Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Chồng Chúa vợ tôi

Chồng Chúa vợ tôi PDF Print E-mail
Tác Giả: Hạnh Đức   
Thứ Sáu, 19 Tháng 3 Năm 2010 04:40

 Ông Chương tỏ ra biết dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về và ông áp dụng ngay kiểu chồng Chúa vợ tôi…

 
Ông Chương thông minh học giỏi, thi đâu đậu đấy, năm ông 21 tuổi đã đậu cử nhân luật rồi thi vào ngành tư pháp, ông cũng đậu tối ưu.  Có lẽ vì thế mà ông hiu hiu tự đắc vì đường công danh đang thời kỳ nở hoa… Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, ông cưới được cô gái hiền lành con nhà tử tế tuy không được môn đăng hộ đối mấy vì ông thuộc giai cấp “thượng lưu.”  Ông vẫn tự hào ông là con nhà gia thế, anh em ông danh giá hơn người.

Các cụ xưa thường nói: “Tam đẳng nhân, tam đẳng vật.” Nghĩa là người thì có ba giai cấp: Thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Vật thì có ba loại.  Ở Việt Nam thì Thục Quyên thuộc giai cấp trung lưu.  Nhưng ở Mỹ có nhiều giai cấp hơn: High class (thượng lưu), higher class (trên thượng lưu).  Higher middle class (trên trung lưu), middle class (trung lưu), middle of middle class (giữa trung lưu).  Low class (hạ lưu), lower class (dưới hạ lưu) và poverty class (giai cấp nghèo khó).  Tuy xã hội Mỹ phân chia ra nhiều giai cấp nhưng họ không kỳ thị ra mặt mà kín đáo, nơi nào đông dân cư bát nháo thì họ dọn đến ở nơi tốt hơn, yên tĩnh hơn.

Từ ngày về nhà chồng, Thục Quyên một mực kính yêu chồng vì nàng cho rằng mình may mắn được làm vợ một ông quan.  Ông Chương tỏ ra biết dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về và ông áp dụng ngay kiểu chồng Chúa vợ tôi…  Thục Quyên sợ chồng một phép vì miệng nhà quan có gang có thép… Ông nói đâu là phải nghe đấy vì ông đem luật ra áp dụng với vợ con như ở trong pháp đình vậy.

Ông Chương hút thuốc lá từ khi ông bắt đầu làm quan, mỗi khi ăn cơm xong, chồng ra sa-lông ngồi uống nước là Thục Quyên vội đem ngay bao thuốc lá và cái bật lửa ra cho chồng dùng mà không hề nghĩ rằng thuốc lá có hại cho sức khoẻ của chồng và của mình nữa.  Ông Chương ngồi rung đùi hút thuốc lá phì phèo trong cảnh phong lưu sung túc… Trong sách tướng số: “ Người rung đùi thì hậu vận nghèo.” Câu này đúng hay sai thì về sau mới biết chứ hiện tại thì ông đang sống trong cảnh giàu sang quyền quý, vợ hiền con ngoan.

Nhưng rồi vật đổi sao dời; thời gian ông làm quan ngắn hơn thời gian ông bị tập trung trong trại cải tạo.  Ông bị đưa ra miền Bắc lao động khổ sai, tuy vậy ông cũng tỏ ra tích cực để đạt chỉ tiêu nhưng đôi lần ông phạm luật nội quy nên bị cùm biệt giam. Anh em đồng tù thương ông vì thấy ông hiền lành nhẫn nhục… “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.” Ông bị tù tới 10 năm nếu nhân lên thì không biết là bao nhiêu năm.  Nhưng rồi những tháng năm lưu đầy cũng chầm chậm trôi theo dòng đời của kẻ thất trận; thực ra thì trận đánh chưa phân thắng bại, nhưng ván cờ đã được an bài do những bàn tay đầu nậu quốc tế quyết định rồi.  Thời nào cũng thế, được làm vua,  thua làm tù nhân.  Than ôi! Tóc xanh nay đã nhuốm màu phong sương. Ông Chương đã mất mát nhiều thứ, tuổi trẻ, tự do, địa vị xã hội, nhà cửa.v.v..  Nghĩ mà uất hận nhưng ông không dám tỏ ra bất mãn với chế độ mới e bị  khép vào tội phản động.
 
   Ngày ông Chương cầm tấm giấy ra trại mà lòng khấp khởi mừng thầm. Còn ít đồ dùng lặt vặt ông để lại cho anh em bạn tù.  Lúc ông bắt tay từ biệt anh em ra về mà trong lòng còn lưu luyến, nước mắt rưng rưng…
      
   Từ trại tập trung ra đến đường cái để đón xe, ông phải cuốc bộ hơn mười cây số, hai bên đường mòn, hoa rừng thoang thoảng đưa hương, ông ưỡn ngực ra hít thở không khí thơm tho trong lành vào đầy phổi.  Cái cảm giác lâng lâng thư thái của người tù thâm niên vừa được trả tự do vui khôn tả, ông cắm đầu cắm cổ đi thật nhanh.  Trong tâm trí ông lúc bấy giờ, hình ảnh vợ con ông hiện ra tươi cười mừng rỡ đón ông… Ông ước gì mọc cánh mà bay ngay về ôm lấy vợ con mà hôn mà kể lể nỗi niềm thương nhớ bấy lâu…
       
Ra đến đường cái ông đứng chờ một lúc thì có xe đò xuôi Nam, xe dừng lại, ông bước lên xe, móc túi lấy tiền, số tiền còm vợ ông tiếp tế mấy tháng trước ông vẫn để dành, ngay cả những lúc thèm thuốc lào ông cũng không dám bỏ tiền ra mua.  Bác tài nhìn ông thì biết ngay ông là hạng người nào, bác vui vẻ hỏi:
   -Cải tạo về hả? Thôi khỏi trả tiền, để tiền mua bánh cho con.

Ông Chương cảm động, ông không ngờ đồng bào còn thương người anh em ngã ngựa.  Ông nói lời cảm ơn rồi ngồi vào ghế, chuyến xe đông khách nên phải  ngồi sát vào nhau như cá hộp vậy.

Khi về đến Saigon, ngôi nhà cũ của ông nay đã đổi chủ, phố xá đã đổi tên.   Ông nhìn cái gì cũng lạ lẫm khác xưa… giống như Từ Thức lạc vào Thiên Thai khi trở về trần gian thì mọi sự đã đổi thay.  Nhưng ông Chương thì không được may mắn như Từ Thức, ông không lên Thiên Thai mà xuống địa ngục trần gian.  Ông lớ ngớ tìm đường ra ngoại ô, nơi vợ con ông tá túc trong căn nhà tôn vách ván của người bà con bên họ ngoại cho ở nhờ. Vợ con ông gầy còm lam lũ thấy mà thương! Ông ôm lấy vợ con mà khóc, hai hàng nước mắt trào ra như suối, những giọt nước mắt tẩy trần đã rửa sạch những nỗi oan khiên, trôi đi những tủi nhục đã qua…Vợ con ông cũng mếu máo khóc theo... Ông trở về đoàn tụ gia đình trong cảnh đổi đời thua thiệt qúa lớn nhưng chan chứa yêu thương. Ông rất mừng vì gia đình còn đầy đủ, không sứt mẻ người nào. Mấy đứa con ông nay đã lớn bổng lên.  Ông biết ơn người vợ hiền đã chung thủy chờ chồng, buôn thúng bán mẹt nuôi con. Trong những năm xa cách, nỗi nhớ nhung rạo rực ở trong lòng, đêm ấy hai ông bà nằm bên nhau, tỉ tê tâm sự với biết bao nỗi nhớ niềm thương, với tình yêu cuồng nhiệt như cá gặp nước, như rồng gặp mây, vẫy vùng trong bể ái nguồn ân…

 Sau một đêm an giấc, ông Chương ra sân làm mấy động tác thể dục cho giãn xương giãn cốt, hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai.  Thời tiết đã sang xuân, nắng vàng như lụa, nền trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi… Mấy con chim đậu trên giây thép cất tiếng hót véo von du dương trầm bổng như khúc nhạc bình minh. Khi còn ở trong trại ít khi ông được tự do ngắm  nhìn trời đẹp như hôm nay. Ông đang hưởng hạnh phúc bên vợ con, lòng ông thanh thản, ông không còn thù hận ai mà chỉ nghĩ đến sinh kế.  Bây giờ ông có thể làm bất cứ nghề gì lương thiện để kiếm sống vì ông lao động đã quen trừ nghề đạp xích-lô vì ông đau lưng.

Vợ ông học được cách làm kẹo vừng kẹo lạc cho ông cắp đi bỏ mối tại các chợ.  Lúc đầu ông còn ngượng nghịu nhưng vì sinh kế nên cũng phải chịu khó vậy. Nhìn ra chung quanh thì những anh em đi tù về phần nhiều đều phải làm những việc lao động bất đắc dĩ như đạp xích-lô hay đạp xe ba-gác chở than, chở gạo hay sửa xe đạp bên lề đường để kiếm sống.  Nhưng việc gì rồi cũng quen đi và nhờ ông khéo léo chào hàng và được cái là kẹo vợ ông làm giòn ngon nên bán được.  Cuộc sống lần hồi bữa đói bữa no, đã vậy, ông còn bị quản chế.v.v… Nhưng may sao, chương trình H.O. ra đời và ông lập tức nộp đơn xin đi Mỹ.  Thời gian chờ đợi kéo dài với đủ các thứ giấy tờ cần thiết cho mãi đến năm 1991 ông mới cùng gia đình được đặt chân lên đất Mỹ.  Nhưng mọi sự khó khăn lúc đầu; trợ cấp xã hội chỉ được hưởng có tám tháng mà thôi.  Vợ con ông bung ra đi làm kiếm sống, Thục Quyên đi làm thợ may, các con ông vừa đi học vừa đi làm nhân viên bán hàng trong siêu thị, riêng ông dở thày dở thợ không giúp được gì cho gia đình.  Cái câu: “Ăn hết nhiều chứ ở chẳng hết bao nhiêu” là khi còn ở VN chứ ở xứ Mỹ này thì trái lại: “Ở hết nhiều chứ ăn chẳng hết bao nhiêu” nếu cứ ăn uống thanh đạm.  Tiền thuê căn chung cư hai phòng ngủ mỗi tháng ít nhất cũng phải trên dưới một ngàn dollars, lên xuống tùy theo thời giá. Tháng năm dần trôi trong cảnh nhà sa sút khó khăn… Ông nhận ra rằng nước Mỹ không phải là thiên đàng hạ giới như ông tưởng… cho nên ông trở thành người bất mãn, ông chê Mỹ bạc.  Ai cũng biết Mỹ là nước do một nhóm tư bản cầm cân nẩy mực; quyền lợi của họ là ưu tiên dù có phải hy sinh tính mệnh đồng minh họ cũng chẳng từ.  Nhưng có người khen Mỹ nhân đạo, nuôi người già, người tàn tật, người thất nghiệp.v.v… Khoảng hơn hai trăm năm trước, một vị học giả người Trung Hoa đã chê: “Hiệp chúng quốc bất khả dung thân,” nghĩa là “nước Mỹ không thể ở được.”  Có người lại bảo: “Mỹ là nước siêu Cộng Sản, cụ Hồ trồng cây mười năm, trồng người một trăm năm thì lâu quá chứ Mỹ chỉ trồng người có một thời gian ngắn mà thôi, nghĩa là cho di dân vào, nhất là những thành phần ưu tú để dùng chất xám của họ… bằng chứng là con cháu của người VN tị nạn, của cựu quân nhân H.O., mới qua đây trong vòng đôi, ba mươi năm mà nay đã ăn học thành tài đi làm đóng thuế lợi tức gần bốn mươi phần trăm hoặc hơn.  Châm ngôn có câu: “Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê” là thế.

Nếu như ông Chương không bị giam cầm lâu mà di tản kịp thời như người ta thì khi sang đây ông cũng đi học lại và thi lấy cái bằng gì đó thì bây giờ ông cũng không đến nỗi nghèo.  Nhưng cũng may, ông có nghề viết câu đối, văn ông hay, chữ ông tốt; hằng năm, mỗi độ xuân về, ông bày mực Tàu giấy đỏ trong phiên chợ Tết viết liễn cho người đồng hương.  Chữ Việt mà ông viết giống chữ Nho trông như rồng bay phượng múa nên được đồng hương chiếu cố, hơn nữa nhiều người quen biết ông từ trước nên thương tình đến mua liễn với tính cách giúp đỡ ông chứ đem về nhà cũng chẳng có chỗ mà treo.  Nhờ thế mỗi năm ông cũng kiếm được vài ngàn dollars phụ giúp gia đình.  Người ngoài khen văn ông hiền, viết toàn chuyện nhân nghĩa nhưng chính vợ ông lại tâm sự với bạn học xưa rằng: “Giá người mà được như văn thì tôi đã không khổ. Cái câu: “Xem văn biết người” đúng với ai chứ không đúng với nhà tôi đâu.”

Thục Quyên ngày càng xanh xao gầy ốm, gương mặt nàng lúc nào cũng buồn rười rượi… Mấy chục năm chung sống, nàng đã nhiễm phải bệnh hút thuốc lá thụ động mà tiếng Mỹ gọi là “second hand smoker.”  Trong khi vợ đau yếu như thế nhưng ông Chương không để ý săn sóc vợ mà chỉ ham vui với bạn bè, ông thường ngồi nhâm nhi ly cà phê tại quán xá bên đường bàn chuyện chính trị chính em…

Thục Quyên ở nhà thui thủi một mình, nàng cảm thấy cô đơn và buồn tủi, có chồng mà cũng như không. Nàng bèn đến ở với gia đình người con gái cho khuây khỏa và để được con trông nom.  Thỉnh thoảng ông Chương có ghé đến thăm vợ trong chốc lát rồi lại đi ngay.

Vào một buổi tối mùa đông, Thục Quyên ôm bụng kêu đau, con gái nàng vội chở mẹ vào nhà thương, bác sĩ khám bệnh, lấy máu thử và cho toa mua thuốc.  Một tuần sau bác sĩ cho biết kết quả thứ máu:

“Gan nàng có vấn đề cần phải điều trị ngay.” Ông Chương và các con lo lắm nhưng chỉ cho nàng uống thuốc theo toa bác sĩ chứ chẳng biết làm gì hơn để chữa tuyệt nọc mầm bệnh hiểm nghèo này. Ông Chương vẫn bận rộn với những buổi văn nghệ văn gừng, đàn ca, hát xướng.v.v…  Ông ăn nói có duyên, hấp dẫn giới phụ nữ… Hình như ông thích sinh hoạt ngoài xã hội hơn là ở trong nhà lo cho vợ hiền đang đau yếu. Tội nghiệp! Thục Quyên thiếu sự săn sóc ủi an của chồng nên sức khoẻ của nàng ngày càng suy sụp thấy rõ.  Tuy vậy nàng chẳng hề thở than mà chỉ khóc thầm...  Trên chiếc bàn con kê ở đầu giường, thuốc men để đầy cả ra. Đêm ấy, nàng lại lên cơn đau bèn mò mẫm lấy thuốc uống nhưng nàng đã uống nhầm thuốc và uống qúa liều lượng nên bị phản ứng dữ dội.  Con gái nàng lập tức gọi xe cứu thương đến cấp cứu tức thì.  Nàng được chở ngay vào nhà thương chữa trị nhưng bệnh gan của nàng đã đến thời kỳ trầm trọng khó lòng qua khỏi.  Sáu tháng sau Thục Quyên qua đời. Thật đáng buồn cho ông Chuơng đã nghèo lại gặp cái eo, có người vợ hiền lành chịu khó làm ăn giúp chồng nuôi con thì đã bỏ ông mà sang bên kia thế giới, nơi không phân biệt giai tầng xã hội, không có cảnh chồng Chúa vợ tôi.  Tiền mai táng tốn kém không ít, nhưng rất may là các con ông đã khôn lớn đi làm có tiền lo hậu sự cho mẹ chúng.

Trên đời này những người nửa đường đứt gánh không hiếm, dĩ nhiên chồng hay vợ chết thì buồn lắm nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện quyên sinh để chết theo. Vậy mà ông Chương chỉ muốn chết, ông bị day dứt triền miên với niềm ân hận là đã đối xử khắt khe với vợ… Bỏ bê vợ trong thời gian đau yếu, cả những chuyện nhỏ nhặt như lúc vợ ông trách nhẹ ông một câu chẳng có gì là phạm thượng vậy mà ông cũng nổi sùng lên nạt nộ:
-         Em là vợ anh, em không có quyền sửa lưng anh.  Đồ nhà quê!

Thục Quyên mở to mắt nhìn chồng, lúc ấy mặt ông Chương tối sầm lại trông dữ tợn lắm! Nàng không ngờ chồng mình lại nóng nảy một cách thô lỗ như vậy, bèn cãi:
-          Có thế mà anh cũng mắng em là nhà quê? Hễ em nói câu nào là anh chặn họng em câu ấy. Anh đừng cả vú lấp miệng em chứ?  Anh sắc xảo quá!
-         Chẳng những anh sắc xảo mà còn dữ nữa.
-         Dữ thì anh ở với ai?
-         Ở với ai cũng được.  Em không được cãi lại anh.  Cho em nói một trăm câu, anh chỉ nói lại một câu là em đau.  Đồ ngu!

Bị chồng mắng là “đồ ngu”, nàng không nhịn nữa:
-         Khôn ngoan đối đáp người ngoài, thế sao khi ở tù, quản giáo mắng như tát nước vào mặt mà anh không dám nói một câu cho họ đau đi?  Anh vẫn chê họ ngu mà sao anh không dám mắng người ta là đồ ngu? Anh bắt nạt em lâu rồi.  Sang đây, anh đừng quen thói chồng Chúa vợ tôi như trước nữa.  Thú thực với anh, em không ngu đâu, em chỉ nhịn nhục cho qua mà thôi.  Hễ mở miệng ra là anh châm cho người ta buốt, chích cho người ta đau.  Anh nói bên đông động bên tây, nói chết cây gẫy cành, nói mà không nghĩ đến người nghe có đau lòng không.  Em chưa thấy ai tự phụ như anh, anh luôn luôn khoe mình tài giỏi, nhiều người kính trọng anh.  Nhưng anh đâu có biết họ chỉ tâng bốc anh hời hợt bề ngoài mà thôi chứ người ta đâu có thật lòng. Người ta còn nói anh mát nặng rồi nhưng theo em thì anh không mát đâu, anh khôn khéo lắm, hễ anh cần nhờ vả ai việc gì thì anh thù tạc đãi đằng, nói ngon nói ngọt…Nhưng qua sông là anh quên sóng, anh lại đi nói xấu người ta.  Anh ăn mật trả gừng.  Ngay như chuyện vợ chồng, vừa mới hôm qua đầu gối tay ấp, ái ân mặn nồng thế mà hôm nay anh đã mắng em xa xả vuốt mặt không kịp.  Anh bạc lắm cho nên ông Trời chẳng cho anh khá.
-         À, em to gan nhỉ?  Em dám cãi lại anh như thế đấy hả?  Có phải bây giờ anh lưu vong thất thế cho nên em coi thường anh không?  Em có nhớ thời gian em quần là áo lụa, kim cương đeo lóng lánh trên tay là nhờ ai không?
-         Em nhớ chứ, kim cương, quần là áo lượt anh sắm cho em đâu sánh bằng tình yêu và cả một thời xuân sắc em dâng cho anh… Kim cương cũng đã bán hết để tiếp tế cho anh trong tù. Cho đến nay em còn gì?  Được gì ngoài chứng bệnh nan y?  Em không mong được sống lâu với người chồng cao ngạo, khư khư ôm lấy dĩ vãng vàng son một thời, hách dịch, coi vợ như tôi đòi. Anh có biết không?  Mỗi lần em đi chợ hễ thấy bóng bạn học xưa là em tránh mặt vì  bây giờ em tiều tụy quá!

Thục Quyên nói đến đây, chẳng những ông Chương đã không động lòng thương mà còn quát lên:
-         Giỏi thật!  Tôi không ngờ cô dám nói ra những lời chua cay như thế đấy hả? Lời nói của cô thật là phũ phàng! Cô uống nước không chừa lại tí cặn nào hay sao?  Cô đã nhục mạ tôi!

Nói đoạn ông Chương hùng hổ xấn đến trước mặt vợ toan tát tai nhưng nàng đã ôm mặt khóc nức nở khiến ông chùn tay lại nhưng nét mặt ông vẫn còn hầm hầm tức giận.
 

         Khúc phim trên cứ quay đi quay lại trong trí nhớ khiến ông hối hận đã áp đảo tinh thần người vợ hiền một cách qúa đáng… Bây giờ vợ chết, cảnh bếp lạnh tro tàn, đêm đêm thao thức để nghe nỗi quạnh hiu dấy lên tự trong lòng!...

 Khi Thục Quyên mất, chẳng những bên họ nhà vợ mà cả những bạn thân của nàng đều quy trách nhiệm cho ông Chương là đã không nghĩ đến sức khoẻ của vợ mà cai thuốc lá đi để đến nỗi nàng chết oan vì bệnh ung thư.  Nhưng có người lại nghi ngờ rằng: “Có phải thực sự là Thục Quyên uống nhầm thuốc qúa liều lượng không hay là nàng muốn xa lánh cõi đời?”

Những lúc buồn qúa ông gửi gắm tâm sự mình qua câu văn trên bức liễn treo ở trong phòng: “Sống gửi thác về, em hãy chờ anh.”  Rồi một tay ông cầm ly nước, một tay mân mê nắm thuốc ngủ toan uống nhưng các con ông trông thấy vội giằng lấy thuốc vứt đi và khuyên ông:
-         Sao ba lại làm thế? Đằng nào thì mẹ cũng đã mất rồi dù ba có chết theo cũng chỉ thiệt thân ba mà thôi.  Chúng con đã mất mẹ chẳng lẽ lại mất cha nữa hay sao? Nếu ba thương xót mẹ thì xin ba hãy cầu nguyện cho mẹ được an vui nơi vĩnh phúc.

Nghe lời con khuyên nhủ, ông bỏ ý định tự tử nhưng ông không sao nguôi được nỗi nhớ thương với sự mất mát to lớn không gì bù lại được.  Căn chung cư cao niên không chứa hết nỗi buồn mênh mông của ông.

Mùa thu đến, tiết trời se lạnh, ngoài trời lá vàng rơi và trong chung cư  cũng có một cụ bà qua đời.  Hôm đưa đám, cụ ông lẽo đẽo đi theo sau linh cữu khóc lóc kể lể:
-        ơi!  Bà nỡ lòng nào bỏ tôi mà đi cho đành?  Từ nay về sau lấy ai cơm nước giặt giũ gối chăn cho tôi? Đêm hôm tắt lửa tối đèn lấy ai là người cạo gió cho tôi hả bà?  Bà có biết tôi thương tiếc bà lắm không? Hu hu!... Bà ơi là bà!...
      
   Mấy cụ bà hàng xóm đi đưa thì thầm với nhau:
-         “Cho đáng đời!  Lúc bà ấy còn sống thì chẳng thương, bắt khoan bắt nhặt đủ điều, chê cơm khô, cơm nhão.  Bữa nào mà không có cút rượu với món nhậu cho ông ấy thì có mà điếc tai.  Bà ấy khóc hoài đấy chứ!  Bây giờ bà ấy chết đi là được giải thoát và để cho ông ấy biết thế nào là cảnh thất nội trợ.  Đến lúc biết thương thì vợ đã ra người thiên cổ.”

Thì ra trong giới cao niên cũng còn một số cụ bà âm thầm chịu đựng cảnh chồng Chúa vợ tôi cho đến lúc chết.

Thấm thoát, Thục Quyên đã an giấc ngàn thu được tám tháng, những lúc buồn qúa, ông Chương đến nhà thờ cầu nguyện xin Chúa ban nghị lực cho ông để ông phấn đấu với nỗi cô đơn sầu thảm này.  Vì ăn ngủ thất thuờng nên trông ông hốc hác ra, người gầy rộc đi và cứ chiều đến là ông lên cơn sốt, ông ho húng hắng cả đêm.  Bác sĩ khuyên ông nên bỏ thuốc lá để cứu lấy buồng phổi đã bị nám nhưng ông không thể bỏ thuốc được.  Cũng có lúc ông mong được chết sớm để đi theo Thục Quyên.  Giả dụ bây giờ mà được gặp lại nàng thì ông sẽ quỳ xuống xin nàng tha thứ cho ông.  Ông ước giá được làm lại từ đầu thì ông sẽ trân quý Thục Quyên như một nàng Công Chúa, ông sẽ không tiếng bấc tiếng chì với nàng nữa.
        
Năm xưa, khi ông Chương còn học trường thày dòng, ông đã noi gương nhân đức của các thày, đã tin yêu Chúa mà xin theo đạo và đã được chịu phép rửa tội nhưng sau này vì bất mãn điều gì đó nên ông cải đạo theo Phật giáo.  Ông thường đi chùa và tỏ ra là người Phật tử thuần thành. Trong nhà ông có bàn thờ Phật.  Nhưng bây giờ vợ ông chết, ông lại cho là Chúa phạt nên ông muốn trở lại đạo Công Giáo và xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm…  Ông vào trình bày với cha quản nhiệm về hoàn cảnh của ông.  Nghe xong, cha an ủi:
-         Chúa nhân từ vô cùng, Ngài chẳng chấp tội ai bao giờ mà sẵn lòng tha thứ cho những kẻ biết ăn năn trở lại.  Rồi cha làm phép giải tội cho ông và chúc ông ra về bình yên với cuộc sống tốt lành hơn.

Kể từ đấy, sớm tối ông đi nhà thờ đọc kinh xem lễ và cầu nguyện một cách thiết tha cho Thục Quyên được an vui trên Thiên Quốc và ông hăng say làm việc tông đồ, bác ái để có chút hành trang đem về thiên đàng nhưng sức khoẻ của ông ngày một sa sút hơn.  Ba tháng sau ông Chương qua đời vì bệnh phổi nhưng ông đã được chịu đủ các phép bí tích trước khi nhắm mắt lìa trần.

Có lẽ giờ này ông Chương đã được gặp lại Thục Quyên, người vợ hiền lành đã chung sống với ông hơn bốn chục năm qua.  Bây giờ ông không còn khắt khe với nàng nữa, ông đã giác ngộ để cùng nàng hưởng phúc thanh nhàn đời đời trên Thiên Đàng.
 
Hạnh Đức