Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pgáp Quốc Ngày 09-10-2012

Điểm Báo Pgáp Quốc Ngày 09-10-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Ba, 09 Tháng 10 Năm 2012 14:51

 Trung Quốc : ngành ô-tô Nhật Bản gặp khó khăn, các đối thủ được lợi


 

Ô-tô Nhật là đối tượng tấn công của những người biểu tình Trung Quốc trong làn sóng chống Nhật hồi tháng 9/2012, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, 15/09/2012.
Reuters/Rooney Chen

 

Nếu như vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư chỉ gây toàn bất lợi cho các nhà công nghiệp xứ Phù Tang, thì ngược lại các hãng sản xuất xe ô-tô đối thủ cạnh tranh của Nhật lại là những « ngư ông đắc lợi ».

 Doanh thu bán ra của các tập đoàn Đức, Hàn Quốc và Mỹ đã tăng vọt, nhất là trong tháng 9 năm nay.

 Báo Les Echos số ra hôm nay có bài viết cho rằng « Tại Trung Quốc, khó khăn của các tập đoàn Nhật Bản mang lợi cho các đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc và Mỹ ».

Chỉ riêng trong tháng 9 này, đứng đầu danh sách bán ra là các nhà sản xuất xe ô-tô Đức. Doanh thu của BMW tăng vọt 59% trên cả năm, và Audi tăng 20%.

Tiếp theo là hãng Hyundai của Hàn Quốc có mức bán ra trong tháng 9 năm nay tăng 15% so với cùng kỳ năm rồi. Còn nếu tính trên cả năm, mức tăng là 9,5%. Một con số kỷ lục cho Huyndai. Và tập đoàn này còn dự đoán lượng bán ra có lẽ sẽ còn cao hơn trong năm 2012.

Xu hướng này cũng xảy ra tương tự cho tập đoàn sản xuất xe ô-tô khổng lồ General Motors của Mỹ.

Theo con số công bố chính thức, chỉ riêng trong tháng 9 hãng này đã bán được hơn 244 ngàn chiếc xe, tăng 1,7% trên cả năm và 10,5% so với tháng 8 năm nay.

Theo Les Echos, vấn đề là « nguyên tắc bình thông nhau » đã được tung ra trên thị trường xe ô-tô Trung Quốc.

Kể từ khi quan hệ Nhật – Trung nổi ba đào, với hàng loạt các vụ căng thẳng xung quanh vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, các nhà sản xuất xe ô-tô Nhật Bản dường như đang hứng chịu nhiều thiệt hại trên thị trường Hoa lục.

Lần lượt các hãng xe lớn của xứ sở Hoa Anh Đào nhìn thấy lượng bán ra tụt giảm thê thảm : Nissan giảm 35% trong tháng 9, Mazda cũng tương tự và tệ hại nhất là Mitshubishi giảm đến 63%.

Theo nguồn tin của tờ báo Nikkei, lượng xe bán ra của Toyota cũng rớt xuống đến 50% so với cùng kỳ năm rồi. Tờ báo còn khẳng định là các hãng xe Toyota, Nissan và Honda buộc phải cắt giảm mức sản xuất tại Trung Quốc đến 50%.

Les Echos cho rằng vấn đề đã trở nên khá nghiêm trọng vì nó bắt đầu có những tác động trên mặt kinh tế vĩ mô.

Tuần rồi, các nhà kinh tế của JP Morgan nhận định khủng hoảng ngoại giao Nhật – Trung kéo dài sẽ còn làm cho GDP của Nhật Bản thu hẹp lại trong quý IV năm nay.

Nhà phân tâm học Hoắc Đại Đồng : người Trung Quốc đã được cởi lời

Theo nhận định của ông Hoắc Đại Đồng (Huo Datong), giáo sư và là nhà phân tâm học nổi tiếng thuộc trường Đại học Tứ Xuyên, tại Trung Quốc, nhờ sự phát triển của Internet cách đây 5 năm, giới trẻ Trung Quốc ngày nay có điều kiện thổ lộ tự do hơn những suy nghĩ, chính kiến của chính mình.

 Bên cạnh đó, để đạt được sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Trung Quốc « cần phải để cho xã hội kiểm soát chính phủ và phải có tự do tư tưởng và ngôn luận ».

Nhận định trên được nhật báo Công giáo La Croix dẫn lại trong bài viết đề tựa « Đối với Hoắc Đại Đồng,  người Trung Quốc đã được cởi lời ».

Theo ông Hoắc Đại Đồng, nhà phân tâm học, từng bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành phân tâm học tại trường đại học danh tiếng tại Paris vào những năm 1980, « xã hội Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc ».

 Ông cho rằng « tất cả những xáo trộn mà đất nước đang trải qua đã diễn ra quá nhanh chóng và quá mãnh liệt đến mức không có mô hình ổn định nào cho xã hội ».

 Điều đáng sợ nhất là người ta không còn biết phải làm gì để đối phó lại với các bất ổn. Các quy định cũ kỹ dựa trên nền tảng triết học Khổng tử và Lão giáo không còn hợp thời. Còn những cái mới du nhập từ phương Tây cũng không đề xuất được một giải pháp tương thích nào.

Ông cho rằng các xung đột trong gia đình, nhất là giữa bậc cha mẹ với con cái ngày nay xảy ra thường xuyên hơn. Vì là con một, nên áp lực đè nặng lên người con rất là lớn, do các bậc cha mẹ muốn áp đặt chính kiến của mình từ chuyện học hành cho đến chuyện cưới hỏi.

Trong một xã hội mà sự thành công và tiền bạc được xem như là những cột mốc cơ bản, chuyện lựa chọn một nghề nghiệp trong tương lai trở thành bất đồng sâu sắc giữa con trẻ và các bậc phụ huynh.

Khác với thời xa xưa, dù không được học đúng ngành ưa thích, nhưng việc được chọn vào học đại học cũng đã thỏa lòng mơ ước bao nhiêu người.

 Giờ đây, cánh cửa đại học rộng mở hơn, nhưng các bậc cha mẹ muốn tự chọn cho con mình một hướng đi để có thể tìm thấy một « công việc tốt ». Chính điều này đã làm nản chí không biết bao cô cậu sinh viên.

Thế là lo lắng và mất phương hướng nối tiếp nhau chồng chất. Điều bất hạnh là trong suốt hai thập niên vừa qua, lại không tồn tại một giải pháp nào.

 Bị ngăn chặn bởi hệ tư tưởng cộng sản, ngành tâm lý học và phân tâm học bị cấm đoán cho đến mãi tận cuối những năm 1990. Đối diện trước những bất an trong xã hội ngày càng gia tăng, dần dần lãnh vực tâm lý học mới được thâm nhập vào các trường đại học và phát triển mạnh nhất trong những năm gần đây.

Người Trung Quốc cũng đã bắt đầu thay đổi về quan điểm. Họ không còn đánh đồng chuyện đi tư vấn bác sĩ tâm lý với chứng bệnh « điên rồ ».

Ông Hoắc Đại Đồng nhìn nhận hiệu quả của việc tư vấn các bác sĩ tư dù rằng giá cả mắc gần gấp 3 lần so với bệnh viện công. Theo ông, chí ít bệnh nhân có thể nói, trình bày vấn đề của họ được tự do hơn. Nên nhớ rằng, chỉ cách đây có 5 năm, « người Trung Quốc còn không dám mở miệng thổ lộ chuyện của mình ».

Ngày nay, « nhờ Internet, tiếng nói của người dân đã được công khai giải phóng và họ nói chuyện cởi mở », ông nói. Ý kiến công luận, nhất là giới trẻ không còn ngần ngại thể hiện sự bất bình hay sự phẫn nộ và tố cáo bất công, tham nhũng và sự thông đồng của các quan chức chính phủ.

Theo ông, giờ đây, đất nước Trung Hoa đang đứng trước ngã ba đường và không biết là phải chọn con đường nào để theo. Giờ là cường quốc thứ hai, nhưng để trở thành cường quốc hàng đầu, Trung Quốc « cần phải kiến tạo, đưa ra một luồng tư tưởng mới, một hệ thống giá trị mới hoàn toàn ».

La Croix tự hỏi liệu những người trong ban lãnh đạo mới sắp được bầu ra sau kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 có dẫn dắt được đất nước hay không ? Bởi lẽ, công luận Trung Quốc tỏ ra rất ngờ vực đối với giới lãnh đạo chính trị bị tham nhũng gặm mòn.

Cuối cùng, ông Hoắc Đại Đồng cho rằng đã đến lúc phải đưa ra một quy định về « sở hữu tư » để trấn an và bảo vệ tài sản dân chúng. Đồng thời ông cũng bảo vệ ý kiến về việc xã hội kiểm soát chính quyền và tự do tư tưởng cũng như ngôn luận.

Syria : bạo động lan sang vùng Qardaha, lãnh địa của gia đình Assad

Chiến sự tại Syria bắt đầu có biến chuyển mới. Ngày càng có nhiều tiếng nói đối lập phản đối chế độ Bachar al-Assad ngay trong lòng cộng đồng những người thuộc hệ phái Alawite.

Trong bài viết đề tựa « Tại Syria, bạo động lan sang vùng Qardaha, lãnh địa của gia đình Assad », Le Monde cho rằng sự nổi dậy chống chính quyền của một nhóm người Alawite có vẻ mang màu sắc sự đối đầu của hai thị tộc Assad và Khayer.

Le Monde tự hỏi « Phải chăng thời mà xứ sở của những người thuộc hệ phái Alawi có thể sống biệt lập với thế giới đang sắp tàn ? ». Bởi vì, từ một tuần nay, nhiều vụ đối đầu có vũ trang đang diễn ra ngay trong lòng thành trì của Assad, tại Qardaha, một thị trấn nhỏ khoảng 10 ngàn cư dân.

Theo quan sát của Le Monde, dường như có sự đối đầu giữa hai phe thị tộc : Assad và Khayer. Thayer là một thị tộc có uy tín hơn, nhưng bị gạt ra ngoài bởi quyền bá chủ của gia đình Assad.

Tờ báo đặt nghi vấn : phải chăng các vụ chạm súng đó là các vụ thanh toán lẫn nhau giữa hai thị tộc để giành quyền kiểm soát tuyến đường buôn lậu qua Liban, vốn là một điểm đặc trưng của thị trấn sát biên giới này ? Hay đó là một mặt trận chống Damas mới vừa được mở ra, có liên quan đến việc cơ quan mật vụ Syria bắt cóc ông Abdelaziz Al-Khayer, một nhà đối lập cánh tả nổi tiếng hồi tháng 9 vừa qua ?

Theo tờ báo, hiện giờ khó có thể đánh giá được quan hệ nhân-quả. Nhưng đối với chế độ Assad, các vụ đụng độ đó cũng khá là nghiêm trọng để cho chế độ, bị xô đẩy ngay trên chính sân nhà, phải vội vã gởi quân đến vùng Qardaha.

Nguyên nhân đụng độ bắt nguồn từ Mohamed Al-Assad, anh em họ của tổng thống Syria Bachar al-Assad và cũng là một bố già đáng gờm tại vùng lãnh thổ cộng đồng người Alawi. Cùng với hai người con trai khác trong thị tộc, Mohamed Al-Assad, một trong những người sáng lập ra « chabiha », một kiểu dân quân tự vệ, là từng kẻ chuyên tống tiền và buôn thuốc phiện trước khi được chế độ Damas tuyển dụng để trấn áp các vụ nổi dậy.

Le Monde cho biết, hôm 28/9 vừa qua, chính người anh em họ của ông Assad đã nổ súng vào nhóm thanh niên biểu tình ủng hộ phong trào nổi dậy và bắn trúng một thành viên của thị tộc Khayer, người đã lớn tiếng chỉ trích chế độ Damas. Trong vụ đụng độ đó, dường như tên « lãnh chúa vùng núi », theo như cách gọi của người địa phương, đã bị tử nạn. Còn theo nhiều nguồn tin khác nhau, thì ông ta vẫn còn sống sót nhưng trong tình trạng nguy ngập.

Theo phe đối lập Syria, hôm thứ năm 04/10 vừa qua lại xảy ra các vụng va chạm mới sau khi xảy ra chuyện bắt cóc ba phụ nữ thuộc thị tộc Khayer.

 Các chuyên gia về Syria nhận định rằng đây chính là cuộc chiến băng đảng. Lợi dụng lúc phe Assad suy yếu, các băng đảng khác bắt đầu ngóc đầu. Theo các chuyên gia, thì phe đối lập Syria cũng không nên bỏ qua cơ hội này.

Tuy nhiên, Le Monde nhận xét rằng hiện tại cộng đồng hệ phái Alawite chiếm thiểu số tại Syria không thích tách rời chế độ Assad.

Bất chấp bất công xã hội leo thang, phần đông trong số họ vẫn cho rằng Damas bảo vệ họ trước cộng đồng theo hệ phái Sunni, chiếm đa số trong nước. Trong tư tưởng của họ, một khi Bachar sụp đổ, quân nổi dậy sẽ chĩa súng chống lại lãnh thổ của hệ phái Alawite.

Phiên tòa xử cựu quản gia của Giáo hoàng để lại nhiều nghi vấn

Về thời sự châu Âu, Le Monde tiếp tục chú ý đến vụ án rò rỉ thông tin tại Vatican. Mặc dù Paolo Gabriele, viên quản gia của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã bị kết án một năm rưỡi tù về tội « chiếm đoạt nghiêm trọng », nhưng « Bản án vẫn để ngỏ nhiều nghi vấn ».

Thế là đã thoát nạn ! Le Monde nhận xét. Được cho lần đầu tiên trong lịch sử Tòa thánh, phiên xử ngắn ngủi được mở ra cho giới truyền thông đã không giữ đúng lời hứa của mình.

 Paolo Gabriele, luôn tự xưng là được Đức Chúa trời giao phó, xuất hiện trong phiên xử như là một kẻ rụt rè và đơn độc. Cho đến cuối phiên xử, không ai hiểu rõ động cơ nào đã thúc đẩy anh ta ăn cắp hàng trăm tài liệu mật đem sao chép ra và giao cho phóng viên Gianluigi Nuzzi.

Viên cựu quản gia không cung cấp được một tên đồng phạm nào, trong khi trước đó anh ta từng tuyên bố có khoảng 20 người liên can đến vụ việc.

 Điều kỳ lạ là các viên thẩm phán còn không buồn nghe lấy tên một nhân vật nào trong Giáo hội để có thể làm sáng tỏ vụ việc. Một sự độ lượng đến khó hiểu, Le Monde nhận xét.

Bình thường, với tội danh đó, Paolo Gabriele có nguy cơ lãnh án từ 4 đến 8 năm tù. Giờ đây, anh ta chỉ bị kết án có một năm rưỡi, và sẽ thọ án ngay trong chính căn hộ của mình. Tiền lương vẫn được trả đủ và sau khi mãn hạn anh ta vẫn có thể tìm lại được việc làm. Làm sao mà anh ta không nhếch miệng cười ngay sau khi tuyên án.

Điều này cho thấy tòa án đã đi ngược với thiện chí minh bạch do Đức Giáo hoàng đề xướng. Báo chí tại Ý đặt nghi vấn tại sao lại phải xử vội vã, trong khi vẫn chưa làm sáng tỏ những kẻ chủ mưu và kẻ đồng phạm.

Khó có thể tin rằng Paolo Gabriele hành động tự phát. Bởi vì, việc nhà điều tra đã phát hiện ra hơn 80 thùng carton tài liệu, trong đó nhiều hồ sơ có từ hồi năm 2006, cho phép đặt giả thuyết rằng việc ăn cắp tài liệu đã được hoạch định trước từ lâu.

Theo nhận định của một phóng viên tờ Fatto Quotidiano tại Ý, vụ xử Gabriele là một « phiên xử chính trị », theo cái nghĩa là Vatican muốn bằng mọi cách « dập tắt » vụ tai tiếng.

Do đó, « thẩm phán cũng chẳng cần tìm hiểu thêm về các mối liên hệ của bị cáo.

Phiên xử Gabriele chủ yếu chỉ giới hạn vụ rò rỉ thông tin ở tại Vatican mà thôi.