Áo trắng Nguyễn Hoàng |
Tác Giả: Vũ Như Phong-Châu (Nepean, Ontario) |
Thứ Bảy, 18 Tháng 4 Năm 2009 14:17 |
(Viết cho Quảng Trị trong mùa Tháng Tư Ðen ) Mỗi lần Tháng Tư trở lại hay bất kỳ lúc nào trong năm, nếu cứ thấy con số 30-4 là lòng tôi lại xốn xang, ray rứt. Hồi ức về những ngày cuối cùng của Miền nam, và trước đó của Mùa Hè Ðỏ Lửa, của Tết Mậu Thân, lại dồn dập trở về trong tâm tưởng, sống động như mới xẩy ra ngày hôm qua, với tất cả những nỗi lo sợ, hoang mang, hy vọng rồi tuyệt vọng, uất ức và buồn tủi. Tháng Ba vừa rồi, tôi được một người bạn cũ từ thời học Ðệ Tứ tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng niên khóa 1954-55 gửi cho mấy bài thơ liên quan tới một tà áo trắng của một cựu nữ sinh trường này, khiến tôi nhớ tới tỉnh địa đầu nghèo khó và tang thương này vô kể và thôi thúc tôi ghi lại những hồi ức về nơi mà tôi đã sống một thời gian hạnh phúc nhất của thời mới lớn. Trước khi nói về mấy bài thơ đã ra đời trong tường hợp nào, tôi xin được phép viết về Quảng trị - đặc biệt là trường Nguyễn Hoàng - thành phố đầu tiên tôi tới ở sau khi di cư vào Nam. Thời gian sống ở đây không lâu, nhưng đúng lúc tôi đang tuổi lớn và bắt đầu biết suy nghĩ, nên đã góp tạo nên tâm thức tôi, ảnh hưởng tới tôi suốt đời sau này. Lần cuối cùng tôi về thăm Quảng Trị cách đây đã gần năm mươi năm, nên những hồi ức chắc chắn có những chi tiết thiếu chính xác, và dĩ nhiên là rất chủ quan. Do đó, Quảng Trị ở đây không phải là một Quảng Trị có thật, nhưng là một Quảng Trị rất sống động và vô cùng thân thiết của tôi. 20-7-54: Ðất nước bị chia đôi. Tháng 9 năm đó, ba tôi được sự vụ lệnh thuyên chuyển về Ty Tiểu Học Quảng Trị. Ðúng đêm Rằm Tháng Tám, chúng tôi tới Quảng Trị. Cuộc sống gia đình tôi lại trở về nếp cũ. Ba tôi đi làm, mợ tôi tiếp tục đóng vai nội tướng, anh lớn tôi vô Huế học nốt trung học tại trường Khải Ðịnh, cũng như khi còn ở ngoài Bắc, anh tôi đi học ở Hà Nội còn gia đình tôi ở Hải Phòng. Tôi được vào học lớp Ðệ Tứ trường Trung Học Nguyễn Hoàng, lớp cao nhất của trường thời ấy. Trường Nguyễn Hoàng cũ thời đó nằm đối diện Ðình Thạch Hãn, sát bờ sông Thạch Hãn, cheo chéo bên kia sông xa tít là Làng Ái Tử, nơi năm xưa Chúa Nguyễn đã có thời đóng quân. Ngược dòng sông về phía tây tận đầu tỉnh, cây cầu sắt độc nhất bắc qua sông dành riêng cho đường xe lửa ra Ðông Hà. Giống như những con sông khác ở miền Trung, sông Thạch Hãn không sâu, trừ vài chỗ sát bờ bị lở, còn bên bồi về phía tả ngạn thì thoai thoải. Về mùa khô, lòng sông cạn, nổi lên nào bãi nào cồn. Một trong những cái thú của tôi thời đó là bơi qua cồn ở giữa sông khi nước cạn, lượm chem chẻm nằm ngổn ngang trên bãi hay dưới một lớp cát mỏng, đem về nấu cháo ăn thỏa thích. Nhưng tới mùa lũ khi nước nguồn đổ về thì Thạch Hãn thật hùng vĩ và hoang dại. Mỗi lần ra đứng bên dòng sông nhìn nước cuồn cuộn chẩy về phía Triệu Phong, là y như tôi lại cảm thấy sợ hãi không đâu. Lúc đó lòng sông nhìn xa mút tầm mắt, làng Ái Tử chỉ còn nhỏ xíu và trông như ngâm mình dưới nước. Nước chẩy thật xiết thành nhiều dòng song song hoặc xuyên chéo nhau, với những thân cây to lớn lao đi vùn vụt, tới những chỗ lõm của bờ sông thì quay vòng vòng trước khi tiếp tục phóng mình về xuôi. Tuy mãnh liệt như vậy nhưng dòng sông không ồn ào như mấy con thác nhỏ. Nếu rời bờ sông bước qua phía bên kia đường, đứng sát hàng rào Tòa Tỉnh Trưởng, bạn có cảm tưởng dòng sông thật êm đềm. Sau này lớn lên, mỗi lần yêu một người con gái nào, hình như tôi cũng có làm được một bài mà tôi gọi là thơ. Một trong những bài đó, viết cho một cuộc tình tưởng là vĩ đại nhưng cũng chẳng đi tới đâu cả, khi viết mấy câu chót, tôi đã nhớ tới dòng sông thời trẻ dại: Xin gửi cả cho em Những tiếng gọi thầm thì Tự trong lồng ngực mệt Mảnh hình hài đã hằn dấu vết Nhưng không dám một lần Gọi nhỏ Bằng tên. Xin gửi cả cho em Nỗi câm nín Của Dòng Sông Tháng Chín. Thạch Hãn. Tháng Chín. Mùa lũ. Bạn hãy đi dọc theo bờ sông về phía Chùa Phật Học để cảm thấy cái cuồng nộ câm nín của Dòng Sông Tháng Chín. Cũng trên con đường bờ sông này, một buổi sớm kia tôi đã chứng kiến buổi lễ xuất phát của tiểu đoàn lính đóng tại Tiểu khu, ly khai lên Ba Lòng lập chiến khu. Tôi chỉ hơi thắc mắc không hiểu sao lính Quốc Gia lại đi lập chiến khu. Mấy ngày sau các bạn tôi bàn tán xôn xao về các tin đồn liên quan tới những hình phạt mà những người lính này dành cho những người muốn đào ngũ hay bị nghi là nội gián cho chính phủ. Bọn tôi còn nhỏ, chỉ thích được nghỉ và nghe chuyện giật gân, náo nức đó rồi cũng mau quên, vài bữa sau coi như không còn nhớ gì nữa. Trường Nguyễn Hoàng cũ nằm ngay trong tỉnh, gần bờ sông, chứ không phải ngôi trường lớn hai tầng được xây sau này ở ngoài đầu tỉnh, gần Quốc Lộ 1 đi về hướng Huế. Trường tôi chỉ gồm có hai dãy nhà trệt xếp theo hình chữ L, giữa sân có cột cờ, chung quang trường có hàng rào kẽm gai sơ sài. Lớp tôi nằm sát phòng giáo sư và văn phòng thầy hiệu trưởng. Không hiểu nhà trường sắp lớp tôi gần văn phòng là vì ít ồn ào hơn mấy chú Ðệ Thất hay là để tiện “ đáp ứng khẩn cấp.” Thầy cô chúng tôi thuộc hai thế hệ rõ ràng. Thế hệ trung niên gồm thầy hiệu trưởng Tôn Thất Dương Kỳ dạy sử địa, thầy Lê Ðình Ngân dạy Pháp văn, thầy Thái Mộng Hùng dạy Việt văn. Thầy Hùng sau này lên làm hiệu trưởng. Thế hệ thanh niên gồm hai cô vừa đậu xong Tú tài 2 ở Huế, cô Bích dạy lý hóa và vạn vật, cô Xuân dạy toán. Thầy Chương mới đậu Tú tài 1 ở Hà Nội, di cư cùng với gia đình tôi. Vì không còn môn nào khác nên thầy phải dạy môn Anh văn, môn sinh ngữ phụ của thầy hồi đi học. Anh văn của thầy vốn liếng ở mấy cuốn Anglais Vivant, nay phải dạy dịch Anh-Việt,Việt-Anh. Vì thuê nhà ở chung và hai gia đình thân nhau nên thầy coi tôi như em, cứ tới ngày phải đi dạy là thầy than khổ. Cũng may thầy có một cuốn bửu bối về luyện dịch mà tôi không nhớ của tác giả nào, nên xài dần cũng đủ hết niên học. Thời giờ tôi học với thầy thì ít, mà ngồi nghe thầy chơi đàn guitare Hạ Uy Di thật mùi, đi câu hay bơi qua cồn bắt chem chép về nấu cháo, thì nhiều. Bạn bè trong lớp theo tuổi tác cũng có thể chia thành ba nhóm: bọn tôi thuộc loại nhỏ nhất, nhóm đông nhất trên chúng tôi hai ba tuổi, nhóm trưởng lão chỉ có hai ba anh, tuổi bằng hoặc hơn cả mấy thầy cô thanh niên. Anh lớn nhất vừa to vừa cao, sống ở nhà quê. Nghe nó anh đã có vợ con, bọn này hỏi, anh chỉ cười. Vì đã lớn tuổi nên anh học rất “gạo”, chắc để bù lại thời gian sống ngoài hậu phương không được học liên tục. Bài tập toán lý hóa đem về nhà làm, giải không được là chúng tôi chạy lại anh, bảo đảm là mọi việc đều xong cả. Sau này anh lên đại học, chọn ngành Sư phạm. Mấy chục năm không gặp nhau, khi gặp lại là vào giữa thập niên 80, khi tôi đi xem đá bóng tại sân Cộng Hòa Saigon. Có vé mà phải chen vô cổng mệt gần chết, lúc vào được trong sân đang đứng thở thì thấy anh. Trông anh khắc khổ hơn, tôi thấy ngài ngại vì anh đội nón, áo bỏ ngoài quần và đi guốc. Anh cho biết đang làm “giám hiệu” một trường trung học “mũi nhọn” ở thành phố. Một anh lớn khác nữa là anh Ngại. Nhớ tới anh tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi. Anh đi theo kháng chiến cho tới hết chiến tranh, nhưng không tập kết ra Bắc. Anh về nhà, đi học lại. Khi đó anh lớn hơn tôi tới gần chục tuổi, người gầy yếu, môi thâm, da và mắt vàng vì bệnh số rét kinh niên. Anh hay kể cho tôi nghe những ngày ở hậu phương, về các văn nghệ sĩ bạn bè của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và phản ứng của họ khi người nhạc sĩ này bỏ về thành. Anh kể cho tôi nghe rất nhiều về nhạc sĩ Hoàng Nguyên, sau này nổi tiếng ở miền Nam với những bài ca sặc mùi “lãng mạn tiểu tư sản.” Thầy Hùng dạy tôi Việt văn, cũng kể cho tôi nghe về nhạc sĩ này khi anh về thành và đi học lại ở Huế. Tuy học cùng lớp nhưng khả năng Việt văn của anh đáng bậc thầy, ngoài giờ học anh thường giảng bài cho các bạn học, nhất là mấy chị. Nhạc sĩ tài hoa này mất rất trẻ khi anh là sĩ quan QLVNCH. Trong một lần đi công tác ở Miền Tây, anh đã tử nạn khi chiếc xe jeep của anh bị lật. Dĩ nhiên những gì anh Ngại kể cho tôi nghe về nhạc sĩ Hoàng Nguyên phải là từ trước năm 1954. Anh dạy tôi mấy bài hát của cố nhạc sĩ này, đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc gần hết. Những bài hát này rất hay, và lắm lúc tôi tự hỏi không biết có ai khác còn nhớ hay biết không. Những bài hát phơi phới tuổi thanh niên, tha thiết tình quê hương, xa gia đình đi cứu nước. Những bài hát này làm ở ngoài Khu nên dĩ nhiên không thích hợp để được phổ biến ở miền Nam. Sau này nghĩ lại, tôi thấy việc nhạc sĩ Hoàng Nguyên trở về thành là điều cũng dễ hiểu. Bản chất thông minh, đôn hậu và giầu tình cảm buộc anh phải lựa chọn. Nếu ở lại chiến khu rồi tập kết ra Bắc, chắc chẳng bao giờ anh có thể viết ra “Ôi, mầu hoa đào, mầu hoa đào, chiều xuân nào. Ôi, mầu hoa đào, mầu môi hồng người mình yêu.” Xa xóm làng quê hương Lưu luyến chiều bên đường Nhớ thương hoài vương vương. Anh đi cho lúa xanh mầu Cho khoai bén ngọn Cho giàn bầu thêm hoa Ðây dốc ngược Cầu Nhi Ðây bến đò Ba Lòng Tiếng ai hò trên dòng. Niên học sau, bọn tôi kéo nhau vô Huế học tiếp Trung học đệ nhị cấp ở Trường Khải Ðịnh, sau là trường Quốc Học Ngô Ðình Diệm, cuối cùng là trường Quốc Học. Tết năm đó tôi về Quảng trị ăn Tết, ba tôi nói có người tên Ngại tới Ty Tiểu Học xin dạy, và có nhắc tới thời gian học cùng với tôi. Ba tôi hỏi bạn cùng lớp mà sao lớn tuổi vậy. Thời gian sau đó tôi không gặp lại anh, và năm sau nữa khi về Quảng Trị nghỉ hè, tôi được một chị bạn học cũ tới rủ đi viếng Ngại, vì hôm đó là ngày mở cửa mả của anh! Làng anh là nơi bưng biền với những mái tranh nghèo nằm tản mát bên những bụi cây, đụn cát, giới hạn bởi những cây bần mọc bao quanh vùng sình lầy. Tuy gần Diên Sanh nhưng anh nói trong suốt thời chiến tranh, lính Pháp rất ít khi tới vùng này. Thăm mộ anh xong chúng tôi được chị anh mời về nhà. Căn nhà ba gian trống trải, gian giữa là bàn thờ, ảnh trên bàn thờ nhiều hơn ảnh treo ở những chỗ khác trong nhà. Chị mở lồng bàn đậy chiếc mâm gỗ đặt trên một cái bàn mộc kê trước bàn thờ. Trên mâm là một đĩa xôi đậu phộng và dăm đĩa nhỏ bầy thịt, tim gan heo. Chị mời chúng tôi ngồi vào bàn và nói : - Chả mấy khi, mời mấy em thời (ăn) cho vui. Tôi mủi lòng vì vẻ mộc mạc chất phác của chị. Ở vùng đất toàn cát đá này không biết người dân làm gì để mưu sinh. Những đĩa thịt kia chắc chắn chỉ xuất hiện trong những dịp quan hôn tang tế. Vì quanh năm lo đói, nên cứ có ăn là vui rồi. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nên ngôn ngữ cũng phản ánh xã hội. Tôi không biết ở ngoài Bắc, nhất là ở thôn quê, người ta còn chào nhau bằng cách hỏi, “Bác đã ăn cơm chưa?” hay không. Hình ảnh của chị làm tôi nhớ tới những người đàn bà ở vùng Gio Linh. Hè 1955, tôi và mấy người bạn đi cắm trại ở vùng gần giới tuyến này. Tuy vùng này đất đỏ phì nhiêu nhung tôi chỉ thấy có khoai với sắn. Ðêm nằm trong lều thỉnh thoảng nghe tiếng trẻ con khóc. Sáng ra chỉ thấy những người đàn bà và người già cặm cụi làm việc trên nương rẫy. Ðàn ông thanh niên đi đâu hết? Không còn là thời mà tôi có thể gặp được “Bà Mẹ Gio Linh,” nhưng vẫn còn là lúc mà tôi nghe được “Tiếng o nghèo thở dài, vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.” Tôi muốn được ở đây cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã gieo những hạt giống tình yêu quê hương vào tâm hồn tôi từ trước năm 54 qua những bài Nương Chiều, Về Miền Trung, Tình Ca, Quê Nghèo... Thời cuộc đã đưa đẩy tôi tới sống ở vùng này, và cho tôi cơ may được rung động với những cái đã từng làm người nhạc sĩ xúc động và viết ra được một số bài hát bất hủ. Lúc đó là thời vàng son của chúng tôi. Hòa bình. An ninh tuyệt đối. Về mùa nắng, hầu như cuối tuần nào chúng tôi tổ chức đi chơi hoặc đi cắm trại. Mọi thứ cần thiết chất đầy lên ba-lô rồi cả bọn nhẩy lên xe đạp. Chúng tôi về làng của một người bạn nào đó, hoặc chọn một địa điểm nào đẹp có đồi núi, hoặc bờ biển, để cắm trại, như La Vang, Ðông Hà, Gio Linh, Cửa Việt... Sau này, cùng với cổ thành Quảng trị, một vài chỗ kể trên đã là địa danh của những trận đánh long trời lở đất. Có lần chúng tôi cắm trại trên đồi sim còn ngang dọc những giao thông hào ở La Vang. Ðêm tối đen nhưng trời đầy sao, nhìn về phía Quảng trị là cả một vùng sáng. Tôi không thể không nhớ tới câu hát “làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi.” Cửa Việt với bãi cát vàng chạy mút tầm mắt. Tiếng sóng biển rì rầm hòa với tiếng phi lao reo vi vu. Hè thì nóng khủng khiếp, nhất là vào lúc có gió Lào. Quê của Ðặng Hữu Xứng ở đây. Một lần vào Mùa Hè tôi đã ra Cửa Việt ở lại nhà Xứng mấy ngày. Giường phản, cửa vách nhà anh dù làm bằng gỗ mít cũng cong lên vì nóng. Ðêm đến gần về sáng chúng tôi mới chợp mắt được một chút. Ai có thể ngờ được là hai mươi năm sau, chính Xứng đã chỉ huy một thiết đoàn, lái M48 quần thảo với T54 của Bắc quân ngay trên quê hương mình. Không biết hiện giờ Xứng ở đâu. Lần cuối cùng chúng tôi gặp lại nhau là ở Saigon sau năm 75. Anh là người bạn độc nhất mà tôi biết đã không chịu trình diện học tập cải tạo hoặc là đã trốn trại. Trong đám học sinh Nguyễn Hoàng là bạn bè của em tôi sau này, có một “nhân vật” rất nổi tiếng. Người to cao, giọng khàn khàn, La Cao, trong thời kỳ đất nước sôi bỏng nhất, đeo lon Trung úy Biệt Kích 81. Tại mặt trận An Lộc,Việt Cộng đã treo giải cái đầu anh hai triệu đồng. Lực lượng anh cũng được phái tới giành lại thành phố Quảng Trị, tiêu diệt hết những tên cố thủ trong cổ thành mà bom laser cũng không làm gì nổi. Sau cái ngày thành phố hoang tàn này hoàn toàn do ta làm chủ và chúng ta hân hoan hát câu “Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu” một thời gian, La Cao có ghé thăm gia đình tôi tại Saigon. Cao nói với ba tôi: - Thưa cậu, không còn một ngôi nhà nào đứng vững ở Quảng trị. Con nhìn mãi mới nhận ra chỗ trước đây là tiệm thuốc tây Trần Hưng Ðạo của cậu ở đầu chợ Quảng Trị. Từ đó, con có thể trông thấy một phần còn lại của trường Nguyễn Hoàng ở ngoài đầu tỉnh. Sau này, trong thời gian học tập cải tạo, nghe kể anh có đánh nhau cả với quản giáo. Hiện giờ La Cao đã định cư ở Hoa Kỳ theo diện H.O. Bạn học thân nhất với tôi thời đó là Thái Tăng Huy. Anh là em thầy Hùng dạy tôi Việt văn. Ba anh và ba tôi cùng làm việc tại ty Tiểu Học. Mỗi tháng chúng tôi phải làm hai bài luận, và Huy đã cho tôi một niềm vui đặc biệt là bí mật cho tôi biết điểm trước khi thầy trả lại bài. Huy không thuộc nhóm bạn đi trại với tôi, nhưng chúng tôi lại có một cái thú khác là mấy ngày trước Tết, hai chúng tôi đạp xe về quê anh ở quận Cam Lộ, ở lại đó một ngày một đêm rồi mới trở về thành phố ăn tết. Chúng tôi thường lên đường từ sáng sớm. Ðạp một lèo tới Ðông Hà, quê của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, rồi mới nghỉ chân. Thị trấn toàn gió với cát này chỉ có vài dãy nhà nằm bên Quốc Lộ 1 và Ðường Số 9 chạy ngược lên phía Khai Sanh và Lao Bảo rồi qua Lào. Mùa Hè gió Lào nóng như hun ào ào thổi xuống, làm đá chạy cát bay mù mịt trên mặt lộ. Vì đi vào dịp cuối năm nên dễ chịu hơn nhiều. Nghỉ ngơi ít phút xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Lần này đi theo Ðường Số 9 và khoảng gần trưa thì chúng tôi tới Cam Lộ. Trong ký ức tôi, nơi này không có gì đặc biệt. Mật khu Ba Lòng ở gần đó nhưng chúng tôi đã oải quá nên không bao giờ nghĩ tới chuyện đạp thêm một chặng đường nữa để tới thăm. Bù lại, H. dẫn tôi tới một địa danh nổi tiếng là Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi tới lập Chiến Khu chống Pháp. Di tích còn lại là một đoạn tường thấp mà người ta bảo là một phần của chiến lũy, nằm ẩn mình trong đám bụi rậm và cây rừng. Nhìn quang cảnh điêu tàn và nhớ lại hình ảnh quắc thước của vua Hàm Nghi trong cuốn Việt-nam Sử Lược, tôi thấy bùi ngùi đồng thời lấy làm hãnh diện vì tiền nhân, vì nước mà hy sinh cả ngai vàng, chịu sống kiếp lưu đầy. Cam Lộ ngày đã buồn, đêm lại càng buồn hơn. Cơm nước xong, sau khi lên đèn là cửa đóng then cài, đề phòng “ ông kễnh “ về làng bất tử. Bọn tôi dân thành phố nên không được đi theo mấy người đi săn đêm, sợ làm vướng cẳng. Thay vào đó, sáng sớm ra là chúng tôi đã náo nức đi xem thú rừng săn được. Có lần được rờ bộ lông óng mượt của một chúa sơn lâm to bằng con bê lớn, dĩ nhiên là đã chết từ đêm hôm trước.. Học xong trung học, tôi vào Saigon học tiếp và ít liên lạc với Huy. Tới đầu thập niên 70 tôi mới gặp lại anh. Lúc đó hai đứa cùng đi dạy học và đã có gia đình đùm đề. Rồi tới tháng 4-75, Huy thoát được qua Mỹ, còn tôi kẹt lại thêm 14 năm nữa mới được trở thành “khúc ruột ngoài ngàn dặm.” Thế rồi chúng tôi liên lạc lại được với nhau. Trong dịp Tết vừa rồi, qua điện thoại Huy đã đọc cho tôi nghe mấy bài thơ liên quan tới Quảng Trị. Tôi thật xúc động vì chúng không những gợi cho tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm về thành phố này, mà còn khơi lại bao nỗi xót xa khi nghĩ tới cảnh tàn phá mà đất nước đã hứng chịu. Tới Tháng 4 thì tôi cảm thấy càng bị thôi thúc phải viết một chút về những kỷ niệm xưa và ghi lại mấy bài thơ thật đẹp và buồn về phần đất này. Tôi điện thoại hỏi xin và được Huy chuyển cho qua điện thư. Năm 1999, thầy Hùng nhận được thư của một đồng hương chưa quen là Nguyễn Hữu Kiểm. Anh Kiểm, nhân một chuyến đi mua nông sản ở vùng quê Bà Rịa, đi ngang qua một khu vườn, tình cờ trông thấy một tà áo trắng phơi trước sân nhà ai. Lại gần, anh nhận ra đó là áo dài trắng đồng phục có khâu bảng tên của một nữ sinh trường Nguyễn Hoàng ngày xưa. Chủ nhân chiếc áo này đã là một phụ nữ trung niên nghèo khó. Anh bàng hoàng, vì tuy lam lũ trong công việc ruộng rẫy, sau bao năm gian khổ, người phụ nữ vẫn còn lưu luyến một thời áo trắng. Xúc cảnh sinh tình, trên đường đạp xe về nhà, anh đã hoàn thành bài thơ dưới đây. Áo Trắng Nguyễn Hoàng Tuổi dại thuở nào áo trắng bay, Ði về lướt thướt dưới heo may. Phố xưa Quảng trị đâu rồi nhỉ? Bạn cũ Nguyễn Hoàng hỡi có hay! Sách vở đã xa từ dạo ấy, Ruộng vườn theo mãi đến hôm nay. Mái đầu điểm trắng bàn tay trắng, Áo trắng xưa còn cất mãi đây. Linh Ðan Nguyễn Hữu Kiểm Thầy Hùng đã làm bài xướng thứ 2 để kể câu chuyện cho có đầu có đuôi. Áo Trắng Nguyễn Hoàng Rong ruổi miền quê một sớm mai, Phất phơ áo trắng giữa vườn ai. Ðôi tà trinh bạch mầu như mới, Hai chữ Nguyễn Hoàng dấu chửa phai. Trường cũ đã xa từ dạo ấy, Áo dài còn giữ đến hôm nay. Xốn xang hồi ức thời thơ mộng, Thơ thẩn đường về mắt thoáng cay. Thái Mộng Hùng Và thầy làm luôn bài họa: Áo Trắng Nguyễn Hoàng Thấp thoáng vườn ai áo trắng bay, Phất phơ theo gió ngọn heo may. Trinh nguyên mầu trắng em còn giữ, Phai nhạt tuổi hồng ai có hay? Man mác u hoài năm tháng cũ, Ngổn ngang hồi ức buổi hôm nay. Tha hương mấy độ thu rồi nhỉ, Áo trắng trường xưa vần trắng đây. Thái Mộng Hùng Như đã nói ở trên, nhờ mấy bài thơ này mà tôi có dịp viết về những kỷ niệm và tình cảm của tôi dành cho thành phố nghèo và bị tàn phá thành bình địa trong cuộc chiến. Tỉnh địa đầu này thời nào cũng có địa danh nổi tiếng, điều đáng buồn là phần lớn chỉ nhờ chiến tranh. Mùa Hè Ðỏ Lửa, trận đánh giành lại thị xã và Cổ Thành, đoạn đường dài khoảng ba cây số trên Quốc Lộ 1 từ Ga Quảng Trị tới Cầu Nhồng đột nhiên được cả thế giới biết đến với tên Ðại Lộ Kinh Hoàng khi trọng pháo và bộ binh Bắc quân say sưa tàn sát, không phân biệt quân đội với thường dân, khi những người này triệt thoái khỏi Quảng trị. Cũng trên Quốc lộ này, cách vài chục cây số về hướng nam giáp với Thừa Thiên, trước năm 54 đã có Dẫy Phố Buồn Thiu nổi danh thế giới qua một ký sự chiến tranh Việt-Pháp của Bernard Fall. Tôi nghĩ người dân Quảng Trị không muốn nổi danh theo kiểu này. Tôi cũng nghĩ một người Việt Nam bình thường ai cũng lấy làm hãnh diện về các vị anh hùng dân tộc từ Trưng, Triệu, tới Hưng Ðạo, Lê Lợi, Quang Trung và biết bao anh hùng liệt nữ vô danh khác đã có công hoặc hy sinh thân mình gìn giữ đất nước, thà chết chứ không chịu để mất một tấc đất đo tiền nhân để lại, chứ chẳng muốn làm dân một nước bị ngoại bang chèn ép mà cứ vỗ ngực “ra ngõ là gặp anh hùng!” Hiện trạng đất nước là một thực tế buồn. Những công trình xây cất dầy hào nhoáng quả là một thứ “phồn vinh giả tạo,” càng làm nổi bật lên sự cách biệt khủng khiếp giữa người giầu và người nghèo, và cái giầu ở đây đi đôi với quyền lực thống trị. Nhưng cái nghèo đáng sợ nhất là cái nghèo tinh thần. Cả một dân tộc mạnh ai người nấy sống, phương tiện nào cũng tốt, miễn sao đừng để “chúng nắm được đầu.” Chỉ cần đơn cử một câu nói trong dân gian, “Lương nào cũng sống được hết, trừ lương thiện.” Căn bản đạo đức không có thì khó có được sức mạnh tinh thần. Vì vậy, khi chính quyền vi phạm nhân quyền, đàn áp tông giáo và ngay cả nhường đất và lãnh hải cho ngoại bang, thì cũng chỉ có rất ít so với toàn thể dân số, lên tiếng và có hành động phản đối. Mà đau đớn hơn nữa là khi có được một nhóm thanh niên và sinh viên biểu tình phản đối gần Sứ quán Trung Quốc thì đã bị công an đàn áp thẳng tay. Trong nỗi ray rứt đó, bài này được viết ra không phải chỉ riêng cho những người phải bỏ xứ ra đi, hay cho “tà áo trắng năm xưa” đã phải lưu lạc vào Nam làm ruộng rẫy, hoặc cho các tác giả mấy bài thơ trên hiện đang làm kẻ lưu đầy ngay trên quê hương mình, mà cho tất cả các tà áo trắng, áo đen, áo nâu sồng, và cả một dân tộc từ hơn nửa thế kỷ đã chịu bao đau khổ và bị lường gạt, để đến hôm nay vẫn còn phải sống trong một xã hội không xứng với sự hy sinh của mình. |