Mưa Đồng Tháp Mười |
Tác Giả: Thủy Lan Vy |
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 13:22 |
Mỗi ngày cứ đến 5 giờ sáng là kẻng báo thức đã vang lên. Ngoài sân trời còn tối mịt. Tất cả tù choàng thức dậy sau một giấc ngủ như mê, đầy mệt mỏi, bởi lao động quá nặng nề trong việc cuốc đất đào kinh mà thời gian nghỉ quá ngắn. Có những ngày nắng gay gắt, gặp phải thế đất gò, cứng như sắt, toán đào kinh về tới trại thì trăng đã lên. Nhảy ùm xuống kinh tắm vội vàng, vô tới chỗ nằm là căng mùng ra ngủ, chẳng kịp nói với người nằm cạnh bên một câu nào. Gặp hôm mưa dầm ra lãnh lô đất nước lên tới gối, be bờ tát nước xong có khi gần hết buổi sáng. Làm việc với hết sức con người mà mỗi ngày lãnh 2 ca cơm trắng với 1 phần canh lưng chén (thường là rau, bí luộc với muối và chút mỡ heo) Ðào kinh 2 thước tới, 2 thước ngang, sâu 1 thước rưởi , đáy 1 thước, triên bờ bảy ba. Hai con kinh song song, phần giữa sẽ đắp thành con lộ, bờ đê hai bên bờ kinh sẽ trồng chuối và trồng khóm. Chương trình còn là xả phèn đất Đồng Tháp bẳng cách đào những con kinh nhỏ xẻ dọc ngang cho nước chảy ra con kinh lớn mà lao động chính là lực lượng tù của trại cải tạo Mỹ Phước Tây. Không biết người ngồi trên đã nghiên cứu kỹ chưa chứ theo cách đào kinh nầy thì sức khoẻ của tù ngày sẽ kiệt dần vì chế độ ăn uống quá kém mà việc làm lại quá nặng nhọc, mà mỏ phèn của Đồng Tháp Mười thì quá lớn ..! Hơn 5 giờ sáng đã xuất trại, lội ruộng băng đồng trung bình mỗi ngày hơn 6 km mới tới nơi. Ði và về đã muốn hết hơi chứ đừng nói chi đến việc đào kinh. Tuần lễ đầu tiên mới chuyển từ trại cải tạo Hoà Đồng lên đây, tôi cảm thấy toàn thể xương trong người như rệu rã, bắp thịt bắp tay mỏi nhức như dần. Không có ngày nào tôi đào xong phần đất, thường đều phải nhờ anh em trong toán phụ tiếp, một điều làm cho tôi hết sức ái ngại, bởi bạn bè đã mệt mỏi sau phần đất của mình nay phải bỏ công đào giúp. Cả toán phải xong, sau khi tên "chịu trách" kỉểm tra thấy đạt thì toán mới được tập trung chờ điểm danh ra về, nên dù không muốn anh em cũng phải phụ nhau để được về sớm. Nhiều khi vì mệt mỏi quá, không ai phụ ai nên trăng đã lên mà tôi vẫn còn nguyên cả lớp đất cao khoảng hơn 4 tấc. Anh em tù thường gọi đùa là còn đứng trên bục thuyết trình vì mọi người tù xuống đến lớp đất đáy mà mình còn đứng trên cao. Quần xà lỏn, áo rách vá chầm, mặt mày đầy bùn đất, khi nào xong ra vũng khoát nước rửa mặt. Rửa xong lên tôi mới thấy nhẹ người, một ngày lao động với tôi mới thực sự là hết. Ngoài cái khổ về lao động vất vả, còn một nỗi khổ khác mà hầu hết đám sĩ quan trẻ tụi tôi phải cắn răng chịu đựng là việc ăn ở chung chạ với đủ thành phần trong xã hội, từ hạ sĩ quan, binh sĩ đến trộm cắp, chiêu hồi. Nằm cạnh người biết điều còn đỡ, rủi ro nằm bên tên lưu manh thì thật là khổ tâm. Vui thì nó cười nói, buồn thì chửi xiên chửi xéo: "Đồ cái thứ quen thói ngồi mát ăn bát vàng, đồ cái thứ chỉ tay năm ngón, bây giờ cho ...chết mẹ tụi bây luôn ". Chưa kể đồ đạc hở ra bị mất cắp, nếu nóng trả lời lại đêm ngủ nó giả đò mê mớ quơ chân đá vô sườn vô lưng. Trại nầy trước khi tụi tôi đến chỉ có vài sĩ quan còn lại đa số là tù hình sự. Trại cải tạo Mỹ PhướcTây nằm trên trục lộ Cai Lậy- Kiến Tường, trước đây là căn cứ pháo binh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Phía sau trại là phố chợ của khu trù mật Mỹ Phước Tây. Trước và bên hông trại là hai dòng kinh Dương văn Dương. Mấy tháng đầu, tôi ở trong nhóm do chú Tư Hiếu làm nhóm trưởng. Chú là người có cấp bậc cao nhất của nhóm nầy, thượng sĩ ,thuộc chi khu Cái Bè, tính đằm thắm rất dễ chịu, hiểu đời. Tụi tôi khoảng 10 ngưởi đều là sĩ quan từ trại cải tạo Hoà Đồng lên nhập vào nhóm nầy. Một gian nhà cột tràm lợp đưng, vách chầm lá, khoảng 50 mét vuông. Ðã có sẵn trên 40 tù với 6 em Phục quốc đang bị còng chân chung một thanh sắt. Phòng quá chật, nền đất. Tôi phải nằm chung mùng với Thiếu úy Tài, trung đội trưởng thám báo tiểu khu Gò Công, cạnh Tư què nhỏ hơn tôi khoảng 5 tuổi can tội trộm . Những buổi lao động về trễ, nhìn thấy ánh trăng lấp ló trên trời tôi mới thấy thấm thía câu "Một nắng hai sương" mà trước đây tôi chỉ hiểu lờ mờ. Bây giờ chạm thực tế mới hiểu rõ: sáng đi sương còn mờ mịt, tối về sương rơi ướt tóc ...Nhóm sĩ quan Gò Công chuyển lên trại nầy khoảng trên một trăm. Cùng chung cảnh khổ nên dễ kết thân với nhau, nhưng hầu hết anh em đều không quen với việc lao động, nên sức khoẻ đều sút kém trông thấy rõ. Trại chia ra làm 3 hệ, mỗi hệ chia thành từng nhóm ở chung nhau, hệ quân đội, hệ cảnh sát và hệ hành chánh. Một dãy ngang, hai dãy dọc, chính giữa là nhà bếp và trại tù nữ. Sát bộ chỉ huy là dãy nhà nhỏ dành cho những người bệnh dễ lây như lao, cùi... Chức sắc trong nhóm có 3 cấp : nhóm trưởng, nhóm phó, thư ký nhóm do anh em bầu lên. Cũng có khi do trại chỉ định ( thực ra do Bảy Quế chỉ định). Khi ra lao động thì do một số quân đội và cán bộ Việt Cộng bị nhốt về các tội tham ô, hủ hóa hay chiêu hồi dẫn đi, có võ trang súng ống đầy đủ đi kèm. Thường là súng trường CKC, thỉnh thoảng mới thấy có súng AK. Những tên tù chức sắc nầy được gọi là chịu trách. Thường những tên chịu trách nấy rất sắt máu và hắc ám hơn cán bộ trại bởi họ muốn lập công chuộc tội để được tha về sớm. Trưởng bên tù Nam là Bảy Quế, một tên Việt Cộng bị ghép tội phản gián. Tên nầy ốm cao, người miền nam, chịu trách điểm danh xuất trại cũng như điểm danh vào buồng buổi tối, có quyền đề nghị biệt giam và cũng thường ngồi chủ trì các buổi họp kiểm điểm ở đội. Bên nữ là Bà Hai Cốt cũng can tội gián điệp (Sau ngày sập tiệm, báo Sài Gòn ...lóng cóng có đăng một tiểu thuyết gián điệp mà Bảy Quế và bà Hai Cốt là 2 nhân vật chánh). Tù Việt Cộng ít khi được ở yên. Ở trong nhóm nầy vừa tạm ổn, tương đối vừa mới hiểu rõ tính tình nhau là chuyển đổi qua nhóm khác. Bởi vậy trong tù có câu ..." Thứ nhất tự khai, thứ hai đổi nhóm ...”. Tôi chuyển qua nhóm 20, nhóm trưởng tên Đẹp là trung sĩ cảnh sát, nhóm phó là Khanh thượng sĩ quân cảnh tư pháp. Hai tên nầy sống có vẻ cách biệt với anh em trong đội, thường thích tỏ ra vẻ mình là cấp chỉ huy, và có vẻ không ưa gì đám sĩ quan từ Gò Công lên. Tôi biết trong hoàn cảnh nào tôi cũng phải cố gắng thích ứng để sống. Trong nhóm nầy cũng có vài sĩ quan Gò Công nhưng chỉ có một người bạn là Võ Văn Trầm, khóa 2 CTCT Đà Lạt, thuộc Sư Đoàn 9 là tương đối thân thiết với tôi. Ra lao động chúng tôi vẫn thường đào đất 2 lô tiếp giáp nhau. Trầm có sức hơn tôi nhưng để hoàn thành phần kinh cũng phải hết sức vất vả. Buổi sáng các đội tập trung ngoài sân trại. Trong lúc chờ đợi điểm danh xuất trại, một số anh em tìm những tảng đá xanh mài lưỡi len cho bén. Âm thanh rền vang trong cảnh trời còn tối đen. Bang, Đại úy phân chi khu trưởng xã Long Thuận thường chỉ cảnh mài len cười nói : Hôm nay đào kinh tận giáp hạt nên Bảy Quế cho xuất trại sớm. Trên 600 tù tay cầm len tay xách bị đựng cơm nước đi thành một dọc dài trên con lộ cặp bờ kinh trên đường liên lộ đến Kiến Tường. Ngang qua trại tù Vườn Đào ( tù nhân trại nầy toàn là sĩ quan, có một nữ sĩ quan là Trung Úy Nguyệt) tôi nhìn thấy anh em trong trại này còn trên sân chưa ra lao động. Gió buổi sáng mang chút sương đêm còn sót lại, cảm giác lành lạnh nhưng rất dễ chịu. Thỉnh thoảng có vài bạn tù băng vội xuống ruộng bên đường hái rau diệu, rau má hoặc rau dền, hay tấp vào quán bên đường mua nải chuối, gói xôi ... Có tốp đi trong im lặng cũng có tốp cười nói râm ran: - Ê Mỏng, hôm nay chắc trời sẽ mưa lớn. Thằng Trầm đi bên cạnh nói với tôi: -Tao khoái trời mưa, mưa cho thiệt lớn, đỡ phải đào đất. Thật vậy, mưa có lạnh lẽo và ướt át thật nhưng nước ngập tràn thấy đường đâu mà đào với đắp. Tìm bờ đất cao ngồi rút mình dưới cái nón lá mỏng manh trông như một cây núm dại. Thấy bầu trời còn nhiều mây đen, liệu mưa khó dứt hột là Bảy Quế cho thu quân. Phần lớn cho thu quân khi trời mưa là do đám vệ binh sợ tù trốn trại. Trời dần sáng tỏ. Khi tới gần giáp hạt,thỉnh thoảng trên đường liên tỉnh có chuyến xe đò Sài Gòn Kiến Tường chạy ngang qua ...Rất nhiều khi tôi kịp nhìn thấy ánh mắt thật buồn của một cô gái nào đó ngồi bên cửa xe. Tôi nhớ tới những ngày công tác tại quận Phú Lộc, chiều buồn ngồi một mình trong quán bên đường nhìn xe cộ tấp nập qua lại với tốc lực thật vội vã từ Sài Gòn về Bạc Liêu hay Cà Mau, bên chai bia, gói thuốc lá mà nhớ tới Sài Gòn. Nhớ đến con đường Cường Để mỗi khi mùa hè đến, cổng trường rực rỡ xác hồng hoa phượng. Cô bé mắt nâu vén gọn vạt áo dài ngồi gọn vào yên sau chiếc xe Honda dame màu xanh, vòng tay ôm thật sát. Quận Phú Lộc này tôi đến công tác có một tuần lễ, nhưng những người lính và dân ở đây còn để lại trong lòng tôi nhiều cảm tình đẹp. Nhất là Thiếu Tá Phát, vị quận trưiởng đẹp trai, mà tôi cũng vừa hay tin đã tự sát trong ngày tháng tư đen ...Bây giờ nhìn chiếc xe đò chạy ngang, tôi có một ước muốn thật tầm thường là được ngồi trên chiếc xe đò để về Sài Gòn, một việc còn khó hơn là bắc cầu qua biển nối Gò Công với Vũng Tàu ...Bây giờ trước mặt là một cánh đồng đưng mênh mông cạnh những thửa đất hoang ngập đầy nước và cây điên điển. Trời tháng mười hoa điên điển nở vàng. màu vàng thật đậm... xa trông cũng đẹp mắt lắm. -Ê Trầm, cố gắng đào lẹ, phụ tao hái bông điên điển chiều về nấu canh chua ăn. - Để coi trúng lô đất nào, gặp chỗ nhiều nước quá, tao mầy làm trâu nằm vũng chứ làm sao mà xong sớm được . Thằng Trầm nói xong ngước nhìn trời, nó chỉ đám mây đen đang từ hướng Nam kéo tới. Tôi và Trầm đứng nhìn lô đất mới lãnh, nước lên tới đầu gối, đỉa trâu lội lều bều. Trầm ngó mặt lên trời cười ngất: -Hôm nay cúm núm kêu rồi Mỏng ơi!( Cúm núm kêu lúc trời giáp tối ) Hút một điếu thuốc rồi tính sau. Trầm móc bao nylon đựng thuốc rê ra vấn một điếu rồi thảy chuyền cho tôi . - Đắp bờ tát cạn nước cũng trưa trật rồi, chỉ còn mong mưa tới sớm. Lao động là vinh quang mà Mỏng. Tôi nói nhỏ vừa đủ cho Trầm nghe : - Nhưng mà không lao động là ...vinh râu mà Trầm, kệ, tới đâu tới, hút thuốc uống nước ...rồi ngồi cầu mưa. Tôi trả lời với Trầm mà mắt nhìn quanh, bạn tù mọi người cũng đều lo lắng nhìn lô đất. Có nhiều người cùng nhau hợp tác, bắt đầu be bờ tát nước. Trầm bắt đầu cầm len khui hộc, nó xắn ngầm từng tảng đất thật to. Tôi nhìn cục đất mà thấy ngán ngược. Ðặt len nằm trên bờ, tôi xắn quần, bắt đầu ôm đất đắp bờ. Dù đang lao động nặng nhưng vì buổi sáng hôm nay mây âm u, gió lại lành lạnh, gần nửa thân mình ngâm dưới nước nên tôi cảm thấy trong người ớn lạnh. Cho tới gần 10 giờ thì bờ bao cũng đã đắp xong. Trầm buông len, giơ chân lên khỏi mặt nước, cả chục con đỉa trâu bám đầy ống quyển mập căng đầy máu. Nó kéo từ con ra khỏi da, máu chảy đỏ nước.Trầm nhìn quanh, thấy chẳng có chỗ nào để giết đỉa, đành quăng ra xa mà coi bộ ấm ức lắm. Nó móc túi lấy chút thuốc rê quẹt lên vết đỉa cắn để cầm máu , miệng lầm bầm chửi thề. Tôi cũng chẳng khá hơn gì nó, chốc chốc thò tay xuống nước là kéo ra một chú đỉa... Dưới mắt tôi ở đây đìa đúng là...lềnh như bánh canh. Trầm phụ tôi tát nước và kiểm soát lại các nơi rò rỉ. - Nghỉ chút Mỏng, kiếm cái gì ăn, tao thấy đói rồi. Thằng Trầm khoát nước rửa tay, lên bờ móc thuốc vấn hút và đi lần đến chị gánh hàng. Nó mua 2 gói xôi tìm bờ cao ngồi rồi vẫy tay gọi tôi. Tôi đi lần tới, Trầm vừa ăn vừa phân công: -Tao xắn đất ngầm, mầy dùng thùng đạn tát nước cho nhanh, khi nào cạn nước thì phụ đào với tao. Trong không khí lành lạnh, trên 600 tù trải dài một khoảng tầm xa nhìn mút mắt. Nhiều lô đã tát nước xong, đất được len vụt lên bờ đều đặn, mỗi cục đất với hình dáng và trọng lượng gần giống như nhau,liên tục bay bay lên bờ. Những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi. Thằng Trầm cười cười nhìn tôi: - Ê, khoẻ rồi Mỏng à ...Coi trước chỗ nào có lùm cây cao để đụt mưa, tao nhìn đám mây nầy thấy mưa tới chiều chưa dứt. Mầy nhớ bọc thuốc hút lại cho kỹ, lạnh mà không có thuốc hút là buồn lắm đó. Tôi nhìn quanh, cả cánh đồng đưng chẳng có cây nào có tàn cao đủ để núp mưa. Nhìn xa, ngoài đường lộ thỉnh thoảng có xe đò chạy qua, cũng có những bàn tay như vẫy chào. Nhìn lên bầu trời thì mây đen vần vũ, hạt mưa đã bắt đầu nặng hạt. Rất nhiều anh em tù bỏ lô đất lên bờ đứng hút thuốc. Gió bắt đầu thổi mạnh và cơn mưa cũng trút giọt ào ào. Mình mẩy ướt nhem, tôi và Trầm xách bị cơm chạy núp mình vào một đám đưng gần kề che sụp nón lá nép mình tránh mưa. Mưa thật nặng hạt, chốc chốc hai đứa rút chân lên lấy tay gỡ bớt đỉa, đỉa trâu no máu con nào con nấy mập ú . Thằng Trầm càu nhàu : -Lao động là vinh quang, tụi mầy không làm mà cứ theo hút máu tao hoài , chết nè con. Trời đã trưa mà mưa không dứt hột. Bụng đói mà không biết làm sao ăn. Gió lộng tư bề, tôi cảm thấy lạnh, cái lạnh không bình thường như mọi khi gặp trời mưa. Trong người tôi hình như có tới hai luồng lạnh, một từ trong xương lạnh ra, một từ ngoài lạnh vào. -Ê Trầm, hình như tao bị cảm, tao thấy lạnh quá, không làm sao chịu nổi. Tôi vừa răng đánh bù cạp vừa nói với Trầm. Nó nhìn tôi bằng cặp mắt ái ngại: -Giữa đồng không mông quạnh như vậy thì làm sao có chỗ khô ráo mà tránh mưa tránh gió. Mầy thử lựa chỗ nào nước cao ra đó trầm mình xuống nước, ló đầu lên che nón lá kỹ lại coi có đỡ lạnh hơn không. Dân quê mình ra đồng làm ruộng gặp mưa to gió lớn vẫn chống lạnh bằng cách nầy. Tôi đảo mắt nhìn qua một lượt, mấy cây điên điển nở hoa vàng đang lả mình theo từng cơn gió giật. Có nhiều khóm chỉ còn ló thật ngắn chút đọt. Trong lòng thấy ngao ngán, tôi lách đám đưng lội chậm chậm về hướng bụi điên điển. Tôi từ từ ngồi xuống nước, chỉ để ló từ cổ trở lên. Quả nhiên thấy ấm hẳn lại. Thằng Trầm nhìn vẻ mặt dễ chịu của tôi, nó cười lặc khặc: - Ấm chưa Mỏng? Chừng nào lạnh hết chịu nổi tao cũng xuống với mầy ... Tầm mắt tôi chỉ cách mặt nước khoảng gang tay, hạt mưa xéo mạnh vào mặt nước, rải đều chập chũm. Tiếng mưa rơi, tiếng gió từng cơn, tiếng đưng quằn ngã theo gió vang vang bên tai tôi. Lòng tôi thật buồn, tội cho cái thân tù ... Chốc chốc lại phải lấy tay rà khắp người để kiểm soát đỉa, bởi vẫn thường bị mấy con đỉa lẻn vào ..".bộ chỉ huy" để hút máu .Mấy con đỉa này tù bắt được thường đề quyết là đỉa ...cái. Tôi co ro ngồi dưới nước, tuy có ấm hơn ngồi trên bờ nhưng vẫn cảm thấy lạnh lắm. Gió xoáy thổi vào mặt bật tung nón lá ... Mắt tôi mờ lại trước những giọt mưa. Những chùm hoa vàng điên điển, trước tôi còn thấy rõ, dần dần mập mờ nghiêng ngả theo từng cơn sóng nước ...Mẹ của tôi bây giờ đang ăn cơm trưa? Mâm cơm không biết còn được mấy món hay là chỉ trơ một dĩa rau luộc, không biết có thêm được trứng vịt luộc dầm nước mắm không? Với đồng lương dạy học của chị, vừa nuôi ba nuôi mẹ lại cưu mang thêm đứa em tội tù ...Mỗi lần gặp Mẹ bên hàng rào kẽm gai, bên bờ ruộng chỗ cho thăm nuôi phía sau trại, lần nào tôi cũng phải hết sức cố gắng cho nước mắt khỏi tuôn trào. Bao lần tôi nói mẹ tìm người gửi chứ đi thăm đường xá xa xôi quá, sức khoẻ Mẹ bị suy giảm làm sao con an tâm sống được...Mẹ ừ mẹ hử. Tay mẹ lần xoa bóp tay con, mẹ vuốt tóc, mắt mẹ đỏ hoe... Rồi vắng một tuần lại cũng thấy mẹ lên thăm ... Mẹ đâu biết rằng khi con từ giã mẹ trở vào nhóm là phải vội vàng lên trình diện ban chịu trách để đi lao động ngay. Ðó là quy luật dành riêng cho người có thăm nuôi trong ngày chúa nhật. Tùy theo mùa nên công việc có khác nhau, khi thì một thúng lúa giống lội trên 6 cây số đường ruộng, khi thì 5 cây chuối cây giống cao khoảng hơn thước. Khi thì một bó đầu khóm giống. Thúng lúa giống một giạ tuy có nặng nề, vậy mà dễ di chuyển vì khi thấy mệt, tù cứ để xuống nghỉ. Thời gian di chuyển không bắt buộc nhưng tù nào cũng muốn xong về sớm đề sắp xếp đồ thăm nuôi. 5 cây chuối mới là nan giải , thường dùng tù dùng dây kết lại làm bè, dòng theo bờ kinh mà kéo. Tới khúc lộ ôm từng cây băng qua, ra tới nơi đào lỗ trồng 5 cây xong mới được về. Tên chịu trách còn đến xem từng cây coi có bị bầm dập gì không. Ðầu khóm giống càng khổ hơn, nó không nặng nhưng gai góc, nếu vác vai thì gai đâm cổ. Cách nào thì cũng bị gai quào xước cả người. Mới mười tám tháng xa nhà mà lòng tôi đã thấy nhớ lắm. Lúc ở đơn vị, dù là đơn vị tổng trừ bị luôn phải rày đây mai đó, nhưng mỗi khi thấy nhớ nhà thì dù cho cấm trại 200% đi nữa, tôi muốn về là tôi về. Không có đơn vị trưởng hay quân cảnh nào cản ngăn tôi được ...Bây giờ mẹ tôi ngồi đó, rất muốn ôm hôn mẹ mà không làm sao hôn được ... Nước mất ... là mất tất cả, tôi bây giờ là thằng hàng binh, nhục ơi là nhục, đánh đấm kiểu nào mà phải buông súng đầu hàng ...Không trăm lần không, ngàn lần không, cá nhân tôi không đầu hàng mà tôi ở trong tập thể đầu hàng ...Ngày còn ở trại cải tạo Huyện Tây, mỗi nửa tháng được cho thăm nuôi một lần, tù bên trong nhìn rõ thân nhân từ ngoài đường di chuyển về hướng cổng trại. Ðã có lần máu tôi chợt nóng lên, mắt tôi nhìn như tóe lửa, khi nhìn thấy cảnh mẹ tôi hai tay xách đầy hai giỏ nặng lầm lũi bước vào cổng trại bị một thằng võ trang dùng mũi súng gạt ngang làm mẹ hoảng hốt mất đà suýt té...Hai tay tôi nắm chặt lại... Mẹ ơi, con trai mẹ hèn quá, mẹ ơi hoàn cảnh nào đã biến con trai mẹ thành thằng hèn ...Mẹ ơi ! chắc Mẹ vẫn biết thằng con trai út của mẹ có một trí nhớ rất tốt, cả đờI nó sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ mình lảo đảo trước sắt thép của kẻ thù ... Mưa vẫn trải đều hột, chưa có dấu hiệu gì sắp ngớt. Bầu trời vẫn một màu đen kịt, thỉnh thoảng chớp nháng sáng trời ... Sấm động gầm gừ rền vang ... Gió vẫn xoáy lốc từng cơn. Tôi trở về với thực tại. Trầm đã ngâm mình xuống nước không biết lúc nào và đang ngồi phía sau tôi. Thấy tôi ngoái đầu nhìn lạI, nó nhe răng cười khục khặc, da mặt nó đã tái xanh dù nắng gió đồng Tháp Mười đã biến tù thành ... Ông táo Tàu từ lâu. Người tôi run lên từng đợt, tôi vuốt mặt mấy cái: - Lạnh quá Trầm ơi, tao chịu hết muốn nổi rồi, chút về mấy cạo gió giùm tao nha Trầm ...Đói bụng quá mà mưa như vầy làm sao mà ăn. Tao cũng thèm thuốc lắm rồi ...Mưa điệu nầy tới chiều chưa dứt ...mà tại sao lần nầy tụi chịu trách cho thu quân trễ quá vậy? Mắt tôi lại thấy nặng, đã lạnh, đói lại còn buồn ngủ nữa ...Tôi bỗng như thấy lại hình ảnh một buổi trưa tại trại Huyện Tây... Buổi sáng mẹ đã vào thăm, buổi chiều tôi yên chí nằm trong phòng, và để rồi rất ngạc nhiên khi được gọi tên ra thăm nuôi ...Tôi mặc vội bộ bà ba đen Xây Dựng Nông Thôn đi vội ra cổng trai ... Mắt tôi mở to đầy ngạc nhiên lẫn thích thú .." Mắt Nâu" ! Trời ơi Mắt Nâu của tôi lặn lội từ Sài Gòn xuống thăm tôi.. đi chung với mắt nâu còn có Khưu thị Tuyết Mai cũng bạn chung lớp năm Nhiệm ý ban Việt. ... Theo phản ứng tự nhiên tôi chồm tới định nắm tay ... nhưng tôi kịp "thắng" lại , vì tôi đã tự biết tôi là ai. Tôi đâu còn là sĩ quan ở trại Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đài phát thanh Sài Gòn nữa mà mừng mà vui khi thấy Mắt Nâu vào trại thăm tôi, như những ngày còn trong đơn vị ... Mà ở đây là trại cải tạo, một lối nói văn vẻ thay cho trại tù hay khám đường .... - Ê, Bảy Quế đang nói gì với mấy nhóm trưởng kìa Mỏng , không chừng thu quân đó mầy ... Tôi đang mơ màng nhớ lại những hình ảnh đã qua thì giọng thằng Trầm đưa tôi về thực tại ...Hai hàm răng tôi đánh vào nhau nghe cồm cộp, tiếng nói run run đứt khoảng: - Về là phải rồi ...mưa như vầy mà còn đào gì nữa. Tôi đứng thẳng người lên, cơn gió xoáy ngang làm tôi lảo đảo suýt té. Ngồi lâu cẳng chân bị tê . Gió mưa đập vào người làm tôi run lên. - Rán đi Mỏng, chắc về thiệt ..Mầy lấy tấm nylon của tao quấn đỡ, về tao cạo gió cho mấy. Thằng Trầm an ủi tôi. Chú Tư Hiếu nhóm trưởng khoát tay ra hiệu tập họp, tôi run rẩy chạy lúp xúp theo Trầm về vị trí xếp hàng...Anh em bạn tù người nào cũng loi ngoi như chuột lột, mặt mày xanh xao, đứng co ro run rẩy. Bảy Quế điển danh xong toán nào là cho toán đó về...Anh em rẽ nước băng đồng ... Mưa vẫn không ngớt hột. Chúng tôi vừa đói vừa lạnh. Nước lên ngang rún, phải lội hơn cây số mới ra tới bờ lộ cái, anh em lúp xúp chạy cho đỡ lạnh. - Rán chạy lẹ Mỏng, tới quán mua mấy củ mì ăn đỡ đói với hút điếu thuốc cho ấm lòng ...Thằng Trầm giọng run run nói với tôi. Rồi đám tù cũng về tới trước cổng trại, không có anh em nào xuống kinh tắm như thường lệ mà tự động xếp hàng chờ điểm số để nhập trại. Gió vẫn vụt vù thổi, chớp vẫn nháng sáng trời ... Bây giờ cũng đã hơn 2 giờ trưa ...Tôi thấy trong người khó chịu ... Vào phòng thay áo quần khô xong tôi vạch lưng cho Trầm cạo gió. Nó xin chút dầu lửa và dùng cái muỗng cạo lưng cho tôi. -Mầy bị trúng gió rồi Mỏng, mới cạo sơ mà đã thấy tím bầm ... Tôi cũng không màng ăn cơm chiều, trùm mền nằm thiếp luôn cho tới kẻng điểm danh tối mới ráng ngồi dậy, thấy nặng đầu và mình mẩy nóng hực. Tôi đứng lên lảo đảo suýt ngã .. - Anh Đẹp báo cáo dùm, tôi nóng quá, chóng mặt không ra điểm số được.Tôi gượng nói với Đẹp trưởng nhóm, xong nằm ngã ra thở dốc... Tôi nằm mê man cả hai ngày, chỉ uống chút nước do người bạn tù nào đó cũng bệnh nghỉ ở nhà như tôi. Mấy viên thuốc ABC tôi mang theo, tôi cố gắng uống mỗi ngày 4 viên. Buổi tan tầm thằng Trầm đi lao động về nấu cho tôi soong cháo, nhưng tôi cũng chỉ ăn được vài muỗng vì miệng mồm đắng nghét. Thằng Trầm an ủi tôi: - Mầy phải rán uống thuốc và ăn nhiều cháo mới có sức mà hết bệnh được ... Miệng đắng quá, tao thèm uống nước chanh quá Trầm ơi, tay chân tao như rã rời cử động hết muốn nổi...Tôi gượng cười: ”Không biết tao qua khỏi con trăng nầy không”. Tôi thiếp đi nhiều hơn tỉnh ...Nhiều đêm thức giấc tôi nhớ mẹ vô cùng. Từ nhỏ sống cạnh kề mẹ, tôi ít khi bệnh. Vào quân trường cũng thế, ai sao tôi vậy. Chín tháng quân trường, ngay cả trong thời huấn nhục tôi chưa từng bị xỉu. Cũng từng dầm mưa dãi nắng khi ra đơn vị, cũng ngủ bờ ngủ bụi ... Nhất là trên con đường máu 7B di tản từ Pleiku về đến Bình Tuy, biết bao nhiêu là gian hiểm tôi đều vượt qua được ...Không lẽ trong cảnh tù đày như vầy ... Tôi không dám nghĩ tiếp,nhưng có lẽ vì quá tủi thân, nước mắt tuôn trào ướt cả má ...Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn, phải chi mình chết bờ chết bụi trên con lộ 7B cho rồi đở phải cực thân như bây giờ. Rổi tôi cũng lại nghĩ: sông có khúc, ngườI có lúc, mình phải ráng sống, sống để có ngày nhìn thấy toàn dân đứng lên xé nát lá cờ sao. Tình trạng nầy kéo dài mươi ngày tôi mới dấn tỉnh ... Trầm đi lao động về cùng với thằng Quang phục quốc vẫn nấu và mang đến chỗ nằm cho tôi từng chén cháo. Tôi ăn được nửa chén , rồi một chén ... Những buổi lao động gặp đất mềm tụi nó đào xong sớm, rảnh tay bắt con cá con tôm, ngang đồng nhổ nắm rau đắng đất về nấu cháo cho tôi. Trong hoàn cảnh không có người thân mà được bạn tù chăm sóc, lòng tôi cảm kích lắm. Tôi cũng tự mình cố gắng đi ra đi vào, phơi nắng buổi sáng. Gần một tháng trời mới tương đối bình phục. Thằng Trầm hôm đó về sớm nấu cho tôi một soong nước, ra phía sau pha nước cho tôi tắm. Ðã lâu mới cởi áo quần, tôi thầy người tôi toàn là xương. Tôi chuyển qua nhiều trại tù, riêng trại Mỹ Phước Tây tôi ở gần 12 tháng. Một thời gian rất ngắn so với tuổi tù của tôi, nhưng tôi nhớ trại nầy nhiều nhất. Mỹ Phước Tây trong lòng tôi vẫn là ... địa ngục trần gian, bởi chế độ lao động quá nặng nề và cai tù đánh đập tù quá tàn nhẫn... Anh Thiếu Tá Huề kiệt sức chết ở đây, anh Đại úy Lành (giáo phái Hoà hảo) bị tụi cán bộ dàn cảnh bắn chết phía sau trại, anh Trung Sĩ Gương cảnh sát bị võ trang nhắm thử súng bắn chết trong lúc lao động đào kinh. Còn biết bao nhiêu anh em tù bị chết vì mìn bẫy trong lúc cuốc đất trồng hoa màu ... Bao nhiêu anh em vượt trai bị bắt lại bị đánh mềm như bột, thất khiếu đều ra máu còn bị trói ké bỏ nằm dưới cột cờ, bắt anh em tù đều phải lên coi ...Ba người bạn cùng nhóm: Sàng, Bi và Nguyễn Thanh Quang (trung úy Không Quân) và Đại úy Triệu tỉnh đoàn trưởng Tỉnh đoàn xây dựng nông thôn Gò Công vượt thoát được. Nếu không có ngày tháng Tư đen, tôi sẽ không bao giờ hiểu được sự thâm ác của người Cộng Sản. Một ngày nào đó tôi sẽ về thăm lại quê hương, tôi sẽ tìm thăm lại con lộ 7B mà tôi đã bước chân đi qua. Một đoạn đường đầy máu và nước mắt, người chết đi cũng chưa hiểu tại sao phải bỏ quân đoàn 2. Xác người chết bị đạn hất tung hai ba lần như trong một bản nhạc của người họ Trịnh đã viết. Tôi sẽ thăm lại Đồng Tháp Mười,thăm những con kênh xẻ ngang dọc như bàn cờ mà ở đó ngày ngày tôi đều bị đĩa hút máu và phải lao động khổ sai, tai phải luôn nghe những lời chửi mắng của bọn chịu trách, cai tù. Tôi có thực hiện được điều mà lòng tôi mong muốn? Tôi phải tin tưởng cờ vàng rồi sẽ bay trên suốt dải đất quê hương ...vào một ngày không xa lắm. Viết tại Kỳ Đà Động, Quí Xuân 2003 |