Tàu Trung Quốc tiếp tục khiêu khích quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Chúa Nhật, 07 Tháng 10 Năm 2012 14:51 |
Bắc Kinh chủ yếu dựa vào lịch sử để đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Các tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc hiện diện gần vùng quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, biển Hoa Đông, ngày 18/09/2012
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, lực lượng tuần duyên nước này, chiều hôm qua 06/10/2012, đã phát hiện 8 chiếc tàu tuần tra Trung Quốc lảng vảng tại vùng biển tiếp giáp khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Dù phía Nhật đã lên tiếng cảnh cáo, tàu Trung Quốc vẫn liên tục ra vào vùng hải phận của quần đảo do Tokyo kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Nguồn tin từ bộ chỉ huy khu vực của cơ quan Tuần duyên Nhật đặt tại Okinawa cho biết, vụ việc xẩy ra lúc 15 giờ, giờ Nhật Bản. Trong đoàn tàu Trung Quốc, có 4 chiếc tàu ngư chính đã nhiều lần rẽ vào vùng hải phận của Nhật Bản rồi lại rẽ ra. Khi Tuần duyên Nhật ra tín hiệu cảnh cáo là không được quyền xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, một chiếc tàu Trung Quốc trong số này trả lời rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ chính đáng trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Xin nhắc lại là khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý, nhưng đang bị cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Nguồn tin về việc tàu Trung Quốc tiếp tục hoạt động tại vùng quần đảo đang tranh chấp đã được phía Trung Quốc xác nhận. Theo tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) vào hôm nay, cơ quan quản lý ngư nghiệp Trung Quốc, hôm qua, cho biết là 5 chiếc tàu ngư chính vẫn còn tiếp tục nhiêm vụ tuần tra và bảo vệ ngư dân tại vùng biển mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Việt Nam bày tỏ thái độ quan ngại Sự kiện tàu Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản kềm sát nhau tại vùng biển Senkaku/Điếu Ngư đã gây nên lo ngại về nguy cơ nổ ra sự cố. Tại Diễn đàn Hàng hải ASEAN tổ chức ở Manila (Philippines) từ 03/10/2012, Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Theo hãng tin Kyodo, trong một tuyên bố đọc tại phiên khai mạc của diễn đàn vào hôm 03/10, Việt Nam – nước đang vướng vào tranh chấp tại vùng Biển Đông - đã đánh giá rằng, căng thẳng chủ quyền bùng lên giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc là « những diễn biến phức tạp ». Trong khi bản tuyên bố chỉ đề cập đến « phần phía đông nam và đông bắc của khu vực », một đại biểu Việt Nam đã xác nhận sau đó là các khu vực được nói đến bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát ở biển Hoa Đông, nhưng đang bị Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền, và quần đảo Takeshima/Dokdo ở vùng biển Nhật Bản do Hàn Quốc quản lý, nhưng bị Tokyo tranh chấp, lập luận rằng đó là một phần lãnh thổ cố hữu của mình. Phát biểu trước diễn đàn, phía Việt Nam xác định : « Chúng tôi chia sẻ niềm tin tưởng chung rằng các bên liên quan phải… hành động với sự kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ». Đại diện Việt Nam nói thêm : « Đối với Biển Đông cũng vậy ». Theo các nguồn tin được Kyodo trích dẫn, Việt Nam còn yêu cầu các bên liên quan làm việc với nhau sao cho tranh chấp không leo thang thành xung đột, đảm bảo một giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc, « bao gồm cả các quy định liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển ». Theo Kyodo, Trung Quốc một mặt công nhận quy định cho phép các quốc gia ven biển có một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng mặt khác lại lập luận rằng, điều đó không có nghĩa là bỏ qua các tuyên bố chủ quyền của các nước (trong đó có Trung Quốc). Bắc Kinh chủ yếu dựa vào lịch sử để đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc. |