Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-10-2012 |
Tác Giả: Anh Vũ |
Thứ Năm, 04 Tháng 10 Năm 2012 13:20 |
Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp đến với độc giả Pháp
Nhân dịp nhà xuất bản Aube tại Pháp vừa cho ra mắt tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dày 750 trang, dịch sang tiếng Pháp mang tên « Tội ác, tình yêu và trừng phạt », phụ trang văn học của nhật báo l’Humanité, tờ báo của đảng Cộng sản Pháp có bài giới thiệu nhà văn Việt Nam và những tác phẩm nổi bật của ông được viết ra từ thời kỳ « Đổi mới ». Bài viết mang tiêu đề « Một nhãn quan yêu dấu và không khoan nhượng » đã giới thiệu với độc giả Pháp một những nét khái quát về con người một nhà văn đương đại có những góc nhìn mới, táo bạo. Có thể đối với độc giả văn học Việt Nam thì Nguyễn Huy Thiệp không phải là cái tên xa lạ mặc dù ông chỉ xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ năm 1986 với một vài truyện ngắn và sau đó là tiểu thuyết. Nhưng với độc giả Pháp theo tác giả bai viết « Việc xuất bản tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Việt Nam là một sự kiện văn học hàng đầu ». Đem lại sự kiện này cho công chúng yêu văn học ở Pháp chính là nhà xuất bản danh tiếng Aube. Cho đến giờ nhà xuất bản này đã từng phát hành 7 tập truyện riêng lẻ và bài viết của Nguyễn Huy Thiệp. Theo tác giả thì ngay từ đầu những năm 1990, ở Pháp đã xuất hiện một cách lặng lẽ những bản dịch đầu tiên tác phẩm của nhà văn viết trong thời kỳ được gọi là « đổi mới ». Tác giả bài viết nhấn mạnh đến truyện ngắn "Tướng về hưu", lần đầu xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ năm 1987 đang gây tiếng vang lớn. Theo tác giả thì với « Tướng về hưu » văn học Việt Nam dường như bước chững trạc vào một kỷ nguyên mới hừng hực khí thế cứ như là chính quyền đã cởi trói hòan tòan muốn các nhà văn viết như vậy. Cũng vào thời kỳ đó, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện các tiểu thuyết của các nhà văn như Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài. Tác phẩm của các tác giả nổi bật này đã được dịch sang tiếng Pháp. Tác giả bài viết nhận thấy một số cuốn như « Bên kia bờ ảo vọng » của Dương Thu Hương, « Nỗi buồn chiến Tranh » của Bảo Ninh đã nói lên được những sắc thái riêng biệt của từng nhà văn. Tác giả cho biết, cái tựa đề của tuyển tập « Tội ác, tình yêu và trừng phạt » rõ ràng có ý liên tưởng đến văn hào Dostoievski, nó tập hợp tất cả những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã xuất bản tại Pháp, trong đó có thêm bốn tác phẩm mới được công bố. Phần dịch thuật, tuyển tập đã được hai nhà nghiên cứu văn học Marion Hennebert và Thụy Khuê đọc hiệu đính cẩn thận. Trong tuyển tập còn có phần chú thích của nhà xuất bản để tạo điều kiện cho độc giả phương tây tiếp cận tốt hơn với tác phẩm. Tuyền tập các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được đánh giá như những mảng ghép để vẽ lên một bức tranh mô tả một đất nước Việt Nam vô cùng đa dạng, một Việt Nam mà nhà văn đã lần theo và gợi lại lịch sử ở nhiều chiều và trong mọi mặt mâu thuẫn của nó. Sau khi điểm qua một số truyện trong tuyển tập, tác giả bài báo nhận định, « Thiệp không ngần ngại đặt mình vào trong cuộc và chia xẻ những suy tư cá nhân và cảm nhận về nghề viết văn của mình trong xã hội, vì thế mà người ta có thể hiểu được những lý do vì sao chính quyền lại cảm thấy khó chịu với thành công của ông trong những tác phẩm văn học ở trong cũng như ngoài nước ». Tờ báo nhắc lại sự việc, tháng Năm vừa rồi, lẽ ra Nguyễn Huy Thiệp đã đến Pháp để giới thiệu tác phẩm của mình. Nhưng cuối cùng chuyến đi đã bị hủy vì vấn đề visa. Ngay sau sự cố này, Nguyễn Huy Thiệp đã cố gắng giải thích việc đó không liên quan đến chuyện kiểm duyệt của chính quyền mà đơn giản chỉ là vì lý do sức khỏe cá nhân. Theo tác giả thì lời giải thích rất xã giao đó không che giấu được thực tế nặng nề bên trong sự việc. Hiện tại nhà văn một lần nữa lại bị tách biệt với thế giới bên ngòai …Khác với Dương Thu Hương đang tỵ nạn tại Pháp, từ lâu nay, Nguyễn Huy Thiệp đã chọn ở lại đất nước mà ông đã gắn bó, yêu thương mãi mãi. Giới doanh nghiệp phản đối chính sách thuế khóa của chính phủ Pháp Chuyển sang các tin tức thời sự khác đang được báo chí Pháp quan tâm. Kinh tế khó khăn là chủ đề bao phủ khắp mặt các tờ báo lớn ra ngày hôm nay. Các báo đều tập trung vào chủ trương thuế khóa, tài chính của chính phủ Pháp trong tình hình hiện nay. Le Figaro đưa lên trang nhất sự « phẫn nộ thuế má tăng cao » trong giới chủ doanh nghiệp ở Pháp. Hàng lọat các chủ doanh nghiệp khai thác dịch vụ trên internet đã đồng lọat lên tiếng chỉ trích, phản đối dự luật về thuế của chính phủ với mục đích đựoc cho là tăng cường sức cạnh tranh và năng suất lao động của các công ty Pháp. Tuy nhiên các chủ doanh nghiệp thì lại cho đây là chủ trương nhằm đánh vào chính họ, không kích thích đầu tư. Thể thao đang bị phá hỏng vì cá độ Libération đưa lên trang nhất hình ảnh lớn một quả bóng được kết bằng những đồng đô la Mỹ để đề cập đến mối liên hệ giữa thể thao và tiền, nhưng ở đây là tiền cá độ nhân vụ bê bối bán độ trong câu lạc bộ bóng ném Monpellier đang bị phát giác và điều tra. Tờ báo nhận thấy, «tham nhũng, tẩy tiền, mafias, ngoài vụ việc của các cầu thủ bóng ném CLB Monpellier, thể thao đang ngày càng bị làm hỏng vì tiền. Libération dành hẳn 4 trang báo để mổ xẻ vấn đề cá độ trong thể thao hiện nay. Tờ báo khẳng định việc đặt cược vào các cuộc thi đấu thể thao dù có hợp pháp vẫn là một trò chơi nguy hiểm. Tình trạng cá độ trong thể thao đang tràn lan khắp các môn thi đấu đang gây lo ngại cho chính bản thân hoạt động thể thao cũng như các nhà quản lý cũng như các cơ quan đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Vấn nạn này trong thể thao đã được các nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp cảnh báo trong một cuốn sách trắng công bố hồi đầu năm rằng : cái chết của thể thao coi như được báo trước nếu như các cơ quan quản lý thể thao và chính quyền không ra tay. Nhưng rất khó có thể quản lý được vì giờ đây để đánh cá một trận đấu người ta có thể làm được từ một quán bán vé số ở góc đường cho đến lên mạng internet hay ngồi từ một góc nào đó ở bất kỳ đâu trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đưa ra một con số không đầy đủ là mỗi năm tổng số tiền trong thị trường cá độ thể thao cả bất hợp pháp cũng như hợp pháp trên thế giới lên tới 200 tỷ euro, dù chưa chính xác nhưng theo các nhà phân tích thì con số này trên thực tế còn cao hơn. Các chuyên gia cũng dự tính có 300 trận bóng đá chuyên nghiệp tại châu Âu mỗi năm có thể đã bị dàn xếp tỷ số phục vụ cá độ. Theo các nhà nghiên cứu tệ nạn này, hiện nay giới tội phạm có tổ chức nhận thấy việc hối lộ cho các trận đấu thể thao là một họat động không nguy hiểm bằng nững họat động như buôn ma túy, hay vũ khí mà lợi nhuận mang lại cũng không nhỏ. Tờ báo đặt câu hỏi, làm thế nào để đấu tranh chống lại tệ nạn này ? Thành lập một cơ quan quốc tế chống hối lộ kiểu như cơ quan chống doping quốc tế chăng. Hay là đợi cho chính các tổ chức mafias tự triệt tiêu? Các nhà quan sát đã nhận thấy một thí dụ trong những năm 1990, ở Đông Nam Á các giải vô địch bóng đá quốc gia từng rất sôi nổi, nhưng sau đó các trận đấu bán độ đã bóp chết giải đấu khiến cho sân bóng cũng như các nhà đầu tư rút lui khỏi bóng đá. Nạn cá độ cũng vì thế bị triệt tiêu. Thế nhưng chết ở nơi này thì nạn cá độ lại nảy sinh ở nơi khác, ở các môn thể thao hay các giải đấu khác. Cộng đồng khoa khọc phản bác kết luận ngô biến đổi gien có thể gây ung thư Một thời sự khác cũng thu hút sự chú ý của độc giả đó là nghiên cứu gây trân động dư khi cho rằng thực phẩm biến đổi gien tiềm ẩn nguy cơ gây u bướu. Đây là kết luận do một Ủy ban nghiên cứu và thông tin độc lập về di truyền học công bố cách đây 2 tuần trên một tạp chí khoa học về Thực phẩm và hóa chất độc. Nghiên cứu trên thực sự gây hoang mang trong dư luận người tiêu dùng cũng như giới khoa học. Nhất là khi nhóm nghiên cứu cho đăng trên báo chí và internet hàng lọat bức ảnh các con chuột thí nghiệm bị mắc u bướu vì được nuôi bừng ngô biến đổi gien. Hôm nay nhật báo Le Figaro trở lại đề tài này với bài viết « Chuột nuôi bằng thức ăn biến đổi gien : Phía dưới một nghiên cứu gây tranh cãi ». Tờ báo cho biết cộng đồng các nhà khoa học bắt đầu lên tiếng phản bác lại thí nghiệm của Giáo sư Seralini, chuyên gia sinh học phân tử thuộc trường đại học Caen, Pháp. Với thí nghiệm đó, ông khẳng định sản phẩm biến đổi gien là tác nhân gây ung thư ở chuột và tất nhiên cũng sẽ có tác động tương tự đối với người. Các nhà khoa học phản biện cho rằng việc công bố thí nghiệm đầy rẫy những sai sót về phương pháp này là một trò gây tiếng vang của nhóm nghiên cứu nói trên. Các nhà khoa học cũng yêu cầu mở tranh luận một cách đàng hoàng về sản phẩm biến đổi gien ». Đi đầu là Cơ quan an toàn y tế của Đức vừa mới khẳng định kết luận của nhóm nghiên cứu nêu trên là không đủ cơ sở. Cuối tuần này, Cơ quan an toàn thực phẩm của châu Âu sẽ phải đưa ra ý kiến đầu tiên của mình về vấn đề này. Tuần trước trên một diễn đàn khoa học của tuần báo Marianne ra tại Pháp, bốn chục nhà khoa học của các Viện nghiên cứu danh tiếng của Pháp về lĩnh vực sức khỏe và y học đã nhất loạt chỉ ra những điểm không đáng tin cậy trong nghiên cứu của Giáo sư Seralini. Thí dụ như số lượng các mẫu thí nghiệm không đủ để rút ra kết luận nghiêm túc, hoặc thiếu chi tiết về thành phần thức ăn cho chuột… v.v. Thậm chí nhiều lý lẽ cho rằng bản thân chuột cũng là động vật thường dễ mắc u bướu. Các đồng nghiệp của vị giáo sư này còn tỏ ra ngạc nhiên về chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên báo chí diễn ra đồng bộ và dường như có chủ đích. Tờ báo kết luận, sự thật là đến lúc này chưa có mộ côgn trình khoa học nào chứng minh được một chút nào nguy hiểm về mặt vệ sinh y tế của các thực phẩm biến đổi gien. Điều này cũng không có nghĩa là là sẽ không có nguy hiểm nào. Các nhà khoa học Pháp giờ đây kêu gọi cần phải có tranh luận vô tư về sản phẩm biến đổi gien, chứ không phải chỉ chống đơn thuần vì những nguyên nhân có thể là do nhận thức hay chỉ trích có chủ ý. |