Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Sống Một Mình Cho Nhiều Người

Sống Một Mình Cho Nhiều Người PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Nguyên Đán   
Thứ Bảy, 17 Tháng 10 Năm 2009 20:19

Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng có 11 năm gây dựng một hội thánh ở Maryland. Khi ông đến, họ đạo gốc Việt tại đây là khu đất còn bỏ hoang. Tháng Tám 2007, một ngôi giáo đường khang trang được làm lễ cung hiến. Từ tháng Tám 2008, ông là quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas.

 

1.

Buổi tối đó Trịnh nằm mơ thấy mình về Việt Nam. Giấc mơ y như thật. Chiếc xe hơi thả anh xuống một vùng đất mà người ta đang cày xới, rào chắn, chuẩn bị làm một khu nhà ở mới, giống như các khu nhà riêng biệt ở Mỹ. Bên trong các hàng rào, Trịnh nhìn thấy một khung cảnh thật trái ngược đến nỗi anh phải ngay lập tức lấy cái camera trong giỏ ra chụp liền vài tấm (hy vọng sẽ gởi đi dự thi ảnh đẹp thế giới (!!!). Một căn nhà, đúng hơn là một túp lều xiêu vẹo, ngay bên cạnh nó là một căn nhà lầu mới toanh. Giống như một bức tranh mà anh xem đã lâu và rất thích, chụp từ sau lưng một đứa bé da trắng đang ngồi bên cạnh, nắm tay một đứa bé da đen bên một dòng sông, hai mầu da tương phản nổi bật lên trên nền bầu trời xanh, như hình ảnh hai căn nhà anh đang nhìn thấy, nổi bật lên nền trời xám  xịt buổi chiều.

Hình ảnh hai đứa bé hai mầu da gợi lên cho người ta một cảm giác an lành, hình ảnh một thế giới hòa hợp, hòa bình, còn hình ảnh hai căn nhà này lại gây cho người ta một cảm giác bứt rứt, bất nhẫn, có một sự xa cách quá lớn giữa các lối sống và đời sống, có một sự phân biệt thản nhiên lạnh lùng như sự nhẫn tâm bình thường của cuộc đời. Sao các buổi chiều ở Việt Nam thường buồn. Có lẽ mình chỉ tưởng tượng thế thôi. Chiều ở đâu lại chẳng buồn. Anh đang lưỡng lự không biết nên bước vào căn nhà nào để hỏi thăm, thì thức dậy.

Tâm hồn Trịnh vốn nhạy cảm. Dù chỉ là giấc mơ, nhưng anh không thể ngủ lại, trằn trọc suy nghĩ trong bóng tối. Tại sao mình lại phân vân không biết nên vào căn nhà nào để hỏi thăm. Tại sao mình ngần ngại? Tại sao mình không bước ngay vào căn nhà lụp xụp đó để hỏi? Tại sao mình còn đứng ngắm căn nhà lầu sang trọng với vẻ chiêm ngưỡng, và dường như cái ý định bước vào căn nhà sang trọng đó đã lên đến hơn sáu mươi phần trăm rồi. Sứ mệnh của mình là căn nhà lụp xụp đó, đâu phải là căn nhà lầu kia. Tại sao? Có phải Chúa muốn nhắc lại lời hứa nguyện của con cách đây hơn 10 năm? Lời hứa nguyện ấy chân thành, rõ ràng, chi tiết không hề nhầm lẫn. Anh cứ trở mình qua lại, dù đã cố gắng trở rất nhẹ, nhưng cũng làm Duyên thức giấc, cô hỏi: anh không ngủ được hả, sao vậy?

Trịnh nói khẽ không có gì, cho vợ yên tâm, rồi cố dỗ giấc ngủ trở lại, cố gắng không xoay trở qua lại nữa, sợ làm mất giấc ngủ của vợ, cô cần ngủ để mai còn đi làm sớm. Vẫn trằn trọc. Anh ráng nằm yên một chút, chờ nghe tiếng thở đều đều của vợ, khe khẽ ngồi dậy ra khỏi giường, đi nhẹ vào phòng làm việc. Phòng nằm cách xa phòng ngủ của hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Trịnh ngồi yên trên ghế một lúc, hai tay ôm đầu.

Sáng hôm sau trong sở làm Trịnh gọi điện thoại cho ông Mục sư của mình và hẹn chiều nay đi làm về sớm đi uống cà phê. Ông Mục sư lớn hơn Trịnh khoảng 10 tuổi, mà anh vẫn gọi là anh một cách thân mật. Ông đối với anh giống như là một người bạn đối với một người bạn hơn là một Mục sư với tín đồ. Anh nói sau một lúc trầm ngâm:

-Em nghĩ là đã tới lúc phải thực hiện lời hứa với Chúa mười mấy năm trước.

-Chuyện như thế nào kể cho anh nghe.

-Anh có nhớ Đại Hội ở New Orleans vào khoảng năm 1998 không, sau khi Mục sư Mitchell giảng và kêu gọi dâng mình đi truyền giáo em đã đi lên và cầu nguyện dâng mình. Dù đã hơn 10 năm rồi nhưng khi được nhắc lại em vẫn nhớ y nguyên khung cảnh hôm đó, với những cảm xúc như đang đối diện với Chúa, nghe tiếng Ngài nói. Nhưng rồi sau đó bận rộn với việc học, rồi sau đó việc làm, rồi sau đó lại lấy vợ. Trịnh cười. Rồi sau đó lại có con, không chỉ một, mà hai đứa. Rồi lời hứa với Chúa đi vào quên lãng.

- Rồi gì nữa? Ông Mục sư cũng cười.

-Tối hôm qua em có một giấc mơ. Trịnh kể lại.

Anh lại trầm ngâm một lúc. Anh nhìn ra đường, lác đác vài cành lá vàng làm anh thấy nhớ mùa thu ở Maryland, có lẽ thu đã đến rồi. Anh ao ước được trở lại, đi trên những con đường mùa thu tràn ngập sắc mầu, hoặc lái xe một mình đi vào những khu rừng nhỏ,  một nét đặc trưng của tiểu bang miền đông này, có rất nhiều khu rừng nhỏ, nhiều hồ, mà người ta có thể đến bất cứ khi nào muốn, bất cứ khi nào cần. Điều đó rất phù hợp với tánh tình của Trịnh, trầm lặng, yêu nghệ thuật, thiên nhiên.

-Anh hiểu tâm trạng của chú. Ông Mục sư nói.

-Từ lâu em vẫn thường hay băn khoăn về những khoảng cách của con người trong cuộc sống. Em thấy cuộc đời sao vô tình quá, có chút bất công nữa. Tại sao những người ở trên không thể chia xẻ cho những người ở dưới, để cho khoảng cách gần lại.

-Thật ra người ta cũng cố  gắng làm điều đó nhiều chứ. Nhiều hội từ thiện, những non profit organization mở ra khắp nơi, với ý muốn góp phần chia xẻ sự bất công của xã hội.

Trịnh cười, nói với vẻ xin lỗi:

-Em không nói câu này ra với ý định trách móc người khác. Người đáng trách móc  đó phải chính là mình. Mình không làm mà nói ai, hả anh?

-Thế chú nghĩ sao về điều đó. Ông Mục sư hỏi.

-Em nghĩ đã đến lúc em phải làm, thay vì nói.

Ông Mục sư thấy cần phải để cho một khoảng trống im lặng trước khi nói một điều quan trọng. Cả hai cùng im lặng một lúc, cùng để mình suy nghĩ. Ông nhìn người đàn ông trẻ thành đạt ngồi trước mặt, vẻ suy tư.

Một giây phút yên lặng thoáng qua:

-Chú có suy nghĩ gì chi tiết chưa, như là hoạch định một kế hoạch chẳng hạn.

-Dạ chưa, em muốn hỏi ý kiến anh trước.

-Em có gọi cho Mục sư Viễn chưa?

-Dạ có, nhưng Bố đi Anh chưa về.

-Cụ thể là em muốn đi truyền giáo, trở thành một giáo sĩ?

-Dạ phải.

-Truyền giáo hay giáo sĩ? Theo anh đó là hai vấn đề khác nhau.

-Anh thấy cái nào tốt hơn, cho em?

-Chú muốn cái gì?

Đó là lý do tại sao Trịnh thích gần gũi người anh tinh thần này, thường chạy đến mỗi khi có những nan đề cần giải quyết. Dường như lúc nào anh ấy cũng chỉ đưa ra những câu hỏi để người khác trả lời, bày tỏ ý muốn của mình, tự chọn cho mình một đường lối giải quyết hơn là đưa ra một lời khuyên. Trịnh ném một trái bóng khác:

-Em muốn anh cho em một lời khuyên. Anh thấy điều nào là thích hợp cho em trong hoàn cảnh này?

Ông Mục sư mỉm cười:

-Chú có nói chuyện với cô chưa?

-Dạ rồi, nhưng...

Trịnh lại nhớ cách đó vài ngày hai vợ chồng đi bộ một vài vòng trong sân tennis, sau khi thi đấu giao hữu với nhau vài set để tập thể dục cuối tuần, mà Trịnh hay nói đùa là Rafael Nadal giao đấu với Justine Henin, hai tennis players hàng đầu thế giới mà cả hai vợ chồng là fan. Bề ngoài trông cũng hơi giống, Justine Henin Duyên hơi nhỏ con, đứng bên cạnh Rafael Nadal Trịnh thua gần cả ...cái đầu.

-Mấy hôm nay em thấy anh hơi khác khác, có vẻ suy nghĩ. Có chuyện gì không anh? Trong sở có gì không? Duyên hỏi.

Trịnh nhân tiện nói luôn:

-Cách đây nhiều năm, khoảng hơn 10 năm, anh có hứa với Chúa là dâng mình làm giáo sĩ, đi truyền giáo. Nhưng bị thất hứa sau khi gặp ...em.

-Đổ thừa hả? Duyên cười.

Trịnh cũng cười:

-My fault. Mấy ngày nay quả thật là Chúa có nhắc nhở anh về lời hứa đó. Anh đang suy nghĩ, hẹn Chúa sẽ trả lời. Em nghĩ sao?

Duyên không cười nữa, cô nói một cách đắn đo:

-Nếu anh đã nghe tiếng Chúa gọi thì em không dám cản. Nhưng xin anh nghĩ lại về hoàn cảnh gia đình mình bây giờ, và cầu nguyện thêm. Em cũng sẽ cầu nguyện nhiều về điều này. Đây là một quyết định quan trọng đó anh ạ.

Trịnh nói lại với ông Mục sư về lần nói chuyện đó

-Anh cũng định hỏi em. Khi nghe tiếng gọi của Chúa, em nghĩ sẽ thu xếp gia đình thế nào? Mục sư hỏi.

Trịnh trầm ngâm:

-Em cũng chưa biết tính sao. Hoàn cảnh gia đình em bây giờ cũng khó để thực hiện hoài bão, ước mơ, lời hứa. Duyên cũng đi làm, cháu bé mới 4 tuổi. Căn nhà lớn chưa trả xong, khi nghĩ lại em thấy hối tiếc, giá mình đừng mua căn nhà lớn như thế, giá mà có... một đứa con thôi, giá mà... biết bao nhiêu cái giá mà, bây giờ là một cái giá phải trả.

Mục sư đặt tay lên vai Trịnh:

-Nếu thật sự mình làm gì theo ý của Chúa thì Chúa sẽ giải quyết những khó khăn cho mình em ạ. Nhưng hãy xem lại có thật đó là ý của Chúa hay không. Và còn vấn đề thời điểm nữa. Chúa gọi, nhưng lúc nào. Em hãy cầu nguyện thêm. Anh sẽ gặp em thêm để nói chuyện và cầu nguyện với nhau.

Trịnh nói thêm:

-Hình ảnh những đứa bé nghèo khổ, cô đơn, bất hạnh cứ lẩn quẩn trong đầu em, không dứt ra được.

Lúc hai người đứng dậy. Trịnh chợt thấy mình rất buồn, buồn đến muốn khóc.

2.

Trịnh vốn là một đứa bé có vấn đề với xã hội trước khi giải quyết được những vấn đề với xã hội để hòa nhập vào giòng chảy của xã hội. Khi chảy được thì chảy rất êm ái. Đến Mỹ một mình không cha mẹ, sống một mình với gia đình người bảo trợ, tuy sống chung với gia đình người bảo trợ có đến năm người con cùng trang lứa, nhưng sống một mình, vì luôn luôn ẩn mình rất kín trong cái vỏ của mình, không giao thiệp với những đứa trẻ cùng trang lứa đó, ngoại trừ vài câu nói thông tin khi ăn chung, đi học chung. Cuộc sống nội tâm quá khép kín đó cũng có lúc bùng nổ, bùng nổ về hướng không tốt, Trịnh giao tiếp với những đứa trẻ xấu trong trường mà thằng bé con 14 tuổi thấy có vẻ gì hay hay, bất cần đời, sống  tự nhiên. Chỉ là cái vỏ đường bọc ngoài của viên thuốc đắng. Nó dẫn đến việc trở thành một thiếu niên băng đảng, thực sự không phải là điều mà thằng bé cô đơn muốn. Khi nó hiểu ra thì dường như cũng đã lún hơi sâu rồi. Băng đảng con nít ấy được chỉ huy bởi một đứa lớn hơn, và có một thằng nhỏ Việt Nam chơi thân với nó, thường hay nâng đỡ nó, bảo vệ nó.

14 tuổi, nó đã biết hút thuốc một cách thành thạo, sau những lần được đàn anh sai vặt trong một vài công tác chôm chỉa, cho chút tiền tiêu vặt, Trịnh thường ngồi một mình trong công viên, một cái công viên ở giữa khoảng đường từ trường về nhà, nó hay xuống trước một trạm, rẽ vào công viên vắng vẻ, mồi thuốc hút, nhả khói một cách điệu nghệ, nhìn ra hồ, một lúc lâu rồi lững thững đi bộ về. Nó thèm sống trong một căn nhà đầy ắp tình yêu thương, tiếng cười của cha mẹ anh chị em. Ông bà bảo trợ cũng thương nó, nhưng ông bà còn 5 đứa con ruột để thương hơn. Năm đứa kia thì học giỏi, trang trọng, kiêu hãnh, không gần được. 14 tuổi, nó mơ khi lớn lên, học giỏi, ra trường, có việc làm, mua nhà lớn, có vợ con, rồi giúp đỡ cho những đứa trẻ nghèo mà nó vẫn gặp trong trường, trong lớp. Tâm hồn nó dễ xúc động, thường bênh vực lẽ phải, giúp đỡ những đứa bạn yếu thế hơn. 14 tuổi nhưng Trịnh có một thân thể cao lớn, rắn chắc như một đứa 17. Mấy đứa kia cũng nể mặt nó. Nhưng nó thì nể thằng đảng trưởng chỉ mới 18, học năm cuối High School, mặt lúc nào cũng lầm lì, có khi giả vờ rướn người cao lên cho tụi đàn em thấy con dao để trong bao dắt ở lưng quần.

Một buổi tối, sau khi để cho một con mồi hớ hênh chạy vuột thoát, một bà già khoảng 70 đứng trong parking lot vắng người còn rút tiền trong bóp ra đếm. Thật ra Trịnh dư sức dàn cảnh để thằng đằng sau nhào tới giựt bóp, nhưng lúc ấy bà ta quay lại, ánh sáng ngọn đèn trên cao soi rõ khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ, tội nghiệp. Trịnh chợt nghĩ đến bà nội mình những ngày còn nhỏ, một nỗi trắc ẩn dậy trong lòng nó, nó làm bộ đi chậm để bà già có thì giờ lọt vào xe, khóa cửa lại. Nó bị thằng đàn anh "dũa" te tua trong công viên gần đó, hai ba bợp tai ngã ngửa, một vài cú đá chúi nhủi, mặt mũi trầy trụa, rồi ra lệnh cho ba thằng nhóc còn lại vào xe:

-Vô xe, dọt, để cho nó tự đi bộ về nhà, cho nó chừa.

Thằng Hà, thằng Việt Nam thứ hai trong nhóm, run run nói:

-Em ở lại với nó.

Đàn anh lừ mắt:

-Muốn ăn đòn như nó không?

Xe chạy đi, Trịnh như còn nhìn thấy đôi mắt xót thương của thằng Hà nhìn lại. Nó ngồi trên ghế đá, thân thể đau đớn, mặt mũi sưng vù, chảy máu. Đêm cuối thu, trời đã trở lạnh. Trịnh chỉ có cái áo thun mỏng manh, chiều nay nó đã nói láo với ông bà bảo trợ qua nhà bạn để học nhóm. Nó đau đớn, tủi nhục, hổ thẹn vì sự sai lầm của mình, vì sự hèn nhát của mình, và sợ hãi không dám trở về nhà trong cái thân hình tả tơi thế này. Nó không biết đi đâu. Hoang mang, tuyệt vọng.

Thình lình có một chiếc xe hơi đậu lại bên cạnh nó, cửa mở ra. Trịnh nhận ra người đàn ông Việt Nam lớn tuổi mới dọn tới trong khu xóm nhà nó một vài tháng nay mà nó thường thấy ông và gia đình nghiêm chỉnh áo quần mỗi sáng Chúa Nhật, có lẽ họ đi nhà thờ. Ông ta nhận ra nó từ xa trong ánh đèn:

-Ủa cháu, sao ở đây giờ này. Ồ, sao mặt mũi cháu bị chảy máu vậy? Lên xe bác đi.

Trịnh vội vã lên xe, ngồi băng sau, thu mình vào một góc.

Người đàn ông nói:

-Bác chở cháu về nhà ông bà Smith nhé.

-Ồ không, Trịnh rên lên. Cháu không muốn về đó.

-Sao vậy?

Trịnh bật lên khóc, dù gì thì nó cũng chỉ mới 14 tuổi, gan lì thì cũng giới hạn thôi:

-Cháu đi với mấy đứa bạn băng đảng, bị nó đánh, cháu không dám về nhà.

Người đàn ông quay lại nhìn thằng bé tơi tả. Dù lớn con, to xác, nó vẫn là một đứa trẻ còn đi học trên school bus, thỉnh thoảng ông vẫn thấy nó trong giờ đi học về, lững thững xuống xe, lủi thủi vào nhà, khác với những đứa trẻ khác tíu tít với nhau trước mặt đường. Ban đầu ông nghĩ nó là một người Thái, hay Phi, với nước da ngăm ngăm, nhưng có lần nói chuyện với ông Smith, người hàng xóm nghiêm nghị, ông biết nó là một đứa trẻ Việt Nam, ông đã định sang làm quen với nó nhưng chưa có dịp. Thì lại có dịp như thế này.

Ông đưa tay ra sau đặt trên đầu thằng bé, vỗ về:

-Bác sẽ đưa con về nhà ông bà Smith, bác sẽ vào cùng với con, nói chuyện với họ. Con đừng sợ.

Cuộc đời của Trịnh hoàn toàn thay đổi sau đêm hôm đó. Người đàn ông ấy là một Mục sư, đã chở Trịnh về nhà ông bà Smith, và cùng vào nhà với nó, nói chuyện với ông bà bảo trợ của nó.

Sau nhiều lần nói chuyện với nhau, ông bà Smith bảo trợ đã bằng lòng làm giấy tờ giao Trịnh lại cho gia đình Mục sư Viễn. Nhà ông cũng có hai đứa con trai cùng tuổi. Mỗi tuần lễ Trịnh đi nhà thờ với gia đình ông, tìm thấy Chúa Jesus sau một thời gian ngắn. Trịnh như con chim lưu lạc đã tìm lại được mái nhà xưa, với khung cảnh, môi trường thích hợp với tâm hồn nó và tình yêu thương của Thiên Chúa, tình yêu thương của ông bà Mục sư, hai người anh em trai mới. Trịnh đi vào cuộc sống mới với một đời sống mới.

3.

Cảm tạ Chúa đã cho con gặp Bố Viễn vào buổi tối hôm đó, để con có ngày hôm nay. Con biết là Chúa có chương trình cho con. Trịnh thường bắt đầu cầu nguyện bằng những lời như vậy. Để tự nhắc mình đừng bao giờ quên. Đối với Trịnh, đó là cái ơn cứu tử, khác với những ơn khác trong cuộc đời. Khi cầu nguyện những lời đó, Trịnh thường khóc, một nỗi xúc cảm tràn dâng trong lòng mà anh không thể kìm chế được.

Những ngày đầu sau đám cưới, khi cầu nguyện chung với chồng, Duyên vẫn rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Trịnh khóc một cách dễ dàng, một điều rất trái ngược với con người Trịnh trong cuộc đời. Tốt nghiệp Tiến sĩ Toán, làm việc trong một cơ quan nghiên cứu khoa học, nghiêm chỉnh, cứng rắn trong công việc, nhưng ở trong nhà thờ là một người vui vẻ, tươi cười, không bao giờ để lộ cho ai thấy sự nhạy cảm, yếu đuối của mình trong phòng riêng, khi cầu nguyện với Chúa. Trừ những khi cầu nguyện, chưa bao giờ người vợ thấy chồng biểu lộ cảm xúc, chỉ một lần khi cùng nhau xem một đoạn phim chiếu cảnh những đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ ở Phi Châu, Trịnh lặng lẽ đứng dậy đi vào phòng làm việc đóng cửa lại, những lúc đó Duyên không muốn ai làm phiền anh, cả những đứa con, khi chúng cần Bố làm giúp gì đó.

Sau khi cầu nguyện sáng nay, Trịnh đứng dậy, lại gần cửa sổ nhìn ra đường một chút. Bầu trời quang đãng hơn những ngày trước. Căn nhà của anh nằm trên một dốc đồi nghiêng, từ khung cửa sổ có thể nhìn thấy con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn xuống dưới chân đồi, hai bên vệ đường đầy những cánh hoa mầu tím thẫm. Khung cảnh thật thanh bình. Mình đã sẵn sàng để rời bỏ sự ưu đãi này chưa? Rời bỏ quốc gia đã cưu mang mình gần 30 năm, với những cơ hội và những giấc mơ thành tựu, nhưng không hề được yên ổn.

Tâm hồn vẫn bứt rứt khi nhớ lại hình ảnh những đứa trẻ trạc tuổi ngày xưa, nghèo đói lạc lõng bơ vơ đây đó. Anh thật sự muốn làm một cái gì đó cho chúng, không phải tại quốc gia này, mà ở những nơi thế giới quên nhìn đến. Anh có thể làm một cái gì đó cho chúng, không chỉ vật chất, nhưng còn là một niềm tin mang đến một đời sống an bình. Anh đã cầu nguyện xin Chúa mở đường và cho dấu hiệu, và yên tâm chờ đợi.

Duyên dậy sớm hơn anh, đang loay hoay trong bếp. Cô phải đi làm sớm, nhưng luôn muốn có thì giờ ăn sáng một chút với chồng trước khi mỗi người lo công việc của người đó. Cô ngẩng lên khi thấy Trịnh đi vào:

-Em xong rồi đây. Anh lấy cà phê, em dọn thức ăn ra liền

Trong khi ngồi ăn, Duyên tranh thủ kể chuyện vui:

-Hôm qua mấy bà phụ nữ trong nhà thờ phỏng vấn em. Họ nói có đọc tờ báo local của thành phố chụp hình anh đang đứng trước những mẫu máy bay mới. Họ nói trông anh đẹp trai oai vệ quá chừng và hỏi em có phải là hồi đó em ...chịu anh vì anh đẹp trai quá hay không?

Trịnh cười, đưa tay xoa mũi:

-Sắp bể lỗ mũi rồi. Em trả lời sao?

Duyên cúi xuống dĩa thức ăn:

-Em nói có đúng một phần. Phần nhỏ thôi. Phần chính là vì đức tin và lý tưởng sống của anh.

Trịnh khôi hài:

-Thật vậy sao. Vậy mà hồi giờ anh cứ tưởng phần đó là phần chính chứ.

Duyên đập vai chồng:

-Thôi ông ơi, đừng có mà leo lên mây, bước xuống giùm em một cái đi.

Trịnh cười ha hả, ít khi nào thấy cười sảng khoái như vậy. Và có cơ hội thì hỏi luôn:

-Thế thì em nghĩ sao về lý tưởng mà anh đã chia xẻ với em  hôm ở sân tennis?

-Em cũng cầu nguyện Chúa nhiều, và Chúa cũng có trả lời em rồi. Không phải chỉ mình anh quan tâm đến vấn đề các trẻ em bụi đời đáng thương, em cũng có ý tưởng đó. Chúng quả thật rất cần Chúa. Duyên nói nhỏ, giọng chậm lại. Em cũng có vào website truyền giáo của giáo hội mình và thấy có một vài cơ hội cho anh, anh nên đi một chuyến ngắn hạn, Chúa sẽ mở đường cho những lần tới. Đi từ từ. Em chắc là Chúa sẽ ban phước cho tấm lòng và mục đích của anh.

-Em và con thì sao?

-Em có gọi cho bà nội Triết hôm qua, mẹ nói khi nào anh đi mẹ sẽ đến đây trông cháu, em vẫn đi làm.

Trịnh nhìn vợ. Duyên cúi xuống. Anh lấy tay nâng cằm cô lên:

-Em có ...buồn không?

Duyên bật lên cười:

-Thôi hết giờ hát cải lương rồi, anh hai. Đủ rồi, em phải chuẩn bị đi làm đây.

Bây giờ lại đến phiên Trịnh thấy mình không bình thường. Không phải vì đề nghị của vợ, mà vì tấm lòng của ...nàng. Mũi bỗng cay. Sắp khóc nữa rồi. Nhưng chưa kịp khóc, không dám khóc vì hai đứa con từ trên lầu chạy ùa xuống, Triết 6 tuổi giống y hệt Bố và Triệu 4 tuổi có nét giống Mẹ. Trịnh ôm hai con vào lòng. Duyên đến gần, đặt tay lên cả ba cha con:

-Em nghĩ rằng một ngày nào đó, em và các con sẽ đi chung với anh đến nơi nào Chúa muốn.

Trịnh nhớ có lần trong bài giảng Mục sư nói câu này, mà ông nói là quote từ câu nói của một người khác: Nếu không có bắt đầu, thì sẽ không có kết thúc. Nếu mình không bắt đầu bước đi, thì sẽ không bao giờ đến nơi cả. Trịnh nghĩ là mình phải đi kiếm Kinh Thánh đọc lại câu nói của Giô suê khi dân Y sơ ra ên đang đứng trước sông Jordan đang tràn bờ nước lũ. Câu này thì anh biết, nhưng muốn học cho thuộc. Nó đây: và khi những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước của Đức Giê hô va, là Chúa cả thế gian, mới để bàn chân mình dưới nước sông Giô đanh, thì nước của sông, tức nước từ nguồn chảy xuống, sẽ chia ra, và dồn lại thành một đống.

Chúa sẽ mở những cơ hội, tháo gỡ những khó khăn, khi người bằng lòng bước đi trước..

4.

Ông Bố, người anh lớn, và vợ, đưa Trịnh ra phi trường.

Trước cửa check point, Mục sư Viễn ôm đứa con trai vào lòng, nó đã quá lớn rồi, vậy mà ông vẫn  ôm nó, siết chặt nó trong lòng:

-Bố Mẹ sẽ cầu nguyện cho con luôn luôn.

-Anh sẽ cầu nguyện cho em. Người anh Mục sư nói.

Cuối cùng là vợ. Duyên cười, tỏ vẻ không quá bùi ngùi như hai người đàn ông:

-Em và hai con sẽ cầu nguyện cho anh.

Đó là hình ảnh cách đây 3 năm. Ba năm sau, cũng hình ảnh ở phi trường, nhưng chỉ còn gia đình Trịnh, vợ và hai con, nay đã lớn hơn một chút, và sẵn sàng bay đi, đến một nơi mà họ sẽ phải sống một mình nhưng với nhiều người đang cần họ, cho nhiều người đang cần họ. Chuyến đi này sẽ rất dài.

Tôi là người duy nhất đến tiễn vợ chồng Trịnh hôm đó, vì anh không muốn ai đưa tiễn, sợ họ buồn lây đến anh. Anh nghĩ tôi là người cứng rắn, anh cho tôi đi.

Trịnh không hề biết rằng khi máy bay bay lên, tôi phải cúi xuống để giấu khuôn mặt đầm đìa nước mắt.