Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Hai mảnh đời thơ

Hai mảnh đời thơ PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Đình Kh   
Thứ Tư, 24 Tháng 3 Năm 2010 04:28

Mụ mong mỏi một thằng con trai, chẳng phải để nối dõi tông đường, vì mụ đã có ba trai, một gái.


Mụ Dậu, có tánh hay mê coi bói.

 

Lần mang thai thứ năm, mụ gọi lão thầy bói, bấm số tử vi cho đứa bé chưa chào đời!

Lão thầy bói, đã quả quyết rằng:

- Đứa trẻ này, không làm Trụ Vương, cũng thành Đắc Kỷ. Thế là mệt đấy!

Câu phán, tán hươu, tán vượn của lão, thế mà ăn sâu vào tiềm thức mụ nhà quê, không cách chi tẩy xoá. Mụ Dậu, chả biết Đắc Kỷ, Trụ Vương là ai, nhưng mụ cũng hoảng, vì: Thế là mệt đấy!

Mụ mong mỏi một thằng con trai, chẳng phải để nối dõi tông đường, vì mụ đã có ba trai, một gái. Nhưng mụ bị ám ảnh bởi câu ca dao tục ngữ, mà các cụ ngày xưa, chẳng biết đào từ gốc cổ thụ nào ra:

“Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần.”

Con bé ra đời không đúng “thiên thời địa lợi nhân hòa”, nên mụ Dậu càng tỏ ra ghét cay con bé; lại nhằm lúc, thằng Bố đổ đốn say sưa, bài bạc, nên chẳng ai chăm sóc nó. Chưa đầy năm, nó đã biết lê la khắp xóm, ăn đậu ở nhờ, hết nhà người này, đến vú chị kia. Cái xóm lao động cùng khổ, đèn đóm lù mù, vì chủ trương nhà nước tiết kiệm điện thời bao cấp, chỉ tổ cho giống người sinh đẻ như vịt, nên chẳng lúc nào thiếu những ả nạ dòng cương sữa! Hàng xóm, chẳng mấy ai ưa bà mẹ, thành đanh đỏ mỏ, nhưng thương con bé lem luốc, nên nó cũng đỡ, chưa đến nỗi đói lạnh cho lắm.

- Giời ơi là giời, nhà với cửa, chồng với con, đúng là của nợ!

Mụ tru tréo như con lợn bị cắt tiết. Một thằng ma cà bông nào đó, mua hàng chưa trả tiền, rồi chuồn mất. Mụ chạy đôn, chạy đáo khắp chợ réo làng, réo nước inh ỏi, mà chẳng thấy… “ma chiến hữu” nào giúp! Mất của mụ sót, đồng tiền liền khúc ruột, mà không biết phải làm sao, nên giận cá chém thớt, trút trăm tội ngàn vạ vào lũ con ở nhà. Lũ trẻ con then lét, rúc vào một xó, tránh né những cán chổi, vung bất tận của bà mẹ, vì những lý do vô cớ. Ba thằng con trai, mắt trước mắt sau, tuồn ra cửa để mặc con chị là con Lài, đứa lớn nhất nhà, ôm chặt con bé út tránh đòn. Đánh chán, mỏi tay, mụ ném cây chổi lông gà vào xó, quát:

- Còn chưa lo cơm nước, ở đó mà thút với thít, hở con giời kia!”

Lài riu ríu dắt em vào bếp, mặt cắt không còn hột máu. Con nhà bạch đinh, hình như cũng khác lũ trẻ bình thường, chúng khôn trước tuổi, dù chỉ là thứ khôn lõi. Có lẽ bản năng sinh tồn hay kinh nghiệm, dạy chúng biết rằng: câm mồm, sẽ đỡ đòn roi hơn khóc òa như đám trẻ khác.

- Mày đi đâu thế, hử con chết tiệt kia!?

- Con qua dì Lương mượn ít gạo, nhà hết từ hôm qua rồi mợ.

- Chúng mày ăn như hạm, đến núi cũng phải lở. Bà lấy sức đâu mà lo cho đủ. Thôi nhịn, đừng bêu xấu mặt mũi tao nữa!

Con Lài im lặng, hâm lại nồi cháo loãng, thêm ca nước cho đầy, rồi chắt vào chiếc bình sữa nhựa, bẩn như thứ đồ cổ, không quên khuấy chút đường vàng cho em. Con bé cười toe, ôm ngay bình sữa, lăn xuống sàn đất tu ngon lành, như kẻ bị đói lâu ngày vừa gặp bữa.

….

Tháng sau, mụ Dậu mất biệt với một gã tình nhân nào đó trong xóm, như lời đồn.

Còn thằng Bố, thỉnh thoảng đảo về nhà, lượm nhẹ vài món đồ khả dĩ bán được, rồi cũng dông tuốt!

Con Lài nghĩ: mẹ nó trốn biệt với năm đứa con còn nhỏ, khi nó là đứa lớn nhất vừa mới mười bẩy, thì đúng hơn!

Chẳng hiểu, con Lài đúc từ cái khuôn nào hay rơi rớt di truyền từ thời Pháp thuộc, nên tóc nó hoe hoe, nước da trắng ngần. Dù áo quần luộm thuộm, nhưng nó vẫn có nét xinh xắn của một đứa con gái lai. Nhiều hôm, nó bế em lân la ra tận ngoài phố xem hàng quán. Nó ao ước có tiền để mua cho con Quên, con búp bê nhựa. Tội nghiệp, từ lúc sanh ra đến giờ, đứa em út, chưa bao giờ có món đồ chơi nào ra hồn, nếu không phải là những thứ nhặt được, hư hỏng cũ nát. Có lần, ông bán hàng mã dạo, tử tế, cho nó cái máy bay uốn cắt từ những chiếc lon nước ngọt và nó ngu dại để con Quên cầm. Con bé cho vào mồn cắn rách toang cả môi, máu me đầm đìa. Đó là hồi nó mười mấy chưa biết xấu hổ chứ bây giờ nó cũng biết buồn, tủi thân khi những người bán hàng liếc chị em nó canh chừng, như thể rình bắt lũ ăn cắp vặt.

Ý tưởng đi làm loáng thoáng trong đầu nó từ ngày lão Ba tàu có cửa tiệm đồng hồ hỏi nó:

- Lầy, Lị muốn kiếm tiền không? Ngộ cần một người cơm lước sai vặt.

Lão bụng phệ, nhưng tốt bụng, không xua đuổi chị em nó như những chủ nhân các cửa hàng khác. Ngày mai nhất định nó sẽ hỏi lão Ba. Rồi nó lại nghĩ đến con Quên, ba thằng em kia còn lớn khôn chút đỉnh, chứ con Quên còn nhỏ quá. Tự nhiên, nó lo cho em nó như người mẹ trẻ quên bẵng bà mẹ thật, còn sống sờ sờ trước mắt, mà ở tận đẩu đâu. Thôi thì kệ, tối về nhà lo cho con Quên, còn hơn cả ngày bồng bế lang thang, đói rách. Đầu óc nó quyết định giản dị, mau lẹ và nó yên tâm bế con Quên nằm đu đưa trên chiếc võng. Tiếng võng kẽo kẹt, át mất tiếng ruột quặn cào vì chưa có gì lót dạ từ sang, ngoài chút cháo suông.

- Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi..

….

Tuổi thơ của con Lài, chỉ vỏn vẹn đôi năm đầm ấm. Nó nhớ mang máng như vậy, cho đến ngày, ăn cái tát đầu đời nẩy lửa vì tội nựng em bé bằng cách bẹo má cậu nhỏ bắt chước đám người lớn. Từ ngày có em trai, nó hiểu một cách mơ hồ về bà Mẹ trọng nam khinh nữ và thằng Bố không bao giờ biểu lộ tình phụ tử vì lý do cay đắng. Đủ tuổi, địu thằng em, trẹo cả xương sườn, con Lài dần dần thay mặt người đàn bà, chuyên ăn quà như mỏ hoét, trông nom các em. Mụ Dậu, chỉ còn bổn phận đẻ đái, như thể để trả đủ món nợ ái ân, rồi đem con bỏ chợ. Thằng Bố vô trách nhiệm, cũng chẳng ngó ngàng đến núm ruột, mà hắn cứ nghi ngờ chẳng phải của mình, như một thứ tâm bệnh khó chữa. Bọn trẻ tha hồ nằm vạ vật theo bản năng con thú hoang, đúng kiểu trời sanh voi sanh cỏ. Những lúc ốm đau, chúng chỉ tự động nằm lì một xó chờ cơn bệnh qua khỏi, sau trận sốt hầm hập. Thế mà chúng vẫn sống phây phây, nhờ vào lòng tốt của những người hàng xóm, thỉnh thoảng, ban bố cho chúng màn cạo gió hay bữa ăn từ những của thừa sau bữa giỗ, tiệc tùng. Nhiều lần, thằng Bố túng tiền cờ bạc, chẳng ngần ngại lén vợ, xúc gạo đem bán đánh bài hoặc trả nợ. Lũ trẻ đói oặt ẹo, cũng chẳng dám than van, chỉ tổ, vừa nghe mụ Dậu bới tam đại nhà chồng lên chửi, lại ăn trận đòn thù của người cha say sưa. Cái địa ngục trần gian đó, vẫn tiếp diễn dưới con mắt thương hại của hàng xóm; nhưng chẳng ai buồn mở lời khuyên can hay đúng hơn chẳng ai muốn dây dưa với gia đình mụ Dậu, vì sợ cái mồm to hơn cái ống nhổ của mụ.

Con Lài nấu nồi cơm, dặn dò thằng em lớn rồi ra khỏi nhà.

Đó là ngày nó đi ở đợ cho lão Ba tàu, chủ hiệu đồng hồ. Tối mịt nó mới về đến nhà, đánh thức các em dậy, cho mỗi đứa nắm xôi, không quên con búp bê nhựa cho con Quên. Nhìn đàn em cười toe toét, nó cảm thấy tất cả những gì nó đánh đổi đều xứng đáng không chút hối tiếc. Nói cho có vậy thôi, lúc mấy đứa nhỏ đùa chán lăn ra ngủ tiếp, nó rón rén mắc màn, cẩn thận chèn bốn góc; xong, là lúc nước mắt ngắn, nước mắt dài, ra giếng, múc nước xối liên hồi bất tận như để tẩy xoá dấu vết bàn tay lão tàu già. Đời con gái của nó, trôi lờ đờ chậm hơn cả giòng nước cống lợn cợn, váng xà bông, ngập ngừng, chưa chịu chảy xuống cái rãnh gần nghẹt cứng những rác.

Mụ Dậu, vẫn bôn ba đâu đó với gã tình nhân, trên những tuyến đường buôn hàng lậu. Cũng có thể, đã bị bắt đâu đó không chừng, hay chết dấm chết dúi ở cái ngã ba tam biên đầy cạm bẫy. Cả tháng qua, mụ vắng bóng, căn nhà êm ấm hơn. Lại nhờ đồng ra, đồng vào của con Lài, nên thằng Bố có chút tiền, được thể say sưa, chẳng thèm ngó ngàng đến con cái. Lão mặc xác cho con Lài bương chải, chống đỡ mái nhà dột nát.

Cả xóm đều biết con Lài thôi làm cho lão Ba. Nó ăn mặc chưng diện, mặt mày đỏ xanh, cũng như đang đi bán cho tiệm cà phê xanh đỏ ánh đèn. Bà hàng xóm sát bên, thừa hiểu nó làm chuyện đi khuya về tắt, nhưng có vẻ thương hại nó nhiều hơn khinh ghét. Ít ra, nó còn biết điều hơn con mụ Dậu, vay trả sòng phẳng, nên ai nói bóng gió gì con Lài, là bà bênh vực nó ra mặt.

- Làm ăn gì cái ngữ ấy, nghề ngỗng gì cái ngón “đưa người cửa trước, rước người cửa sau”.

- Ừa, nó không làm ăn gì, mà em nó ăn mặc sạch sẽ, học hành đàng hoàng. Tui không có con trai, chứ nếu có, tui cũng dám lấy cho con tui. Người ta nói: lấy đĩ làm vợ, chứ có ai lấy vợ làm đĩ!

Dân trong xóm lao động, thường, chẳng có bao nhiêu chữ nghĩa, nhưng cái trò bơi móc mỉa mai, bằng thứ văn chương bốn ngàn năm văn hiến, thì không thiếu câu nào. Dù Nam cờ hay Bắc kỳ, đàn bà, chẳng bao giờ lùi bước, trong những trận đấu võ mồm. Lời qua tiếng lại, chẳng mấy chốc thành cái chợ cá, phe này phe kia, cãi nhau như mổ bò. Tự nhiên, mấy bà ngồi lê đôi mách, đem Lài ra làm đề tài, dù chẳng hiểu mô tê ất giáp gì, sau cánh cửa quán…

Người ta, có thể, kể trăng kể cuội, về kiếp sống của một giai tầng, một nghề nghiệp nào đó. Nhưng làm sao, họ hiểu được tâm trạng con Lài, khi phải ngồi đồng cho đủ thằng đàn ông máy mó tay chân, bóp vú, sờ chỗ kín! Chữ “cà phê ôm” nghe bình thường, như muôn ngàn những cái quán mờ mờ, ảo ảo, mọc lên ở trên cái đất nước ngày càng khốn nạn, về tất cả mọi mặt nhân sinh và đời sống; nhưng không bao giờ, có thứ ngôn ngữ, diễn tả được nỗi buồn của đứa con gái, phải làm thứ nghề bất hạnh:

Ôm!!!

Dĩ nhiên, con Lài cũng sẽ chai đá, sạn sỏi, nhưng tránh sao khỏi cảnh ngỡ ngàng, lúng túng khi gã đàn ông trong xóm, nó để ý, và yêu… cũng đang nhìn nó trước cảnh tượng bỉ ổi đó. Và nham nhở hơn nữa, nếu phải tình cờ chứng kiến, thằng con trai nó lưu luyến; cũng đang ôm, bóp vú và sờ chỗ kín của những cô gái ca-ve thời mở cửa.

Ngày Việt Nam mở cửa, con Lài cũng mở cửa đón nhận một gã Việt kiều. Gã khác bọn đàn ông trong nước, không sỗ sàng như đám quỷ sứ có tiền – Hễ có tiền, là được quyền sờ chỗ kín và bóp vú! Gã Việt kiều này, có những lời hứa hẹn, làm nó xiêu lòng, để trở thành món đồ tiêu khiển không công cho gã, sau giờ làm việc. Con Lài làm sao hiểu được điều này, khi vừa mới bước vào đời, đã đưa l… và vú cho thiên hạn nắn soi!

Gã Việt kiều, làm nó quên bẵng đám em ở nhà và tóm lại: gã làm nó yêu, yêu tha thiết, yêu mù quáng, đến độ, nó dám mơ ước ngày được đặt chân đến cái xứ… tiền mọc trên cây bạc rơi ngoài ngõ. Nó quên rằng, cuộc đời của gã, còn có những người chung quanh và gã Việt kiều lịch sự ấy, chỉ là một trong số đám khách, cưỡi ngựa xem hoa!

Lúc cái bụng nó to hơn, phải nghỉ việc, số tiền gã Việt kiều cho cạn dần, mà bóng dáng gã vẫn mịt mờ! Nó bắt đầu ý thức được, lũ đàn ông, muôn đời chẳng khác gì nhau: Thọc gậy rồi đi. Mặc mẹ chúng mày, chết, sống trên quê hương đói khổ!

Nếu không giống như thằng Bố say sưa cờ bạc của con Lài, thì gã Việt kiều cũng là phường sở khanh đàng điếm!

- Quân đểu giả khốn nạn, đồ… cơm đường cháo chợ, vợ nhà thổ!

Nó vừa khóc, vừa nguyền rủa, lập lại những câu văn chương bóng bảy của mụ Dậu thường chửi, không hiểu ăn sâu trong tiềm thức của nó từ lúc nào.

…..

Chín tháng, mười ngày… cưu mang giọt máu của thằng đàn ông xa tít mù tắt ở bên kia phương trời đầy thức ăn, bơ sửa thừa mứa. Con Lài thấm thía nỗi cô đơn và thù hận:

“Bụng mang dạ chửa, nó mửa tôi ăn. Đéo mẹ, bọn đàn ông!”

Con Lài hậm hực, lại túng quẫn, nên chẳng còn chút nhân tính. Nó luôn chửi như thế, khi nhìn cái bụng vượt mặt, mà thắm thía nỗi đau thời đại! Chỉ chực chờ lũ đàn ông mở miệng, là nó nhảy vào họng họ, chửi như tát nước. Nhất là mỗi khi, thằng Bố vòi tiền cờ bạc rượu chè, là nó trút vào lỗ tai hàng xóm từng loạt pháo cối như … trăm hoa đua nở!

- Mày không đi làm, nhà chẳng còn cái đéo gì để ăn! – Thằng Bố cờ bạc, rượu chè chì chiết, khi hết tiền trở về.

- Làm gì? Làm đĩ, cũng phải có thời chứ! Cái bụng, to như cái trống đồng, có thằng nào chịu… đéo! Không có gì ăn, thì hốt cứt. Tôi có phải nợ đời nợ kiếp, với cái nhà này đâu!

- A, con này giỏi nhể. Đồ mất dạy, đĩ điếm! Nuôi mày lớn khôn, để mày to tiếng, miếng chì miếng bấc, với bố mày à. Quân bất hiếu!

- Bố con gì ông! Bố tôi, là thằng tá ơm nào đó, chứ ông làm gì có phúc, có phần, mà đòi con với cái!

- Tiên sư con đĩ rạc! Con nhà bất nhân! Mày mới đủ lông, đủ cánh đi làm, đã giở thói bạc. Không có tao nuôi, dễ hồ thiên hạ nó thổi đít mày, rồi tự lớn phổng phao, trắng trẻo như hôm nay, để mày đi làm đĩ, đó phỏng? Biết vậy, khi sinh mày, tao bóp mũi cho chết!

- Ha ha… Đĩ! Cả cái đất nước này, không toàn là đĩ ư? Đĩ bán nước! Đĩ buôn dân! Đĩ buôn lậu tiền! Đĩ tay sai cho ngoại bang! Đĩ đi từ trong ra đến ngoài nước! Và có cả đĩ trong tiếng nói… linh tinh! Phải, ông nói phải! Nếu ông nuôi con cái kiểu của ông, thà ông bóp mũi tôi chết từ bé còn hơn!

Thằng Bố biết thế cùng, con Lài nắm cán đằng chuôi, nên đành xuống giọng.

- Tao luôn luôn, sống trong sự chân thật và liêm khiết, cho nên mới mạt vận như ngày hôm nay, để con mẹ trời đánh của mày bỏ tao mà đi! Cái số tao nó hẩm hiu thế đấy! Thôi, mày xón cho tao vài trăm nghìn, để tao tự nuôi cái miệng già! Tao chỉ còn mày, là con tao! Mày tuy là đĩ, nhưng ngoài con đĩ như mày, ai nuôi sống tao!?

- Đồ đĩ!!! Tiền đây, đô la đây… rồi xéo cho khuất mắt hay theo luôn con mụ vợ ông, cho chị em chúng tôi yên.

Đứa con gái, mặt mày son phấn loè loẹt, tay chống mạng sườn, ưỡn cái bụng, kễnh, to như cái trống đồng Đông Sơn, của cái đất nước có mấy ngàn năm… văn hiến, mà nay cái trống đồng vô giá đó, đã lọt thỏm vào nhà bác Phiêu, người nổi tiếng thanh liêm nhất, cũng ở cái đất nước rất nhiều người “yêu sự chân thật” này!

Thể theo văn hóa trống đồng Đông Sơn, con Lài, ngoạc mồm ăn miếng, trả miếng như chị hàng tôm, hàng cá, đã là cái cảnh quen thuộc của mụ Dậu năm xửa năm xưa, theo dòng văn hóa trống đồng thời hiện đại, cho đúng khẩu thuật “yêu sự chân thật’… nói thẳng tận tâm can!

Nhiều đứa con nít tụ lại nghe con Lài xỏ xiên, có khẩu khí ma nhập, bỗng chạy hỗn

loạn, khi con Lài cáu tiết, ném cả chiếc khung hình lộng ảnh gã Việt kiều bảnh bao, đứng bên cạnh chiếc xe hơi bong loáng – cũng theo phe trống đồng Đông Sơn thời đại – ra đường hẻm. Từ xa, con Quyên đi học về, vội vàng lẩn mặt quành sang ngõ khác.

Dạo này, con Quyên hay trốn học, thất thểu dọc con kinh B. Chị nó đổi chệch tên nó từ chữ Quên thành Quyên. Ngày con Quyên bắt đầu cắp sách, vì không muốn người ta nhắc lại câu truyện của mụ Dậu, một đêm quá trớn với thằng lơ xe. Không hiểu chữ Quên là do mụ đặt vì muốn quên hay do Thằng Bố muốn gọi, để quên con vợ mất nết?! Cách nào, thì con Quên cũng là hậu quả gánh chịu của giai cấp bần cùng. Ba thằng anh, ma cà bông, ma cà cúi, của nó, đã từ lâu, cả ngày chỉ lo khăn xanh, khăn đỏ, vì người ta thổi phồng đám bần cố nông, cho chúng leo lên tít trên mây xanh, rồi đùng một cái, bị rút thang. Cả ba thằng đã bị tròng cổ vào thứ “đại học lớn nhất miền Nam”, hay lún chân trên những công trường lao động.

Con Lài rên rỉ, đau đớn, rồi tòi ra thằng … “Mỹ lai”, tóc đen mũi tẹt da vàng, nhưng nó nhất định đặt tên Mỹ, để tưởng nhớ chàng Việt kiều, biết đâu một ngày nào đó – Ảnh sẽ về đón con – . Lài biết, nó tự lừa dối chính mình, dù vẫn còn ấm ức và thù hận, nhưng biết làm sao hơn! Giá mà, gã Việt kiều, đừng hứa hẹn, có lẽ nó đã nạo cái thai oan nghiệt đó đi từ lúc ban đầu.

Lọt vào cái gia đình dòng họ nhà mụ Dậu, chắc phải là thứ tiền kiếp… hiếp dâm, cướp của, giết người, chứ ai nỡ để con mọn o oe chưa đầy tháng để đi làm, giao phó thằng bé kháu khỉnh vào tay con Quyên chỉ biết hét:

- Nín, nín…!!!

Thằng bé gào khóc, mà bà Dì tí hon, chỉ biết hát “nín nín”, hay tọng vào mồm cái nắm vú đầy đất cát, làm sao nó chẳng khóc “inh nhân tôn ” lên, muốn vỡ cả nhà. Bà hàng xóm tốt bụng, cũng chỉ tử tế đến một mức giới hạn nào đó, chứ ai có thì giờ trông trẻ không công mãi được. Khóc chán, thằng bé mệt lả, ngủ vùi, ngoan như chú bé thiên thần nằm trong máng cỏ, mà con Quyên nhìn thấy ở nhà thờ. Thực ra, con Quyên còn lớn hơn con Lài, khi phải trông em ngày trước. Lại có chút chữ nghĩa võ vẽ, chứ không đến độ “i tờ rít” như con Lài. Cũng bởi mớ chữ này, con Quyên biết so sánh hoàn cảnh của nó với con nhà dì Lương.

Dì Lương cũng chỉ bán xôi chè, nhưng sao gia đình người ta ấm cúng quá. Dì Lương bán hàng đêm, ban ngày trông nom con cái nhà cửa tươm tất. Không thịt cá dư giả, nhưng có bữa cơm bày trên mâm và những buổi chiều, chị ngồi chải chấy cho con làm nó thèm chảy nước mắt.

Thằng “Mỹ lai” vừa đầy năm tuổi, con Lài trở bệnh. Chẳng hiểu bệnh gì, mà người nó dạc ra, cả ngày nằm dài, nhìn lên trần nhà cứ khóc tỉ tê. Con Quyên cũng bỏ học, vì chị nó không đủ tiền để đóng trăm thứ bà dằn: tiền lệ phí học đường ngày càng lên thang, với những bì thơ rất lịch sự, cho những hèn đớn ngành giáo dục có bốn ngàn năm văn hiến thời hiện đại. Nào lệ phí phụ huynh, nào góp quỹ nhà giáo. Tiếng là trường công lập miễn phí, nhưng nghèo như gia đình nó, thì cũng chẳng thể theo kịp với những đòi hỏi của nhà trường. Gặp cô giáo thiên vị, đứa nộp, đứa không, nên đối xử có phần chênh lệch. Nó chán cảnh, đọc ké con bạn bên cạnh, chán cảnh, có bút thiếu vở, nên nhân cái cớ trông chị, trông cháu, nó ở nhà bán vé số. Vào nghề, nó mới hiểu cuộc đời không như bức tranh trong quyển sách “Em bé ngoan”, của các bác… thích sự chân thật! Bán rong cũng có lãnh thổ, khu vực và phần lớn lợi tức thu về mấy tay đầu nậu. Chưa kể, những hôm bị bọn du thủ du thực, chận lấy hay những ngài công an – kẻ tôi đòi của dân – mua chịu không trả tiền.

Số tiền dành dụm của con Lài vừa cạn, là lúc con Lài thở hắt ra. Phút cuối, nó vẫn mở trừng trừng đôi mắt nhìn đời đầy vẻ oán hận. Thằng “Mỹ lai”, thản nhiên ngồi chơi cạnh mẹ, cười sằng sặc, cầm chiếc lông gà, ngoáy vào mũi cái xác không hồn.

Con Quyên ký vào tờ giấy cầm cố, chẳng cần hiểu mô tê, miễn sao có tiền chôn chị. Người ta thí đất, thí hòm, thí nhang đèn. Nhưng không ai thí công khóc cho chị nó vài giọt nước mắt. Nó nghe phong phanh, chị nó chết vì thứ bệch “ếch nhái” gì đó, truyền sang từ một ông tây si đa, mà cái xứ sở trống đồng Đông Sơn đang là những nạn nhân thời đại, ở cái thế kỷ của đất nước rất thích: yêu sự chân thật nhất hành tinh này!

Thằng Bố cũng biệt tăm, vì sợ lây, huống hồ người dưng nước lã. Con Quyên, mắt ráo hoảnh theo đám nhà đòn, đốt cả bó nhang to, rồi bế thằng “Mỹ lai’ về nhà. Nó biết, nay mai căn nhà này, sẽ vào tay bà cầm đồ, vì nó đào đâu ra tiền để chuộc lại. Cầm vài triệu còn lại trong tay, nó bế cháu ra chợ. Không phải cái chợ con lầy lội, mà căn chợ nhà lồng lớn tít ngoài phố. Thôi thì, nó mua đủ các món đồ chơi, quần áo mới cho thằng “Mỹ lai” và cho cả nó. Nó có cảm giác, cả chợ cung phụng nó, ngay cả bọn lưu manh, cũng e dè như sợ nó có vây cánh quen biết lớn. Về nhà, nó mở những gói đồ ăn thịnh soạn, cẩn thận trộn đều “món gia vị” đậm đà, rồi pha ly sữa to và ngọt hơn bao giờ hết.

Hai Dì cháu, thưởng thức chậm rãi bữa tiệc nhà quan, không quên để dành phần cho thằng Bố say sưa, cờ bạc.

Ăn uống no nê, nó leo lên võng, ru thằng cháu bằng bài hát duy nhất, nó nhớ:

- Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…

Không còn mụ Dậu, chửi bới cắt ngang. Không còn chị Lài dễ thương, bỗng trở chứng gắt gỏng. Không còn thằng Bố lè nhè, với cây chổi lông gà trơ cán mây giập.

Chút nữa, chắc cũng không còn thằng “Mỹ lai”, khóc oe oe; và cả không còn, con Quyên biết đọc hàng chữ bên dưới cái sọ người, với hai thanh xuơng bắt chéo!

Lũ chuột thấy màn đêm yên ắng, từ các xó xỉnh, chúng bu quanh chiếc bàn còn ngổn ngang thức ăn. Chúng thản nhiên liếm láp, tận hưởng thứ của trời cho, chẳng buồn để ý, thằng “Mỹ lai”, đang vặn người, mép sùi bọt trắng.

Mùi sữa, chưa được tiêu hóa qua hệ sinh thực, nó trắng xoá và thơm… như mùi sữa của xứ sở trống đồng Đông Sơn, sản xuất ở nội địa, đầy chất độc, không kém gì ông anh đồng chí, đồng rận, láng giềng!

Còn con Quyên, thì mùi sữa chua tợn. Thứ mùi chua, tanh, của thuốc chuột, nốc nhiều. Nước miếng trắng ởn và đôi mắt cũng trắng ởn, trợn trừng. Trước giây phút tận cùng, nó tự hỏi với Chúa:

“ Chúa ơi! Con sinh ra làm gì, trên đất nước chân thật, đã tự ngàn năm. Mà bây giờ, không còn có sự chân thật, vì những trống đồng Đông Sơn!

Nhưng sự “lém lĩnh” nhất, “ma mãnh” nhất, như ông Bố của con, trùm sức mạnh gia đình, bạo đòn roi và giả dối với con trẻ; luôn phát biểu: tôi yêu sự chân thật nhất!

Sự chân thật là từ đâu, khi man mọi, sống với người, ở đầu thế kỷ hai mươi mốt???

Lẽ nào, con phải sống trong sự bi thảm và giả dối muôn đời!?”

Năm đó, con Quên hay Quyên, vừa đúng mười ba tuổi. Nó chết! Con số, mà không ít người cấm kỵ!

“ Tại sao. Tôi chết ở tuổi 13!?”