Lữ Khách PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Đạt   
Chúa Nhật, 04 Tháng 4 Năm 2010 21:05

Máy bay đã bắt đầu xuống thấp, chỉ trong giây lát một thành phố xa lạ đã hiện ra bên khung cửa kính dưới ánh nắng vàng nhạt của buổi chiều tà,

 nó ngày càng hiện rõ, Toàn đã thấy xe cộ chạy đi chạy lại như mắc cửi trên đường phố kẻ ngang kẻ dọc y như bàn cờ, nhà cửa chen chúc nhau san sát như bát úp, thoạt trông người ta cũng đủ thấy nơi đây mật độ dân cư đông đúc. Trong chớp mắt chiếc phản lực cơ đã lướt xuống phi đạo rồi từ từ tiến vào khu trung tâm của sân bay. Ðây là một phi trường nhỏ thuộc tỉnh Santa Ana, chỉ bằng một phần mười phi trường Chicago và Dallas.

 

Toàn vội theo đoàn người vào trong toà nhà, lấy hành lý rồi bước ra ngoài đường ngồi đợi cô em đến đón, một cô em họ xa nhưng hồi xưa ở gần nhà nên đã thân thiết nhau y như tình ruột thịt. Cô đã dặn anh cứ đứng ở ngay dưới cái bảng của hãng Delta cho khỏi lạc rồi vợ chồng cô sẽ lái xe ngang qua đấy đưa về nhà. Bấy lâu nay cô ấy vẫn thường mời sang chơi.

“Khi nào được nghỉ phép anh sang đây ở với tụi em ít ngày, nhà cũng rộng, tụi em lúc nào cũng có phòng dành riêng cho anh”

Mười bốn năm trước đây, khi còn ở Việt Nam, hàng ngày Toàn vẫn thường sang thăm bà nội cô ở gần ngõ, đó là một căn nhà lầu ba tầng ngay mặt đường, hồi ấy khách khứa hay đến chơi đông để thăm bà cụ, người ta tán dóc cho qua những ngày tháng u ám bi đát của một đất nước tan hoang vì chiến bại, một đất nước đã hoàn toàn lọt vào tay kẻ dịch. Hồi ấy cô đã là một đứa cháu ngoan, đã hầu hạ chăm sóc bà nội suốt mười năm trời cho đến ngày cụ nhắm mắt khi ấy đã gần một trăm tuổi. Mười năm trời trong đời một người con gái cũng không phải là ngắn ngủi gì.

Toàn nhớ cách đây khoảng mười bốn năm, khi sắp cất bước ra đi, anh đã đến chào cụ, chào cô em, hôm sau cô cũng lại nhà chào anh, hồi ấy tưởng như không bao giờ có ngày gặp lại. Quả đất tròn, tan rồi lại hợp, người ta chia ly để rồi tái ngộ, mấy năm sau đó bà nội mất, cô lập gia đình rồi vào Mỹ, mấy năm sau nữa cô liên lạc với Toàn, từ độ ấy, hai anh em đã mong có ngày được gặp lại nhau và bây giờ anh đã thu xếp sang đây để thăm vợ chồng cô, hỏi thăm một số truyện đã qua trong tình gia đình và cũng để gặp lại nhiều người bạn cũ từ ba, bốn chục năm qua, vào khoảng hơn mười người. Tại nơi đây người Việt tập trung đông đảo nhất nước Mỹ nên tính theo tỷ lệ, bà con bạn bè mình cũng đông hơn các nơi khác.

Toàn đang ngẩn ngơ suy nghĩ bỗng tiếng gọi của cô em làm anh tỉnh giấc, cô ở phía trên đi lại hỏi.

-Anh chờ đã lâu chưa? tụi em tưởng anh đứng ở phía trên, tìm không mãi thấy anh, em xuống phía dưới này mới thấy.

Toàn mừng rỡ bảo.

-Anh chờ cũng gần hai mươi phút rồi, thế mà tưởng lạc!

Cô em xách hộ anh một cái túi rồ cả ba cùng lại phía xe đậu, trông cô lúc này chững chạc hơn xưa, cái thời con gái vô tư đã qua, bây giờ cô đã có chồng con, có nhiều bổn phận và nghĩa vụ phải lo toan gánh vác.

Chú em và cậu quí tử ngồi ghế trên, Toàn và cô mở cửa xe ngồi hàng ghế sau, chú ấy nói.

-Bây giờ tụi em đưa anh đi qua khu Việt Nam cho biết xong mình đi ăn tiệm.

Vừa ngồi vào ghế Toàn bỗng nhớ lại những ngày thê lương ảm đạm của thập niên 80 tại Sài Gòn, một thành phố đã bị quân thù chiếm đóng, nhìn cô em, anh lại thoáng thấy cái bóng dáng của những ngày bi thảm, nhớ lại những ngày sang thăm bà cụ và cô em, anh bùi ngùi cảm động muốn rơi lệ bảo.

-Cách đây độ hơn mười năm, hồi ấy anh vào Mỹ đã được mấy năm, em gái anh, chị Thủy có viết thư cho anh, chị ấy nói mỗi lần ở Vũng Tầu về chị đều ghé thăm cụ, cụ vẫn nhắc đến anh, mỗi lần nhận được thư ở Việt Nam gửi sang anh thấy buồn quá.

- Cụ vẫn nhắc đến anh đấy, vẫn hỏi anh, mỗi lần cụ hỏi, em và chị ấy thường bảo anh có việc làm ổn định rồi.

Toàn ngẫm nghĩ một lúc cho vợi cơn sầu rồi nói tiếp.

-Hồi ấy anh bị thất nghiệp gần một năm, ít lâu sau chị ấy lại viết thư sang, lạ lắm, khi thì chẳng có chuyện gì, khi thì ba bốn biến cố dồn dập trong một lúc, chị ấy nói sau một cơn đau nặng cụ đã qui tiên, còn em thì làm đám hỏi, chị ấy đi mổ ở nhà thương, mười ngày sau ông Ðệ đi theo cụ, hồi em làm đám cưới anh cũng biết, chị ấy có viết thư sang.

Trời đã tối sập xuống từ lúc nào không hay, phố xá đã lên đèn, chú em chỉ khu phố chợ đầy những cơ sở tiểu thương, dịch vụ giảng giải về sự tích khu Thủ đô tỵ nạn này.

-Ðây là khu thương mại Việt Nam, mấy chục năm trước đây hồi 1975 em đã đến định cư ở gần khu vực này, hồi ấy đây chỉ toàn là vườn rau, những mảnh đất hoang cỏ mọc, dần dần người mình vượt biên qua kéo nhau về đây khá đông, rồi những người đi bảo lãnh, diện con lai, cải tạo kéo sang đã biến khu đất hoang thành một nơi thị tứ phồn thịnh như ngày nay.

Toàn và gia đình cô em bước vào một nhà hàng Việt nam rồi xuống dưới lấy chỗ, quí đồng hương đông quá xá! Anh có cảm tưởng như đang sống tại Sài thành hoa lệ ngày nào, tiệm đông nghẹt những người, đằng trước đằng sau toàn là khách cả, không có lấy một bàn nào bỏ trống, chú em bảo.

-Hôm nay ngày thứ bẩy mới đông như vậy, chứ ngày thường thì cũng vắng hơn, hôm nay còn đỡ đấy, có khi phải xếp hàng đợi mới có bàn trống.

Toàn nghĩ mở tiệm ở đây như thế này thì khoẻ quá, đi ăn mà còn phải xếp hàng, chẳng bù với các tiệm Việt ở Texas, Illinois, có tiệm bói không ra một người khách, lỗ lã đến sập tiệm.

Toàn ăn rất ít, chú em ăn ngon lành, nhìn quanh thấy các thực khách chăm chú thưởng thức món ăn, đa số là giới trẻ, họ vui tươi, yêu đời, thanh thản y như những đóa hoa đương độ khiến anh cũng thấy vui lây cái vui của thiên hạ, và rồi nỗi buồn khi nãy đã thoáng qua như cơn gió thoảng. Toàn thấy nổi lên trong lòng một niềm vui tưng bừng rộn rã, yêu đời, cái vui của người được đến thăm một thành phố lạ, được gặp lại những người thân.

Chú em lái xe đưa Toàn về nhà, đây là một khu khá giả ở ngoại ô, thanh tịnh, sạch sẽ. Toàn ngồi vào bàn dưới bếp uống trà thì có người bạn, Trần gọi điện thoại.

-Thưa ngài, ngày mai chủ nhật tôi xin được đến yết kiến ngài, tôi biết khu vực nhà cô em ngài rồi, từ đây đến đó độ hai mươi phút thôi.

-Ông đã biết đường tới chưa? Ngày mai độ mười giờ hay mười một giờ mời ông lại chơi, tôi ở nhà cô em hết ngày mai sau đó đến ở với một ông bạn.

-Tôi sẽ nhờ cô ấy chỉ đường, thôi ngài đi nghỉ đi, ngày mai tôi lại.

Người bạn thân thiết của Toàn từ thuở còn sinh viên bốn chục năm trước đây, hắn may mắn đi thoát từ hồi 75, đã mấy chục năm nay không gặp nhau, từ mười mấy năm nay đôi bạn chí cốt vẫn liên lạc với nhau cho đến nay mới có ngày tái ngộ.

Sáng hôm sau, đang ăn sáng trò truyện với cô em thì có người gõ “cọc cọc”, cô ra mở cửa rồi tươi cười bảo tôi.

-Ông ấy tới rồi.

Cả hai tay bắt mặt mừng, Trần nhìn Toàn bảo.

-Trông ông gầy hơn trước.

-Tại thức khuya quá vả lại mùa hè nóng quá ăn ít lắm.

Anh bạn nói huyên thuyên đủ thứ chuyện với Toàn , với cô em một lúc rồi bảo.

-Hồi 75 tôi rủ ông ấy đi theo tôi mà không chịu đi, nếu thế thì đỡ quá. Thôi bây giờ tôi đưa ông đi thăm nhà ông Nixon ở gần đây, song về nhà tôi chơi một lúc

Toàn nhớ lại khoảng mười ngày trước khi mất nước, gặp Trần tại chợ Phú Nhuậnï, hồi ấy hắn đổi về làm ở Vũng Tầu có rủ anh ra đấy để tìm đường thoát thân, Toàn đã bỏ lỡ dịp may vào giờ phút chót, nhưng nghĩ lại cũng chẳng lấy gì làm tiếc, cuộc đời chẳng có gì để chúng ta phải tiếc.

Toàn thay quần áo theo bạn ra xe. Trần đưa bạn vào một khu nhà khang trang có bồn nước phun liên tục rồi giải thích.

-Ðây là khu nhà kỷ niệm, thư viện Nixon, thuở hàn vi ông ấy sinh ra trong một căn nhà nhỏ ở đây, sau lên làm Tổng Thống bèn mua hết các nhà xung quanh sửa sang lại làm khu nhà kỷ niệm.

Ðôi bạn chụp hình chụp ảnh với nhau rồi mua vé bước vào toà nhà, đi hết phòng này sang phòng khác, có phòng để TV phát hình liên tục ông Nixon đọc diễn văn , chỗ khác trưng bày cái xe cũ của ông thời còn tranh cử, nơi thì trưng bầy những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam, những hoả tiễn Sam của Bắc Việt bắn rơi máy bay Mỹ. Người ta cũng làm lại mô hình phòng làm việc của ông, tất cả những chi tiết về cuộc đời của ông đều được thực hiện lại.

Trần nói vừa đủ nghe với Toàn.

-Nó bỏ mình đấy , mình vào thăm nó cho biết thôi, năm 1972 nó bắt tay được với Trung Cộng rồi là nó bỏ mình, nó không cần mình nữa.

-Ừ, nó vắt chanh bỏ vỏ! Vắt chanh bỏ vỏ là nghề của chàng. Từ Thế Chiến Thứ Hai cơ mà, nó đem quân vào nước mình để ngăn chặn Trung Cộng khỏi tràn xuống phía Nam, nó bắt tay được với Mao chủ tịt rồi là nó bỏ mình. Tức cười thật, hồi ấy nó ký giấy tử hình mình mà chẳng ai hay biết, nó đi Tầu, Nga xong là đời mình khốn nạn. Tôi nhớ hồi ấy ai cũng mừng, cứ tưởng là yên rồi, nó kề dao vào cổ mình mà cứ tưởng nó thương mình, nó lo cho mình. Ngay cả ông Thiệu cũng không biết, hồi 75 cho lệnh rút khỏi Kontum Pleiku, giả vờ thua chạy để dụ nó vào,  chơi cờ bạc tháu cáy, nhưng nó bỏ rồi, nó chỉ giả vờ phản đối xuông thôi, sống chết mặc bay.

- Ông ấy dở ! Quốc Hội nó đã ra đạo luật cấm đem quân trở lại Việt Nam thì còn nước  gì nữa mà tháu cáy

Cả hai đi ra ngoài khu vườn hoa chụp hình chụp ảnh, vào thăm căn nhà xưa hồi ông ấy sinh ra, một căn nhà nghèo nàn bé tí. Ði đã lâu, mỏi cả chân , đôi bạn lên xe ra về.

Trần lái xe chạy ngang qua những con đường xinh đẹp, sạch sẽ của khu vực ngoại ô khá giả, những hàng cây hai bên đường đã ngả mầu, khi ấy tiếng hát Hà Thanh du dương cao vút trong bài Bến Xuân của Văn cao vang lên.

“. . Còn thấy chim ghen lời âu yếm.Tới đây chân bước cùng ngập ngừng. Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân”..

Bản này Toàn đã nghe đi nghe lại nhiều lần, một bản nhạc đã được thu thanh từ trước 75, nhưng lần này tự nhiên anh thấy hay lạ, tiếng khoan như gió thoảng ngoài, thấy Toàn tấm tắc khen ngợi, bạn Trần bảo.

-Bài này ông gửi cho tôi lâu rồi, bốn, năm năm trước đấy, tôi cứ để ông nói rồi tôi mới nói, Văn Cao mới thật là thiên tài, một thiên tài như thế mà chết trong cảnh nghèo khốn, đáng lẽ những thiên tài của đất nước như vậy phải được đãi ngộ cho xứng đáng.

Họ đàm luận về nhạc tiền chiến, rồi ngược dòng thời gian trở lại thời sinh viên ở Sài thành, nhớ lại thời tuổi trẻ, cái thời đẹp nhất của cuộc đời đã qua đi không bao giờ trở lại, tiếng hát Hà Thanh vẫn du dương cao vút, gió thu giật mạnh từng cơn đưa đám lá vàng bay lùa theo đường phố y như một đàn bướm lượn. Lá vàng, bài hát như quyện lẫn nhau đưa họ ngược dòng thời gian trở lại những ngày quá vãng, những kẻ lữ khách của thời gian đang thoát ly cái hiện tại tha hương để trở về quê cũ trong giây lát. Xe chạy bon bon trên con đường dốc, Trần chỉ tay lên đồi cao nói đó là khu của những người có máu mặt rồi lại thao thao bất tuyệt những truyện xa xưa từ thời tuổi trẻ.

Trần đưa bạn về thăm gia đình anh chừng hai tiếng đồng hồ, một căn nhà khang trang ở ngoại ô. Hiền thê anh đãi ăn sáng rồi thăm hỏi Toàn rất chân thành, tiếc vì thời gian eo hẹp anh không thăm vợ chồng bạn lâu được nên đành phải xin về vì chiều nay nhà cô em có đãi tiệc, vả lại một người em họ cũng hẹn đến gặp anh.

Thế là họ lại lên đường tiếp tục cuộc vui, Trần lại thao thao bất tuyệt kể chuyện ngày xưa , anh đã làm sống lại cả một thời oanh liệt của mình trước đây, hồi ấy Trần đã hùng cứ một phương , dưới tay đã có vài ngàn đệ tử, nhưng than ôi thời oanh liệt nay còn đâu, cái thời ấy nay đã chết rồi. Anh đã từng là người đầy nhiệt huyết, khôn ngoan đã đóng góp nhiều công sức vào công cuộc bảo vệ chung với mọi người.

Về đến nhà cô em, Trần còn vào nhà thăm hỏi truyện trò với mọi người trong nhà, còn lưu luyến chưa muốn giã từ. Toàn tiễn Trần ra xe, hắn bảo.

-Bà xã tôi muốn mời ông ở lại với chúng tôi một hôm, mấy chục năm mới gặp nhau, nhưng tôi thấy ông còn phải thăm nhiều người nên thôi để dịp khác.

-Khi nào thuận tiện tôi sẽ sang thăm ông lần nữa, còn gặp nhau mà.

Hắn lên xe lái vụt đi, Toàn đứng nhìn theo bâng khuâng ngơ ngác y như trong một giấc mơ, bèo hợp rồi tan, ba mươi năm xa cách rồi gặp lại nhau trong chốc lát y như cơn gió thoáng qua.

Tối nay nhà cô em đãi tiệc, thực khách có Toàn , vợ chồng một người bạn của gia chủ. Chú em bà con Toàn , Ðiển hẹn tối nay sẽ đến thăm. Ðiển với anh họ cũng xa nhưng ở xứ lạ quê người dù là xa lơ xa lắc bắn mấy phát cà nông không tới người ta cũng vẫn thích nhận họ nhận hàng, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Ðiển vừa là bà con cũng lại vừa là bạn đồng môn với Toàn ở Sài Gòn trước đây.

Ðiển vừa tới thì tiệc cũng bắt đầu, hơn ba mươi năm mới gặp nhau, hai anh em mừng mừng tủi tủi. Ðiển, chú em và ông bạn bắt đầu kể chuyện xa xưa, họ đi 75, cả ba đang chiếu lại khúc phim di tản hãi hùng, Ðiển và chú em đi tại phi trường Tân Sơn Nhất, họ nói sang tới đảo Guam mới biết là mất nước, ai nấy rưng rưng giọt lệ khóc thương cho số phận một đất nước đã phải gánh chịu quá nhiều tang thương đau khổ. Ông bạn quay lại khúc phim nhảy ghe tầu ra biển rồi được tầu vớt đưa tới Phi Luật Tân. .

Cũng lại những kẻ lữ khách của thời gian cùng ngược dòng để trở lại một thời quá vãng, để tìm sự thoát ly cái hiện tại tha hương vong quốc. Những ngày hãi hùng, cái biến cố long trời lở đất ấy không bao giờ xóa mờ được trong tâm khảm họ. Tiệc vừa xong, mọi người ra phòng khách uống trà bàn chuyện nước. Ðiển kể lại những ngày anh về thăm làng cũ ngoài Bắc mấy năm trước đây, về những câu chuyện cảm động đầy nước mắt của những người bà con sau gần nửa thế kỷ chia ly ngăn cách. Giọng anh trầm trầm điềm đạm, anh thích nói về làng cũ quê xưa, về tình gắn bó với quê cha đất tổ.

Tiệc tan, Toàn thu xếp đồ đạc theo xe Ðiển xuống ở với Tâm, một người bạn đồng môn đồng trại đã hai mươi bốn năm xa cách đến nay mới được hội ngộ. Gia đình cô em, vợ chồng người khách tiễn anh ra cửa, kẻ ở người đi, dạt dào tình nghĩa.

Xe chạy được một quãng, Ðiển hỏi .

-Chúng mình họ hàng như thế nào? Anh còn nhớ không?

-Ông nội tôi với bà nội anh là anh em ruột, bố tôi và bố anh là con cô con cậu.

-Như vậy chúng mình là anh em họ thuộc đời thứ hai, cũng chẳng xa, cũng chẳng gần. .

Vào đến cổng một chung cư nằm trong khu Việt Nam, Ðiển gọi điện thoại cho Tâm ra đón, hắn xuống tận nơi đưa Toàn lên phòng, bấy lâu nay, năm nào hắn cũng mời anh sang chơi, nay thì đôi bạn tha hồ mà hàn huyên tâm sự, cổ kim đa thiếu sự, biết bao cảnh nương dâu bãi biển đã diễn ra từ khi ngăn cách.

“Vật hoán tinh di kỷ độ thu.”

Tâm tươi cười bảo.

-Trông anh ốm hơn, già hơn một tí, tóc đã muối tiêu rồi.

Hắn lúc nào cũng trẻ trung vui tính, vẫn còn độc thân, sống vô tư lự , vừa vào đến phòng Toàn vội nhắc chuyện xưa.

-Tôi được thả về sau anh mấy tháng, một hôm đến nhà Hùng chơi, hắn có cho tôi xem bức thư của anh ở đảo viết về, hồi ấy đọc thư của những người đi thoát thấy ham quá, y như trong giấc mộng ấy, thế mà bây giờ mình lại gặp nhau, cuộc đời chỉ là giấc mơ thôi.

Sáng hôm sau Tâm dẫn bạn đi thăm phố xá, hắn bảo.

-Tôi đưa anh đi xem quanh đây cho biết thủ đô tỵ nạn rồi chiều đi gặp bạn bè.

Hắn đưa Toàn đến một toà nhà to cao, một thương xá hai ba tầng ï, hàng hoá Việt Nam đầy ắp đến tận ngọn, rồi lại đưa tới mấy cái chợ siêu thị thực phẩm to rộng thênh thang như chợ Mỹ, hắn bảo.

-Tụi Việt cộng bây giờ nó mua mấy cái chợ, “mall” lớn, nghe nói vợ ba Võ Văn Kiệt, vợ bé Phan Văn Khải đã mua mấy cái chợ này. Tụi nó bây giờ cũng đục khoét ghê lắm, chuyển tiền ra ngoại quốc cả tỉ đô la!

Hắn lái xe chạy một vòng ngoài phố, từng cơn gió thoáng và mát gơi lại cái không khí miền biển của Nha Trang, Vũng Tầu. Nhà cửa san sát như bát úp, xung quanh nhà mặt đường đều có xây tường vây quanh y như các biệt thự ở Sài Gòn xa xưa, cây cối trong vườn giống như ở miền nhiệt đới, tại các khu thương mại cửa hàng tiểu thương, các văn phòng dịch vụ, luật sư, bác sĩ chi chít kế cận nhau liên tu bất tận, ở đây không có nhiều nhà cao tầng như Houston, Dallas. Sắp đến ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving rồi mà khí hậu buổi trưa vẫn còn chút oi bức gợi lại khung cảnh miền nhiệt đới. Người ta thường nói ở đây đến chơi thì thú nhưng ở thì lại khó sống, nhà đất đắt như vàng, giá sinh hoạt lại cao.

Cách đây mấy chục năm, cái biến cố kinh hoàng đã xua đuổi hằng triệu người bỏ nước ra đi sống đời tha hương vong quốc, họ đi tầu bay, tầu thủy, đi đường biển, đường bộ… phần nhiều thất bại vào tù, tan gia bại sản. Nhiều người mất xác trong rừng, ngoài biển, chỉ có một số ít may mắn thoát thân đến được bờ bến mới, họ kéo nhau đến lập nghiệp tại đây, đã biến vùng đất hoang vu này thành khu thương mại trù phú như ngày nay. Hằng mấy trăm nghìn người lập nghiệp tại đây đã tạo nên một đô thị đông đảo, cùng nói một ngôn ngữ, cùng chung một lý tưởng chống kẻ thù chung dưới một bóng cờ, y như một quốc gia trong một quốc gia. Mặc dù có chia rẽ ra nhiều khuynh hướng khác nhau nhưng không ai bảo ai, họ vẫn chung lưng đấu cật cùng chống quân thù.

Vào lúc xế trưa, Tâm bảo bạn.

-Bây giờ tôi đưa anh đi xem Tượng Ðài Chiến Sĩ.

Khi tới nơi hắn bảo.

-Hồi làm lễ khánh thành vui lắm, tôi mời anh sang chơi mà anh không chịu. Anh trông người lính Việt Nam, ngón tay chỉ xuống đất ý nói vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ mảnh đất, còn người lính Mỹ thì bỏ mẹ nó cả súng cả mũ xuống, bỏ rơi đồng minh.

Hai người chụp hình chụp ảnh làm kỷ niệm, Tượng Ðài không to lớn như Toàn tưởng tượng nhưng khi nhìn lá cờ vàng vẫn ngạo nghễ tung bay như thách đố với thời gian, tự nhiên anh không khỏi bùi ngùi xúc động. Sáu chục năm qua, từ một lá cờ quẻ ly của chính phủ Việt Nam đầu tiên, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, cho đến nay màu cờ vàng vẫn hiên ngang thách đố, vẫn tượng trưng cho tinh thần bất khuất của những người yêu chuộng tự do, công lý, của những người tranh đấu cho lý tưởng quốc gia đến cùng. Lá cờ như một sợi dây vô hình liên kết hằng triệu người Việt lưu vong cùng tranh đấu cho lý tưởng chung chống lại kẻ thù chung.

Trưa nay tắm mát xong, Toàn nằm thiu thiu được một giấc thì có điện thoại của Hữu gọi, người bạn học đồng môn đồng khóa, ba mươi mấy năm nay chưa gặp nhau, hắn và Thành, cũng đồng khóa, chiều nay sẽ đến rủ Toàn đi ăn. Hữu mới liên lạc được với anh chừng bốn tháng nay, hắn rất thương bạn, đã mong mỏi được gặp anh từ lâu, bạn bè ở đây khá đông mà thời gian ở lại chẳng có là bao, chỉ gặp được những người ở gần loanh quanh đây cũng là quí rồi.

Sáu giờ chiều hôm ấy, vào lúc sẩm tối, Toàn mở cửa cho Hữu vào, hắn mừng rú hai tay cầm vai Toàn lắc mạnh bảo.

-Trời ơi, từ hồi ra trường đền giờ, ba mươi mấy năm nay mới gặp lại.

Trông hắn vẫn như xưa, có già hơn một chút, tính tình vẫn chân thật như xưa, ba người xuống dưới sân, Thành đứng cạnh xe, trông hắn già hơn ngày trước, tóc đã bạc màu, mập hơn một chút, kỳ dư không có gì thay đổi mấy, hai mươi mấy năm nay mới gặp lại, hồi ở trại giam về Toàn có gặp hắn tại Tân Ðịnh một lần.

Vừa gặp họ Toàn đã mường tượng ra cái thời tuổi trẻ, hồi mới ra trường, đời tươi như hoa, mang nhiều mộng lớn, thế mà đã ba mươi mấy năm qua, cả ba tưởng như mình đang sống trong mơ.

Tại tiệm ăn, Hữu nói về mấy người bạn cũ, Thành kể chuyện ngày xưa cũng như một cách để thoát ly hiện tại trở lại cái thời quá vãng, những người lữ khách của thời gian đang lội ngược dòng đi tìm kỷ niệm cho khoả lấp cái hiện tại tha hương . Mặc dù nói ít nhưng nét mặt trầm tư của Thành đã cho Toàn thấy cái quá khứ vật lộn gay go của anh, Hữu đi 75, tính vẫn hồn nhiên, vui vẻ, như lần sau cùng Toàn còn gặp hắn ở Việt Nam, đó là ngày đám cưới hắn tại một biệt thự ở đường Mạc Ðĩnh Chi.

Ba người mặc dù nói ít nhưng bầu không khí cũng quá đủ để diễn tả cái tình thắm thiết đã có với nhau từ thuở xa xưa. Tiệc tan, Hữu đưa Toàn về nhà hắn thăm gia đình một lúc rồi chia tay, họ hứa hẹn sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó.

Sáng hôm sau, Võ và Phan, hai người bạn học cũ từ thuở còn học đệ tam ở một trường trung học bên Gia Ðịnh gọi điện thoại hẹn đến thăm Toàn và rủ đi ăn sáng, hôm qua Toàn có gọi cho họ, từ hai năm trước anh và nhóm cựu học sinh này đã liên lạc được với nhau. Họ đi tìm địa chỉ của anh mãi không ra, Toàn bảo họ cứ đứng chờ tại Trung Tâm Công Giáo gần đấy để anh đi bộ ra thì tiện hơn. Ðến nơi Toàn thấy hai người đang cười cười tiến lại, một người thấp thấp, trán cao, xưa là giáo sư triết, mái tóc bơ phờ trông có vẻ triết gia, còn một người cao tướng tá nhà binh, xưa là phi đoàn trưởng không quân. Họ than phiền tìm nhà khó quá, cả hai nói họ đã nhận ra Toàn sau bốn mươi bốn năm xa cách, còn Toàn đành thú thực không nhận ra họ sau bao cuộc bể dâu, gần nửa thế kỷ đâu có ngắn ngủi gì cho lắm.

Phan chở bạn đến một tiệm phở gần đấy, hắn còn máu nhà binh chửi thề vung vít y như thời còn trẻ trước đây, nhân nói về thầy Phùng, giáo sư Việt Văn hồi ấy, ông thầy này mới mất gần đây, Phan ra vẻ than thở bảo.

-Mình nhớ hồi năm 72, đóng ở Biên Hoà, thầy ấy thầu mở tiệm cà phê, gặp lại thầy mình chán quá, thầy dạy thì dở mà thầy lại lười nữa. .

Nghe nói thế họ cười ngặt nghẹo, nhớ lại hình ảnh của thầy, một ông thầy dở nhưng thầy mới mất chẳng lẽ lại nói xấu thầy. Ăn uống được một lúc, Võ đem ra một tấm hình cũ đã hơi vàng chụp toàn bộ học sinh lớp đệ tam bốn mươi bốn năm trước đây, hình chụp bên ngài sân trường, bà giáo ngồi giữa, đằng trước học sinh ngồi làm hai hàng , đằng sau ba hàng đứng.

Võ hỏi tôi.

-Cậu có nhận ra tụi nó không?

Toàn chỉ nhận ra chính mình và chừng sáu, bẩy người nhất là những người quen biết, còn Võ thì nhớ rất nhiều, hắn nói người này tên gì, người nọ tên thế kia đã hơn bốn mươi năm qua mà trí nhớ hắn còn tốt đến thế.

Ăn xong Phan đưa cả ba đến tiệm cà phê nói tiếp chuyện xưa, những kẻ lữ khách của thời gian lại cùng nhau ngược dòng trở lại thời học sinh trong trắng ngây thơ, nào chuyện anh này anh nọ. Võ bấm ngón tay tính nhẩm một lúc rồi bảo cựu học sinh lớp đệ tam nay đã biết được khoảng hơn ba chục người, đa số ở ngoại quốc, đã liên lạc được với nhau, rồi hắn lấy điện thoại cell phone bấm số gọi.

-Hùng ơi, Toàn sang Cali chơi, cậu nói chuyện với hắn một tí nhá.

Nói rồi hắn chuyển điện thoại cho Toàn.

Vừa đưa lên tai, thì ở phía đầu kia có người nói nhanh nhẩu.

-Cậu thông cảm nhá, tôi ở cách xa chỗ ấy, lái xe mất độ hơn một giờ thôi, nhưng kẹt đưa người nhà lên phi trường, hơn bốn chục năm xa nhau mà không đến gặp được bạn thật là bậy quá, thông cảm nhá, thôi lần sau cậu sang cho tụi này hay, tụi này sẽ đến tìm, thông cảm nghe!

Hắn xin lỗi một thôi một hồi, Toàn vui vẻ đáp.

-Không sao, khi nào rảnh tớ sẽ sang chơi, anh em còn gặp nhau mà!

Buổi nói chuyện khá lâu mới dứt, Phan chở Toàn về cổng chung cư, họ chào anh rồi lái xe chạy vụt đi. Toàn đứng nhìn theo chiếc xe một lúc rồi tự nhiên một thoáng bỡ ngỡ, xúc động bỗng ở đâu hiện ra, thật là hy hữu, gần một nửa thế kỷ đã trôi qua mà người ta vẫn còn nhớ đến mình, còn tình nghĩa với mình đến thế, người ta quí mình hơn là mình quí người ta.

Chiều nay Khoa gọi điện thoại hỏi thăm Toàn lúc đang đọc báo, hắn đi 75, một người bạn rất thân đã cùng dạy học tại trường trung học nhỏ ở một tỉnh cao nguyên từ bốn chục năm về trước, lần cuối cùng gặp hắn tại Sài Gòn vào khoảng một tháng trước khi Cộng quân tràn vàoThủ đô. Hôm nay Khoa nói sẽ cố gắng đến gặp Toàn mặc dù xa xôi trắc trở.

-Tôi làm việc ở Los, từ đây xuống chỗ ông chỉ mất hơn tiếng đồng hồ nhưng nó kẹt xe ghê lắm, tôi cũng sẽ cố đến thăm ông chiều nay khoảng sáu bẩy giờ gì đấy! Mấy chục năm không gặp nhau, thế nào cũng phải đến chơi với ông chứ.

Ðôi bạn liên lạc được với nhau từ mười mấy năm qua, rồi mất địa chỉ, điện thoại của nhau đã lâu, mới liên lạc lại được độ hai năm nay. Họ chờ đợi nhau khá lâu cho đến nay mới có ngày hội ngộ.

Khoa đến chở bạn đi ăn vào lúc xẩm tối, trông hắn vẫn như xưa, có khác chăng chỉ mập hơn một chút. Quả đất tròn, lưu lạc giang hồ bấy lâu nay lại có ngày hội ngộ. Khoa vẫn có vẻ thâm trầm ít nói, giọng nói, tư tưởng vẫn giống như xưa.

Tại nhà hàng, đôi bạn hỏi thăm nhau một lúc về công việc làm, đời sống, rồi nói chuyện xưa cũ, nói về những người bạn đồng nghiệp hồi trước. Nhìn nét mặt bạn Toàn cũng đủ thấy biết bao sự lăn lộn, phấn đấu, dày dạn phong sương từ mấy chục năm qua, nó đã quá đủ để nói lên tất cả, chẳng cần đến những lời diễn tả dài dòng văn tự.

Ăn xong, Khoa chở bạn đi uống cà phê, họ trò truyện bâng quơ về ngôi trường cũ, về những người học trò cũ nay đã có con, có cháu nội câu chuyện không dòn dã sôi nổi gì lắm nhưng sự hiện diện của cả hai đã kéo họ trở về cái thời quá khứ xa xưa khi còn bên nhau ở một ngôi trường tỉnh lẻ, ngoảnh đi nghoảnh lại đã gần bốn chục năm qua, biết bao nương dâu bãi bể đã diễn ra, bao nhiêu biến cố phũ phàng đã chia cách họ, chia cách biết bao những đôi bạn thân thiết khác.

Lúc chia tay cả hai không hứa hẹn với nhau điều gì cả, có lẽ họ đã hiểu rõ nhau từ bao lâu nay, không bao giờ khách sáo với nhau, không cần phải chúc tụng hẹn hò mà vẫn hiểu nhau y như mấy chục năm về trước.

Vừa bước vào nhà, Toàn nghe Tâm bảo.

-Ðiển, em họ của anh gọi điện thoại tìm anh lúc nãy, hắn nói sẽ gọi lại.

Chừng một lúc sau hăn gọï lại .

 

-Anh Toàn hả? Ðiển đây, định xuống rủ anh đi uống cà phê chơi, ngày mai tôi bận, mốt anh lại về rồi, muốn anh em mình gặp nhau thêm lần nữa.

-Mấy giờ rồi?

-Bây giờ là chín rưỡi, tôi lái xuống chỗ anh mất độ mười lăm phút, được không anh?

-Ờ, cũng được.

Ðiển chở Toàn một quãng bèn bảo.

-Tối nay đưa anh ra bờ biển chơi cho biết, ngoài ấy cảnh trí cũng nên thơ lắm.

Ðường phố ban đêm mát và vắng, dân cư đông đúc nhưng không sô bồ như các đô thị lớn, Toàn có cảm tưởng ban đêm thành phố đẹp hơn ban ngày.

Ðến bãi biển, Ðiển tìm chỗ đậu xe rồi đưa Toàn đi bộ lên một cái cầu bê tông chạy thẳng ra biển, gió lạnh thổi vi vút, khách đi chơi mát ban đêm từng đôi, từng toán lượn lên lượn xuống để thở hít cho đầy lồng ngực cái khí trời tươi mát của biễn khơi thổi vào. Sóng biển rì rầm từ xa đưa lại, thấy ớn lạnh họ bèn đi bộ vào trong phố tìm chỗ uống cà phê.

Bên những con đại lộ lớn gần bờ biển, từng dẫy khách sạn sang trọng sáng láng, cao ngất làm cho khu vực có một vẻ quí phái hẳn lên, du khách phương xa, những người có máu mặt đang thả bộ trên đường phố để được hưởng cái tươi mát của khí hậu miền biển, Toàn bỗng nhớ lại cái phong vị của Nha Trang, Vũng Tầu ở quê nhà trước đây. Bãi biển có một vẻ đẹp sang trọng nhờ sự tô điểm của thành phố để thu hút khách du lịch vãng lai.

Hai người ngồi trầm ngâm bên một bàn đặt ngay trên hè phố, thỉnh thoảng rít một hơi thuốc hay nhấp một ngụm cà phê. Ðiển hôm nay điềm đạm ít nói, lâu lâu mới phá tan bầu không khí im lặng bằng một câu hỏi về lối sống, dự định của Toàn trong những năm sắp tới, thỉnh thoảng hắn nói đến làng mạc họ hàng ở bên kia bờ đại dương xa lơ xa lắc.

Gần mười một giờ đêm Toàn mới về đến nhà, Tâm cho biết anh vừa đi khỏi Hữu có gọi điện thoại hỏi thăm, hắn thương bạn quá!

Sáng hôm sau Toàn vừa thức giấc thì Hữu lại gọi hỏi thăm ân cần tử tế. Chờ cho Toàn nói chuyện xong Tâm bèn nhắc cho tôi biết dậy chuẩn bị đến tiệm ăn, sáng nay Hội đồng môn đã hẹn đãi tiệc. Ông Chủ tịch Tổng hội nằm bệnh viện, hôm nay ông phó tiếp đón người bạn phương xa chu đáo, thân mật thể hiện tình nghĩa đồng môn thắm thiết, bàn ăn chỉ vỏn vẹn có Toàn, Tâm và mấy anh em đồng môn khác nhưng không vì vậy mà kém phần trang trọng thân tình. Ông phó người điềm đạm dễ thương nổi tiếng là hào phóng, một hình ảnh của Mạnh Thường Quân xa xưa, trong nhà lúc nào cũng có vài nghìn thực khách, quen biết ông gần nửa năm nhưng hôm nay lần đầu tiên Toàn được diện kiến. Bữa tiện giản dị nhưng cũng quá đủ để thể hiện tình người nơi đất khách. Lúc chia tay anh em bịn rịn với nhau, hẹn hò ngày gặp lại một cách chân thật không một tí gì vờ vĩnh.

Chỉ còn ở lại hết buổi chiều vàng này, khoảng bốn giờ Toàn nhờ Tâm đưa đi thăm Quốc, một người bạn cũ, không thân mà cũng chẳng sơ, một người bạn dễ thương từ hồi sinh viên bốn chục năm qua. Hắn hiện làm cho một công ty Việt Nam ở gần đây, có chức vụ đàng hoàng trong ban điều hành, quản trị. Nhờ nhân viên nhắn vào văn phòng một lúc thì Quốc hiện ra, hắn chạy lại cầm tay Toàn bảo.

-Nhớ ra anh rồi, trông gầy hơn xưa, tôi nhớ ra ngay, anh có rảnh không? Chúng ta vào đây một lúc đã.

-Ðộ nửa giờ thôi, tôi phải về, ngày mai tôi đi rồi.

Hắn đưa hai người vào phòng làm việc, pha trà mời khách rồi tâm sự truyện đời mình, Quốc thao thao bất tuyệt kể lại những ngày tù cải tạo, anh cho rằng nó đã ảnh hưởng đến quan niệm sống của mình, những ngày tù đầy gian khổ đã khiến anh nhận thức cuộc đời bằng một cái nhìn mới mẻ, nó đã chi phối đời anh từ đấy. Quốc đậu bằng triết học trước đây, câu truyện của anh cũng vì thế nhuốm mầu triết lý, Toàn nhìn đồng hồ rồi xin phép ra về, anh ta tặng hai người bạn mấy cuốn sách rồi chúc tụng

-Mấy chục năm trôi qua, gặp lại nhau như thế này là quí lắm rồi, mình chắc còn gặp nhau, chúc anh luôn mạnh giỏi.

Họ chia tay ngoài cửa, chẳng biết có gặp lại nhau hay không, cuộc đời người này có khi lại qua đường với cuộc đời người khác, thời gian vẫn lạnh lùng trôi nhanh.

Sáng nay Hữu lại gọi Toàn lúc còn đang ngủ, hắn thăm hỏi và nhắn nhủ bạn vàng khi nào thuận tiện trở lại Cali, anh cũng hứa hẹn sẽ có ngày tái ngộ, Hữu lo cho bạn nhiều quá, ngày nào hắn cũng hỏi thăm.

Vào lúc xế trưa Tâm đưa bạn trở về bến cũ, hắn thản nhiên vui vẻ, bản tính tự nhiên chân thật không bao giờ khách sáo, vẽ chuyện. Mặt trời đã lên cao toả ánh nắng vàng trên hàng cây cọ xanh tốt mọc hai bên đường, nhiều loại cây nhỏ thấp thấp đã vàng úa nghiêng ngả trước ngọn gió thu. Nhìn mấy ngôi biệt thự khuất trong những bức tường gạch, hàng rào, những con đường xinh đẹp dẫn đến phi trường tự nhiên Toàn thấy một niềm vui hân hoan sung sướng bỗng nổi lên trong lòng, niềm vui của kẻ đi tìm cố nhân, quá khứ, đã tìm thấy niềm an ủi ở tình thương của mọi người, người ta thương mình, quí mình hơn là mình thương, mình quí họ. Những giờ phút trở về quá vãng đã vụt qua y như cơn gió nhẹ nhàng xua đuổi những chiếc lá vàng bay là đà trên hè phố, bây giờ làthực tại, là làm việc và sống như trăm nghìn người khác.

Tâm đậu xe lại, xách đồ xuống dùm Toàn rồi bình thản chìa tay ra bảo.

-Bây giờ về nhà ha? Khi nào tới nơi nhớ gọi cho tôi nghe, chúc anh lên đường bình an.

-Tôi sẽ gọi anh ngay, khi nào thuận tiện tôi sẽ lại sang chơi, chúc anh mạnh giỏi, vui vẻ nhá.

Toàn bắt tay hắn rồi lẳng lặng xách hành lý bước vào phi trường. Ðôi bạn sau hai mươi mấy năm xa cách gặp lại nhau qua mấy buổi chiều vàng trong phút chốc lại đường ai nấy đi, mỗi người một ngả, bèo hợp rồi tan, lại sân ga bến tầu, chia ly ngăn cách, người đi kẻ ở, dòng đời vẫn lặng lẽ trôi.

Máy bay cất mình lên cao, nó lượn một vòng ngoài biển rồi trực chỉ hướng đông nam, bỏ lại sau lưng thành phố lạ, Toàn nhìn qua cửa sổ, thành phố lạ có vẻ dễ thương, nó đang lùi dần trở lại, anh tưởng như nghe thấy những tiếng vọng lên.

Nhớ trở lại nhá.

Hẹn ngày tái ngộ.

© Trọng Đạt