Bông Hoa Đời Trên Ngôi Mộ Hoang |
Tác Giả: Thanh Thương Hoàng |
Thứ Năm, 25 Tháng 2 Năm 2010 13:50 |
Ông Nguyễn Thanh Thu là điêu khắc gia, tác giả pho tượng người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ....
Chào ông, Mark D. Kennedy. E- mail 2 E- mail 3 Nếu ngày nào chưa giải quyết xong món nợ ân tình nầy thì chẳng bao giờ đời sống của tôi được yên ổn, mặc dầu tôi phải nói để ông biết tôi có một gia đình rất hạnh phúc đầm ấm với người vợ tốt đẹp và đứa con trai ngoan. Việc quan trọng, tối ư quan trọng đối với tôi là tôi muốn tìm địa chỉ một người chết. Vâng, một người chết. Tôi mắc món nợ lớn với người nầy. Khi còn sống anh là sĩ quan Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mang cấp bậc Đại úy. Đại úy Lữ Sơn, bạn thân của tôi. Khi tôi về nước một thời gian, vào khoảng cuối năm 1974, nhận được tin anh tử trận trong một trận phục kích của địch. Và điều tôi biết chắc thi thể anh đã được chôn cất tại Nghĩa trang Quân đội VNCH tại xa lộ Biên Hòa với đầy đủ lễ nghi quân cách, mặc dầu lúc đó nước VNCH đang bị người ta trói lại sắp đem chôn sống. Mong ông cố gắng tìm giúp tôi những gì có liên quan tới người bạn thân – một ân nhân đã chết – của tôi. Cám ơn ông lắm lắm. Trông tin ông E- mail 4. E- mail 5. Cách đây 5 tháng tôi đã về Sài Gòn và đã đến Nghĩa trang nầy nên tôi mới dám cả quyết với ông như vậy. Tuy nghĩa trang chưa bị giải tỏa, chưa bị san bằng nhưng quả là vô cùng hoang phế, tang thương. Tôi có cảm tưởng đó là một bãi tha ma hơn là một nghĩa trang quốc gia. Khi nghĩa trang nầy chưa bị thủ tiêu thì niềm hy vọng tìm ngôi mộ người bạn tôi chưa bị dập tắt. E- mail 6. Ông Lê trước 1975 là Trung tá Quân lực VNCH. Sau 30-4-1975 ông bị kẹt ở lại và bị bắt đi tù cải tạo hơn 10 năm. Ông và gia đình đến Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO năm 1990. Cảm thông sâu xa nỗi đau của những người bạn đồng ngũ đang sống quằn quại trên quê hương, ông Lê sáng lập tổ chức “Huynh đệ chi binh”. Qua 10 năm hoạt động, tổ chức của ông Lê đã có một uy tín lớn trong các cộng đồng người Việt khắp thế giới. Và cũng chính tổ chức của ông đã giúp đỡ hàng ngàn người chiến binh VNCH cũ thoát khỏi tình trạng vật chất ngặt nghèo, cái chết vì đói đang lơ lững nơi cổ họ. Trong cương vị giám đốc tổ chức “Huynh đệ chi binh”, do nhu cầu công việc, ông Lê có rất nhiều tài liệu cũng như những sự kiện liên quan tới các cựu chiến binh VNCH. Do đó tôi hy vọng ông Lê sẽ giúp ông tìm kiếm ra manh mối những người có liên quan đến người bạn đã chết của ông. Xin chúc ông sớm đạt ước nguyện và một ngày nào đó tôi hy vọng gặp ông để tay bắt mặt mừng, nghe ông hân hoan loan báo tin lành... Tạm biệt ông. Thật đáng tiếc chúng ta quen biết nhau, gặp gỡ nhau trong máy điện toán bấy lâu mà lại chưa gặp nhau lấy một lần ở ngoài đời. E- mail 7. E- mail 8. E- mail 9. Lữ Sơn khi còn sống, những ngày bên tôi, anh ít nói về mình, ít nói về gia đình mình. Qua lời các bạn bè của Lữ Sơn thì cha anh là một sĩ quan mang cấp bậc Đại Tá ngồi trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH. Và người chú ruột của anh là Tướng Tư Lệnh Vùng. Nếu như người khác, với thế lực to lớn của gia đình như vậy, Lữ Sơn có thể tự ý chọn lựa một chỗ ngồi thích hợp và yên ổn an nhàn ở Thủ đô. Nhưng anh đã quyết đi con đường của mình, đầy gai góc nhưng cũng đầy oanh liệt hào hùng đối với người trai thời loạn: ra chiến đấu ngoài chiến trường. Lữ Sơn chưa lập gia đình. Khi chết anh để lại một người yêu mới ngoài 20 tuổi. Cô gái nầy cũng là bạn chí thân của bà vợ tôi bây giờ. Tôi và Lữ Sơn tình cờ gặp hai cô gái quê hiền lành chất phác trong một cuộc hành quân lục soát tìm kiếm kẻ địch ẩn náu trong làng. Chính họ đã chỉ cho chúng tôi biết một cái hầm cất giấu vũ khí của địch. Cuộc tình của Lữ Sơn và cô gái quê thơ mộng đẹp lắm. Hai người đã hứa hôn và chờ khi đất nước hòa bình mới làm lễ cưới. Rất tiếc tới bây giờ tôi vẫn chưa biết cô ta ở đâu, sống hay chết. E- mail 10. Bây giờ mọi sự tạm ổn định nên tôi mới có thì giờ viết thư cho ông đây. Vâng, tôi đã về Việt Nam, nói rõ hơn là Sài Gòn, tất cả 3 lần từ sau 1975. Lần thứ 3 cách đây 5 tháng. Khỏi nói ông cũng biết tôi trở lại Việt Nam với tâm trạng của một kẻ vào hang cọp. Nhưng vì ân tình thiêng liêng cao quý của người bạn nên tôi phải liều. Lần nào cũng vậy, khi vừa tới Sài Gòn còn chân ướt chân ráo, tôi đã tìm cách lên Nghĩa trang Quân đội VNCH ở xa lộ Biên Hòa ngay. Hình như có một cái gì như là sức mạnh vô hình đưa đẩy thúc giục tôi hành động. Lần thứ nhất, vào năm 1978, người lính Cộng sản gác nghĩa trang cương quyết không cho tôi vào mặc cho tôi giải thích, năn nỉ. Tất nhiên tôi nói với họ bằng tiếng Việt. Tôi xin mở ngoặc là vợ tôi đã dạy tôi nói tiếng Việt rất giỏi, có người khen “đặc giọng Nam”. Tôi thất vọng trước sự nạt nộ đe dọa của người lính Cộng sản đành trở về khách sạn. Ông giám đốc khách sạn chỉ dẫn cho tôi cách làm đơn xin phép chính quyền địa phương. Nhưng sau mấy ngày vợ tôi chạy chọt vất vả, tôi vẫn không bước qua được cổng nghĩa trang. Tôi buồn rầu đưa vợ về thăm quê ngoại ở miền Tây. Vừa tới nơi, chưa kịp chuyện trò với ông bà già vợ, tôi đã bị chính quyền địa phương bắt giam về tội CIA. Vợ tôi phải mất một số tiền hối lộ khá lớn họ mới chịu buông tha tôi. Vợ tôi tin nhờ hồn ma của anh bạn Lữ Sơn phù hộ tôi mới sớm thoát nạn. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn rùng mình khủng khiếp với 7 ngày đêm trong một phòng giam nhỏ bé chật hẹp tăm tối hôi hám bẩn thỉu. Ngoài sự thân thể bị rệp muỗi thường trực thi nhau hút máu, hàng ngày tôi liên tục bị gọi lên “làm việc”. Họ tra vấn và bắt viết “bản tự khai”. Ngày nào cũng hỏi, ngày nào cũng viết đến phát điên. May mà chỉ có 7 ngày (tôi coi như 7 năm dài) tôi đã thoát nạn. Do đó tôi rất thông cảm và kính phục sự chịu đựng dẽo dai ghê gớm của các ông bị giam cầm trong các trại tù cải tạo hàng chục năm liền. Khi được thả tôi và vợ vội vã trở lại Sài Gòn và đáp máy bay về Mỹ ngay. Thật hú vía! E- mail 11. E- mail 12. Đó là vào đầu năm 1993 chúng tôi đáp máy bay về Việt Nam. Quả là thành phố Sài Gòn có đổi khác trước nhiều. Nhà cao tầng mọc lên khắp nơi. Người Sài Gòn ra đường với những bộ quần áo đẹp đẽ, lịch sự. Xe hơi xe gắn máy xe đạp chen chúc đầy đường. Sau khi ổn định chỗ ở trong một khách sạn sang trọng nằm giữa trung tâm thành phố, vợ chồng tôi thuê một xe taxi chở lên xa lộ Biên Hòa. Lần nầy Nghĩa trang không thấy có lính gác nữa. Nhờ sự chỉ dẫn mách bảo mánh mung của anh bồi phòng, vợ chồng tôi đi thẳng tới căn nhà của giới chức có phận sự trông coi Nghĩa trang. Người nầy lớn tuổi, vẫn ăn mặc theo lối bộ đội, trông mặt khó chịu và hơi dữ dằn. Ông ta không mấy thiện cảm khi nhìn tôi, nhất là khi tôi cho biết ý định. Vợ tôi tinh ý mở túi xách lấy gói thuốc lá hiệu ba số 5 và một phong bì căng phồng đưa ông ta. Ông ta thản nhiên tiếp nhận và mở gói thuốc lấy ra một điếu hút liền. Còn cái phong bì ông ta biết là có gì trong đó rồi nên nhét ngay vào túi quần. Sau khi hỏi một số chi tiết cho đúng thủ tục, với vẻ quan trọng, ông ta hướng dẫn chúng tôi đi vào Nghĩa trang tìm kiếm. Ông ta cũng không biết gì hơn về những ngôi mộ coi như vô chủ. Bây giờ tôi xin tạm ngưng vì đêm đã quá khuya. Tôi còn phải đi ngủ để sáng mai đi làm việc. Xin hẹn ông thư sau. E- mail 13. E- mail 14. Có rất nhiều ngôi mộ chỉ còn lại mấy viên gạch vỡ. Nghe nói người ta đã vào đây đập phá những ngôi mộ lấy gạch về xây nhà ở. Còn pho tượng lớn người chiến sĩ VNCH ngồi an nghỉ nơi cổng vào Nghĩa trang thì không còn thấy nữa. Có người cho tôi biết pho tượng bị phá hủy từ lúc mới “giải phóng” kia. Tiếc thay một công trình nghệ thuật – một tuyệt tác đã bị bàn tay thù hận phá hủy! Viên cán bộ phụ trách Nghĩa trang sau ít phút hướng dẫn vợ chồng tôi đi đã bỏ cuộc để chúng tôi “muốn đi tới chỗ nào túy ý”. Chúng tôi đã vạch cỏ từng ngôi mộ. Mãi tới lúc mặt trời sắp lặn vẫn không tìm thấy ngôi mộ Lữ Sơn. Chúng tôi quá mệt mỏi nên đành buồn rầu từ giã Nghĩa trang. “Lữ Sơn ơi, nếu hồn anh có linh thiêng hãy hướng dẫn chúng tôi tìm ra ngôi mộ anh”. Tôi thầm kêu lên như vậy khi bước lên xe taxi trở về thành phố Sài Gòn. Ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa, vợ chồng tôi tiếp tục lên Nghĩa trang lùng kiếm. Nhưng vô vọng. Tôi có rất nhiều ảnh chụp Nghĩa trang, hàng trăm tấm. Nếu ông muốn tôi sẽ gữi tặng. Ông coi ảnh sẽ biết sự hoang phế tệ hại tới mức nào. Đúng là một bãi tha ma chứ không còn là một Nghĩa trang quốc gia. E- mail 15. E-mail 16. E- mail 17. Phải nói là giữa tôi và Lữ Sơn một tình bạn nẩy nở ngay từ lúc đầu khi tôi đến làm cố vấn cho đơn vị anh. Đại đội anh chỉ huy là Đại đội tiền sát. Khi hành quân tôi luôn cặp kè bên anh. Khi rãnh rỗi chúng tôi ngồi bên nhau nhậu nhẹt đến say khướt quên cả đời lính tráng nơi tiền tuyến, quên cả thần chết thường trực rình rập chung quanh. Vào thời điểm nầy hiệp định Ba Lê ký kết Mỹ sẽ rút quân về nước bỏ mặc cho VNCH chống chọi với quân Cộng sản. Với một quân số đông gấp mấy lần và với võ khí tối tân hơn, quân Cộng sản liên tiếp gây thiệt hại cho quân VNCH trên nhiều mặt trận. Người Việt Nam cho rằng tại người Mỹ bỏ rơi đồng minh nối giáo cho giặc. Anh em binh sĩ trong đơn vị của Lữ Sơn thù ghét khinh bỉ tôi ra mặt. Chỉ còn ít ngày nữa tôi giã từ họ về Sài Gòn hồi hương nên tôi cóc cần. Một hôm toán tuần tiểu của họ bị Cộng sản phục kích làm chết một số người. Đau đớn trước sự mất mát mà họ cho là phi lý, có nội tuyến và có thể cộng với sự hiểu lầm về một cử chỉ hoặc thái độ nào đó của tôi, họ đã nổi giận nhất loạt chĩa mũi súng vào tôi quy trách nhiệm. Họ đòi đem tôi ra bắn để trả thù cho cái chết của đồng bạn! Nhìn những đôi mắt quắc lên giận dữ, rực lửa hận thù, nhìn những mũi súng đen ngòm chĩa thẳng vào ngực mình, tôi biết đã tới lúc tôi phải lên đoạn đầu đài chịu tội cho cả nước Mỹ. Tôi không thể giải thích cho họ hiểu tôi cũng như họ chỉ là nạn nhân của bọn to đầu. Tôi không tình nguyện đến nước nầy để giết người hay để người giết. Tôi đến vì người ta bắt phải đến. Tôi giết vì nếu không giết thì sẽ bị giết. Tôi đến hay đi hoàn toàn không phải ở tôi mà ở bọn chóp bu ngồi cách xa nơi nầy cả nửa vòng trái đất! Trước sự “hận thù đằng đằng” tôi phải cầu cứu tới Lữ Sơn, lúc ấy đang đứng bên tôi và tỏ ra vô cùng lúng túng, bối rối. Trước ánh mắt sợ hãi và cầu cứu của tôi, Lữ Sơn đã đứng ra can thiệp. Anh nói nhiều lắm, bây giờ tôi không còn nhớ hết anh đã nói những gì nhưng nội dung chính vẫn không ngoài sự ngăn cản, khuyên giải. Nhưng đám đông vẫn không chịu buông súng nghe theo. Họ la lối gào hét đòi quyết giết tôi. Sau khi với tư cách chỉ huy ra lệnh cho họ không nghe, Lữ Sơn nói lớn: “Vậy trước khi giết chết người Mỹ nầy, các bạn hãy giết tôi đi. Người Mỹ nầy vô tội, chúng ta đừng giận cá chém thớt. Dân tộc ta chưa bao giờ có truyền thống giết hại người ơn của mình. Dân tộc ta bao giờ cũng lấy nhân nghĩa làm đầu. Vậy tôi xin chết thay cho anh ta”. Dứt lời Lữ Sơn đứng ra lấy thân mình anh che chắn cho tôi. Đám đông giao động bàn tán. Ít phút sau họ tự động giải tán. Thế là tôi thoát chết. Lữ Sơn đã đem thân mình tình nguyện chết để cứu sống tôi. Ông thấy ơn nầy to lớn quá phải không? Khi đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời tôi đã lấy tên Lữ Sơn đặt cho nó. Vì ông hỏi nên tôi mới nói ra sự việc đau lòng nầy. Thực sự nó chẳng đẹp đẽ gì trong mối quan hệ giữa người Mỹ và người Việt vốn đã quá bi thảm tăm tối. Tôi về nước, cuối năm 1974 nhận được tin Lữ Sơn tử trận. Anh chết vì cứu người đồng đội bị thương nặng. Một băng đạn AK phá nát bộ ngực anh. Tôi đã khóc mấy ngày liền, bỏ cả ăn uống, công việc. E- mail 18. E- mail 19. Tuần vừa qua Lữ Hà đến chơi với gia đình tôi và ở lại mấy ngày. Lúc Lữ Hà đứng trước cửa nhà, tôi xúc động muốn ngất xỉu. Tôi cứ tưởng Lữ Sơn hiện diện. Hà giống hệt Sơn từ điệu bộ đi đứng cười nói. Chúng tôi đã có những buổi chuyện trò tâm tình thú vị và hầu như thức trắng mấy đêm liền. Bao nhiêu kỷ niệm về Lữ Sơn đều được nói ra hết. Tôi đang cố gắng thu xếp công việc để sớm trở lại Việt Nam lần nữa. Nhất định lần nầy tôi phải thành công vì có người em gái của Lữ Sơn hướng dẫn. Cô ta hiện sống ở một tỉnh xa xôi miền Trung nhưng tôi bắt liên lạc được rồi. E- mail 20. E- mail 21. Nhưng rồi với tấm lòng cao quý tỏa ra từ con người Việt Nam chân chính Lữ Sơn – một thanh niên xả thân chiến đấu vì lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu tự do. Rồi sau đó cả triệu người lao vào cõi chết để tìm tự do – một cuộc tìm tự do vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Tôi chưa bao giờ thấy dân tộc nào vĩ đại như vậy. Ý chí kiên cường bất khuất và máu của người Việt Nam trên đường tìm Tự Do đã tô đậm nét vàng son 5 chữ “Tự do hay là chết” lấp lánh đến muôn đời. Càng khâm phục ngưỡng mộ dân tộc ông tôi càng nôn nóng tìm kiếm bằng được mộ người bạn ân tình của tôi, Đại úy Lữ Sơn. Nhân đây tôi cũng xin thông báo để ông biết tôi và vợ tôi đã quyết định ngày đến Việt Nam. Đó là ngày mùng Một Tết Âm lịch. Ngày mùng Một Tết là ngày quan trọng thiêng liêng nhất của Năm đối với người Việt Nam và là ngày mở đầu của mùa Xuân nên chúng tôi chọn đúng ngày này để viếng mộ Lữ Sơn. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ cỏ rác, tôi sẽ cắm lên mộ Lữ Sơn một bông hoa Hướng Dương mà lúc sinh thời anh rất thích, rồi thắp cho anh một bó hương. Tôi sẽ quỳ xuống ôm ngôi mộ anh nói to lên rằng: “Anh Lữ Sơn! Anh là một anh hùng! Dân tộc anh là một dân tộc kiêu hùng bất khuất! Chúng tôi không bao giờ quên anh, Anh Lữ Sơn!”
|