Một đặc điểm của tiếng Việt |
Tác Giả: Nguyễn Hưng Quốc | |
Thứ Hai, 31 Tháng 1 Năm 2011 09:04 | |
Chính thói quen bao giờ cũng nhìn sự vật và sự việc từ một góc nhìn cụ thể, trong những quan hệ cụ thể đã ngăn cản khả năng trừu tượng hóa của người Việt.
Bạn thử dịch câu dưới đây sang tiếng Việt giùm tôi nhé. He goes to Saigon. Cái câu có cấu trúc đơn giản và gồm những chữ hầu như người mới học tiếng Anh nào cũng đều biết, riêng tôi, thú thực, tôi không biết dịch sao cả. Có hai chỗ tôi không dịch được. Thứ nhất, chữ “he”, đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ ba số ít. Trong tiếng Việt, trên nguyên tắc, nếu chúng ta không biết chữ “he” ấy ám chỉ người nào và người ấy có quan hệ gì với người kể chuyện, chúng ta không thể dịch chính xác được. “Ông ấy” hay “anh ấy” ư? Nhưng nếu người kể chuyện đang nói về một em bé thì sao? Thì phải dịch là “em ấy”, dĩ nhiên. Còn nếu em bé ấy là con trai của người phát ngôn thì phải dịch là “con tôi”; nếu đứng ở vai em và nếu cần lịch sự, thì dịch là “cậu ấy” hay “chú ấy”. Nếu câu văn ấy xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết thì tùy theo tính cách của nhân vật, có thể dịch là “chàng” hay “gã” hay “hắn” hay “lão” hay “nó” hay “y”, hay, xưa hơn một chút, “va”, và xưa hơn nữa, “nghỉ’ (như trong câu Kiều: “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”), v.v… Nhưng cứ tạm cho “he” là “ông ấy” thì chúng ta lại đối diện với vấn đề thứ hai này nữa: Động từ “to go”. “Đi” chăng? Ừ, thì cũng được. Nhưng nếu ông ấy đang ở Hà Nội thì thường người ta không nói “đi Sài Gòn”. Mà là “vào Sài Gòn”. Và nếu người ấy đang ở Cần Thơ hay Đà Lạt, chẳng hạn, người ta sẽ nói: “Ông ấy lên Sài Gòn” hay “Ông ấy xuống Sài Gòn”. Nếu địa danh ấy ở miền Trung hay miền Bắc, ví dụ Huế hay Hà Nội, thì người ta có thể nói: “Ông ấy ra Huế / Hà Nội”, v.v… Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta thấy rõ là các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt không phải chỉ liên hệ đến vai trò trong hành ngôn (người nói – ngôi thứ nhất; người nghe – ngôi thứ hai; hay người được đề cập – ngôi thứ ba) như trong các ngôn ngữ Tây phương mà còn gắn liền với (a) tuổi tác, (b) địa vị xã hội, (c) tính cách; (d) quan hệ với người phát ngôn, và (đ) tình cảm hay thái độ của người phát ngôn, v.v… Tất cả các yếu tố này thường xuyên thay đổi, do đó, cách xưng hô cũng biến hóa theo. Trong trường hợp thứ hai, động từ chỉ việc di chuyển gắn liền chặt chẽ với yếu tố địa lý (lên/xuống), và riêng trường hợp của vào/ra, còn gắn liền với yếu tố lịch sử. Ai cũng biết, “vào” là động từ chỉ sự di chuyển từ một không gian rộng đến một không gian hẹp; “ra”, ngược lại, từ một không gian hẹp đến một không gian khác rộng hơn. Nhưng tại sao đang ở miền Nam, người ta lại “ra” miền Trung trong khi miền Trung rõ ràng là hẹp hơn miền Nam hẳn? Để trả lời câu hỏi ấy, người ta phải quay ngược lịch sử về tận thời Lý và đầu nhà Trần, lúc biên giới phía nam của Việt Nam chỉ dừng lại ở đèo Ngang: lúc ấy, trên bản đồ Việt Nam, phía Bắc đồng nghĩa với rộng và phía nam đồng nghĩa với hẹp. Chính trong bối cảnh ấy, hai chữ “vào” (nhập) và “ra” (xuất) được ra đời. Mà không phải chỉ có các động từ lên/xuống/vào/ra, ngay cả các danh từ chỉ vị trí như trong hay ngoài, trên hay dưới cũng đều như thế. Ở các ngôn ngữ khác, ít nhất là các ngôn ngữ tôi biết, trong là trong, ngoài là ngoài, cũng như trên khác hẳn với dưới. Nhưng trong tiếng Việt thì khác. Trong hai câu “Ông ấy đứng trong vườn nhìn ra ngoài đường” và “Ông ấy đứng ngoài vườn nhìn vào trong nhà” thì vị trí của người được gọi là “ông ấy” không có gì thay đổi cả. Vẫn đâu đó trong không gian của một khu vườn thôi. Vậy mà lúc thì “trong vườn”, lúc thì “ngoài vườn”. Cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể nói về ai đó là ông hay bà ấy ngồi trên nền nhà hay ngồi dưới nền nhà. Ý nghĩa giống hệt nhau. Cả hai trường hợp vừa kể, đại từ nhân xưng và động từ chỉ phương hướng (và cùng với chúng, danh từ chỉ vị trí), cho thấy một đặc điểm nổi bật của tiếng Việt: tính tình thái (situational), trong đó, nổi bật nhất là tính liên hệ (relational). Mỗi cách nói năng hay viết lách đều gắn liền với một hoàn cảnh nhất định và với những mối quan hệ nhất định. Trong các ngôn ngữ khác, kẻ phát ngôn, bất kể tuổi tác, địa vị, tư cách, tâm trạng và bất kể đang nói chuyện với ai, đều là “I” (tiếng Anh) hay “Je” (tiếng Pháp) cả. Và người nghe, cũng vậy, lúc nào cũng là “you” hay “tu/vous”. Lúc nào cũng vậy. Trong tiếng Việt thì cách xưng hô của cái người phát ngôn ấy cứ thay đổi xoành xoạch tùy theo các quan hệ và cũng tùy cả tình cảm của người phát ngôn nữa. Trong các ngôn ngữ khác, trong bao giờ cũng là trong và ngoài bao giờ cũng là ngoài, nhưng trong tiếng Việt, với người ở trong nhà thì cái kẻ đang đứng “trong” vườn lại trở thành “ngoài” vườn; ngược lại, với kẻ đang đứng ngoài đường thì cái người đứng “ngoài” vườn ấy lại biến thành người “trong” vườn, v.v… Theo tôi, chính tính tình thái ấy là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu vắng thói quen tư duy trừu tượng cũng như truyền thống triết học của Việt Nam. Lâu nay, nhiều học giả, từ Phạm Quỳnh đến Võ Phiến, đều giải thích sự thiếu vắng ấy xuất phát từ yếu tố từ vựng: tiếng Việt thiếu hẳn các từ trừu tượng hay nói theo chữ của Phạm Quỳnh, phần “hình nhi thượng”.(1) Nhưng thiếu thì mượn. Và người Việt cũng đã vay mượn rất nhiều từ trừu tượng từ chữ Hán. Nhưng mượn rồi thì sao? Khả năng tư duy trừu tượng vẫn èo uột và một nền triết học đặc sản của Việt Nam vẫn cứ là một mơ ước xa vời của hết thế hệ này đến thế hệ khác. Tại sao? Theo tôi, nó nằm ở tính tình thái của tiếng Việt. Xin nhấn mạnh: của tiếng Việt chứ không phải của phần từ vựng trong tiếng Việt. Chính thói quen bao giờ cũng nhìn sự vật và sự việc từ một góc nhìn cụ thể, trong những quan hệ cụ thể đã ngăn cản khả năng trừu tượng hóa của người Việt. Khi năng lực trừu tượng hóa còn yếu, triết học vẫn còn là một giấc mơ xa xăm. Chú thích: (1). Xem bài “Đố kỵ cái trừu tượng” của Võ Phiến trên Tiền Vệ: ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Ðố kỵ cái trừu tượng Đi tới cuối thế kỷ, phản ứng tự nhiên là ngoái đầu nhìn loáng một cái về đầu thế kỷ. Đối với ai kia, có thể là bất giác nhìn chơi. Đối với chúng ta — đám viết lách — cái nhìn ấy có ý nghĩa khác hơn một chút. Bởi vì thời kỳ văn học hiện đại của Việt Nam, thời kỳ có mình trong đó, chính bắt đầu từ đầu thế kỷ XX này. Đem cái khả năng của một cá nhân lỗi lạc, Trương Vĩnh Ký gây được mầm manh nha của nền văn học mới, rồi ông nằm xuống vào cuối thế kỷ trước (năm 1898). Tiếp theo ông là những hoatï động qui mô rầm rộ của hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, mỗi vị qui tụ một nhóm văn nhân học giả cừ khôi. Trong vòng hăm lăm năm — một phần tư thế kỷ — họ làm xong nhiệm vụ của thế hệ tiền phong trong giai đoạn giao thời. Thời ấy là thời nho học suy tàn tây học mới nẩy. Mỗi nhóm Đông Dương và Nam Phong gồm đủ hai thành phần tân cựu học. Kẻ tinh thông hán học gấp rút tổng kết nhằm bàn giao cái vốn liếng tinh thần của tiền nhân để lại cho lớp sau đang thiếu hán ngữ; người giỏi Pháp văn tới tấp dịch thuật, giới thiệu văn chương tư tưởng Âu Tây bấy giờ hãy còn xa lạ đối với quốc dân. Công việc ấy gọi là “Truyền bá Đông Tây học thuật”. Việc truyền bá cần một công cụ: vậy phải trau luyện Việt ngữ cho thành một phương tiện xứng tầm. Xem lại Việt ngữ, thấy lắm điều rắc rối. Thuở Trương Vĩnh Ký là thuở phổ biến chữ quốc ngữ, tức thứ chữ dùng mẫu tự la-tinh mà phiên âm tiếng Việt; sang thời Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh mới tiến lên trau dồi cái “văn quốc ngữ” (theo cách nói của ông Phạm). Việt ngữ có dùng được vào văn học không? Thuở ấy lắm kẻ phân vân. Có ý kiến cho rằng: Việt ngữ kém lắm, so với văn Tàu văn Tây thì “trẻ lên ba đã khôn sao bằng người đầu bạc”. Cánh hăm hở sốt ruột nhất đề nghị nên gác tiếng Việt ra ngoài, trong phạm vi học thuật hãy lấy phăng cái tiếng Pháp ra xài ngay cho tiện . Nguyễn Văn Vĩnh, trong bài tựa bản dịch truyện Gil Blas de Santillane kể rằng thoạt đầu, thuở ông bắt tay vào việc, trong nước ta chưa mấy ai tin nổi có thể dùng tiếng Việt để dịch tiểu thuyết Tây. Vậy mà ông xắn tay xông vào, rốt cuộc làm nên sự nghiệp đồ sộ; Vũ Ngọc Phan cho rằng ông là quán quân dịch thuật Pháp văn một thời. Nhưng chính Nguyễn Văn Vĩnh, chính ông quán quân ấy, con người mê say cực đoan từng xác quyết học quốc ngữ “là một sự bất đắc bất nhiên, là việc sống chết của nước Nam ta”, chính người ấy cũng phải cho rằng tiếng Việt có chỗ yếu lớn, khiến lắm lúc không thể đem nó ra xài được. Phải chờ trau luyện nó đã. Trong khi chờ đợi, ông Nguyễn dùng tạm tiếng Tây! Một bài báo của ông đăng trên tờ L’Annam Nouveau hồi 1935, nguyên cái nhan đề đã nêu rõ lý do: “Le francais, langue de discussion”. Ông kể rằng một đồng nghiệp, đến phỏng vấn về vấn đề trau luyện Việt ngữ, đã trách ông không chịu trao đổi ý kiến bằng Việt ngữ mà lại chọn nói tiếng Pháp. Theo ông, trong khi tranh luận, tiếng Việt thiếu tính cách trong sáng và chính xác. Trước đó năm năm, trong cuộc bút chiến với Phạm Quỳnh về vấn đề chế độ (lập hiến hay trực trị), hai ông cũng đềàu dùng tiếng Pháp (riêng Phạm Quỳnh có đăng trên Nam Phong bản Việt ngữ.) Như thế, ông Nguyễn ông Phạm thuở ấy cùng gặp nhau ở một nhận định về nhược điểm của Việt ngữ: không phải thứ tiếng để cãi cọ. Nhưng cái ấy chưa hay ho bằng chuyện cả hai vị lại cùng gặp nhau nữa, ở nhận định về ưu điểm của Việt ngữ: Hai vị nhất trí về thành công rực rỡ của Truyện Kiều, tin tưởng ở Truyện Kiều, ca ngợi Truyện Kiều. Nguyễn Văn Vĩnh đem Truyện Kiều dịch ra Pháp văn, Phạm Quỳnh tung hô Truyện Kiều quá lời đến nỗi Ngô Đức Kế nổi dóa. Một cái tiếng thoạt không mấy ai ngờ có thể dịch nổi truyện Tây, vậy mà đem ra dịch thì dịch phăng phăng nào thơ nào truyện nào kịch, thứ nào thứ nấy thiên hạ khen hay nức nở, kết quả sáng chói, đem viết truyện thì từng viết nên truyện hay đến nỗi “thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu xa và được rộng rãi như thế chưa?”, đến nỗi thành ra “là một kỳ công có một trong cõi văn thế giới” (lời ông Phạm). Thế rồi cũng một cái tiếng ấy mà đem ra cãi cọ với nhau tí chút lại không được, lại kẹt cứng. Thế có mâu thuẫn không? có quái lạ không? Chỗ ấy Nguyễn Văn Vĩnh đã trải qua, nhưng không thấy thắc mắc gì. Phạm Quỳnh, ông có nghĩ ngợi về điều này. Theo ông, văn có hai thứ văn: văn nghệ thuật và văn luận thuyết. Về văn nghệ thuật thì Việt Nam đã đạt tới chỗ tuyệt vời; nhưng “về lối văn thuyết lý thì hầu như không từng thấy bao giờ.” Quả là trong các tác phẩm bằng chữ nôm được để lại, không hề có thứ ấy. Nguyễn Văn Vĩnh dùng chữ “tranh luận”, ý có hẹp. Cái yếu của ta không nhất thiết chỉ ở chuyện tranh luận; mà là cái yếu chung chung về biện luận, thuyết lý, biện giải, thuyết minh, lý luận... Không cần chờ tranh cãi nhau mới bày ra cái yếu; cứ diễn đạt cái suy tưởng là thấy yếu ngay. Tại sao ta yếu món ấy? Phạm Quỳnh cũng có lời giải đáp: Vì tiếng ta giàu về phần “hình nhi hạ”, mà nghèo về phần “hình nhi thượng”. Nói thế nghe có lạ tai. Ông Phạm giải thích: Muốn dùng chữ triết học mà nói thì tiếng Nam ta có tính cách cụ thể (concret) hơn là trừu tượng (abstrait). Tiếng cụ thể diễn tả những cái do giác quan cảm nhận, tả trạng thái của sự vật “thì hay vô cùng tưởng không tiếng nuớc nào bằng”. Vậy, tiếng ta vừa quán quân (về văn nghệ thuật), vừa bất lực (về văn luận thuyết) là do ở chỗ quá thiên về cái cụ thể. Tính cụ thể thắng tính trừu tượng trong Việt ngữ, ông Phạm phát biểu thẳng, không viện dẫn một tác giả nào, một bậc tiền bối nào. Ông là người đầu tiên nhận ra chỗ ấy chăng? Nếu đầu tiên thì chỉ là đầu trong số các văn nhân ta thôi, chứ người nước ngoài đã từng có kẻ thấy từ trước. Chẳng hạn giáo sĩ F. X. Marette. Trong một tập Biên niên truyền giáo (Annales de la propagation de la foi) in ở Paris năm 1833, ông này đã cho rằng “Việt ngữ phong phú về tiếng để diễn tả những cái thông thường và có thể cảm nhận được, nhưng nghèo về loại tiếng dùng vào các kỹ thuật cơ khí và các ngành mỹ thuật; Việt ngữ tuyệt đối không có tiếng để diễn đạt các ý tưởng trừu tượng.”[1] Kể ra người ngoài có sáng hơn ta cũng không nên lấy làm lạ. Ta quen thuộc tiếng ta từ bé, ta không để ý; còn như kẻ đến từ xa, từ một truyền thống văn hóa khác hẳn, kẻ quen vận dụng tiếng nói vào vô vàn vấn đề trừu tượng, lại đang rao giảng tôn giáo, hàng ngày chuyên nói những chuyện tâm linh mờ mịt, chợt đụng đầu vào thứ tiếng “tuyệt đối” không có một từ trừu tượng nào, kẻ nọ phải sững sờ chứ. (Tuyệt đối ? ông giáo sĩ nọ có quá đáng không? Dù sao, con người có xác có hồn. Chữ xác là tiếng thuần Việt, chỉ thị một khối cụ thể; đến chữ hồn ông giáo sĩ gặp khốn khổ ngay. Hồn là tiếng Tàu. Ta không có tiếng gọi tên cái hồn, ta không mảy may để ý đến, không lúc nào thấy cần phải nói đến cái món trừu tượng ấy. Sao mà dân tộc ta đố kỵ trừu tượng đến thế!) Kẻ sững sờ đã nêu ra sự lạ trước Phạm Quỳnh trăm năm; nhưng chỉ có thế rồi thôi. Phạm Quỳnh không thôi. Từ cái trừu tượng, ông liên hệ sang khả năng biện luận của dân tộc. Thấy ta kém biện luận, ông bắt tay vào việc chữa cái nhược điểm của tiếng Việt. Ông hô hào “đoàn luyện quốc văn”, “bồi bổ quốc văn”. Bồi bổ vào cho nó thật nhiều tiếng trừu tượng, biến nó thành một phương tiện tốt, đắc lực, thích hợp hơn cho loại văn luận thuyết. Trong vòng mười năm đầu của Nam Phong, ông Phạm tính ra đã “phát hành kể có hàng ngàn tiếng mới”, ông đã dùng chúng vào các việc biên tập, dịch thuật , việc truyền bá Đông Tây học thuật. Phạm Quỳnh bắt được mối liên quan giữa loại văn biện luận và từ ngữ trừu tượng, nhưng khi bàn về vấn đề quốc học không thấy ông đề cập đến mối liên quan này. Ta chưa từng có quốc học, Phạm Quỳnh và Phan Khôi hồi đó (1931) đều bảo thế. Ông Phan tìm hiểu kỹ càng thành tích trước tác của tiền nhân, cố xem có gì đáng gọi là quốc học chăng, ông kết thúc: “Tìm mãi không ra cho tới ngày nay tôi mới trịnh trọng và quả quyết mà nói rằng không có.” Ông Phạm tán đồng: “Nước Nam ta mấy mươi thế kỷ theo học nước Tàu chỉ mới là người học trò khá, chưa hề thấy dám thoát cửa thầy mà lập nên môn hộ riêng, không những thế lại cũng không lọt ra ngoài vòng giáo khoa mà bước lên tới cõi học thuật nữa. Như vậy thì làm sao có học thuật được?” [2] Quốc học, hai vị đều hiểu là “gồm những phong trào về tư tưởng về học thuật trong một nước”. Vậy văn học thì ta có, quốc học thì không; nghệ thuật thì có, học thuật thì không. Tại sao vậy? Phan Khôi, ta không thấy ông thắc mắc về điều này. Phạm Quỳnh vẫn kỹ càng, chu tất. Ông giải thích: đó là vì hoàn cảnh. Có hoàn cảnh địa lý, có hoàn cảnh lịch sử, có hoàn cảnh chính trị, thảy đều bất lợi cho sự phát triển của học thuật, tư tưởng, ở ta. Tôi thầm chờ đợi thêm một lý do không được ông đưa ra: lý do bẩm chất. Chẳng hạn: Trời sinh ra dân ta vốn không thoải mái đối với những gì là tư tưởng, là lý luận, những gì trừu trượng. Bẩm chất ấy đã bộc hiện ra ở cái tiếng ta nói, làm gì nó lại chẳng bộc hiện ở những điều ta viết? Ông Phạm đã nhận ra rằng ta không giỏi biện luận vì tiếng ta nghèo trừu tượng, sao ông không nhận luôn rằng ta thiếu học thuật cũng có phần vì lẽ ấy? Có gì khiến ông ngại ngùng chăng? Nói “trời sinh”, chẳng qua là buột miệng nói cách dễ dãi, nói theo cái ngôn ngữ thông dụng hàng ngày. Bẩm chất với hoàn cảnh xét ra cũng không trái nhau, còn có thể có liên hệ. Muôn loài sinh ra có giống giỏi bay, có giống chuyên lội, có loài mọc sừng, có loài dài cổ, có giống thở bằng phổi, có giống thở bằng mang v.v...: xét hiện tại thì là trời sinh ra thế, là bẩm sinh cả. Nhưng truy ngược tới tận nguồn thì có thể là do hoàn cảnh, dám lắm. Thuở ban sơ đâu có bao nhiêu loài. Từ một số ít, sinh vật phát triển ra nhiều. Tùy hoàn cảnh sinh sống khác nhau mà trong quá trình tiến hóa mỗi loài biến ra một vẻ, rồi truyền tử lưu tôn muôn vạn kiếp, hóa ra đặc tính bẩm sinh. Nói gần thì lươn ngắn chạch dài, thờn bơn méo miệng với trai lệch mồm là bẩm sinh; nhưng nói xa thì có thể qui cho những hoàn cảnh khác nhau. Xu hướng đố kỵ cái trừu tượng ở ta có lẽ không bỗng dưng mà có. Xem gần nó như tuồng một xu hướng bẩm sinh; nhưng nghĩ xa, không chừng nó đã phát sinh do một “hoàn cảnh” nào đó, trong thời đại hồng hoang. Thời nào? bao xa? Ai mà biết! Rồi đây hoàn cảnh đổi khác, xu hướng tinh thần nọ sẽ mất đi chăng? bao giờ mất? Ai mà biết được! Họa chăng người ta chỉ đoán rằng hoàn cảnh phát sinh phải xa lắm, từ trước khi ta có tiếng nói. Bởi vì khó thể tưởng tượng nổi xưa kia ta vốn sử dụng thứ ngôn ngữ có nhiều từ trừu tượng; rồi dần dà loại từ ấy rụng dần, biến mất dần, rốt cuộc “tuyệt đối” không còn tiếng nào nữa. Ông Phạm nói đến hoàn cảnh, ông không có ý nói xa đến thế. Ông chỉ muốn chỉ thị cái hoàn cảnh ta sống gần khối dân Tàu lớn, đông và mạnh, cái hoàn cảnh khiến ta phải lo việc tự tồn đến nỗi quên việc suy tư. Hoàn cảnh ông nói đó là gần đây, mới vài ngàn năm, e không đến nỗi xóa tiếng của ta. Trái lại, sự tiếp xúc với nguời Tàu chính đã làm giàu thêm tiếng ta, nhất là tiếng trừu tượng. Trong bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức có 13,276 chữ, trong đó 3,443 vốn gốc tiếng Tàu; chắc chúng nó đã bắt đầu chạy vào tiếng Việt từ thuở Bắc thuộc ấy. Ta du nhập tiếng trừu tượng tích cực như vậy hết nghìn năm này đến nghìn năm khác, mà mãi vẫn chưa từng dựng nên quốc học, mà thành tích học thuật chưa có gì cả, khiến cho đầu thế kỷ này kẻ sĩ có ý thức phải ráo riết “truyền bá Đông Tây học thuật”. Cùng lúc ấy, thế hệ Phạm Quỳnh – Nguyễn Văn Vĩnh lại khẩn trương bồi bổ, và các thế hệ tiếp cũng lại tiếp tục bồi bổ quốc văn, du nhập thêm nghìn nọ nghìn kia tiếng trừu tượng mới nữa. Thế bây giờ — cuối thế kỷ — chúng ta đang đến đâu, về mặt học thuật? Chúng ta đã có chủ thuyết triết học riêng, có chủ thuyết kinh tế mới mẻ, đã mở ra những trường phái chính trị đặc biệt sáng giá chăng? Các bậc trí thức, học giả, của chúng ta đang hối hả “truyền bá học thuật Việt ra khắp Đông Tây” gấp gấp chăng? Chuyện ấy chưa hề xảy ra. Chỉ thấy hoạt động ráo riết ở ta vẫn là truyền bá Đông Tây tư tưởng. Vẫn là truyền vào, chưa phải truyền ra. Cuối thế kỷ cái truyền vào cũng ráo riết không kém hồi đầu thế kỷ. Chừng ấy cứu chữa chưa đạt kết quả; có lẽ lúc này chúng ta nên góp thêm một vài suy ngẫm. Chẳng hạn về mối liên hệ giữa tiếng trừu tượng với khả năng biện luận suy tưởng. Đó là loại liên hệ thế nào? Bảo rằng vì thiếu tiếng trừu tượng mà kém về biện luận, hay bảo rằng vì ít suy luận nên không cần đến, không đặt ra tiếng trừu tượng, do đó loại tiếng này hóa nghèo. Như thế là cho rằng hai bên có liên hệ nhân quả: cái này sinh ra cái kia, hoặc ngược lại. Liên hệ như cha với con. Sửa cái nhân thì cái quả sẽ đổi khác. Mặt khác, lại có thể hiểu: thiếu tiếng trừu tượng và kém về suy luận là hai hiện tượng cùng biểu lộ một xu hướng tinh thần. Tiếng nói là phương tiện diễn đạt ý tình; phương tiện tốt thì diễn đạt tốt. Nhưng mặt khác tiếng nói tự nó cũng là biểu hiện của một xu hướng tinh thần của dân tộc, cũng là phản ảnh của một sở trường bẩm sinh tiềm ẩn, tự bản thân nó cũng ẩn ngụ những ý tình thầm kín của dân tộc, không sao? Là phương tiện, nó không phải thứ phương tiện như cây cuốc, lưỡi cày, như cái búa, lưỡi dao v.v... Hai sự kiện cùng phát sinh từ một xu hướng gốc, chứ không phải sự kiện này sinh ra sự kiện kia. Giữa đôi bên không phải là thứ liên hệ cha với con, mà là thứ liên hệ anh em song sinh. Cả hai cùng cội rễ, phát sinh từ một hoàn cảnh xa xôi. Hai sự kiện là hai chứng minh bổ túc cho nhau. Về mối tương quan giữa hai hiện tượng này, dân tộc Ấn đã tự hiến làm một dẫn chứng lý thú. Ấn ngữ cực nhiều tiếng trừu tượng và người Ấn cực giỏi tài biện luận. Ai cũng biết các dân tộc La-mã, Hi-lạp và Đức là những dân tộc cừ khôi từng cung cấp cho nhân loại những nhà triết học lừng lẫy; Keyserling, một triết gia Đức, bảo rằng số từ ngữ triết trong tiếng sanscrit của Ấn-độ nhiều hơn tổng số từ ngữ triết của ba thứ tiếng La-tinh, Hi-lạp và Đức cộng chung lại. Còn người Ấn thì nhất khoái tranh luận. Trong khi ở các xứ khác lắm người ham thích xem đá cá, đá gà, xem chọi trâu, xem cọp voi đấu nhau, xem cả người với người đánh đấm nhau, đấu gươm đấu kiếm tranh giết nhau, thì ở Ấn từ vua quan đến dân chúng đều khoái xem đấu võ mồm. Hễ có cuộc tranh biện giữa các vị cao tăng thì người đông nghìn nghịt chen nhau nghe. Kẻ thắng có thể được nhà vua trọng thưởng đến cả nghìn con bò cùng với vàng bạc, được dân chúng đón rước cực kỳ trọng thể. (Đường Tam Tạng từ Trung Quốc sang Ấn-độ cũng tham dự những cuộc biện đấu lớn như thế.) Hiểu theo cái ý hai hiện tượng nọ có tương quan song sinh thì việc du nhập, tăng bổ từ trừu tượng vào Việt ngữ sẽ không có hiệu lực phát triển tức thì khả năng suy tưởng, xây dựng nhanh chóng nền quốc học. Tăng bổ từ mới là cung cấp thêm phương tiện, trong khi cái thiếu không phải chỉ là phương tiện. Dù sao, có thêm vốn từ trừu tượng cũng làm chúng ta quen thêm, gần thêm các hoạt động nghiên cứu, suy tưởng. “Hoàn cảnh” sinh hoạt học thuật ấy, dần dần cải biến khuynh hướng “bẩm sinh” đố kỵ trừu tượng của ta. Và một ngày kia, ta sẽ vùng lên. Biết đâu? Nói thế là nói điều quá xa xôi. Có phải Phạm Quỳnh đã ngại ngùng, và ngại ngùng chính vì chỗ xa xôi ấy? Giữa lúc thế hệ tiền phong đang tưng bừng, hồ hởi, sao nỡ gieo điều ngờ vực, nêu trở lực khó khắc phục? Thực ra, không cứ là thế hệ tiền phong, thế hệ nào cũng ghét trở lực. Quốc học đã muộn mất bốn nghìn năm văn hiến, đến lúc này mà không dựng gấp sao được? Lên đỉnh cao trí tuệ phải vọt lên cấp kỳ. Chần chờ, sốt ruột lắm. Một chút so sánh với người thiên hạ càng làm cho ta sốt ruột thêm. Ở Pháp cũng từng có thời lệ thuộc vào tiếng La-tinh (như ta xưa kia lệ thuộc vào chữ Tàu), rồi cũng từng nổi lên chủ trương thoát ly khỏi tiếng La-tinh mà xây dựng nền văn chương học thuật Pháp, vào thế kỷ XV. Không đầy một trăm năm, đã có những thành công cảø về hai thứ văn nghệ thuật và văn luận thuyết. Bên này có Du Bellay, Ronsard, thì bên kia cũng có những Calvin (1509-1564), Montaigne (1532- 1592). Chẳng bao lâu xuất hiện Descartes (1596- 1650), Pascal (1623-1662). Điều ấy có liên quan chăng đến bản chất của ngôn ngữ Pháp? Nói về cái phương tiện diễn đạt tư tưởng của tiếng Pháp, Montaigne — một vị trong thế hệ tiền phong — bảo: “Tôi thấy ngôn ngữ của chúng ta đã đủ phong phú.” (suffisamment abondant). Có phải bản chất ngôn ngữ ấy là một thuận lợi cho sự phát triển học thuật của Pháp? Còn ở ta... thật là sốt ruột. Dù sao, nên tìm một lý lẽ để hạ hỏa, trong khi chờ đợi một nền quốc học rực rỡ. Bấy lâu ta kém sút, không kém sút cả. Chỉ kém một bên thôi. Thiếu kém bên ấy, quốc gia vẫn bền vững, dân tộc vẫn tồn tại và phát triển, vẫn sống mạnh sống hùng, thắng sự xâm lăng của nhiều nước lớn và mạnh, thắng và nuốt tươi đôi ba nước nhỏ hay yếu, dân tộc vẫn hưởng một nếp sống có lễ nghĩa, có thuần phong mỹ tục, có nét văn hóa riêng v. v... Ước mong, đòi hỏi phải hơn thế: vâng, thì cứ ước cứ đòi. Nhưng cũng nên biết rằng khắp thế giới xưa nay, cái số các dân tộc xây dựng được những hệ thống triết lý nguy nga có bao nhiêu đâu. Từ những trung tâm lớn như Trung Hoa, Ấn-độ, Hy-lạp... ánh sáng tư tưởng tỏa dần ra, rồi nhân loại được hưởng cả, lo gì. Vả lại, các công trình tư tưởng lớn lao rồi về sau không hề ngăn cản nổi sự suy sụp thảm hại ở một số quốc gia thuộc những khu vực văn minh lừng lẫy một thời. Vậy quốc học, có lẽ ta cũng không nên kỳ vọng quá đáng vào nó. Người có hai phía: phía cảm thụ, phía suy tư; văn có hai thứ: thứ nghệ thuật, thứ luận thuyết. Ta xuất sắc về một phía thứ nhất. Không chừng đó lại là phía hay ho đa. Có được các giác quan mẫn nhuệ, có cảm xúc tinh vi, ta tha hồ hưởng thụ, sống một đời phong phú, đậm đà. Phía thứ nhất mà kém, không thể trông cậy vào ai được; ta không thể mượn chiếc lưỡi tinh tế của kẻ khác để thưởng thức chén trà ngon, tô phở ngon, ta không thể nghe nhạc hay bằng đôi tai sành sõi của kẻ khác, không thể xem tranh ngoạn cảnh bằng mắt kẻ khác, yêu đương rào rạt bằng con tim kẻ khác. Một dân tộc có thiên khiếu về cái cụ thể, một dân tộc sở hữu những giác quan tinh nhạy không phải là được Trời cưng sao? Còn suy tưởng cao xa? Hãy giả vờ nêu thử một câu hỏi liều lĩnh: món ấy có thật là cần kíp không? Cao xa như lời Chúa, lời Phật, như bao nhiêu lời các đức Khổng Tử, Mạnh Tử, Aristote, Socrate v.v... trước sau đều lần lượt tìm đến tai ta. Người Tàu người Tây nghe được mấy lời, ta cũng được phép nghe đủ mấy lời. Không một triết gia nào, không thánh hiền nào giấu giếm lời hay ý đẹp cả. Trái lại, mọi sản phẩm cao siêu nhất, quí báu nhất đều mong được truyền bá rộng rãi. Chỉ lo ta không cố gắng tiếp nhận, đừng ngại người không quảng bá. Rồi phát minh điện tử, bí mật vũ trụ, thiên hạ khám phá ra đến đâu, ta tha hồ biết theo đến đấy. Thành quả của trí tuệ, ta hưởng chung với người; cảm nhận các giác quan thì của ai nấy hưởng kỹ. Vậy lớp tiền phong đầu thế kỷ chủ trương truyền bá Đông Tây học thuật là chí phải. Rồi khi nhận thấy lớp tiền phong cuối thế kỷ vẫn mải miết tiếp tục truyền bá Tây phương học thuật cũng không đến nỗi phải lo lắng hoảng hốt.[3] _________________________ [1] La langue annamite abonde en expressions pour les choses usuelles et sensibles, mais elle est pauvre pour ce qui regarde les procédés des arts mécaniques et les beaux arts; elle est absolument dépourvue d’expressions pour les idées abstraites. [2] Nam Phong số 119, kỷ niệm đệ thập chu niên. [3] Bài này đọc trong Ngày Phạm Quỳnh, tổ chức tại báo quán Người Việt (ở California, Hoa Kỳ), tháng 5 – 1999.
|