Cái Nốt Ruồi: Truyện ngắn hay nhất của Sholokhov |
Tác Giả: Trọng Ðạt | |||||
Thứ Sáu, 12 Tháng 3 Năm 2010 20:10 | |||||
Có thể nói Mikhail Sholokhov một thiên tài hiếm hoi của thế kỷ, sống dưới chế độ độc tài hà khắc sắt máu Staline Văn chương cổ điển Nga đã đóng góp biết bao công trình văn hoá cho nhân loại với những văn hào lỗi lạc, những tác phẩm vĩ đại, bất hủ, trường giang đại hải : Một Léon Tolstoi sâu sắc đạo đức với Chiến Tranh và Hoà Bình, Anna Karénine, Résurrection… Một Dostoievsky đi tiên phong trong nghệ thuật diễn tả nội tâm sâu kín của con người với Tội Ác và Hình Phạt, Anh Em Nhà Karamazov.. Một Pushkin nhà thi hào lớn của mọi thời đại, ta cũng phải kể một Ivan Tourgueniev với những đoản thiên bay bướm, lãng mạn tuyệt vời ít ai sánh kịp… Thời kỳ Cổ điển mà người Pháp gọi là La Littérature Russe, chấm dứt sau cuộc Cách mạng Vô sản 1917, một nền văn chương mới ra đời gọi là Văn học Sô Viết (La Littérature Soviettique). Thời kỳ này văn chương phải phục vụ tuyên truyền cho Ðảng và Nhà nước, nhiều nhà văn trốn ra ngoại quốc, không có sáng tác nào đáng kể, nền văn chương đột nhiên xuống dốc … ngoại trừ trường hợp đặc biệt Mikhail Sholokhov. Ông sinh năm 1905 tại vùng sông Don của dân tộc Cosaque, Sholokhov trưởng thành trong khói lửa cuộc nội chiến tàn bạo, đẫm máu giữa Hồng quân và lực lượng nổi dậy của người Cô Zắc (Cosaques) sông Don giành quyền tự trị.
Sholokhov sinh ra trong một gia đình nông dân Co Zắc quê mùa dốt nát, lớn lên đi làm thợ thuyền, nhập ngũ, làm ký giả, viết văn. Cuộc nội chiến bùng nổ dữ dội khi ông còn là một cậu bé, chiến tranh đã gợi hứng cho ông rất nhiều trong sự nghiệp sáng tác văn chương. Mới 20 tuổi Sholokhov đã xuất bản tập truyện ngắn, năm 1928 ông bắt đầu viết tập thứ nhất của cuốn tiểu thuyết vĩ đại Tikhy Don, Sông Don Thanh Bình, khi ấy mới 23 tuổi. Hồi ấy tiểu thuyết của nền văn chương Sô Viết mới bắt đầu thành hình, năm năm sau, người ta ngạc nhiên về tài năng của Sholokhov và nhận thấy ở nơi ông một thiên tài của văn học Sô Viết bắt đầu xuất hiện. Có thể nói Mikhail Sholokhov một thiên tài hiếm hoi của thế kỷ, sống dưới chế độ độc tài hà khắc sắt máu Staline, tác phẩm của ông nhất là Sông Don Thanh Bình đã được nhân dân Liên sô và chế độ ca ngợi như một thắng lợi lớn lao của nền văn chương vô sản đồng thời cuốn truyện cũng được thế giới Tây phương vô cùng hâm mộ. Năm 1937 bản tiếng Anh dịch phần đầu lấy tên And Quiet Flows The Don, đến 1940 Sholokhov hoàn thành tác phẩm vĩ đại, ông đã giữ được truyền thống vĩ đại mênh mông bát ngát, trường giang đại hải của thời văn học cổ điển xa xưa. Người Anh dịch tiếp phần cuối lấy tên The Don Flows Home To The Sea, người Pháp dịch ra lấy tên Le Don Paisible. Nhà xuất bản ngoại văn Mạc Tư Khoa cũng dịch ra tiếng Anh toàn bộ tác phẩm này lấy tên Quiet Flows The Don, lời văn trong sáng dễ hiểu. Tác phẩm cũng đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới và đã xuất bản hơn 30 triệu cuốn. Có người ví Sông Don Thanh Bình như một Chiến Tranh Và Hoà Bình thứ hai, nhưng cốt truyện nó có phần lôi cuốn hơn nhiều Cũng vĩ đại như Chiến Tranh Và Hoà Bình nhưng hiện thực, tàn bạo hơn có thể mang lại hứng thú cho người đọc nhiều hơn không khí thi vị mà Tolstoi đã tô điểm cho bức hoạ chiến tranh của ông với những ngọn đồi cỏ non xanh rợn chân trời, những làn khói súng xanh như khói lam chiều… Sholokhov đã thoát ra khỏi khuôn sáo cổ điển để mở ra một chân trời mới của thời đại hiện thực, chiến tranh dưới ngọn bút của ông là một bức hoạ nhuốm máu, đầy những hoang tàn đổ nát. Quiet Flows The Don đã được dư luận Ðông, Tây coi như một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của mọi thời đại, hằng trăm năm mới có tác phẩm hay như thế. Truyện đã làm sống lại cuộc nổi dậy kiêu hùng của dân tộc Cô Zắc sông Don chống lại chính quyền vô sản để giành quyền tự chủ và tinh thần bất khuất của những người nông dân tại quên hương Sholokhov trên bờ sông Don, nơi đã rền vang tiếng vó ngựa của Hồng quân cũng như của kỵ binh Cosaques. Từ thời Nga Hoàng xa xưa, người Cô Zắc đã có tinh thần tự chủ giành độc lập và nay chính quyền cách mạng làm đảo lộn cơ cấu nông nghiệp của họ. Người Cô Zắc đã coi Bolshevik là kẻ thù không đội trời chung của đức tin Chính Thống Giáo. Người Hùng Grigory của tác phẩm đã chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân sau lại tham gia cuộc nổi dậy của dân tộc, cầm đầu mười ngàn tay súng, họ tự đúc được súng đạn vũ khí và đã giành được nhiều thắng lợi trong những trận đánh lúc ban đầu. Sông Don Thanh Bình là một bức hoạ vĩ đại toàn cảnh cuộc nổi dậy giành quyền tự chủ của dân Cô Zắc , một thiên anh hùng ca tráng lệ của một dân tộc bất khuất không bao giờ chịu làm thân phận của người bị trị. Có điều lạ, người ta không hiểu sao Sholokhov lại được nhìn lịch sử, nhìn cuộc nội chiến một cách khách quan như vậy? Ðộc giả đã trở thành nhân chứng tận mắt cuộc chiến tranh tàn bạo ấy, tác phẩm ca ngợi tinh thần bất khuất của người Cô Zắc nhìn nhận chính nghĩa của họ chống lại chính quyền Bolshevik … và Ðảng và Nhà nước Sô viết lại cho là có lợi cho họ? Khác với không khí nhẹ nhàng êm dịu, mỹ lệ của mặt trận trong Chiến Tranh Và Hoà Bình, Sholokhov đã diễn tả cuộc nội chiến thật tàn bạo với những cảnh tù binh Cô Zắc đã bị Hồng quân chém giết vô cùng man rợ. Có người nói chính Staline đã ký giấy phép xuất bản Quiet Flows The Don, có lẽ họ muốn lấy lòng dân tộc thiểu số Cô Zắc , vì vậy mà cả thế giới đã được thưởng thức tác phẩm bất hủ này…
Sholokhov mất năm 1984, năm 1965 ông được giải thưởng Nobel văn chương cho công trình sáng tác, ngoài ra ông cũng viết Vỡ Ðất Hoang (Virgil Soil Upturned hay Terre Defrichée) vĩ đại như Sông Don Thanh Bình, cuốn này cũng được giải Lénine, một tác phẩm tuyên truyền về đời sống trong hợp tác xã nông nghiệp, trên thực tế Vỡ Ðất Hoang ít được chú ý hơn cuốn kia. Trong số các nhà văn Nga được giải Nobel, Sholokhov là người duy nhất được nhà nước cho phép lãnh giải. Boris Pasternak , tác giả Bác Sĩ Jivago, Solzhenitsyn, tác giả Vòng Ðầu Ðịa Ngục không dám lãnh vì áp lực chính quyền. Từ thuở thanh niên ở lứa tuổi đôi mươi, Sholokhov đã viết và xuất bản nhiều truyện ngắn, đa số hướng về các vấn đề xã hội. Truyện Cái Nốt Ruồi, The Birth Mark đăng ở đầu một tập truyện ngắn của ông (Short Stories) được coi là đặc sắc nhất. Birth mark có nghĩa là dấu hiệu bẩm sinh, chúng ta không có tiếng tương đương, trong truyện cũng gọi nó là mole, nốt ruồi. Chúng tôi dựa vào cuốn Short Stories, nhà xuất bản ngoại văn Mạc Tư Khoa (Raduga, Moscow) in 1975 do Robert Daglish dịch ra tiếng Anh, đây là một truyện ngắn hơn mười trang giấy diễn tả lại cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn vùng sông Don Cô Zắc. Xin sơ lược. “Nikolai, chàng thanh niên mười tám, đại đội trưởng, chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân, người vạm vỡ, già trước tuổi, trong đại đội người ta thường gọi đùa chàng là cậu bé. Tuổi trẻ tài cao, Nikolai chỉ huy nhiều trận suốt sáu tháng qua, cậu đã đánh tan hai đội loạn quân mà không mất một người lính nào. Nikolai mặc cảm vì còn trẻ và ít học, cha cậu người Cosaques, cậu còn nhớ hồi lên năm, lên sáu, ông đã bế cậu cho ngồi trên lưng ngựa nói “Con giữ cái bờm cho chắc nhá”. Chuyện ấy đã lâu lắm rồi, cha cậu đã đi biệt tích từ thời chiến tranh chống Ðức hồi Thế chiến Thứ Nhất, không biết sống chết ra sao, mẹ chàng đã mất. Nikolai thích cưỡi ngựa, tính tình dũng cảm như cha, chàng cũng có một cục thịt nhỏ như trứng chim bồ câu trên mắt cá chân trái y như cha. Mười lăm tuổi, làm ruộng kiếm ăn từng bữa, rồi nhập ngũ trong một tiểu đoàn Hồng quân đánh Bạch Vệ. Có lần tắm sông, người chính ủy bảo Nikolai “Cậu có cái nốt ruồi như vậy là hên đấy”, cậu đáp “Hên cái gì! Tôi mồ côi từ nhỏ, kiếm ăn vất vả suốt đời mà hên à?”. Một buổi sáng sương mù, anh trung sĩ đến báo cáo với chàng có bọn giặc tới vùng, ông xã trưởng xin đại đội đến giải cứu họ, Nikolai tự nhủ “Cứ chém giết nhau mãi, mình quá ớn cảnh máu chẩy thịt rơi rồi, mình chỉ mong đựoc đi học thêm ít chữ nghĩa”. Hôm nay ông Ðội trưởng dẫn năm chục kỵ binh Cosaques sông Don về địa phương, họ căm thù chế độ Sô Viết, quen chịu gian khổ. Ðội trưởng uống rượu liên miên, đã bẩy năm qua, ông chưa được nhìn thấy mái nhà gia đình mình. Hồi Thế chiến Thứ Nhất ông bị quân Ðức cầm tù, rồi theo Bạch Vệ… và bây giờ trong đội quân phỉ này. Ðội trưởng dẫn quân vào nhà máy xay lúa lấy thóc làm lương thực cho ngựa ăn. Trưởng nhà máy vội báo cho Nikolai biết, chàng ta vội tập hợp binh lính truy lùng địch. Lúc rạng đông, Nikolai căn dặn các chiến sĩ súng máy kế hoạch tác chiến rồi đại đội tiến vào trận địa. Súng nổ liên hồi như bắp rang, viên đội trưởng Co Dắc quát tháo lính chạy vào rừng, chúng phóng như bay chạy tháo thân trước lằn đạn đại liên của Hồng quân. Ðội trưởng quay ngựa thấy một kỵ sĩ đơn độc đang lao về phía trước, hắn múa kiếm loang loáng, áo choàng phồng lên như đôi cánh chim, trước ngực đeo ống nhòm. Ông Ðội đoán biết tên này là sĩ quan bèn gò cương ngựa lại, nhìn khuôn mặt trẻ của hắn lộ vẻ giận dữ , ông rút súng lục la lớn “Lại đây, nhãi ranh, mày múa gươm tao sẽ chém chết mày”. Ông đưa súng nhắm bắn cái áo choàng khi thấy nó hiện trước mặt, con ngựa chạy khoảng hai chục thước thì ngã lăn ra, Nikolai vứt áo choàng chạy lại viên đội, vừa chạy vừa bắn. Ðội trưởng Cosaques tự nhủ “Nó chỉ là thằng nhãi ranh, mày sẽ chết”. Ðợi cho Nikolai bắn hết đạn ông bèn phóng ngựa tới rồi xà xuống như con diều hâu, ông ta cúi rạp xuống vung kiếm chém chàng thanh niên ngã gục dưới chân. Ðội trưởng xuống ngựa tịch thu cái ống nhòm của người tử sĩ rồi tháo đôi ủng của hắn, một bên tháo được ngay còn bên kia tháo mãi mới ra, chiếc vớ cũng đi theo ra luôn. Ông Ðội thấy phía trên mắt cá hắn cái nốt ruồi bằng trứng chim bồ câu, bấy giờ mới biết chàng thanh niên là con mình, phần trang chót chúng tôi xin dịch nguyên văn cho thêm linh động. “…Rồi từ từ quay mắt nhìn Nikolai y như sợ đánh thức chàng, tay ông ướt đẫm máu từ miệng chàng ộc ra, ông ta trố mắt nhìn hồi lâu rồi ôm lấy đôi vai cậu nói. -Con ơi! Nikolai! Con là xương thịt của cha đây! Bỗng mặt ông tối sầm lại, la lên. -Nói đi! Con chỉ nói một lời thôi! Tại sao vậy hả con? Ông Ðội ngả người xuống nhìn chòng chọc vào đôi mắt đang hấp hối, lấy tay mở mí mắt đầy máu ấy rồi lay cái xác bất động một lúc… nhưng Nikolai nghiến chặt đôi hàm răng trên đầu lưỡi tím bầm y như sợ lỡ lời thốt ra điều gì quan trọng. Ðội trưởng cầm bàn tay lạnh cóng của con trai áp vào ngực hôn rồi đưa mũi súng lục vào miệng ông bóp cò…. Ðến chiều, đoàn kỵ mã hiện ra trước lùm cây, tiếng người tiếng ngựa vang lên. Một con diều hâu đang rỉa đầu ông đội trưởng, thấy động nó cất mình bay bổng lên trên bầu trời mùa thu xám ngắt” Tấn thảm kịch cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” được lồng trong một truyện ngắn đơn sơ gọn ghẽ nhưng ý nghĩa rộng rãi bao la tràn đầy tình yêu nhân loại. Cảnh chém giết nhau của một gia đình nằm ở hai chiến tuyến khác nhau, con chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân, cha lực lượng Cosaques sông Don, tấn thảm kịch đã thể hiện quá đầy đủ một cuộc chiến tranh tội lỗi, nồi da xáo thịt. Nó cũng tiêu biểu cho cuộc chiến tranh tàn bạo giữa lực lượng Coques sông Don chống lại chính quyền Bolshevik. Nhìn xa hơn nữa đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cuộc nội chiến đẫm máu tại đất nước tác giả giữa Hồng quân và Bạch Vệ vì những ý thức hệ khác nhau. Rộng hơn nữa cuộc chiến tranh của loài người được ông mô tả như một tội ác bằng hình ảnh tiêu biểu cảm động đầy nước mắt. Con diều hâu rỉa đầu lâu của một xác chết rồi cất mình lên bầu trời xám ngắt cũng đủ thể hiện hình một ảnh ghê tởm của chiến tranh. Khó mà tin áng văn tuyệt tác như thế lại do một cây bút ở lứa tuổi đôi mươi, người ta thường nói tài không đợi tuổi. © Trọng Ðạt |