Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Khu vườn trồng hoa

Khu vườn trồng hoa PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Chí Kham   
Thứ Năm, 10 Tháng 9 Năm 2009 14:17

Hai ngày trước khi ra đi, tôi đến thăm chị Lộc.

 Chị ở căn nhà trong khu Thành Nội, gian phía trước được mở rộng làm cửa hiệu thuốc Tây. Khi mở hiệu thuốc này, không riêng một mình chị đứng bán mà còn có thêm cô em họ, vừa chung vốn, vừa có mặt ở cửa hiệu sau các buổi dạy ở trường. Ngôi trường đó ở phía trên, qua khỏi hồ sen, mùa hè vừa qua có một số phòng học được sửa sang và thay ngói mới. Những cây phượng trong sân trường trồng nhiều năm nay đã cao lớn, bóng im rợp mát. Mới bắt đầu vào mùa Ðông, những ngày qua đã có mưa. Nơi thành phố này, mỗi cơn mưa luôn làm cho bạn có cảm giác như được nghe kể một câu chuyện tình. Riêng tôi, trong chuyện tình ấy, tôi liên tưởng đến một nụ cười đẹp đẽ.

Năm ngoái, tôi quen biết chị Lộc. Giữa chị và tôi, đúng ra có một chút liên hệ xa về gia đình. Ngày trước, căn nhà này của cậu mợ Kha. Cậu Kha và mẹ tôi là hai anh em con chú, con bác. Ðiều tôi biết rõ, gia đình cậu Kha đi sang Mỹ lâu rồi. Tôi đi cải tạo hơn 6 năm, ngày được tha về, tôi sống ở Sài Gòn hơn bốn năm, sau đó mới ra ngoài này cùng vợ con. Hôm đầu tiên tình cờ ngang qua khu phố ở đây, nhìn căn nhà bỗng thấy lạ, vì tôi còn nhớ đây là nhà mợ Kha, phía ngoài ở gian bên trái là cửa hiệu chụp ảnh. Hôm ấy, có một người đàn bà trẻ đang bán thuốc cho khách. Nàng mặc áo blouse trắng, mái tóc xõa rộng xuống hai vai. Nàng không để ý, cũng không trông thấy tôi, vì tôi ở ngoài đường dừng xe dưới bóng cây, trong yên lặng, tôi ngắm nhìn đôi mắt của nàng, và nghĩ rằng nụ cười thương yêu trên cặp mắt ấy là một biểu tượng ánh sáng.

Nhưng rồi, qua một lần đó thôi tôi bẵng quên không nhớ gì về người thiếu phụ nữa. Tôi làm việc ở Hội Văn Nghệ thành phố. Vừa mới mở, hội đã có một cơ sở bề thế nằm đối diện với khu Morin được coi là trung tâm văn hóa Huế. Thành phần hội viên khá đông, còn nhân viên hành chánh có năm người. Tôi làm thư ký đánh máy, lương được lãnh bằng gạo 30 cân hàng tháng. Hoạt động chính của hội là in sách, xuất bản tạp chí, vào hai ngày cuối tuần có tổ chức diễn thuyết, hoặc trình diễn ca nhạc, kịch.

Căn nhà lớn có bốn phòng rộng, phòng chính nằm bên phải qua những cửa sổ mở đều trông thấy hai con đường chạy ngang, chỗ này vừa làm phòng tiếp khách vừa là phòng hội. Tôi làm việc một mình ở phòng nhỏ bên trong, buổi sáng lo các văn thư, giấy mời của hội, buổi chiều đánh máy những bản thảo về thơ và truyện được chọn đăng cho số báo mỗi kỳ. Ngoài mấy việc trên, đôi khi, tôi chạy ngoài đi đưa thư mời, đến bưu điện nhận báo, hoặc các kiện hàng. Ngày nào, hội cũng đông người lui tới, họ thuộc thành phần trí thức, đó là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học. Tại phòng khách phía ngoài, nhiều cuộc bàn luận văn chương rất hào hứng sôi nổi, ngồi ở bên trong, nhiều lúc đang đánh máy tôi bỗng ngừng hai tai mở lớn hết để lắng nghe, để tưởng tượng không khí thơ văn đầy hương sắc đang tràn lấn tâm hồn mình. Không có bạn quen nào đến tìm gặp tôi. Ngoài đường, tôi gặp họ nhiều hơn. Những người bạn của tôi hầu hết là những anh em tù cải tạo đã có thời gian ở chung trại miền Nam và miền Bắc. Bây giờ, trong cuộc sống khó khăn, có người đạp xe thồ, chạy xích lô, hoặc căng lều bạt dọc vỉa hè làm nghề vá xe đạp, sửa Honda.

Tôi ở lại trưa không về sau khi hết giờ làm việc. Giờ nghỉ, tôi ra quán vỉa hè bên cạnh ngồi trên chiếc ghế nhỏ ăn khúc bánh mì, uống nước mía. Ðôi khi, có phái đoàn các tỉnh xa tới mời hội đi ăn, tôi được ăn ghé theo một bữa no, ngon lành.

Tôi làm việc ở đây, cốt giữ một cái chân công nhân để sau này dễ xin vào hộ khẩu thường trú. Mỗi tháng, tôi cầm phiếu lương tới hợp tác xã lãnh gạo, cột gạo ở sau yên xe đạp chở về nhà. Nhà tôi ở Long Thọ, cách xa thành phố khoảng bảy cây số. Căn nhà tôi nằm sau lưng vườn gia đình nhà vợ, đó là nhà một căn, bức tường ngăn làm hai, ngoài làm phòng khách, bên trong là phòng sinh hoạt. Vợ tôi có tên rất Huế, Nghi Tần. Sau ngày tôi đi cải tạo, Nghi Tần rời Sài Gòn về Qui Nhơn, dạy học được ít năm vì đồng lương giáo viên không đủ sống nên ra Huế sống nhờ gia đình. Vào thời điểm công trình xây dựng phát triển, Nghi Tần buôn bán vật liệu hai thứ vôi, xi măng. Mỗi ngày, nàng và người chị dâu luôn có mặt trên nhà máy rất sớm để đăng ký phiếu mua hàng.

Tôi và Nghi Tần lấy nhau được hai năm thì miền Nam thua trận, kết thúc cuộc chiến tranh. Bây giờ, vơ chồng có được hai cháu. Cháu gái đầu tên Phương, 18 tuổi, cháu trai kế tên Vinh, mới năm tuổi, học lớp mẫu giáo nhỏ. Vào buổi chiều, trên đường đi làm về tôi đón cháu Vinh, những lúc tôi bận, cháu Phương đi đón.

Mới hôm qua, Nghi Tần đi Hà Nội. Hai ngày nay, mưa nặng hạt trong buổi chiều. Buổi tối ở phòng ngoài, hai chị em ngồi học. Vinh tập viết, còn Phương học bài, năm nay cũng là năm thi tốt nghiệp phổ thông của cháu. Ở phòng trong, tôi nằm đọc qua mấy tờ báo xong nghe tin tức các đài Việt ngữ quốc tế BBC, VOA, RFI và Úc. Tôi vặn nhỏ vừa đủ nghe. Vào hai tối Thứ Bảy, Chủ Nhật, các đài có chương trình đặc biệt về văn học nghệ thuật, và nhờ nghe các chương trình này tôi biết được khá rõ tin tức sinh hoạt văn học của người Việt ở các nước. Mỗi đêm, trong yên lặng sau khi các đài đã nghỉ, tôi nằm im, nhớ nghĩ đến những người bạn ở xa, những người bạn đã chết trong cuộc chiến.


Rồi một bữa đó, tôi dựng xe đạp ở bên gốc cây nhãn gần cửa hiệu thuốc Tây. Nắng xế trưa đang trải một khoảng rộng trên vỉa hè. Ngồi ở quầy trông ra, chị Lộc có vẻ chú ý nhìn tôi đi vào. Vắng khách, tôi thấy có một mình chị. Chị mặc chiếc áo sơ mi hồng, ngắn tay. Tôi nhìn gian hàng, vừa hỏi chị mấy thứ thuốc giảm đau răng. Chị ngoái đầu nhìn lên hàng kệ, sau đó, lấy ra một loại thuốc trụ sinh Glifanant đưa cho tôi 12 viên uống trong ba ngày. Khi chị đang lấy tiền lẻ thối, tôi hỏi:

-Ngày xưa, chị học ở Ðồng Khánh?

Với sự ngạc nhiên trên gương mặt tỏa sáng, chị nói:

-Ðúng rồi, nhưng sao anh biết.

-Hình ảnh như chị ngày trước học ở đó thôi, không nơi đâu khác.

Tôi nói vậy làm chị vui, đôi mắt nở đầy những hạt cám trong nụ cười. Nhìn lại đôi mắt chị, tôi nói:

-Nơi căn nhà này, tôi có biết người quen.

-Anh quen ai?

-Ngày trước nhà này có mở tiệm chụp ảnh, đúng không chị.

-Ðúng rồi.

-Vậy chị biết không, mợ Kha của tôi trước đây là chủ căn nhà này. Chị Lộc gật đầu, rồi nói cho tôi hay gia đình chị cũng có bà quen với bên cậu mợ tôi.

Tôi còn muốn nấn ná chút lâu để chuyện trò với thiếu phụ. Nàng có những nét thật duyên thơ, vừa cao sang trong toàn diện vẻ đẹp.

-Lâu nay, anh có liên lạc với ông bà Kha không?

-Không chị, cậu mợ tôi sang Mỹ lâu rồi.

-Tôi biết, trong nhà có nhận được thư. Anh cần địa chỉ để viết thư không?

-Dạ không, cám ơn chị.

-Thì anh cứ lấy, viết thư biết đâu ông bà gởi cho ít tiền.

-Dạ thôi, với lại có bà con nhưng mà xa. Còn chị với mợ Kha là sao?

-Không, bà mợ anh quen phía bên chồng tôi, tôi là dâu nhà này.

-À, như vậy đó.

-Anh trước đây, dạy học?

-Không chị, tôi ở quân đội.

-Như vậy, anh có làm chương trình HO để mà đi không?

-Dạ không?

-Sao vậy?

-Không có tiền để lo dịch vụ chị à.

-Nhiều người cũng khó như anh họ đi vay mượn đó. Chị Lộc nói, cặp mắt vừa ngước lên trông rất dễ thương.

-Vâng, cũng có thể được.

Khi chụm lại những ngón tay như để tỏ một dấu hiệu sốt sắng, chị Lộc nói với tôi:

-Anh phải ráng chạy tiền để mà làm hồ sơ đi. Cơ hội hiếm lắm, đừng bỏ uổng.

-Vâng, tôi đáp, và lúc này tôi được thấy cặp mắt chị trong niềm vui nhìn lại tôi, một ít giây cũng khá lâu.


Hội Văn Nghệ thành phố đang hoạt động ngon trớn bỗng khựng lại, cùng với cái tin buồn là phải nhập vào Hội Văn Nghệ của tỉnh. Những tin dự báo về việc chia lại tỉnh, có nghĩa, những tỉnh cũ nào trước đây sát nhập, nay, trở lại với ranh giới về địa lý và dùng lại tên cũ trong hệ thống hành chánh. Về phần tôi, vì không phải công nhân được biên chế nên hội cho nghỉ. Những ngày đầu, tôi cảm thấy buồn mặc cảm về số phận, nhưng rồi, cũng đành vậy.

Từ hôm nghỉ việc, qua nửa tháng rồi tôi rất ít đi đâu. Ở thành phố này, tôi không còn ai là bạn học ngày trước. Ðôi khi, chiều chủ nhật tôi đạp xe lên phố ghé qua vài sạp báo quen đứng đọc cọp những tờ báo thể thao chuyên về bóng đá, cũng có khi tạt vào quán bi da gần bờ sông đứng đó lâu cả tiếng đồng hồ, say sưa, hồi hộp với những cơ đánh độ ăn tiền của những tay cao thủ.

Bữa ăn chiều, ngồi bên cạnh hai đứa con có những lúc tôi xúc động nhớ đến những ngày ấu thơ ở quê ngoại. Con gái của tôi rất yêu mẹ, ngày xưa, tôi là một đứa con rất khó nhọc trong nỗi lòng và sức chịu đựng của mẹ tôi. Khi nhìn thấy một thiếu nữ miệng vừa mới mỉm cười một cách hồn nhiên, bao giờ hình ảnh đó cũng tạo nên được hạnh phúc cho nhiều người chung quanh. Vinh đòi ăn thêm bát nữa, chị Phương liền xới cơm và gắp đồ ăn cho em. Cô gái nào được làm chị, bao giờ cũng thật muốn mình chăm sóc em, vì ai cũng nghĩ rằng, những cô gái rồi đây sẽ là hình ảnh một người mẹ.

Cuối Tháng Mười Một, tôi đi với chị Ngâu ra Hà Nội. Ngày hôm sau, giúp tôi xong mọi thứ giấy tờ qua dịch vụ xuất cảnh, chị Ngâu đi với một người bạn buôn lên Lạng Sơn, còn tôi ở lại Hà Nội. Hà Nội là thành phố luôn luôn tượng hình trong trí tưởng tôi những hình ảnh lãng mạn. Và, tôi còn muốn nghĩ thêm rằng, Hà Nội đã gặp tôi như người bạn đâu đó, sau một lần nói chuyện rồi quen thân, rồi xa vắng, rồi nay bỗng gặp lại lần nữa.

Mùa Ðông ở Hà Nội khiến tôi liên tưởng đến ráng hồng của ngọn lửa. Nhiều khu phố giờ này trống trải, vắng xe cộ, vắng tiếng bước chân người gây vang âm trên vỉa hè. Từ đầu giờ buổi chiều, nền trời đã kín màu xám chì như ra vẻ đe dọa, nhưng không mưa. Trời thấm lạnh, xa khuất.

Ngày hôm sau, khoảng 4 giờ chiều tôi lên nhà ga đón chuyến tàu từ Lạng Sơn về Hà Nội, nhưng không thấy chị Ngâu, có lẽ chị đợi mua hàng. Ðứng ở ga Hàng Cỏ, tự nhiên tôi cảm thấy mình xa lạ, nhìn hành khách không thấy có ai quen. Một lúc lâu, tôi rời nhà ga đi quanh quẩn các khu phố gần đó. Tôi ghé vào một cửa hiệu phở quốc doanh. Ngồi ở bàn trong góc, tôi ăn một mình và cũng không có ai chú ý gì đến tôi.

Tối nay, tôi sẽ trở lại thuê chiếu ngủ ở nhà ga nhưng thời gian còn sớm nên ăn xong, tôi lại đi lang thang nhìn cho biết thêm Hà Nội.

Tôi đi bộ dọc theo phố Tràng Thi. Khi ngang qua phố Phủ Doãn tôi trông thấy một bệnh viện cùng mang tên khu phố. Tôi xuống tới bờ hồ Hoàn Kiếm, đêm bắt đầu xuống. Những ánh đèn giăng mắc rực sáng lên, nhưng chút sau yếu hẳn trong bóng dáng sương mù bao phủ quanh hồ. Tôi đứng nhìn những ngọn đèn nối nhau chạy luồn qua hàng cây, cùng lúc, nghe thành phố đang cố tạo không khí sinh hoạt về đêm trong tiếng động, cứ chốc chốc, lại có vài tiếng còi xe vang lên, hoặc tiếng người gọi dội xa rồi gấp gáp băng qua đường như để cho đêm mùa đông đỡ bớt sự buồn chán.

Tôi trở về lại nhà ga tìm kiếm chỗ ngủ. Ở đây, người ta có bán chiếu nằm cho hành khách. Tôi mua xong, đi qua phòng đợi tìm chỗ ấm trải chiếu và đặt ba lô xuống nghỉ. Trong phòng đợi, đèn sáng nhiều ngọn, tôi thong thả ngồi dựa lưng tường đọc báo. Hà Nội xa Huế 600 cây số. Hà Nội, với chuyến đi vài ngày bỗng cho tôi một khung cảnh về những ngày tháng trước đây đối với kẻ hồi hương. Ngủ một đêm yên bình, tôi mơ thấy bóng Tháp Rùa, trên bờ cỏ có một thiếu nữ mặc áo trắng đứng nhìn xuống hồ nước. Nước trên hồ phẳng lặng và nổi màu xanh rêu.

Trưa hôm sau, tàu Lạng Sơn về tới Hà Nội lúc 1 giờ. Tôi trông thấy chị Ngâu lúc đoàn tàu vào ga. Gặp lại chị, tôi rất an tâm.

Tàu ngừng, vừa xuống tàu, chị nhanh chân gọi mấy người bốc vác xuống hàng. Ngay lúc đó, hàng được chuyển qua tàu Thống Nhất, tôi và chị sẽ ngồi đợi ở ga chừng hai tiếng đồng hồ là tàu suốt khởi hành.

Ngồi trong quán ăn ở nhà ga, tôi và chị Ngâu vừa ăn, vừa nói chuyện. Câu chuyện vui của chị qua những thứ hàng bán được và mua được, rồi chị tả cho tôi nghe về thị xã Lạng Sơn, một nơi mà tôi hình dung qua một bài thơ dân gian:


Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Nhắc công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mảng vui quên hết lời em dặn dò

Gánh vàng đi đổ sông Ngô

Ðêm đêm tơ tưởng sao mờ sông Tường.


Lạng Sơn là một thị xã gần biên giới Trung Việt. Tôi chỉ biết nơi đó qua bài học địa lý. Và, Hà Nội là một thành phố tôi đến đây để tìm một không khí của đất nghìn năm văn vật, những dấu tích Ðông đô, những kỷ niệm về thời thơ ấu của những người bạn cùng tuổi tôi, các bạn đó, sinh ra ở thành phố này sau đó theo gia đình di cư vào miền Nam khi đất nước bị chia đôi.

Buổi chiều, tàu Thống Nhất rời ga. Ngồi bên cửa toa tàu, tôi nhìn lại Hà Nội êm lặng trong buổi chiều, và ký ức cố gắng thu nhận những cảnh vật mình trông thấy được tạo nên trong cảm giác. Tới ga Bạch Mai, chỉ cách Hà Nội vài cây số, tàu ngừng cho khách lên. Từ đây, còn trông thấy Hà Nội với những khu phố xa gần và khung cảnh sinh hoạt. Rồi sau đó chừng năm phút, tàu rời ga.

Buổi chiều bắt đầu trôi giạt. Và buổi chiều cũng muốn trôi theo con tàu qua những hồi còi dài ngắn. Tôi bỗng nhớ đến những ngày ở Quảng Trị, nhớ căn nhà cũ đối diện tháp nước, và ở đó, những đoàn tàu trở về hay ra đi đều ngừng lại trong mười phút để lấy nước trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi nằm trên chiếc võng, thiếp ngủ lúc nào không hay. Khi tàu ngừng ở ga Nam Ðịnh, trời đã tối. Tôi tỉnh ngủ qua tiếng rao hàng quà, một lúc sau, hai chị em gọi người bán gánh múc cho hai tô cháo đậu. Cháo nóng, ăn xong tôi cảm thấy ấm người.

Tàu rời ga sau mười lăm phút ngừng. Tôi tháo võng, cuộn lại một đầu dây rồi ngồi xuống ghế châm điếu thuốc. Trong lúc này, tôi có ý đợi người bán cà phê trên tàu đi qua.

Hai chị em chuyện trò, và lúc này, tàu đã chạy tốc độ đường trường. Ở vùng ngoài này, những năm trước đi buôn nhiều nên chị Ngâu rành rẽ hơn tôi. Ngồi hai ghế đối diện nhau, dưới ánh đèn toa xe có lúc tôi tưởng chừng đang thấy trên khuôn mặt người chị những nét già nua từng trải, nhưng rồi bỗng vui theo nụ cười có hàm răng trắng đều, và đôi mắt chị vừa sáng lên rất trẻ.

-Trước khi gặp anh Thạnh, chị Ngâu có quen ai không?

-Hẳn nhiên là có.

-Người nào, hay chị kể nghe đi.

-Thôi kể làm gì, chị mỉm cười quay mặt ra ngoài.

Trong toa xe, ánh sáng những ngọn đèn chùng chùng chao động như chiếc võng. Tôi nghe tiếng rao của hai người thanh nhiên bán trà thuốc và cà phê. Tôi mua ly cà phê cho tôi và ly trà nóng cho chị Ngâu.

Khoảng năm giờ sáng, tàu sẽ đến Huế. Ðêm vẫn mênh mông với đất và trời, Trên đường dài, bóng con tàu một mình mải miết. Ở một phương trời xa, tôi trông thấy những vì sao trơ trọi. Khi tàu chạy qua cầu, tiếng động ầm ầm, lắc lư, nhưng dòng sông chảy qua bên dưới vẫn lắng yên đợi chờ. Sau khi tàu qua khỏi cầu, có nhiều nhà ở xuất hiện, rồi từ các làng mạc tàu đi vào thị trấn, vào thị xã, thành phố.

-Qua hai ga nữa, chú sẽ thấy một thị trấn đẹp lắm.

-Ngoài này, ở đâu cũng nhìn thấy như ở làng quê.

-Vậy mà, tôi lại thích cảnh vật ngoài này hơn trong miền Nam, tiếng chị Ngâu nói với một giọng khác thường.

-Thì chị đã có một nửa quê ở miền ngoài này.

-Nhưng mà tôi sinh trưởng ở vùng biển.

-Giọng chị nói, ảnh hưởng vùng Bắc nhiều hơn.

-Nhưng mà rất nhà quê, có tiếng cười nho nhỏ khuất vắng như muốn đi ra bên ngoài.

-Giọng nói của tôi mới là nặng.

-Không, không phải.

-Rồi tôi cũng như chị, mỗi người vẫn thích nghe giọng nói thân thuộc của mình.

-Năm đó, sao chú lại nói với tôi không về ngoài này nữa?

-Bởi vì, tôi có ý tưởng mình không cần thiết, và lúc ấy, Nghi Tần muốn xa.

-Cô ấy buông thật sao?

-Thì chị không thấy Nghi Tần bỏ Sài Gòn ra ngoài này?

Chị Ngâu hơi nghiêm nét mặt, nhìn sang tôi và hỏi:

-Hình như chú không thương cô Nghi Tần.

Tôi hơi ngượng ngập, đáp lại:

-Không đúng đâu chị.

Một giọng xuống thấp hẳn, chị Ngâu tiếp lời:

-Tôi không muốn nghĩ sai về chú, nhưng cô Nghi Tần đã nói, là chú vẫn còn giữ trong lòng hình ảnh người bạn gái trước đây.

-Vâng, năm ấy biết chị đi Sài Gòn là tôi hiểu.

-Rồi tại sao tôi đã giải thích rõ như vậy mà chú vẫn không chịu về Huế.

-Tôi hiểu, nhưng mà

Chị Ngâu không muốn để tôi tìm lời thoái thác, chị nói thêm:

-Tôi muốn nói rõ với chú, vì phần nào tôi cũng ở trong gia đình cô Nghi Tần.

Với nụ cười tìm cách khỏa lấp, tôi hỏi chị Ngâu:

-Chị vẫn còn nhớ, hay đã quên người bạn cũ của mình.

-Không quên, nhưng tôi vẫn biết mình đã có gia đình.

-Tôi cảm thấy nhỏ bé hơn chị nhiều.

Nàng mỉm cười.

-Thật đó chị Ngâu.

Một chút nghĩ ngợi, rồi nàng nói:

-Nhưng chú hơn tuổi tôi, và có học hành nhiều nữa.

-Không đâu, chị luôn có trong cặp mình những hình ảnh hiền dịu, vừa trang nghiêm.

Tôi nói xong, ý nghĩa ấy như ngọn đèn vụt tắt.

-Rồi vì sao, mẹ chị lại ở ngoài đó một mình?

-Tôi còn nhỏ quá, không hiểu. Về ba tôi, ông là người thích sống cô độc.

-Có lẽ phía có ánh đèn là vùng biển.

-Nơi đó là vùng quê của tôi.

-Ở đâu nghe ra tiếng sóng biển, chốn đó là vùng quê của chị.

Có vẻ tâm đắc, nàng cười.

-Chú thật lãng mạn, tại sao không viết văn?

-Tôi không thể viết được.

-Người mà tôi quen hồi đó, anh ấy có viết văn.

-Viết về chị nhiều không?

-Cũng khá nhiều, nhưng không có được truyện nào hay.

-Chị có cất giữ truyện nào không?

-Không.

Ðêm đã khuya, câu chuyện ngừng. Hành khách trên tàu ngủ say. Tôi hơi khó ngủ vì uống cà phê quá đậm. Vào đúng buổi trưa, trong khung cảnh nắng ấm đoàn tàu chạy thật chậm qua hai cây cầu ở phía Nam sông Hương, từ từ tiến vào nhà ga.


Thời gian chờ đợi, mỗi ngày tôi mở sách tiếng Anh ra học, ôn lại các phần chính văn phạm. Và, buổi tối, trong lúc Nghi Tần và hai con xuống nhà bà ngoại coi truyền hình, tôi ở nhà trên dành hết thì giờ với chiếc máy radio nghe tin tức các đài Việt ngữ quốc tế.

Cuối Tháng Mười Hai, theo trong giấy hẹn, tôi ra Hà Nội. Tôi dự trù đến tuần lễ, nhưng không ngờ, may mắn gặp việc xong sớm nội trong ngày. Buổi sáng đến phòng xuất cảnh ở đường Thái Phiên nhận hộ chiếu, buổi chiều tôi trở lại ga Hàng Cỏ đợi chuyến tàu Thống Nhất khởi hành vào lúc bảy giờ tối. Khi trở lại Huế, trời đang mưa, và thành phố này vẫn còn ảnh hưởng những ngày mưa sau trận bão rớt. Nước mưa trên nguồn đổ về ròng rã, cây cối bị ngã đổ chưa dọn dẹp xong.

Cả nhà cùng reo lên khi thấy tôi về. Tôi đưa bốn tấm hộ chiếu cho Nghi Tần xem. Bỗng nàng ngả đầu cười lớn tiếng về bức ảnh chụp của mình. Chị Ngâu kéo chiếc ghế nhích qua một bên, nhường tôi chỗ trống. Chị mặc áo trắng ngắn tay, ở khuôn mặt, trông nghiêng giống hình ảnh mẹ tôi. Trong nhà vừa mới cơm nước xong, chỉ còn để dành mình tôi. Cơm nếp, muối đậu phụng. Ngoài bầu trời thấy trống chân gió, nước mưa đang còn chảy dọc theo máng xối. Nghi Tần xem xong từng cái, trao qua chị Ngâu. Tôi trong ảnh, nét già hơn ngoài, chị nói. Mọi người trong gia đình chuyện trò và tưởng tượng về nước Mỹ. Anh Thạnh lấy ra tấm bản đồ lớn được gấp xếp làm tư. Khi mở ra, anh trải lên bàn chỉ cho người nhà thấy nước Mỹ trên bản đồ và nói rành rẽ từng khu vực của các tiểu bang.

Buổi chiều, tôi đạp xe lên phố ghé vào quán báo ở gần đài phát thanh gặp người bạn. Một giờ sau, tôi đến cửa hiệu thuốc Tây của chị Lộc. Hai người khách quen đang đứng chuyện trò với mấy người trong gia đình.

-Anh đã làm xong giấy tờ chưa?

-Xong rồi chị, tôi mới ở Hà Nội về trưa nay.

-Ủa, anh ra làm trực tiếp ngoài đó.

-Vâng, công việc nó đi nhanh hơn.

-Bao lâu anh được nhận hộ chiếu?

-Có rồi chị, tôi cười, và thấy chị Lộc vô cùng ngạc nhiên, cặp mắt sáng hẳn.

-Ồ, hay vậy đó.

Tôi bước tới phía quầy, đứng gần bên chị Lộc. Rồi, bằng một giọng thân tình tôi kể cho chị những ngày tháng Hà Nội của đời tôi. Ánh mắt đẹp của chị làm tôi rung động. Nhìn thấy tôi vui trong niềm lạc quan, chị nói:

-Chừng ít tháng thôi là anh qua Mỹ.

-Thực tình tôi không thấy nôn nao, trông đợi.

-Ngày tháng sẽ nhanh thôi, anh.

Phía bên kia, có một người khách nhìn sang tôi. Nãy giờ, tôi vẫn nghe ra câu chuyện họ nói, cũng là đề tài chọn lựa đi hay ở.

Với đôi mắt đẹp, thoáng buồn, chị Lộc ngồi đó trong dáng điệu ngẩn ngơ tha hồ để cho tôi ngắm.

-Anh đi tự nhiên cảm thấy buồn.

-Vậy mà lần trước chị hối thúc tôi hãy làm cho mau lẹ.

-Bởi tôi thấy anh còn do dự. Nhưng tốn kém, nhiều không?

-Cũng nhiều, chị ạ.

Hai người đưa mắt nhìn nhau. Ở bên kia, lúc này tôi nghe rõ hơn tiếng chị Huyên nói chuyện với khách. Giọng người đàn ông tầm thước nhỏ luôn luôn chậm rãi, thong thả, còn ông bạn cao lớn rộn ràng trong tiếng cười nói nghe sôi nổi. Chị Huyên mặc chiếc áo chấm bông hoa cải lần này trông lạ mắt, thấy trẻ ra. Không lúc nào tôi thấy chị thả tóc xuống vai như chị Lộc mà cả mái tóc cứ cuộn tròn như búp len, trên đó, gắn cái kẹp tóc con bướm trắng trông rất là dễ thương.


Rồi, gia đình tôi ra đi. Buổi sáng ấy, một ngày mưa xa Huế. Chuyến bay rời Sài Gòn lúc 5 giờ sáng, đến Hồng Kông sau hai giờ rưỡi ngồi trên máy bay. Và, ở phi trường này các gia đình HO đợi thêm mười tiếng vì thời tiết xấu đến nửa đêm mới lên tàu đi Mỹ.

Mười bốn giờ bay trên mặt biển Thái Bình Dương, phi cơ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Los Angeles đúng 6 giờ chiều. Từ giây phút cùng với hành lý ra khỏi phi cơ đến lúc ngồi trong phòng đợi hải quan, thì ra, đời tôi có một nguyện ước đã thành, và tôi sẽ không còn một sự chờ đợi nào khác để đi xa nữa.

Cánh cửa mở rộng, từng gia đình sắp hàng một nối nhau. Với phút giây này, trong tiếng reo hò vang dội, ánh đèn chớp liên hồi của máy chụp ảnh, máy quay phim khi đoàn người đi qua bên dưới hành lang phòng đợi, hầu như không ai ngờ được rằng mình được đón tiếp sau giờ thứ 25 của lịch sử.

Hôm nay, đúng là ngày đổi đời của anh em HO. Ai lạ, ai quen, cái bắt tay thật nồng ấm, biểu tỏ niềm tin cậy. Và, hầu như ai cũng muốn đón tiếp những gia đình mới về nhà mình.

Vợ chồng anh Huy là người đứng tên bảo trợ cho gia đình tôi qua chương trình của Hội Tin Lành WORLD RELIEF. Hai người thật là tốt bụng, chu đáo, và đã dành cho vợ chồng tôi một ngày định cư đầu tiên đáng nhớ trên đất nước Mỹ.

Cũng như các gia đình khác, năm đầu, chúng tôi được hưởng trợ cấp chính phủ về đủ mọi mặt. Qua năm sau, chúng tôi còn được hưởng tiếp vì có con nhỏ. Tuy nhiên, hướng đi tìm cuộc sống bắt đầu.

Vợ tôi làm việc mỗi ngày nửa buổi tại cửa hiệu may do người Việt làm chủ. Ðứa con gái tôi làm assembler cho một công ty điện tử ở thành phố Irvine. Phần tôi, đi học. Buổi sáng, sau giờ đưa cháu nhỏ qua trường tiểu học, tôi ra trạm xe buýt để đi tới trường GAIN học Anh ngữ. Ở các trường dạy tiếng Anh, dạy nghề thuộc Sở Xã Hội đều có đủ phương tiện dạy học, huấn nghệ, số học viên lúc nào cũng đông và được chia theo cấp cũng như trình độ. Tôi có buổi trắc nghiệm với một cô giáo người Mỹ, vỏn vẹn trả lời được hai câu. Học chương trình GAIN, học viên chỉ cần có chút vốn liếng tiếng Anh để xin đi làm việc tại các hãng xưởng, công ty của người Mỹ. Ðời sống tại xứ này, tương đối điều kiện vật chất cũng dễ chịu không đến nỗi người di dân chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Những lá thư đầu tiên viết gởi về Việt Nam cho bà con, bạn bè, mọi sinh hoạt ở đây như thế nào tôi đều ghi tả hết từng chi tiết về chợ búa, cửa hiệu ăn, rạp hát, hiệu buôn, và những mặt hàng tiêu dùng cần thiết hàng ngày.

Thời gian của khóa học là ba tháng. Từ lớp vỡ lòng, tôi thi đậu lên lớp B cũng là lớp cuối chuẩn bị làm đơn xin việc.

Ngày kết thúc khóa học, số học viên lớp chúng tôi tổ chức một buổi tiệc trà nhẹ để mời cô giáo, và cũng là ngày ghi nhớ buổi đầu cuộc sống di dân ở xứ người. Và, trong câu chuyện, ai cũng có nỗi lo, ai cũng cầu mong mình kiếm ra được việc làm để sống.

Tôi về nhà, tuần lễ đầu đã nghĩ ngay đến chuyện tìm việc làm ở các công ty, hãng xưởng. Buổi sáng tôi đi xe buýt đến các trạm xăng, cửa hiệu tạp hóa, đến các tòa báo để hỏi tìm việc làm. Ðây là những chỗ gần nhà, các công ty thì ở xa, và tôi cứ lo nghĩ, với trình độ tiếng Anh của mình chắc những công ty lớn không thể thu nhận.

Ngày Chủ Nhật khu thương xá Phước Lộc Thọ nằm ngay vùng Little Saigon thật đông vui. Từ sáu giờ sáng, các tiệm ăn, quán cà phê trong khu này đã mở cửa làm cho không khí buổi sáng ồn vui, sôi nổi. Ở vùng quận Cam, ở khu Little Saigon, nói tiếng Việt thoải mái, nhẹ nhàng. Vậy chứ, cũng phải có chêm vài chữ tiếng Anh vào, đó cũng là cách xác nhận mình đang ở trên đất Mỹ và đang dần dà hội nhập. Và, ở đây cũng là một trung tâm tin HO. Từ Sài Gòn, mỗi ngày có hai chuyến bay đưa các gia đình HO đi sang Mỹ định cư. Ði chuyến buổi sáng thường ghé Hồng Kông, đổi chuyến bay đi tiểu bang Cali, hạ cánh ở hai phi trường quốc tế Los Angeles và San Fransisco. Chuyến đi buổi chiều xa hơn, sang miền Ðông, ghé Nhật là trạm đầu, sau đó qua Châu Âu.

Sự tình cờ tôi gặp anh Phụng. Anh Phụng và tôi như có duyên gặp gỡ nhau. Hồi ở Sài Gòn, sáng chiều ở các tòa báo. Qua đây, rồi cũng lại gặp nhau. Và chỉ sau vài chuyện về gia đình, về cuộc sống, lập tức, anh hứa ngay là sẽ xin cho tôi vào làm việc ở hãng Norell trên thành phố Placentia.

Ngày thứ hai, anh Phụng lái xe đến đón tôi lên hãng. Xe chạy hết đường Fairview, vào xa lộ 22. Và, chỉ mười lăm phút sau, chúng tôi đến hãng, một tòa nhà rộng lớn phía trước trông ra thành phố, phía sau nhìn về núi thấy những lớp sương mù dày phủ kín. Vào mùa Ðông, trên núi có tuyết.

Thật là mừng, tôi được thu nhận sau cuộc phỏng vấn. Và để cho tôi biết qua về cơ sở của hãng, tôi được ông Vidal đưa tôi đi tham quan, vừa đi, ông vừa nói chuyện với tôi về những công việc của hãng. Hãng Norell chuyên sản xuất các mặt hàng nhựa, như trang thiết bị các loại vỏ máy TV, computer, radio, TV, và những thứ đồ chơi, đồ gia dụng thường ngày.

Ngày đầu tiên đi làm việc, lòng tôi vui lắm. Buổi sáng dậy sớm, tôi ra trạm xe buýt gần nhà đợi xe. Buổi chiều tan ca, gặp được ai quen xin quá giang về, nếu không ra trạm xe buýt đầu ngã tư con đường chính. Mỗi nửa giờ là có một chuyến. Khi lên xe vào ghế ngồi thong thả, tôi cảm thấy nhẹ nhõm sau một ngày làm việc. Thế nhưng, cứ nghĩ đến việc làm là tôi phải luôn tự nhủ mình cố gắng. Tôi là công nhân đứng máy sản xuất hàng. Bề ngoài không khó khăn nhưng đòi hỏi khéo tay, nhanh nhẹn, và đúng thời gian. Số công nhân của hãng đông hơn năm trăm người. Tùy theo các dàn máy mỗi phân xưởng hoạt động, số công nhân làm mỗi ca tăng hoặc giảm. Ở phân xưởng tôi, các dàn máy chạy đều. Và, mỗi lần lên phiên đổi ca, lúc nào cũng thấy một không khí rộn ràng, giao động, nối tiếp nhau để cho công việc của con người song hành với bộ máy.

Thời gian cứ vậy trôi qua. Mới ngày đó, giờ đã được năm tháng rồi. Còn một tháng nữa, tôi được xét vào công nhân thường trực, và sẽ được tăng lương rồi qua năm sau, sẽ có một tuần nghỉ phép. Vào ngày Thứ Sáu mỗi tuần, tôi nhận được check lương. Ðó là một ngày vui còn mãi.

Vào một buổi chiều Thứ Sáu cuối Tháng Tư, sau khi nhận check lương vừa xong, tôi và thêm bốn công nhân khác nữa được gọi lên văn phòng. Bà Laura tiếp chúng tôi. Với đôi điều sơ lược về tình hình của hãng, bà Laura thông báo cho chúng tôi tạm nghỉ việc. Khi ba người đi khỏi, tôi còn nấn ná ở lại, ráng nghĩ trước một số câu hỏi bằng tiếng Anh, rồi bước đến trước mặt bà Laura, hỏi rõ lý do và tôi được bà trả lời khả năng Anh ngữ của tôi còn kém, ít hiểu rõ chỉ thị, năng suất mỗi giờ quá thấp so với chỉ tiêu.

Tôi cũng không biết mình nói thêm điều gì. Tôi rời ghế đứng dậy sau mấy phút ngồi với sự cố gắng kiên nhẫn. Bà Laura lịch sự đưa tay cho tôi bắt và đi theo tôi ra ngoài, nhưng không phải là tiễn chân mà trở lại chỗ làm việc của bà ở phòng cuối dãy.

Ở ngoài kia, sinh hoạt thành phố vẫn nhộn nhịp. Những đoàn xe nối nhau chạy qua trên các ngả đường, và đèn sáng ánh lên trong các khu thương mại.

Tôi đi bộ đến trạm ngừng xe buýt. Bây giờ, tôi mới nhớ lại hình ảnh mấy anh em công nhân Việt cũng bị cho thôi việc như tôi hôm nay. Tôi nhìn quanh tìm họ. Chắc họ đến trạm xe buýt hoặc đã có xe riêng về nhà.

Buổi chiều xuống chậm rãi. Tôi nghĩ đến cặp mắt của vợ tôi khi hay tin tôi bị mất việc. Vừa trông thấy xe buýt đến, tôi vội chạy nhanh. Khi tôi lên xe, tiếng người tài xế đang nói chuyện với tổng đài. Nhiều hàng ghế trống. Có một cô gái đang ngồi một mình đọc sách. Tôi vào hàng ghế giữa, ngồi ở ngoài. Hai người khách nữa bước lên, đèn sáng cùng với tiếng chuông trong xe ngân lên.

Chiếc xe rời trạm, vừa đổi đường đi phía ngoài, sau đó rẽ trái. Ngồi trong xe nhìn ra, buổi chiều đường phố vẫn tấp nập, rộn ràng. Bây giờ xe chạy qua một con đường vắng bóng nhà cửa. Dọc theo con đường là một nông trại trồng dâu. Mỗi một lúc, lòng tôi như sương khói trong buổi chiều về còn xa lạ. Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên trở về Huế thấy nỗi mừng vui của vợ con, nhớ căn nhà ngói đỏ nằm ngang lưng dốc, và trong từng giây phút lặng yên như mặt nước tôi nhớ đến quê nhà.

Khi xe đã về tới thành phố Santa Ana, đang chạy qua dốc cầu, tôi đứng dậy. Ở phía trước hiện ra khu công viên, đèn đường cũng bắt đầu sáng.

Xe ghé trạm, tôi xuống. Từ ngã ba khu công viên tôi đi bộ về nhà. Túi xách đeo vai, mỗi lúc tôi cố gắng cưỡng chống lại sự buồn phiền, và lúc này trong trí tưởng tôi dâng lên một thành phố sáng đèn. Tôi mong rằng, chốc lát nữa mình sẽ nhận được một lá thư. Ít lâu nay, ở Sài Gòn các em tôi bận công chuyện làm ăn không viết thư được. Nhưng mà tâm trạng của tôi trong lúc này, có lẽ Huế với mùa Ðông hay mùa Hạ, sẽ làm tôi vui lên với lá thư của ai đó gởi cho mình. Tôi đang nghĩ đến chị Ngâu, hẳn còn nhớ đến chiếc áo trắng ngắn tay chị thường mặc. Áo trắng của chị, không có một chút chi là của thời con gái, nhưng qua đó là hiện lên một căn phòng trong bệnh viện, mỗi khi người bệnh cần gì họ sẽ gọi lên và chị ấy sẽ có mặt để giúp đỡ. Vậy rồi, chị nhắc đã nhắc tôi nhớ rất nhiều một buổi tối hôm đó tình cờ gặp lại chị Lộc.

Vừa lúc hai người cùng ngừng xe, cả chị Lộc và tôi cùng hết sức ngạc nhiên.

-Ngày mai anh đi Sài Gòn phải không?

-Vâng, ngày mai tôi đi.

Trong một nụ cười và trong mắt nhìn tôi, chị nói:

-Ði vui, đâu có buồn phải không?

-Qua bên đó, rồi tôi viết thư về thăm chị.

-Cám ơn anh nhiều.

Chị nói xong, dáng mặt thay đổi, mắt nhìn qua nơi khác.

-Chị đi đâu trên lối này.

Chị quay lại, nhìn tôi.

-Tôi về bên nhà mẹ tôi.

Chị và tôi hơi ngập ngừng, định chia tay, rồi cùng đi. Chúng tôi đạp xe thong thả, lối đi nhiều hàng cây men theo ánh trăng qua mỗi nhánh đường nhỏ. Tôi tự nhiên cảm thấy thích được nghe nhiều tiếng nói của chị. Và lúc này, chị nói với tôi về một người mẹ thân thiết, một người cha qua đời trong cơn bệnh hiểm nghèo, một người anh là phi công mất tích trong thời kỳ chiến tranh.

Qua khỏi dốc cầu Bến Ngự, tôi theo chị rẽ xuống lối trái. Chị lại kể cho tôi nghe về thời con gái của chị, và tên vài cô bạn học cũ được nhắc đến. Dưới ánh trăng, mái tóc chị buông kín trên hai vai áo trắng. Và những cô bạn của chị xem ra không có chút gì thơ mộng, quyến rũ đem chị trở lại thời đi học. Trong tâm hồn tôi, hình bóng chị như vóc dáng một chiếc cầu. Về đến nhà, hai cậu em trai đang ngồi học đứng dậy chào tôi. Tôi để bàn tay lên xoa đầu đứa nhỏ, tự nhiên tôi có cảm giác mình như người trong gia đình được ấm cúng trong mùi nhang thơm lẫn hương vị trái cây.

Bà mẹ nhìn tôi, cả hai người cùng yên lặng nghe chị Lộc giới thiệu.

Trong lúc chị Lộc cắt cam, bà mẹ hỏi tôi:

-Anh cũng ở gần đây.

-Dạ không, cháu ở trên Long Thọ.

-Chỗ anh gần nhà máy vôi không?

-Dạ gần, nhà cháu bên đây cầu.

Rồi bà mẹ chú ý nghe chị Lộc nói về tôi. Sự hứng thú của câu chuyện làm cặp mắt bà vui lên, và đến chỗ nào chị Lộc ngừng kể trong giây lát để nhớ, bà nhìn sang tôi mỉm cười. Bên này hai cánh cửa sổ mở rộng, nhờ ánh trăng sáng tôi nhìn ra trông thấy một dãy phố nhỏ bên kia sông. Một vài nhà dưới mái hiên vẫn còn sáng đèn dầu, nhang thắp bên cạnh mâm cúng hoa quả.

Ngồi không lâu, khi chị Lộc ra về và tôi cũng về theo. Sương đêm xuống nhiều, bóng dáng hai người đi xe đạp hướng lên nhà ga. Vừa rẽ trái con đường, qua cây cầu đi xuống phố bất chợt tôi gọi tên. Trông thấy một đôi mắt hoàn toàn trẻ lại của cô gái, tôi nói cô hãy dừng lại. Hai người đứng lại bên nhau cạnh một ngã ba.

-Rồi có lẽ, tôi không còn trở lại nữa đâu.

-Sao vậy? anh qua bên đó vài năm có dịp về thăm nhà.

-Không chắc, chị à.

-Cũng tùy hoàn cảnh thôi.

Cô gái im lặng nhìn tôi đang bật que diêm đốt điếu thuốc.

-Tôi nên gọi chị thế nào?

-Tôi là bạn của anh, chị nói.

-Ở xa, nhớ đến chị gọi bằng một tên khác được không?

-Cũng được chứ, tùy anh.

-Sao chị không nói tên thời con gái của chị.

Ánh mắt trong niềm vui, nàng nói:

-Tôi tên Hà.

Tôi đang bước đi trên con đường để nhớ tới một người bạn. Tình của nàng từ xa xôi làm tôi nhớ đến một thành phố, nơi thành phố ấy mọi thứ đều mang tên gọi của màu xanh, nhưng riêng với áo trắng đó là hoa lan làm cho kỷ niệm của đời tôi mãi đẹp. Và, người còn ở đó, nay tôi nên gởi nhắn về tên gọi một người chị đã có chồng, hay em là một cô gái. Hãy gọi bằng em đi, phải thế không? Ngày đầu tiên gặp tôi, có một dấu hiệu trong cặp mắt cười dịu dàng như hoa trắng đã khiến tôi nghĩ rằng Hà thấy được ở tôi là một con người của duyên kiếp trước. Nói về phút giây bất chợt của ái tình, thì không phải đâu, vì cái cung cách sốt sắng của Hà dành cho tôi là hình ảnh một người chị nay đã vắng mặt. Hôm đó, mồng sáu Tết, tôi chở một chuyến hàng sách ngang qua đó, vừa chợt trông thấy tôi Hà gọi giật lại, vội vàng bỏ cửa hàng chạy ra bảo tôi đợi một chút. Tôi ngừng xe, chỉ một lúc sau Hà đi ra với mấy cái túi mứt kẹo, bánh chưng đã cất để dành cho tôi. Trước đó nữa, một lần ghé mua thuốc không đủ tiền xin thiếu nơ, ít ngày sau ghé trả, nhưng Hà nói không lấy nữa, và cũng hề nói thêm một câu dứt khoát là thôi cho hẳn luôn. Chồng của Hà tên Lộc, vậy thì hình ảnh người đó như thế nào trong tâm tưởng kẻ khác. Và ở kẻ khác, còn ai nữa không muốn cất lên tiếng gọi tên của nàng. Tặng cho người lính vừa sống sót trở về sau chiến tranh cái tên thời con gái của mình, tôi nghĩ đó là cũng là một tấm lòng muôn thuở.

Và bây giờ, những hạt mưa đang rớt xuống, hoàn toàn toàn tôi có được sự an ủi. Tôi mơ thấy bóng dáng Hà đang cùng bước đi bên tôi với đôi mắt đẹp nhất của thời con gái.