Công Việc Đầu Tiên Của Tôi Tại Mỹ |
Tác Giả: Đàm Trung Pháp |
Chúa Nhật, 29 Tháng 11 Năm 2009 11:42 |
Nơi tôi dạy học là một dẫy nhà tiền chế của quân đội Mỹ trong Lackland Air Force Base (AFB) Lời toà soạn: Tác giả Đàm Trung Pháp nguyên là Giám Đốc trường Sinh Ngữ và trung tâm Thính Thị Anh ngữ thuộc Bộ Giáo Dục VNCH từ năm 1968, hiện là giáo sư Ngữ Học, phân khoa Giáo Dục thuộc Texas Woman’s University. Gần một năm trời kể từ ngày bỏ Saigon ra đi vì quốc nạn và tạm trú vài nơi trên đất Mỹ, gia đình tôi định cư tại thành phố San Antonio, Texas, sau khi tôi kiếm được việc làm tại đây vào mùa xuân 1976. Tôi được việc này do sự giới thiệu nồng nhiệt của mấy người bạn Mỹ cũng như nhờ vào kinh nghiệm dạy Anh văn nhiều năm tại Đại Học Sư Phạm Saigon. Công việc mới này là dạy tiếng Anh để chuẩn bị cho các quân nhân trong Không Lực Vương Quốc Saudi Arabia trước khi họ đi thụ huấn tại các trung tâm huấn luyện kỹ thuật của Không Lực Mỹ, trong một chương trình huấn luyện nhiều năm mà hãng Northrop đã ký kết hợp đồng với Saudia Arabia. Tuy lúc ấy còn đang thương tiếc nếp sống cũ ở Saigon đến nỗi thờ ơ với cuộc sống mới tại Mỹ, tôi cũng thấy thoáng lên một niềm vui trong lòng vì đã kiếm được việc làm phù hợp khả năng chuyên môn, với lương bổng đủ để cho gia đình gồm vợ chồng và ba cháu nhỏ mưu sinh khi đó. Nơi tôi dạy học là một dẫy nhà tiền chế của quân đội Mỹ trong Lackland Air Force Base (AFB), một căn cứ không quân khổng lồ tại San Antonio. Học trò đều mặc quân phục khi vào lớp, tinh thần kỷ luật cao, và rất lễ phép với các nhân viên giảng huấn. Họ là những thanh niên mạnh khỏe, lanh lẹ, nói tiếng Anh trôi chảy nhưng còn phạm những lỗi phát âm cũng như những lỗi văn phạm. Tất cả đã được chính phủ tuyển lựa vào không quân, đưa sang Mỹ tu nghiệp một thời gian, để rồi về nước với cấp bậc mới và trách nhiệm mới. Nhưng trước khi được gửi đi các trung tâm huấn luyện kỹ thuật của Không Lực Mỹ, như Chanute AFB tại Illinois và Maxwell AFB tại Alabama, họ phải học thêm tiếng Anh chuyên môn với chúng tôi tại Lackland AFB trước đã. Mỗi khóa học là 6 tháng, tuần nào cũng học từ thứ hai đến thứ sáu, khoảng 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày, rất đều đặn. Hơn thế nữa, để tối đa hóa mức hữu hiệu của việc học hành, sĩ số mỗi lớp học không bao giờ quá 12 người, và các tài liệu giảng huấn cũng như các bài thi giữa khóa và cuối khóa đã được hãng Northrop cho soạn thảo kỹ càng. Hãng Northrop (vốn là một hãng chuyên sản xuất các chiến đấu cơ cho Không Lực Mỹ) cũng rất thận trọng trong việc tuyển lựa nhân viên giảng huấn (instructors). Tất cả đều phải có văn bằng đại học Mỹ và nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Anh văn cho người ngoại quốc. Ban giảng huấn gồm khoảng 15 người, đều là đàn ông hết, trong đó một vài người cũng là cựu sĩ quan Không Lực Mỹ. Về sau tôi mới hiểu tại sao hãng Northrop không mướn phụ nữ vào ban giảng huấn: Họ sợ làm như vậy sẽ xúc phạm danh dự các quân nhân tu mi nam tử Ả rập! Chúng tôi chia nhau giảng dạy các môn học căn bản như toán, khoa học, và Anh văn như trong một chương trình chuẩn bị đường vào đại học (college preparation program). Khi được chỉ định dạy môn đọc (reading) và viết (composition) Anh văn , tôi mừng vô cùng vì đó chính là sở trường của tôi. Điều kiện dạy học thực lý tưởng: sĩ số nhỏ, tinh thần kỷ luật cao, lớp học tiện nghi, tài liệu giảng huấn sáng sủa dễ dùng. Sau mấy buổi đầu chập chững làm quen với công việc mới, tôi mau chóng điều chỉnh cách trình bầy bài học và trở thành một giảng viên được học trò ái mộ. Có lẽ họ thích tôi vì tôi hay kể chuyện vui cho họ nghe trong các giờ giải lao, nhưng họ nói lý do họ chuộng tôi vì tôi có khả năng làm mọi bài học sống động hơn lên qua kinh nghiệm sống. Họ rất thích nghe tôi nói về kinh nghiệm thời còn là sinh viên du học tại Mỹ cũng như về những ngày tôi đi lính trong chiến tranh Việt Nam. Một điều tôi thấy rõ là, giống như người Việt chúng ta, họ rất nể trọng nhà giáo. Đây cũng là điều làm tôi thương mến họ hơn. Ngày đầu tiên tôi ra thi trắc nghiệm cho họ trong lớp, tôi bị một cú “sốc” rất lớn. Trong khi làm bài thi, họ thì thầm bằng tiếng Ả rập, nói cho nhau nghe câu trả lời nào là câu đúng, vì bài thi này thuộc loại “A, B, C, D khoanh” (multiple-choice). Đỏ mặt tía tai vì bực bội, tôi thu lại các bài thi và khiển trách cả lớp đã phạm tội “cheating” và vô hiệu hóa bài thi ấy. Tôi cũng cảnh cáo lần tới mà chuyện này còn tiếp diễn thì mọi người đều bị điểm F. Sau đó tôi lên gặp một vị cố vấn (student counselor) để tham khảo ý kiến. Người đàn ông Mỹ này từng dạy học nhiều năm tại Saudi Arabia và tính tình hồn nhiên vô cùng. Ông ta bắt tay tôi thật chặt và khuyên tôi chẳng nên bực mình làm chi, vì đây là một sự khác biệt văn hóa rất lớn giữa “họ” và “chúng ta.” Ông còn khẳng định là chúng ta sẽ chẳng bao giờ thay đổi họ được đâu. Để giảm thiểu “cheating,” ông khuyên tôi mỗi lần ra thi thì nên lựa một phòng học lớn, phân tán họ ra thật mỏng, và nhất là phải soạn ra vài mẫu (versions) của cùng một bài thi, trong đó thứ tự các câu hỏi cũng như thứ tự các câu trả lời được sắp xếp khác nhau. Đó quả là một lời khuyên quý báu, vì nhờ vào đó tôi không còn bực bội mỗi khi ra thi cho họ. Trong kỳ thi cuối khóa đầu tiên, một học viên không may bị rớt. Khi nghe tin buồn phải học lại Anh văn thêm một khóa nữa, anh chán nản vô cùng. Đêm đó anh đã uống một lượng lớn thuốc tẩy trùng để tự tử! May thay, người bạn cùng phòng khám phá ra kịp và đã đưa anh đi nhà thương cấp cứu. Sáng hôm sau, tôi và vài đồng nghiệp đến thăm anh. Anh cho biết anh muốn tự tử vì anh đã làm gia đình anh thất vọng! Ngay hôm đó, ban giám đốc nhà trường, ban giảng huấn, và vị sĩ quan liên lạc của Không Lực Saudi Arabia đã họp khẩn. Một quyết định chung được đưa ra: Anh sẽ được thi lại bài thi cuối khóa sau vài ngày ôn tập. Và anh đã đậu trong sự vui mừng của tất cả mọi giới chức liên hệ! Công việc dạy học đầu tiên tại Mỹ của tôi kết liễu vào mùa xuân 1980, sau đúng bốn năm. Trong năm sau cùng của công việc này, tôi được nhà trường cất nhắc lên làm “chủ biên tài liệu huấn luyện” (instructional materials editor), một chức vụ tương đối nhàn hạ mà lương bổng lại cao hơn khi dạy học. Trong bốn năm ấy, tôi đã học hỏi được nhiều điều về những người học trò Saudi Arabia thân thương của tôi. Họ lễ độ, thân thiện, chí tình, và hiếu học. Họ tin tưởng tuyệt đối vào Allah là đấng chí tôn của Hồi giáo. Trong suốt tháng chay Ramadan (bắt đầu vào khoảng hạ tuần tháng 8 dương lịch mỗi năm), họ không uống, không ăn, không hút thuốc từ bình minh cho đến hoàng hôn, và cầu nguyện nhiều lần trong mỗi ngày. Vì vậy họ rất uể oải và có thể ngủ gật trong lớp học trong tháng chay này. Trong lãnh vực phát âm tiếng Anh, họ phải thực tập rất nhiều để có thể phân biệt được hai nguyên âm trong các cặp chữ như “let” và “late”, “sit” và “set”, “cot” và “coat”, cũng như các tử âm đầu trong các cặp chữ như “pan” và “ban”, “fan” và “van”, “fin” và “thin”, “sank” và “thank”, “thigh” và “thy.” Và cũng giống như các học trò ngoại quốc khác, họ có khuynh hướng dùng ngữ pháp tiếng mẹ đẻ để nói và viết tiếng Anh. Thói quen này khiến họ nói và viết tiếng Anh sai văn phạm, với nhiều lỗi khá ngộ nghĩnh, chẳng hạn họ bắt đầu một câu bằng động từ (Arrived the teacher this morning quite late), đặt tính từ sau danh từ (They are people rich), không dùng động từ “to be” (He doctor). Họ cũng gặp nhiều khó khăn với cách dùng các thời của động từ (verb tenses), các trợ động từ (auxiliary verbs), và nhất là với cách dùng các đại từ quan hệ (relative pronouns) trong tiếng Anh. Tôi rời hãng Northrop với nhiều kỷ niệm đẹp, sau khi được một cơ quan khảo cứu và tư vấn về giáo dục đa văn hóa được chính phủ liên bang tài trợ mang tên “Intercultural Development Research Association” tại San Antonio mời hợp tác toàn thời gian, với trách nhiệm làm cố vấn về phương pháp giảng dạy môn ESL (English as a second language) cho các khu học chánh tại Texas, Louisiana, và Oklahoma.
|