Home Văn Học Khảo Luận Ngày Xuân, Với Bài Thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên

Ngày Xuân, Với Bài Thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Chánh Thiêm   
Thứ Hai, 07 Tháng 2 Năm 2011 19:31

Người Việt nam yêu văn thơ không ai lại không biết bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên.

Bài thơ này đã được các sách, báo xưa nay từ trong nước đến hải ngoại cho đăng lại nhiều lần, nhất là mỗi độ Xuân về. Văn điệu, âm vận, thể loại và nội dung của bài thơ có một giá-trị nên từ trước đến nay được nhiều giới, nhiều người tán thưởng. Nó xuất hiện trong nhiều thư phẩm, lưu-truyền trong dân gian một cách phổ-quát, ngay cả nhiều người chưa từng được đến trường một ngày nào cũng thuộc. Bài thơ Ông Đồ “đầu tiên” của Vũ Đình Liên như sau:

 

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Nhưng mỗi năm một vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Bài thơ được nhiều ngươi thuộc lòng nhưng thường ít rõ về thân-thế tác-giả cùng hoàn-cảnh bài thơ được sáng tác. Trong phạm-vi bài nầy, người viết chỉ sơ-lược qua hai điểm trên nhưng đề-cập đến những bài thơ Ông đồ do Vũ Đình Liên sáng-tác sau nầy, những bài thơ mà tác-giả gọi là ông đồ mới để chúng ta biết rõ hơn về con người của tác-giả. Ngoài ra, nhân đây cũng nêu lên vài điểm liên-quan đến chiến dịch Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, còn được gọi là vụ “Nhân Văn Giai-phẩm” như một giai-thoại văn-chương và chính-trị vì có liên-quan đến các nhà văn miền Bắc thời bấy giờ.

1. Sơ lược thân-thế tác-giả:

Vũ Đình Liên sinh ngày 12-11-1913 tại phố Hàng Bạc, Hà-Nội. Hoc xong bậc Tiểu-học tại trường phố hàng Vôi, sau khi đậu Tú-Tài ở Collège du Protectorat (trường Trung-học Bảo-hộ, ở Thụy-Khê, tục danh là làng Bưởi nên còn gọi là trường Bưởi, sau này đổi thành Chu-Văn-An), ông ghi danh học trường Luật ở Hà-Nội một thời-gian nhưng rồi bỏ ngang để đi dạy tư và tham-gia vào làng báo.

Bài thơ “Ông đồ” được đăng lần đầu tiên trên báo Tinh-Hoa xuất-bản ở Hà-Nội số Xuân Đinh Sửu 1937. Tuần báo Tinh Hoa xuất-bản vào ngày Thứ Bảy, do ông Đoàn Phú Tứ làm Chủ-nhiệm và Vũ Đình Liên làm chủ bút kiêm quản-lý.

Ông Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10/9/1910 tại Hà-Nội, đậu Tú-Tài Pháp, là nhà thơ và nhà soạn kịch; ông lập đoàn kịch Tinh-Hoa. Ông mất năm 1989. Tinh Hoa phát-hành số đầu vào ngày 13-3-1937, ra được 13 số thì đình bản vào tháng 7-1937. Sau khi Tinh Hoa đình bản, Vũ Đình Liên chủ-trương tuần báo chuyên về giáo-dục Revue Pédagorique nhưng không được mấy số cũng đình bản. Đến năm 1940, ông làm Tham-tá sở Thương-Chính Bắc-Kỳ. Sau tháng 8-1945, ông bỏ ngành và về dạy học. Năm 1946, họ Vũ tham-gia kháng-chiến trong Hội Văn-nghệ Cứu quốc Liên-khu 3, gia-nhập Đảng Cộng-sản vào năm 1951, sau đó dạy học và biên soạn sách cho chế-độ Hà-Nội.

2. Xuất xứ bài thơ và sự nghiệp thơ của tác-giả.

Bài thơ ra đời trong những ngày áp Tết Đinh-Sửu (tháng 2-1937). Một hôm Vũ dạo chợ Tết, đi ngang qua đền Ngọc-Sơn, thấy mấy ông đồ trải chiếu bên vệ đường để “bán chữ thánh-hiền” mong được “chút dư lộc”, kiếm tí tiền tiêu Tết, vào lúc mà xã-hội đã “vứt bút lông đi, giắt bút chì”. Nơi đây, Vũ chứng kiến cái cảnh “khách” không còn tha-thiết đến chuyện trang hoàng nhà cửa với những câu đối, bức hoành, bức phi như những ngày Nho học còn thịnh-hành nữa cho nên không-khí vắng-vẻ bao trùm quanh các ông đồ. Đêm về, Vũ sáng tác bài thơ này nhưng không đăng lên báo, thời-gian sau mới đăng trên báo Tinh-Hoa.

Ngoài mấy bài thơ đăng trên Tinh-Hoa, Vũ đình Liên còn có ít bài đăng trên tờ Phong-Hóa; tuần báo Phụ-nữ Thời đàm (Journal pour les Femmes et les Jeunnes Filles, do Nguyễn Thị Đa làm chủ-nhiệm, số ra mắt ngày 17-9-1933, được 26 số thì đình bản vào 5-6-1934) và tuần báo trào-phúng Loa (ra ngày thứ Năm hàng tuần, xuất-bản tại Hà-Nội, do Phan Trần Chúc làm quản-lý, số đầu tiên phát-hành vào 8-2-1934; được 103 số thì đóng cửa vào tháng 2-1936). Số lượng thơ của Vũ Đình Liên sáng-tác không quá 25 bài. Ngoài ra ông còn dịch thơ cổ-điển và cận-đại của Pháp, soạn vở kịch “Nàng Mỵ-Ê” nhưng không được mấy người biết đến vì không hay. Khi ông Vũ Trọng Phụng, một bạn học của ông qua đời, Vũ điếu bạn mình bằng mấy câu thơ:

Thiên cổ văn hào anh Phụng ơi!
 Ai hơn anh tha thiết tình người
 Một thân mang cả muôn vàn nghiệp
 Một phận đội chung vạn ức đời.

Bài thơ đầu tiên của Vũ Đình Liên là bài “Đứa trẻ ăn mày” được đăng trên tuần báo Phụ-Nữ Thời-Đàm, bài thơ không có gì xuất-sắc nên không được nhắc đến. Riêng bài “Ông Đồ” có được một chỗ đứng trên vàn đàn Việt-Nam thời bấy giờ. Trong cuốn Thi Nhân Việt-Nam xuất-bản tại Huế vào năm 1941, hai ông Hoài-Thanh (Nguyễn Đức Nguyên) và Hoài-Chân (Nguyễn Đức Phiên) nhận xét:

-“Vũ-Đình Liên đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông Đồ. Ông đồ mỗi năm đến mùa hoa đào lại ngồi thuê viết bên đường phố. Ông chính là cái di-tích tiều-tụy đáng thương của một thời tàn. Ít khi có một bài thơ bình-dị mà cảm-động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám-hối của cả bọn thanh-niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế-diễu họ quê mùa, mạt-sát họ hủ-lậu. Cái cảnh thương-tâm của nền Nho học lúc mạt vận chúng ta vô tình không lưu ý. Trong  bọn chúng ta vẫn có một hai người ca-tụng đạo Nho và các nhà nho. Nhưng chế-diễu mạt-sát không nên mà ca-tụng cũng không được. Phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương. Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”.

Ông Hoài Thanh còn cho biết hai nguồn thi cảm chính để Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ nầy là “lòng thương người và lòng hoài cổ”. Khi nêu ra nhận xét nầy, khi đó, cả Hoài-Thanh lẫn Vũ-Đình-Liên là những văn nhân tâm-hồn chưa bị nhuộm đỏ bởi chủ-nghĩa Cộng-sản. Người làm thơ, tư-tưởng còn trong trắng nên hồn thơ có tình người; người phê-bình, tâm-hồn còn vô tư, còn nhận được cái hay cái dỡ nên những lời bình phẩm còn công chính, còn giá-trị.
 
Bài thơ trên được ông Fourniau dịch sang Pháp Văn và được Lý-Việt-Dũng dịch sang Hán văn với tựa “Lão Tú Tài” như sau:

Mỗi niên đào hoa khai,
Tổng kiến lão Tú tài
Truy nghiễn hồng tiên bãi
Thông cù nhân vãng lai.
 
Đa thiểu thị tự dã
Trách trách tiễn chu kỳ
Xảo bút nhất huy tựu
Như phụng vũ long phi.
 
Lãnh lạc niên phục niên
Cô khách hà mang nhiên?
Hồng tiên bi sắc thâm
Truy nghiễn sầu mặc kiên.

Tú tại do tại ty
Quá lộ hữu thùy tri
Tiên thượng hoàng diệp lạc
Thiên biến tế vũ phi.
 
Kim niên đào hựu tân
Bất kiến cựu thời thân
Trù tướng không hàng vọng,
Cổ hồn hà quy vân?

3. Những bài “Ông đồ mới” của Vũ-Đình-Liên

Sau khi gia-nhập vào Đảng Cộng-sản Việt-Nam (1951), Vũ Đình Liên biến thành một con người khác. Ông đã đem thân phục-vụ cho chính quyền nên tình-cảm cũng thay đổi, trái tim ông không còn biết rung-động, không còn tấm lòng thương người như thuở nào ông đã “cảm” cái mạt vận của Nho học qua hình-ảnh những ông đồ nữa. Được hưởng “ơn mưa móc” của chế-độ, những năm sau này, trong vài dịp Xuân về, Vũ Đình Liên sáng tác vài bài thơ với dạng điệu bài thơ Ông Đồ của thuở nào nhưng nội dung khác hẵn, được ông gọi là “ông đồ hiện-đại”, “ông đồ mới”.

Những bài thơ sau này kém hẵn so với bài đầu, ý tứ nghèo-nàn, lời lẽ kém tao-nhã, âm-điệu không có hồn, thiếu chất thơ, đã làm cho người đọc không còn dành cho ông sự cảm mến như thuở nào nữa nếu không nói là đáng chê trách; khinh thường tư cách của ông. Bài thơ ông làm trong dịp Xuân Giáp-Dần năm 1974 có tên: 

                 Thủy Chung.           

Năm nay đào lại nở
Chật đường chợ hàng hoa
Từ đáy sâu quá khứ
Ông đồ lại hiện ra

Sáng nay trời sớm tạnh
Nắng nằm trên giấy hồng
Một đám người ngồi cạnh
Có nhà thơ ngồi cùng

Tôi xin đôi câu đối
Cụ rọc tờ giấy điều
Bàn tay xưa viết nổi
Những nét chữ thân yêu.

Bài thơ “ông đồ” mới
Dưới bút cụ nổ ra
Tôi chân thành chép lại
Đánh dấu một mùa hoa...

Chỉ thêm lời ghi chú
Vần thơ xưa, thơ nay
Thủy chung một lòng cũ
Dù vui buồn đổi thay.

Với 23 tuổi đảng, Vũ Đình Liên đã ca tụng đảng mình bằng những lời lẽ nịnh bợ, tâng bốc rẻ tiền để nói lên lòng thủy-chung, một dạ một lòng của mình với đảng. Trong lúc một nửa đất nước rơi vào cảnh nghèo-khổ đói rách, chính-quyền đã bòn vét tất cả của-cải dân-chúng để cung-ứng cho chiến-trường miền Nam mà chính bọn chúng xua quân vào hòng chiếm nốt; trong lúc một phần quê-hương đang chìm đắm trong tang-tóc vì chiến-tranh do chính chế-độ mà ông phục-vụ gây ra nhưng ông nói hoa đào lại nở “chật đường”, phải chăng là những lời dối trá trơ-trẽn? Họ Vũ chép lại để đánh dấu một mùa hoa, phải chăng là “mùa hoa địa-ngục?”.

Tiếp đến, sau khi thôn-tính toàn miền Nam, chính-quyền Hà-Nội đã áp-dụng không biết bao nhiêu chính-sách thô bạo, tàn độc, dã-man trên vùng đất họ vừa cưỡng chiếm. Những chính-sách này đã đưa mấy trăm ngàn người vào các “đia-ngục trần-gian” (trại tù), đã đuổi bao nhiêu gia đình lên rừng sâu nước độc (kinh-tế mới), chiếm đoạt tài-sản của nhân-dân (đánh tư-sản mại-bản), bóc-lột sức lực thế-hệ thanh-niên (thanh-niên xung-phong), xua thanh-niên vào cõi chết trên đất Campuchia để thực-hiện ý đồ ngông-cuồng mà họ mệnh danh là “nghĩa-vụ quốc-tế”. Kết quả như chúng ta đã thấy, một miền Nam nói riêng và một nước Việt-Nam nói chung đã gánh chịu cảnh tiêu-điều, tang-thương, đau khổ, lạc-hậu, nghèo đói, dốt nát, bước những bước thụt lùi thật dài.

Vũ Đình Liên, kẻ đã biến thành một văn nô, đã coi những thảm cảnh đó của dân-tộc là “nguồn hạnh-phúc mới”, đã ca-ngợi “như cả ngàn mùa Xuân” trong bài thơ mang tên “Hạnh-phúc” được ông sáng-tác vào Tết Đinh-Tỵ 1977:

Năm nay đào nở rộ
Mừng Hội Đảng, Hội Dân
Bút ông đồ lại hoa
Những nét chữ đẹp, thân

Cờ biển ngập phố phường
Cành đào bay thắm đỏ
Như cả ngàn mùa Xuân
Nở hoa trên mỗi chữ

Thấy trong lòng say sưa
Dừng chân không muốn bước
Nghe đọc những vần thơ
Ngợi khen những nét bút

Xuân Cộng hòa Xã hội
Mai, đào tươi thắm hoa
Một nguồn hạnh phúc mới
Trào ngọn bút dòng thơ.

Nguồn hạnh-phúc mà Vũ Đình Liên ca tụng được trưng bày bằng những “cờ biển ngập phố phường”, chỉ là những lá cờ máu Cộng-sản, như Trần Dần diễn tả trong bài thơ “Nhất định thắng” có đoạn:
 
“Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ“.

Vũ Đình Liên ca tụng cờ đỏ thì được chế-độ Cộng sản Bắc Việt để yên, Trần Dần nói lên “màu cờ đỏ” thì bị bắt giam, bị khủng-bố đến nỗi ông đã phải cứa cổ tự tử trong nhà tù CS, điều nầy cho chúng ta thấy hai kết-quả khác nhau trong cùng một việc diễn tả màu cờ của chế-độ.
 
Đến mùa Xuân Nhâm-Tuất 1982, Vũ Đình Liên lại tâng bốc chế-độ đã làm đất nước Việt-Nam điêu tàn, nghèo khổ sau sau 7 năm chúng rêu-rao “chiến thắng, thống-nhất, tiến nhanh tiến mạnh...” với những lời thơ trong bài: “Nhân nghĩa”.

Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy bóng ông đồ,
Bày mực tàu giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa

Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không phai
Chữ nhân và chữ nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ nhân đạo thiên cơ.

Cách mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng thiện mỹ
Từ ngòi bút ông đồ

Cuộc “cách-mạng nhân-nghĩa“ của họ Vũ đã làm biết bao nhiêu gia-đình tan nát, đã đưa đất-nước vào cảnh suy đồi trên tất cả mọi mặt, đã đưa biết bao nhiêu người phải bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy nơi biển cả, phó mặc cho sóng gió, cho hải tặc, đem thân làm kẻ kẻ lưu-vong. Chung quanh Vũ, bao nhiêu người dân đói rét, lầm-than, đói khổ trong một xã-hội được xem là một “nhà tù lớn“ ngoài không biết bao nhiêu “trại tù nhỏ” chạy dài từ Bắc chí Nam đang giam giữ những quân cán chính miền Nam Việt-nam và những người bất đồng chính-kiến, Vũ Đình Liên không biết hay sao? “Nhân-nghĩa” hay “phi nhân-nghĩa”, chắc mọi người dân Việt-nam đều rõ, ngoài Vũ đình Liên và tập-đoàn cai-trị.
 
Vài năm sau, cũng trong một dịp Tết, đầu óc bệnh hoạn của Vũ Đình Liên đã lại cho ra một quái thai mới với những lời tâng-bốc trơ-trẻn, lố-bịch, cùng lối nịnh hót rẻ tiền trong bài thơ mang tên: “Mùa Xuân Cộng-sản”.
 
Một cây đào muôn thuở
Năm bốn mùa nở hoa
Một ông đồ bất tử
Tay với bút không già.

Hoa tươi màu sông núi
Chữ thắm tình quê hương
Cành đào và câu đối
Ngàn đời Tết Việt nam.

Nghiên bút xưa vẫn đợi
Tự ngàn năm bài thơ
Từ ngàn năm câu đối
Đảng sáng tác bây giờ.

Nghệ sĩ với ông đồ
Tình nước non vô tận
Như Đảng với bác Hồ
Hương đất trời Cộng sản.

Năm năm đào lại nở
Vui người mới, hồn xưa
Một mùa Xuân bất tử
Tươi nét lụa, lời ca.
 
Vũ Đình Liên chúc tụng chế độ bạo tàn nhất lịch sử đất Việt được “muôn thuở”, “bất tử”, “ngàn đời”, “vô tận”; Vũ mong ước “hoa” nở bốn mùa trên đất nước mà dân chúng đang rên xiết dưới ách cai-trị phi nhân của chế-độ mà Vũ thờ phụng. Một nhà văn, một nhà giáo, một người có học, có nhận thức, có mắt thấy tai nghe, có suy-nghĩ nhưng lại dùng ngòi bút của mình để đề cao cho chế-độ xấu-xa, tàn-bạo nhất với những lời lẽ trơ trẻn, vô liêm sỉ như họ Vũ là không thể chấp nhận được cho dù ông được chính-quyền Hà Nội tặng ông danh-hiệu “Nhà giáo nhân-dân” vào năm 1990.

Từ khi là một đảng viên Cộng-sản, Vũ đã đánh mất giá-trị của bài thơ “Ông Đồ 1937”, đánh mất niềm thương mến của những người yêu bài thơ đó, đánh mất luôn bạn bè đã từng yêu mến ông. Đó là hình phạt xứng đáng nhất dành cho ông và cũng là bài học cho bọn đón gió trở cờ, bọn mưu cầu lợi-ích cá-nhân mà quên đi lẽ thật.
 
4. Văn nghệ sĩ miền Bắc và chiến dịch “Trăm hoa đua nở”.

Ngoài Vũ Đình Liên, chúng ta thấy còn có nhiều văn nghệ sĩ khác cũng đem thân khuyển mã phục vụ cho chế-độ Cộng-sản hà-khắc, tàn bạo, chế-độ đã đưa dân-tộc Việt-nam vào chỗ nghèo đói, lạc-hậu. Trừ Tố-Hữu, “một vua của hạng bồi bút”, một văn nô của chế-độ với những lời thơ sắt máu mà ai ai cũng biết ra, còn có nhiều tên bồi bút tên tuổi khác như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân (1), Nguyên Hồng, Xuân-Diệu, Huy-Cận, Chế Lan Viên (2).

Điển hình, ta hãy nghe những lời Xuân Diệu, người cũng được liệt vào ngang hàng với Tố Hữu, vua bồi bút.

Với “lãnh tụ”, ông ta nịnh hót trơ-trẽn:

“Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời Bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người”.

Với nhân-dân, ông lớn tiếng hò hét:
                
“Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quỳ gục xuống, đọa-đày chết thôi”.

Với đảng, giọng ông nỉ-non thề thốt:
“Chúng con thề nguyện một lời,
  Quyết tâm thành khẩn ... lột người từ đây”.

và:     

Mẹ xưa chăm cháo, chăm cơm,
 Đảng nay nuôi nấng còn hơn mẹ hiền.
 Bệnh từ đời cũ liên miên,
 Đảng trong thức ngủ chăm liền sớm hôm..”

                         (Trước đây bốn tháng - 1953)

Riêng Huy Cận, ta hãy nghe những lời nịnh bợ, suy tôn “lãnh tụ” để kiếm một chỗ ngồi trong xã-hội:
            
“Hồn lạc chưa thờ riêng một chúa
 Yêu một người ta dâng trọn tình thương”.

Trong đám tay sai, bồi bút này, có kẻ nhiệt tình, cam tâm đem thân “khuyển mã”, làm tay sai, có người vì sợ chết do hèn nhát; có người muốn bám vào chế-độ để được vinh thân phì gia, muốn có chút quyền lực. Chính số văn-nghệ sĩ nầy đã là nanh vuốt, là tay sai cho Cộng-sản để tiêu diệt thành-phần đối kháng, những người chuộng tự-do, yêu hòa-bình, trọng lẽ phải, quyết bảo vệ quyền sống con người mà đại-diện là giới văn-nghệ-sĩ trong phong-trào Nhân văn giai-phẩm vào thập niên 1960 tại miền Bắc.

Và sau khi Cộng-sản thôn tính miền Nam, một số văn nghệ-sĩ tên tuổi miền Nam cũng đón gió trở cờ, cũng dùng ngòi bút của mình “bợ đỡ” chế-độ mới để mong có chút bổng lộc, không chịu thua bọn bồi bút miền Bắc. Bọn này đã quên đi vùng đất đã cưu mang họ, quên đi những người đã một thời yêu mến những gì chúngï đã sáng-tác, quay mặt với những người bạn cùng giới với chúng đã bị chế-độ mới đưa vào các trại tù khổ sai. Hình phạt mà xã-hội dành cho bọn chúng là bị người đời khinh khi, mạ-lỵ, bị mọi người ngoảnh mặt làm ngơ khi gặp mặt và họ đã dùng ngòi bút để đánh lại chúng. Một câu chuyện “tiếu lâm chính-trị thời đại”, một giai-thoại về “sự đời” được truyền-tụng để “dạy” cho Sơn Nam (tên thật là Phạm Minh Tài, quê quán: Rạch-Giá, Kiên-Giang), một nhà văn thuộc hạng trở cờ nói trên một bài học khi Sơn Nam nịnh bợ, ton hót, chỉ điểm cho chế-độ mới và sau khi ông ta viết bài “Thằng Thiệu nó tồi” như sau:

-“Có một anh chàng nọ bỏ vùng kinh-tế-mới về thành Hồ kiếm việc làm để sống. Sau một thời-gian tìm việc nhưng chưa có, anh ta bèn nhờ người quen giới thiệu đến sở thú xin việc, gặp “thủ trưởng” cho biết “hiện chúng tôi đang cần người để làm việc, chẳng cần chuyên-môn nhưng phải nhanh-nhẹn một chút”. Thanh-niên nọ hỏi việc gì, được tên nầy cho biết: “Có một con khỉ đột mới chết. Trong lúc nầy nhà nước ta còn khó khăn nên không mua được con khác để thay thế, nếu để chuồng trống, bọn Ngụy, bọn phản-động, bọn đế-quốc sẽ tuyên-truyền là cách-mạng để thú chết đói; chúng tôi đã có một bộ da khỉ đột rồi, anh chỉ việc giả làm khỉ. Ngoài việc đi tới đi lui, cũng cần phải biết leo cây hay nhào lộn, phải làm trò khỉ nữa mới được”.

Thanh-niên nọ nhận lời. Mấy hôm đầu thì mọi chuyện êm xuôi. Đến một sáng Chúa-nhật có đông khách xem, “con khỉ giả” làm trò hơi nhiều mà bụng thì trống không nên trong lúc nhào lộn trên cây, anh ta hụt tay rơi sang chuồng sư-tử bên cạnh. Thấy con sư-tử gầm gừ bước tới, con khỉ giả điếng hồn, co rúm chờ chết. Lạ thay, khi con sư-tử tới gần, nó phát ra tiếng người: “Đừng sợ. Tao cũng như chú mầy thôi, đây là “sở người” chứ không phải sở thú đâu”.

Con sư-tử già đó chính là tên trở cờ họ Phạm. Từ đó về sau, Sơn-Nam không còn dám ra mặt nịnh hót bọn cán-bộ từ rừng rú xuống thành phố trước mặt mọi người như trước nữa. Mọi người quen thân không ai dám gần, kẻ biết không ai tiếp chuyện. Hình phạt dành cho ông ta như thế cũng xứng đáng.

Những bọn bồi bút, bọn đón gió trở cờ, bọn thời cơ, bọn theo đóm ăn tàn bị bạn-bè xa lánh, những người biết chuyện khinh-bỉ, dân chúng căm-hờn và nhất là có ngày nào đó họ cũng sẽ “bị rơi vào chuồng sư-tử thiệt”, chừng đó ăn-năn thì đã muộn.

Điều đáng nói hơn nữa là nơi hải ngoại, một số văn-nghệ-sĩ rời bỏ Việt-nam với danh-nghĩa “người tỵ-nạn Cộng-sản” cũng đã cam-tâm nối giáo cho giặc Cộng bằng ngòi bút của mình trên đất tự-do. Một trong số nầy là Nhật Tiến, người đã viết “Thềm Hoang”, cuốn sách đã đoạt giải thưởng văn-học toàn quốc do chính-phủ VNCH trao tặng. Tại quê nhà, muốn nói lên sự thật, người viết không dám nói lên sự thật vì sợ bị tù đày, cấm cản, như lời Nguyễn Minh Châu: "Cái sợ làm cho người ta hèn... Nhà văn phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên che rồi mới dám viết!" thì tại hải ngoại, hạng người như Nhật Tiến lại cam tâm làm tay-sai cho Cộng-sản để thành văn nô, bồi bút thì thật đáng khinh-bỉ, đáng nguyền rủa.

Người viết nhớ lại trong QLVNCH trước năm 1975, khi chê bai, khi đề-cập đến hạng người nịnh bợ thượng cấp, người ta thường dùng từ-ngữ “nâng bi” để ghép cho. Danh từ tượng thanh, tượng hình nầy thật đặc-sắc, mang ý nghĩa chê-bai nhưng chưa xứng cho hạng người nêu trên vì ngoài việc nịnh bợ chính-quyền, lãnh tụ, cán-bộ, họ còn hại người khác, có khi nguy hại đến cuộc sống, lắm lúc lâm nguy cả tính-mạng.

Trở lại với thành-phần văn-nghệ sĩ trong nước tại miền Bắc, ngoài một số trí thức ôm chân chế-độ bạo tàn, con số những trí thức miền Bắc nổi dậy chống chế-độ Cộng-sản cũng không ít. Vụ án Nhân văn giai-phẩm (còn gọi là chiến-dịch “trăm hoa đua nở”) một thời đã làm cho Cộng-sản phải dùng mọi thủ-đoạn đê-hèn để bảo-tồn chế-độ tàn trị. Những nhà văn phản-kháng trong vụ này, ngoài nhà văn lão thành Phan Khôi còn có Trần Dần, Phùng Quán (3), Tạ Hữu Thiện, Bùi Quang Đoài, Phùng Cung, Trần Lê Văn, Hoàng Tích Linh, Trần Duy, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, ... Những người nầy đã dùng ngòi bút của mình nói lên những điều bất công, những tàn-bạo, vạch rõ những cái ngu dốt của Cộng-sản nên đã bị đàn áp bằng nhiều thủ-đoạn, ngay cả cái chết. Ngoài ra, một số khác đã “gác bút” đến cuối đời khi họ bị chế-độ Cộng-sản khủng-bố, kiềm kẹp hay thấy người khác bị bách hại; ta có thể kể như Thế Lữ (4), Tô Hoài (5)...

“Trăm hoa đua nở” dịch từ câu chữ Hán “Bách hoa tề phóng, bách hoa tranh minh” (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng) do một học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn-học toàn thịnh của Tàu thời Đông Châu (thế-kỷ thứ 6 đến thế-kỷ thứ 3 trước CN), chấm dứt vào năm 213 trước CN khi Tần Thủy Hoàng nghe theo lời Thượng-thư Lý Tư đốt hết sách vở và chôn sống 460 nhà đối lập. Các văn học sĩ phản kháng nầy đã dùng các báo: Văn, Nhân Văn, Giai phẩm, Đất Mới, ... như những mặt trận để chống lại Đảng CS; có lúc lan dần sang các báo của Đảng như Thời Mới, Cứu Quốc, Học Tập, Nhân Dân.
 
Vụ án Nhân văn giai phẩm kết thúc, hiển-nhiên phần thắng về phía chế độ Cộng-Sản tàn bạo, độc tài. Chúng đã dùng mọi thủ-đoạn đê-hèn nhất để đàn-áp và cũng chính hành-động bỉ-ổi nầy cho chúng ta thấy cái xấu xa của CS tàn-bạo nên đã bị chống đối đến cùng, bằng mọi giá, ngay cả việc dùng ngòi bút. Họ sống nếu không ở trong các trại tù thì sống trong đe dọa, bị theo-dõi thường xuyên, thường bị chính-quyền kết án phản động.

Ta hãy nghe cụ Phan Khôi, với những lời than-vãn:

-“Thật là cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá!”

-“Nhược bằng bắt mọi người phải viết theo lối của mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết”

-“Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu ơi! Ở thời cụ, cụ đã kêu:

Ở đây nào phải trường thi,
Ra đề hạn vận một khi buộc ràng!   

thế mà ngày nay, bảy tám mươi năm sau cụ, người ta còn làm ăn gì được nữa cụ ơi! Tôi đâu còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!!”

Những văn nghệ sĩ phản kháng nầy đã dùng ngòi bút để nói lên nỗi lòng bất-mãn, chống-đối chế-độ Cộng-sản. Ta hãy nghe cụ Phan Khôi (6) mỉa-mai một giống cỏ tại miền Bắc, được ông gọi là “cỏ cụ Hồ”, “cây Cộng-sản” như sau:

-“Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào không có”.

Theo Cụ, có nơi gọi loại cỏ trên là “cỏ bù xít” hoặc “cây cức lợn” hoặc “cây chó đẻ”. Ông nói rằng những tên đó “đều không nhã tí nào, người có học không gọi như vậy mà gọi là cây cộng sản”.

-“Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền”. Cỏ ấy bắt đầu có từ những năm 1930-1931, đồng thời với Đông Dương Cộng sản đảng hoạt động. Phong trào Cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy; và theo ông: “cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên là “herbe Communiste” đáng lẽ dịch là “cỏ Cộng sản”. Nó còn một tên rất lạ; hỏi ông già Thổ, tên nó là cây gì? ông nói tên nó là “cỏ cụ Hồ”. Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây “lãnh đạo cách mạng” thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá đồi nương, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với “cụ Hồ” về thì gọi nó là như vậy”.

Đó, văn-chương phản-kháng là như vậy đó! Những con người yêu tự-do, chuộng hòa-bình đã hình-tượng hóa, nhân-cách hóa; so-sánh giữa một loài có hại cho con người với chủ nghĩa Cộng-sản như thế đó. Không phải vô cớ họ nghĩ ra những điều châm-biếm sâu-sắc như vậy nếu chế-độ ấy không tước đoạt quyền sống của họ, đày ải họ, buộc họ phải thốt lên tiếng nói tự đáy lòng mình.

Một trong các tội ác tày trời của Cộng-sản Hà-Nội là giết chết, bỏ tù, đọa-đày, khống-chế, hăm-dọa, ngăn cấm, giới hạn mọi hoạt-động của giới văn-nghệ-sĩ, những người dùng ngòi bút của mình để làm nên những tuyệt-tác văn-chương cho đất Việt, một đất nước sinh sản ra những văn nhân tài-hoa, làm giàu thêm cho kho tàng ngôn-ngữ của dân-tộc vốn được tiền nhân vun bồi và để lại cho hậu thế. Dưới chế-độ bạo tàn Cộng-sản, văn chương, văn-nghệ, nghệ-thuật không còn ý nghĩa thực-tế của nó mà là những công-cụ phục-vụ cho chế-độ để nó tồn tại và rồi đàn-áp nhân dân. 

5. Lời Kết.

Mỗi lần Xuân về là dịp ta nhớ lại bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên. “Ông đồ của năm 1937“ như một nốt ruồi duyên điểm trên gương mặt thơ ngây của cô gái dậy thì. Bất hạnh thay, cô gái nọ theo đòi điểm trang sau khi đã sa chân vào chốn hồng lâu, cam tâm làm nha trảo cho mụ Tú Bà nên đã tô lên mặt những lớp son phấn kệch-cỡm, không những làm cho gương mặt mình xấu đi mà còn làm cho nốt ruồi duyên mất vẻ đáng yêu thuở nào. Đau đớn hơn, cô ta đem thân làm nô-dịch cho mụ tú-bà, quên đi những việc làm điếm nhục gia phong, không sợ người đời khinh rẻ. Bài thơ “Ông đồ cũ” sống mãi trong văn-học Việt-Nam nhưng đã bị những “ông đồ mới” khai tử nó. Đối với những người yêu tự-do, chuộng công-lý coi như người sáng-tác ra nó đã chết từ thập niên 1950 khi ông khoác vào người chiếc áo đảng vậy.

Điều đáng nguyền rủa nhất là họ Vũ đã tiếp tay cho chế-độ tàn-bạo đã xua đuổi hơn hai triệu người Việt phải bỏ quê-hương thân yêu, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, ra đi không quản ngại chết chóc, hiểm nguy, tản-mác đến những vùng đất xa lạ mà họ chưa từng nghĩ đến để phải làm người vong quốc, mang tâm-trạng như lời Georghiu, nhà văn Nga-sô: "Không có gì bất hạnh hơn niềm bất hạnh của một con người không còn quê hương ... "

Thay lời kết, người viết mượn lời thơ của Hải Nam để gởi đến tác-giả của “ông đồ mới”, gởi đến đám người đón gió trở cờ, bọn cơ-hội, bọn mãi quốc cầu vinh, bọn văn nô bồi bút lời nhắn:

“Mặc kẻ chép công, ta chép oán,
Công riêng ai đó, oán ta chung”!.

Lê Chánh Thiêm

Chú-Thích:

Chính Nguyễn Tuân tự thú rằng, sở dĩ những người như ông ta sống được đến ngày hôm nay (sau 30-4-1975) là vì ông ta biết “sợ”. Ông ta sợ bạo-lực, thủ-đoạn của Cộng-sản, ông còn biết mình “hèn” nhưng vì muốn sống; sau đó vì miếng đỉnh chung nên tiếp tục cam-tâm làm tay sai cho Cộng-sản. Con người ông thay đổi sau lần bài viết của ông bị ban kiểm-duyệt báo chí của Hà-Nội sửa đổi và bị gán cho lời phê: “Có vấn đề”.

Chế Lan Viên: Theo lời ông ta, sau hôm Hồ Chí Minh chết, “Chế Lan Viên ở trên gác một tuần liền, không ăn không ngủ, khóc sưng cả mắt vì thương nhớ bác Hồ”.

Phùng Quán: Là người có những lời thơ chống Cộng mạnh mẽ nhất trong phong-trào “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”. Những bài thơ của ông được coi như là “những quả bom” bắn vào chế độ Hà Nội, đặc biệt là hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời mẹ dặn”, có những câu như “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”... Ông bị bắt làm bản thú tội, bị đày đi chính huấn.

Phùng Quán quê ở Phú Vang, Thừa Thiên, gọi Tố Hữu bằng cậu. Chuyện kể khi Tố Hữu làm phó Thủ- tướng, nhà thường đông khách, xe hơi đậu từng dãy dài trước nhà, nhất là vào các dịp lễ, ngày Tết. Sau khi Tố Hữu bị hất rơi đài, nhà vắng vẻ; lúc nầy Phùng Quán mới chịu đến thăm cậu. Khi tiễn Phùng Quán ra về, Tố Hữu nói: “Cậu nghĩ cháu dại. Nhưng suy cho cùng thì cậu cũng dại”. Người đời không cho Phùng Quán dại mà chính Tố Hữu là người đại ngu. Hai cậu cháu đều để tiếng đời, tiếng thơm và tiếng nhơ: Phùng Quán được tiếng thơm, Tố Hữu chịu tiếng ngu dại, muôn đời khó gột rửa.

Không có tự do trong sáng tác, người nghệ sĩ sẽ chết mòn... do đó sẽ không còn tác phẩm có giá trị! Chẳng hạn trường-hợp của Thế Lữ (còn có bút hiệu Lê Ta). Tuyên ngôn về tự do, được hình tượng hoá bằng ngôn ngữ của con hổ trong bài Nhớ Rừng. Phải chăng bài thơ này là sáng tác cuối của ông bởi vì sau khi trở về tiếp quản Hà Nội (1954) cho tới lúc qua đời, Thế Lữ hầu như ngừng sáng tác. Đối với giới văn-nghệ sĩ bị buộc phải ngưng sáng tác như người chết vì bị “cứa cổ”. Chết vì bị cắt cổ thì chết ngay, ít bị đau đớn; chết bị cứa, cái chết đến từ từ, cái đau kéo dài trong đau khổ tột cùng.

Tô Hoài không viết nữa vì theo ông, viết làm gì khi “ở vào thời đại nhà văn phải gian dối, phải suy tôn lãnh-tụ”.

Sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, cụ Phan Khôi tuy không giống như những văn nghệ sĩ, trí thức khác (phải vào tù, đi lao động khổ sai, quản thúc,...) nhưng cuộc đời của ông là những ngày còn lại cô đơn, chán nản, buồn thảm cho riêng mình và những người bị chế-độ ruồng-bố. Ông có những vần thơ cù-nhầy như sau:         
                   
“Làm sao cũng chẳng làm sao
 Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao
 Làm chi cũng chẳng làm chi
 Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao”

Rồi ông đã ví mình như một con heo, sống dưới chế độ Cộng sản miền Bắc:
   
“Đánh đùng một cái
 Kêu éc éc ngay
 Bịt mồm, bịt miệng
 Trói chân, trói tay ...
Từ dây đến cái đao
Chẳng còn bao xa”

và những câu trong bài thơ chúc thọ:
 
Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi!
  Thọ ta, ta chúc nọ phiền ai”

Bài thơ đến tai Nguyễn Công Hoan, một bồi bút đắc lực hòng kiếm miếng đỉnh chung. Hoan họa lại bài thơ bằng lời lẽ vô lễ, khiếm nhã với nhà thơ bậc đàn anh của mình:

Chế-độ Cộng-sản sinh sản, đào-tạo ra hạng người nịnh-nọt, bợ đỡ, hỗn-xược... hết chỗ nói, không bút mực nào tả xiết. Đó là đặc-điểm của chế-độ mà bọn họ đã đem thân phục-vụ. Câu ví người xưa để lại “Cha nào con nấy”, thật không sai vậy!!