Ông nguyên có tên là Đào Đăng Tấn, vì tránh quốc húy bỏ chữ Đăng, nên gọi gọn Đào Tấn.
Ông sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ, tức ngày 3- 4- 1845, Thiệu Trị thứ 5. Quê quán tại làng Vinh Thạnh xã Phước Lộc huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.
Đào Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai và Tô Giang, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong và Mai Tăng. Lúc nhỏ, ông được may mắn thọ giáo cụ Tú Nguyễn Diêu , người làng Nhơn Ân, nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện; không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn , nổi tiếng từ ấy. Năm 23 tuổi, ông đậu Cử nhân khoa Đinh Mão (1868). Năm 1871, Tự Đức thứ 24, ông được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, tức hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa. Ông làm quan trải ba triều Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái; từ chức Điển tịch, hai lần Thừa Thiên phủ doãn, hai lần Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), hai lần Thượng thư bộ Công sung Cơ mật viện Đại thần, tước Vinh Quang tử. Ông thuộc nhóm cảm tình Cần Vương, lúc làm Thượng thư ở kinh, nghe tin Phan Đình Phùng mất (1896), ông làm thơ Khốc Phan Đình Nguyên và câu đối điếu. Lúc làm Tổng đốc An Tịnh lần thứ 2, nhân dịp khánh thành cầu sắt bắc qua sông Nhị Hà, ông cấp giấy thông hành cho Phan bội Châu ra bắc. Nhờ có giấy phép hợp lệ, ông Phan đến đồn Phồn Xương yết kiến Hoàng Hoa Thám và đi khắp xứ Bắc Kỳ tìm đồng chí. Lúc Phan Bội Châu xuất ngoại, ông làm thơ Ức Phan San (Nhớ Phan San). Ngoài ra ông có câu đối điếu Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần Vương tỉnh Bình Định. Tác phẩm, ông có khoảng 40 kịch bản tuồng sáng tác hoặc nhuận sắc, những tuồng nổi tiếng như Vạn Bửu trình tường, Tân dã đồn, Cổ thành, Diễn võ đình, Hộ sanh đàn, Trầm hương các...
Thơ Hán văn có tập Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo.
Từ có tập Mộng Mai từ lục .
Văn có Linh Phong tự ký và Hí trường tùy bút.
Biểu và văn tế có Biểu tạ ơn khi nhận tước phong Vinh Quang tử và văn tế Tạ cầu mưa tại Đền Cồn Nghệ An.
Câu đối hiện còn 19 câu, trong đó có 3 câu đối điếu lãnh tụ, tướng lãnh Cần Vương. Thơ ông làm trong dịp Nguyên Đán rất nhiều, dưới đây trích 6 bài trong tập Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo [1] và 2 bài trong tập Thơ và từ Đaò Tấn [2].
TRỪ TỊCH Hồng sơn phong vũ cận hà như Cầm kiếm nhân lai tuế hựu trừ Đãi đáo minh triêu khan vạn vựng Tình hòa thắng phủ vị xuân sơ. (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)
ĐÊM CUỐI NĂM Gió mưa mấy độ núi Hồng Lam Đón khách gươm đàn đêm cuối năm Chờ sáng nhìn xem muôn vật thử Có hơn cái lúc chửa vào xuân. (Việt Thao phụng dịch)
MẠN ĐỀ Kỳ cựu thông thông khứ Kỳ tân đắc đắc lai Khả liên kỳ lộ thượng Tương kiến hữu trần ai. (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)
VIẾT TẢN MẠN Cũ vừa gấp gấp qua Mới đã mau mau lại Thương nỗi đường ngã ba Thấy nhau đều lấm bụi. (Việt Thao phụng dịch)
TRỪ TỊCH QUAN THƯ NGẪU ĐẮC Tuế lũ canh trừ, tập vị trừ Dạ phân do kiểm án đầu thư Mộ niên tỉnh sự thiên đam thử Ưng tiếu quan trường hữu đố ngư. (Thơ và từ Đào Tấn)
ĐÊM BA MƯƠI TẾT NHÂN ĐỌC SÁCH VIẾT BÀI THƠ Năm mãi đổi thay, thói chửa thay Lật từng trang sách giữa đêm nay Tuổi già ham đọc điều suy ngẫm Cười chốn quan trường lắm mọt đây. (Vũ Ngọc Liễn dịch) TUẾ ĐÁN NGẪU THÀNH Thuân tuần ngũ thập lục niên hoa Dĩ tạp niên xuân bất tại gia Tiếu ngã phù sinh như mãn bách Dã ưng đề vịnh biến thiên nhai. (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo) ĐẦU NĂM TÌNH CỜ VIẾT NÊN Ngẫm đã năm mươi sáu tuổi rồi Vắng nhà ba chục cái Xuân ơi! Cười ta, nếu sống tròn trăm tuổi Muốn chỉ thơ ngâm khắp nẻo trời. (Việt Thao phụng dịch)
TUẾ ĐÁN THƯ HOÀI Hựu thị Hồng Lam đệ kỷ xuân Sơn hà y cựu, tuế hoa tân Tọa thương huynh đệ giai thùy mộ Hảo tương hưu trí tác nhàn nhân. (Thơ và từ Đào Tấn)
ĐẦU NĂM TẢ NỖI LÒNG Lam Hồng lại trải mấy năm rồi Sông núi y xưa, năm mới thôi Thương bấy anh em đều bóng xế Ta mong hưu sớm sống yên nơi. (Vũ Ngọc Liễn dịch)
TÂN SỬU TRỪ TỊCH Liễu đắc nhất niên sự Đồng du tam nhật xuân Trúc phù khan phóng hạ Thiên lự hựu tùy nhân (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)
ĐÊM GIAO THỪA NĂM TÂN SỬU (1901) Xong việc một năm qua Ngày xuân chỉ có ba Tre nêu vừa hạ xuống Lo lắng bám theo ta. (Việt Thao phụng dịch)
NHÂM DẦN NGUYÊN ĐÁN THÍ BÚT Nguyên chánh nhất nhật hảo tình hòa Vạn vựng canh tân hỷ khí đa Dục hướng Hồng Lam thông nhất vấn Thập niên du khách ý như hà? (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)
NGÀY ĐẦU NĂM NHÂM DẦN (1902) THỬ BÚT Nguyên Đán trời trong dịu ngọt ngào Phong quang thay đổi đẹp thêm vào Một lời muốn hỏi Hồng Lam nhé Khách ở mười năm, đấy nghĩ sao? (Việt Thao phụng dịch)
QUÍ MÃO TRỪ TỊCH THƯ HOÀI Tuế hoa tự dịch thông thông vãng Hương mộng tùy xuân nhiễm nhiễm qui Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý [3] Vị tri ngũ thập cửu niên phi. (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo)
TẢ NỖI LÒNG ĐÊM GIAO THỪA TẾT QUÍ MÃO (1903) Năm tháng trôi nhanh ngựa trạm qua Xuân mang dìu dịu mộng quê nhà Cười ta, nếu sống tròn sáu chục Năm chín chưa hay những lỗi lầm. (Việt Thao phụng dịch)
Thơ ông bàng bạc lòng nhân ái, nỗi nước, nỗi nhà, nỗi dân. Cuộc đời làm quan của ông lúc nào cũng nghĩ đến chuyện sớm về hưu và giữ lòng trong sạch. Nhất là trong những tuồng hát thấp thoáng hình tượng chiến sĩ Cần Vương, qua những câu hát nam để đời, vừa rất thơ vừa nóng bỏng thời sự:
Chút thân liều với cung dâu Đố con lương mã biết đâu là nhà? (tuồng Diễn Võ Đình) hoặc
Lao xao sóng vỗ ngọn tùng Gian nan là nợ anh hùng phải vay. (tuồng Hộ sanh đàn)
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
GHI CHÚ: [1] Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo là tập thơ do hai ái nữ của Đào Tấn là bà Trúc Tiên và Chi Tiên ký lục, bà Tịnh Ba phụng sao vào tháng chạp năm Giáp Thìn (1964), sưu tầm được 113 bài thơ của Đào Tấn, dày 236 trang. [2] Thơ và từ Đào Tấn do nhóm biên soạn Vũ Ngọc Liễn chủ biên và Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Hổ, Mạc Như Tòng cộng tác. Sách dày 284 trang, gồm 86 bài thơ và 24 bài từ của Đào Tấn, nhà xuất bản Văn Học ấn hành tại Hà Nội năm 1987. [3] Châu Giáp Tý: Tròn đủ một vòng Giáp Tý, tức sáu mươi tuổi. |