đi chơi (kỳ rồi nhờ có thêm phiếu của em mà xém tí nữa là bà Cờ-Linh-Tông thành tổng thống Huê Kỳ đấy). Chiều về, hôm nào siêng thì ghé gym tập thể dục (thon thả cho chàng mê), hôm nào làm biếng nằm nhà đọc sách, và… nhớ anh (đừng nở mũi sảng nha!).

Anh Cuội, tên bạn bè đặt cho thôi, còn tên thật là gì nhỉ, người bạn đảng viên trẻ của anh dạo này có còn ghé nhà chơi không? Nghe Hằng, bạn gái Cuội gửi điện thư cho em nói là bữa trước hai chàng cãi nhau chí tử? Nó bảo gần 30 tháng 4, nên đôi bên tranh luận đến khuya vì ai mất nước, kẻ nói do Quốc, người bảo do Cộng? Gớm, bộ rảnh rỗi lắm sao mà lo chuyện bao đồng? Em gửi tiền về cho anh mua mấy mẫu ruộng làm, có lo canh lúa kẻo trâu xuống ăn không mà rảnh rỗi đi cãi nhau với người ta thế? Dạo này anh sinh đoảng, hay… tám chuyện hỉ. Không hiểu, như nhà nước nói, mặt bằng… dân trí của anh đã cao đến đâu lại thích tán phét, chính chị chính em ra phết ấy nữa, hử?!?!

Nói vậy chứ  nghe Hằng cho biết, em vội chạy đi tìm trong huyền sử nước nhà, thấy có câu chuyện mất nước của An Dương Vương rất hay, và rất giống với giai đoạn hiện thời, nên thiếp xin kể và diễn giải hầu chàng nghe. Từ chuyện mất nước, dẫn đến kết luận về thuật giữ nước thật tuyệt vời của cha ông ta từ vài ngàn năm về trước. Chuyện này quan trọng lắm, chàng ráng nghe kỹ, đừng có ba xị đế vào rồi gió hiu hiu thổi lại ngủ khò mà lăn đùng xuống ruộng bây giờ. Chàng nghe nha.

 
                  Tranh Trọng Thuỷ-Mỵ Châu. Nguồn: my.opera.com 

Chuyện xưa kể rằng:

“Vào cuối thời các vua Hùng, có Triệu Đà đem quân xâm lấn nước ta. Vì vậy An Dương Vương xây thành để phòng thủ, nhưng thành cứ sập đổ mãi. Sau nhờ thần Kim Qui tới giúp mới xây được Loa Thành. Thần Kim Qui còn để lại một cái móng làm lẫy nỏ, bắn một phát là giết cả vạn người.

Thấy vậy, Triệu Đà cho con là Trọng Thủy kết hôn với công chúa Mỵ Châu. Trong thời gian ở tại Loa Thành, Trọng Thủy được Mỵ Châu cho coi chiếc nỏ thần, và chàng đã tráo cái lẫy nỏ.

Lấy được lẫy nỏ thần, Trọng Thủy liền về nước và cùng Triệu Đà đem quân đánh Loa Thành. Khi biết nỏ thần hết linh nghiệm, An Dương Vương đem Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn.

Dọc đường, Mỵ Châu nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc để làm dấu cho Trọng Thủy tìm theo. Thấy thế, An Dương Vương rút gươm chém Mỵ Châu. Máu nàng chảy xuống biển hóa thành ngọc trai.

Trọng Thủy chiếm được Loa Thành, nhưng nhớ vợ nên nhảy xuống giếng mà chết. Từ đó, lấy nước giếng ấy mà rửa thì ngọc trai thành sáng đẹp hơn.”

Anh yêu, chuyện An Dương Vương và Mỵ Châu làm mất nước đã là đề tài suy tư của nhiều người, nhiều đời và trở thành bài học giữ nước đó anh.

Trước hết, em muốn anh biết chút xíu về An Dương Vương (ADV). Ông là ai?

Tiểu sử của ADV được bàn cãi nhiều. Sử Tàu gọi ông là Thục Phán. Theo truyện Mỵ Châu (MC) chắc chắn tổ tiên ta coi ADV thuộc dòng giống tiên rồng. Trong Thần Phả, tức cuốn ghi tiểu sử tại đền thờ ngài ở Cổ Loa, ADV thuộc dòng vua Hùng, nằm trong “Hùng gia chi phái.”  Tuy nhiên, không những đã không tạo ích cho dân mà còn làm mất nước, nên dù là dòng Hùng, An Dương Vương cũng như nhiều vị vua trước đó, không được kể vào số Mười Tám Vị Thánh Vương được dân tộc ta tôn kính (không phải chỉ có “18 đời” Hùng Vương như vẫn hiểu sai lạc).

Trong tinh thần văn hoá Việt, An Dương Vương và Mỵ Châu biểu tượng cho Rồng và Tiên trong việc giữ nước. Phần Trọng Thủy (TT), chàng là con Triệu Đà (TĐ), biểu trưng cho cả một chuỗi dài lịch sử xâm lăng từ phương Bắc, cả về lãnh thổ lẫn văn hoá.

Để chống lại TĐ, ADV khởi công xây Loa Thành. Điểm đặc biệt ở đây là trong suốt dòng lịch sử của dân tộc, chưa bao giờ có việc xây thành kiên cố cho vua chúa. Từ ngày lập quốc trong gần ba ngàn năm, các vua Hùng không hề xây thành. Các ngài luôn sống gần dân và cùng dân chia sẻ mọi trách nhiệm. Vì vậy, việc xây Loa Thành nói lên quan niệm giữ nước riêng biệt của ADV.

Anh có thấy quan điểm này đi ngược lại truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc và xa lạ với cách sống của người dân trong nước không anh?

Ngoài ra, sự kiện thành sập nhiều lần nêu rõ hoàn cảnh đất nước lúc đó, không đủ cung ứng cho việc xây thành, từ vật liệu, kỹ thuật, đến nhân sự…

Như vậy, chẳng những ADV đã từ bỏ tinh thần dân tộc, mà còn xa rời quần chúng, xa hoàn cảnh thực tế, đi ngược lại bài học an dân thịnh nước của Tiết Liêu trong truyện Bánh Dày Bánh Chưng mà thiếp đã kể chàng nghe dịp Tết vừa rồi. Chàng còn nhớ chứ?

Khi ADV nhờ tài trí của thần Kim Qui để xây thành, tức ông đã vọng ngoại. Thành sập nhiều lần, đáng lý phải tìm hiểu rồi thay đổi kế hoạch và tận dụng sức mạnh dân tộc cho thích hợp với hoàn cảnh, ông lại đi nhờ cậy người ngoài! Thần Kim Qui để lại móng chân dùng làm nỏ thần, bắn một phát giết vạn người. Dù có nỏ thần, tài thiện xạ của dân Lạc Việt cũng trở thành vô dụng. Anh biết tại sao không? Vì ông đã xa rời quần chúng, huỷ bỏ tài trí xuất chúng của toàn dân để chỉ trông cậy vào một mình Kim Qui, vị thần xa lạ với dân. Ông xưng là Thanh Giang sứ giả, sứ của dòng Sông Xanh, mang sắc trắng (kim) và xanh, không phải đỏ. Ông là Rùa, chứ không phải Rồng. Ông chỉ là sứ giả, không tự mình có uy quyền. Ông cũng không thực sự giúp ADV giữ nước, mà chờ khi đã mất nước, mới hiện lên chỉ nội tuyến!

Đã xa rời muôn dân, ADV còn đem nàng tiên Mỵ Châu, biểu tượng tinh thần Việt gả cho TT, con của giặc TĐ! Đang là một tên xâm lăng khiến ADV phải xây thành và xin nỏ chống cự, Trọng Thủy bỗng ngang nhiên bước vào tung hoành tận thâm cung của Loa Thành. Đang là tên giặc nguy hiểm, TT đã trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu!

Anh có thấy… giông giống nước ta bây giờ không?

Như vậy, từ chỗ vọng ngoại, ADV bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Và nàng MC, biểu tượng tinh thần Việt, cũng chấp nhận và ôm ấp giặc! Cớ sự đã vậy, nàng còn chiều TT đến độ đưa cả nỏ thần, vũ khí giữ nước cuối cùng, cho chàng xem! Nàng đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước; nàng yêu giặc hơn đồng bào và quê hương! Nhưng nàng vẫn chưa cho thế là đủ, trên lưng ngựa cùng cha chạy trốn, MC còn nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc, di tích cuối cùng của bản chất Tiên, cũng nhẫn tâm rút bỏ để ghi dấu, dẫn đường cho giặc!

Anh coi, còn hình ảnh nào phũ phàng, chua xót hơn chăng? Ôi, thân phận của những kẻ xa lìa tinh thần dân tộc, chối bỏ cội nguồn. Chúng quên mình vì giặc, đem chính bản thân chúng, đất nước, máu thịt của tổ tiên làm phương tiện lót đường cho giặc cướp nước!

Lông đã nhổ, lớp áo tiên mỏng manh bên ngoài cũng không còn, nên nàng gục chết. Lâu nay, tuy tâm hồn đổi thay, nhưng còn giữ được chiếc áo tiên. Giờ đây, đã bị lộ nguyên hình: Nàng chính là giặc! Giặc nội xâm đấy!

Anh ơi, An Dương Vương và Mỵ Châu đã để mất đặc tính Tiên Rồng và dần dần trở thành giặc. Cả hai đã lơ là, coi thường và khinh rẻ tinh thần dân tộc, bị quyến rũ bởi người ngoài, nói theo ngôn ngữ bây giờ, bởi những tư tưởng, tà thuyết ngoại lai!

Hồn nước đã mất, giữ sao nổi đất-đai-biển-đảo cha ông phải không anh?

Như vậy, làm thế nào cứu nước đây?

Khi cấp lãnh đạo vọng ngoại và ỷ vào người ngoài, nhân dân đương nhiên bị rẻ rúng khinh khi, và bị coi là phương tiện để phục vụ quyền lợi riêng của nhà cầm quyền. Sự kiện ADV quyết định xây thành đã tố cáo ông bỏ quên trách nhiệm chăm sóc đời sống muôn dân trong nước. Họ bị phó mặc cho bất trắc và rủi may. Thế mà thành còn hư sập nhiều lần, gánh nặng lại đổ xuống quốc dân. Họ phải chịu thêm sưu cao thuế nặng, gia đình ly tán, ruộng đất bỏ hoang… Với nỏ thần, sức dân, sự đóng góp của dân không còn cần thiết nữa. Quốc dân đã trở thành thừa thãi. Ông coi dân như giặc! Thời nay, dân là… diễn biến hoà bình? Nghĩ cũng lạ thật, hoà bình thì tốt chứ sao lại ngăn cấm?

Khi gả MC cho TT, một hoàng tử ngoại bang, tạo ra sui gia giữa hai dòng vua, trở thành một giai cấp đặc quyền. Ông muốn gia đình và dòng họ phải là nhóm người đặc biệt, không liên hệ gì đến muôn dân nữa! Ông chỉ còn Mỵ Châu là người dân cuối cùng và giao cho nàng trách nhiệm cất giữ báu vật trấn quốc, sức mạnh bạo lực của ông, là chiếc nỏ thần. Ông tập trung quyền lực vào gia đình, những người thân cận (không biết hồi đó đã có giai cấp công nhân chưa nhỉ?) và không muốn chia sẻ quyền hành với quốc dân.

Với việc tập trung quyền lực, người dân trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng không đáy của nhóm này. Ai làm chủ nỏ thần, nắm giữ quyền lực, người đó có toàn quyền trên sinh  mạng và tài sản toàn dân. Vì vậy, Triệu Đà âm mưu cướp nỏ thần khỏi tay ADV, và TT đoạt lãy nỏ khỏi tay MC. Kết quả của tranh chấp quyền lực là tai hoạ giáng xuống đầu muôn dân. Quốc dân đã trở thành mối lợi, món hàng, tài sản riêng của bọn người chỉ biết quyền lực, chà đạp nhân nghĩa và không còn tình người.

Khi bỏ trách nhiệm chăm sóc mà hành hạ dân, coi dân như thù địch, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù,  để chỉ dựa vào thành lũy, vào đám gia nô, vào nỏ thần, vào đặc quyền đặc lợi, thì nhiệm vụ giữ nước chỉ là những mưu mô tranh chấp chiếm đoạt quyền lợi, và nhân dân trở thành mục tiêu cho thống trị, bóc lột và bạo hành!

Nhìn dưới khía cạnh giữ nước, khi ADV từ bỏ nếp sống truyền thống mà đi xây thành, rồi gả nàng tiên cho giặc, coi như chối bỏ cội nguồn, ông đã làm băng hoại tinh thần dân tộc, hủy hoại văn hoá Việt.

Việc xây thành làm hao công tốn của, còn bị sập nhiều lần, kinh tế ngày càng lụn bại, suy sụp hơn.

Khi được nỏ thần, ông không cần muôn dân nữa. Người dân trở thành kẻ ngoại cuộc. Họ thấy mình thừa thãi. Ông bị mất dân, mất sự vận động chính trị toàn dân vào việc giữ nước.

Sau khi tốn bao công của xây thành, ADV lại long trọng rước giặc vào tận thâm cung, thất bại trên mặt trận ngoại giao. Chính ông đã loại bỏ công dụng sức mạnh phòng thủ của mình.

Lẫy nỏ bị lấy, ông đánh mất sức mạnh kỹ thuật.

Thành bị phá lủng, nỏ thần bị đánh tráo vì con rể là TT, Mỵ Châu trở thành nội tuyến, tiết lộ bí mật quốc phòng. Ông thua luôn trên mặt trận gián điệp.

Loa thành và nỏ thần chính là sức mạnh quân sự, ông cũng bị mất nốt.

Nên khi Triệu Đà xua quân tới, ADV chẳng còn gì để mất, vội lên ngựa chạy trốn. Ngay cả đứa con ngồi sau lưng cũng thuộc về giặc, đã là giặc! Ông không còn là người giữ nước, mà trở thành tên giặc cướp nước. Ông trở thành Triệu Đà!

Anh có thấy từ chỗ đánh mất tinh thần dân tộc, sẽ dễ dàng kéo theo sự sụp đổ từ kinh tế, kỹ thuật, đến ngoại giao, chính trị, rồi quân sự nữa. Dân mất trước, nước sẽ mất sau thôi.

Trước khi xây Loa Thành, ADV đã để tâm chăm sóc toàn thể đất nước. Nhưng khi lo xây thành, ông chỉ còn giữ lại mảnh đất trong thành. Đất nước không còn trải rộng ra khắp bờ cõi mà thu hẹp vào trong hào lũy. Khi gả chồng cho MC và rước TT vào nội cung, ADV lại vì tình nhà mà hủy bỏ luôn sự phòng thủ của mình. Ông chỉ còn thấy cái cung điện của ông (ngày nay là đảng đó anh). Khi giao MC và nỏ thần vào tay giặc, ông cũng chẳng giữ nổi mấy chục thước đất còn lại (mấy cái ghế lãnh đạo đấy). Ông hoàn toàn không còn đất sống.

Thế là hết. ADV đã để mất hồn nước, dân nước, sức nước, và cũng đã mất nước. Tuy vậy ông vẫn không ngờ, tưởng đang giữ nước. Vì dẫu hồn nước có mất, cũng chỉ có nghĩa ông đã thực hiện được quan niệm yêu nước của riêng ông. Dầu muôn dân đã bị loại ra khỏi việc giữ nước, nhưng nhờ đó ông càng dễ thống trị hơn. Dù TT là con giặc, nhưng đã thành con ông. Dù MC nằm trong tay giặc, nhưng nàng vẫn còn chiếc áo lông ngỗng. Dù giặc có tung hoành ở thâm cung, nhưng vòng thành bên ngoài vẫn kiên cố vô song. Và dầu lãy thần có bị tráo, chiếc nỏ vẫn còn nguyên hình dạng cũ! Tất cả đều cho ADV ảo tưởng đất nước vẫn an toàn và ông đang hoàn thành nhiệm vụ giữ nước một cách tuyệt hảo! Sở dĩ thành còn và nước còn, ông vẫn như đang giữ nước, không phải vì ông phòng thủ hữu hiệu, mà vì giặc chưa xua quân tiến đánh mà thôi.

Đây là những bài học về Tình Nhà – Nợ Nước rất hay, thiếp sẽ ráng phân tích cho chàng nghe tiếp nha.

1. Đền tội hại nước: Bi kịch Loa Thành thất thủ đưa tới việc Mỵ Châu bị chết dưới lưỡi gươm của ADV. Mỵ Châu đã có phần trách nhiệm trong việc làm mất nước. Nên dầu là con một, nàng cũng phải chết. Sỡ dĩ ADV cho nàng lên ngựa chạy trốn vì chiếc áo lông ngỗng, còn chút hồn dân tộc trong đó. Nhưng khi đã lộ nguyên hình là giặc không còn là tiên, nàng chẳng có lý do gì để sống sót.2. Khen thưởng tình nhà: Tổ tiên ta thưởng phạt rất phân minh. Có tội làm hại nước thì phải chết. Nhưng nàng đã sống trọn tình nhà, thì thưởng cho phần tình nhà. Tình của MC được phong thưởng bằng cách cho máu nàng chảy xuống biển và giống trai nuốt vào mà hoá thành ngọc. Cách tưởng thưởng này rất bình thường, nó nằm trong hệ thống giá trị văn hoá Việt. Những kẻ trọn tình nhà như người em trong truyện Trầu Cau, người vợ trong truyện Vọng Phu (thiếp xin kể chàng nghe sau nha), trái tim của Trương Chi, và ở đây, máu của Mỵ Châu, tất cả đều hoá thành ngọc, nghĩa là trường tồn với thời gian, được quý trọng và làm nền tảng xây dựng lâu dài.

3. Đền tội hại nhà: Về phần Trọng Thủy, dầu thành công trong âm mưu chiếm nước, nhưng chàng nhớ vợ và nhảy xuống giếng để chết. Chàng đã vì quyền lực thống trị, vì  ý đồ xâm lăng mà phụ nghĩa vợ chồng nên cũng phải chết, phải nhảy xuống giếng nơi vợ chàng thường soi bóng, mà chết. Vì danh lợi mà không trọn nghĩa vợ chồng thì đời không đáng sống và không có quyền sống.

4. Vừa nhà vừa nước: Vì tình nhà mà hại nước thì phải chết. Vì tình nước mà hại nhà cũng phải chết. Đây là sự tuyệt đỉnh về bài học làm người đó anh. Bài học này theo em, so ra hay hơn chủ trương của nhiều nền văn hoá khác. Với cái chết của MC, tổ tiên ta đã xử-tử-hình các chủ thuyết cá nhân vị kỷ. Cũng vậy, việc TT nhảy xuống giếng, các chủ nghĩa tập thể bá quyền cũng bị nhận chết theo. Con người chỉ có thể sống xứng đáng, trọn vẹn và hạnh phúc khi thực hiện đầy đủ các đặc tính bẩm sinh, vừa cá thể, vừa tập thể của mình.

Anh yêu, thật là một bài học mất nước thấm thía cho mỗi con dân Việt suy tư trong tháng Tư đen này. Theo những gì em phân tích trong truyện Trọng Thủy – Mỵ Châu trên đây, muốn cứu nước, công việc thiết yếu trước hết và trên hết, là phải xóa bỏ chủ thuyết ngoại lai, bảo tồn và xiển dương văn hoá dân tộc. Khi đã trở về với cội nguồn, thực tâm hoà hợp hoà giải cùng nhân dân, những chuyện khác sẽ nhanh chóng được phục hồi và giải quyết.

Anh ráng nhắn nhủ mấy bạn, nhất là các bạn đảng viên của anh hãy bắt đầu một cuộc chuyển đổi tâm thức lớn lao quay về, sống và phát huy tinh thần dân tộc nha anh. Nói họ bỏ quách ba… cái Lê, cái Mác gì đó đi!

Là phận gái, em chỉ muốn gợi ý cho các anh thảo luận rằng, cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản là cổ suý và cố gắng thực hiện công bằng xã hội. Nó chỉ có giá trị biểu kiến, hô hào rồi tìm cách cho bớt chênh lệch giầu nghèo thôi, chứ không có giá trị thực tiễn. Làm sao tạo được công bằng tuyệt đối trong xã hội? Chỉ có vô-sản-hoá nhân dân dưới thế, hoặc vô-nhu-cầu trên thiên đường,  hoạ may mới có công bằng kiểu Mác cho con người. Có thế thôi mà phân nửa nhân loại các anh nhìn không ra, đánh nhau chí tử cả thế kỷ vừa qua!

Có thì giờ, chàng hãy bớt nhậu nhẹt mà ráng suy nghĩ thêm nha.

Thiếp thương và nhớ chàng ghê lắm. Hôn chàng.

© Lý-Trần Anh Thư