Phúc thẩm vụ án 3 thanh niên kêu gọi tẩy chay bầu Quốc hội Việt Nam |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Ba, 25 Tháng 9 Năm 2012 16:59 |
Bản thân các em chỉ là sinh viên, trong tay không tấc sắt nào
Biểu tình ủng hộ các thanh niên bị kết tội tuyên truyền chống Nhà nước, Vinh, 24/05/2012. (DR)
Phiên tòa phúc thẩm xét xử các thanh niên Công giáo Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức và Chu Mạnh Sơn tại Vinh (Nghệ An) sẽ diễn ra ngày mai, 26/09/2012. Ba bị cáo bị cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam, với hành động rải truyền đơn kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc hội 2011. Theo nhận định của nhiều luật sư, có rất nhiều vi phạm tố tụng trong vụ án này, và bản thân việc rải truyền đơn tẩy chay bầu Quốc hội không phải là hành động phạm pháp, mà chỉ thế hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, để đóng góp xây dựng một Quốc hội thực sự dân chủ. Để chuyển tới thính giả một số thông tin về vụ án, RFI có cuộc phỏng vấn ngày hôm qua 24/09 với luật sư Lê Quốc Quốc từ Hà Nội. RFI : Phiên tòa xét xử ba thanh niên Công giáo sẽ diễn ra tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào ngày thứ Tư 26/04 được nhiều người quan tâm. Xin luật sư cho biết tóm lược về vụ án này. Luật sư Lê Quốc Quân : Về vụ án này, tháng 5/2012 đã diễn ra phiên tòa sơ thẩm đối với bốn người, nhưng sau đó anh Hoàng Phong, một người nhận được án treo, thì không kháng cáo nữa. Trong phiên phúc thẩm sẽ có ba bị cáo là anh Đậu Văn Dương, anh Trần Hữu Đức và anh Chu Mạnh Sơn. Ba người này đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Họ cho rằng bản án này không đúng, họ không có tội. Theo các cáo buộc của phía chính quyền, những người này phạm vào điều 88, tức là « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », do việc đã kết hợp cùng với cha Nguyễn Văn Lý, để phát các truyền đơn kêu gọi tẩy chay bầu cử Quốc hội. Thế nhưng theo lập luận của các luật sư tham dự phiên tòa sơ thẩm, những người này chỉ thực hiện các quyền công dân bình thường. Đó là sự bày tỏ tự do quan điểm của họ. Và thứ hai là, các bị cáo này thể hiện một động cơ trong sáng, bằng việc là mong muốn có một Quốc hội tốt đẹp hơn, đại diện cho nhiều thành phần hơn, chứ không phải là một Quốc hội đã độc diễn và đã sắp đặt từ trước, cũng như là một Quốc hội là duy nhất, hoặc gần như là duy nhất chỉ có một sự đại diện của đảng Cộng sản, và bên cạnh đó, (họ cho rằng) các thủ tục để bầu ra Quốc hội cũng là sai. Các luật sư cũng đưa ra nhiều quan điểm, nói rõ những sai phạm trong quá trình tố tụng của phía bên công an. Cụ thể là cách họ bắt giữ là đã sai pháp luật, họ bắt người gần như bắt cóc, rồi họ còn lừa người nhà để lấy máy móc, máy tính và tài sản. Sau khi bắt, họ lại tiếp tục giam và họ thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật khác. Do vậy, luật sư cũng như bị cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm ấy. RFI : Thưa luật sư, nói về triển vọng của phiên tòa phúc thẩm, theo luật sư, có khả năng các bị cáo sẽ vẫn bị phạt nặng như vậy hay sẽ được tha bổng ? Luật sư Lê Quốc Quân : Rất là khó và không phù hợp lắm khi dự đoán trước kết quả một phiên tòa. Ở Phương Tây, ít khi người ta dự đoán kết quả trước khi xét xử, nhưng ở Việt Nam, mình có thể nói rõ là, người ta thường gọi là các bản án « bỏ túi ». Có nghĩa là phía bên các cơ quan tư pháp, gồm công an, viện kiểm sát và tòa án ngồi lại với nhau, và với sự chủ trì hiển nhiên của đảng Cộng sản, người ta lập thành một quyết định, xác định xem sẽ xử như thế nào và kết án bao nhiêu. Sau đó, vào xét xử, chẳng qua là hình thức mà thôi. Theo dự cảm của cá nhân tôi, bản án sẽ có giảm hoặc là bằng, nhưng nếu giảm cũng như giảm ở mức vừa phải. Chứ còn ở Việt Nam, khó có thể có trường hợp được tha bổng lắm. Cái bản án sơ thẩm đã kết đối với mấy anh, thì có người là 42 tháng, có người 39 tháng và có người là 36 tháng tù giam. Và họ đã đi gần một năm rưỡi rồi. Nhưng mình thấy, dù có thế nào chăng nữa, thì theo thông tin mà tôi có được, thì các giáo dân, cũng như những người yêu chuộng công lý, yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng sự thật, thực sự quan tâm đến phiên tòa này, và sẽ đi tham dự phiên tòa rất đông. Về phía những người xét xử (phiên sơ thẩm), thì sau khi xét xử, họ cũng thấy là có nhiều sai phạm trong tố tụng, và bản án như thế là không phù hợp với các quy định hiện tại. Thế nhưng, họ cũng bị các sức ép của cấp trên, đặc biệt là việc 3 blogger trong Sài Gòn vừa bị kết án hết sức nặng nề, là những chỉ dấu cho thấy Nhà nước có vẻ muốn làm mạnh, muốn kết án cao hơn, muốn đàn áp nặng nề hơn đối với những người bất đồng chính kiến, hoặc có những tiếng nói ngược lại với quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam. RFI : Như luật sư vừa nói, các bị cáo không vi phạm pháp luật, mà chỉ thực hiện các quyền công dân của mình mà thôi, trong khi đó thì phía cơ quan tố tụng lại quy các bị cáo vào tội tuyên truyền chống Nhà nước, qua việc thả truyền đơn kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội cách đây một năm. Luật sư có thể nói rõ hơn về điều này được không ? Luật sư Lê Quốc Quân : Quan điểm có tôi về vấn đề này rất rõ ràng. Xét về công ước dân quyền và nhân quyền quốc tế, đặc biệt là điều 19 cho phép các công dân biểu đạt các ý tưởng và chính kiến của mình, không phân biệt các hình thức, không phân biệt cả biên giới. Việc các em bày tỏ các ý kiến của mình là phù hợp với công ước quốc tế về nhân quyền. Thứ hai là, bản thân điều 69 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do tư tưởng. Việc các em bày tỏ các chính kiến đó là hoàn toàn phù hợp. Luật báo chí của Việt Nam cũng nói là (công dân) có quyền viết, có quyền bày tỏ, nêu lên các thực trạng xã hội. Nhưng quan trọng hơn là, trong bất cứ khung pháp lý nào, thông thường người ta cũng phải xét theo khía cạnh gọi là động cơ và mục đích. Động cơ của các em ở đây là không hề có mục đích chống lại Nhà nước. Bản thân các em không chống lại Nhà nước, mà các em muốn tẩy chay hoặc chống lại một sự vi phạm pháp luật trong thủ tục và quy trình bầu cử Quốc hội. (Ví dụ như) Một người lại đi vận động cho những người khác, rồi chỉ đạo người này người kia. Việc độc diễn như thế thì ngay theo pháp luật Việt Nam, thì quá trình bầu cử Quốc hội như thế đã là vi phạm pháp luật rồi. Các em làm công việc thực thi quyền mô tả lại và phản đối những hành vi đó. Xét về con người của các em, thì các em là những con người tốt, trong sáng và vì công việc chung, là những người đã tham gia hiến máu nhân đạo, tham gia làm việc từ thiện, tham gia bảo vệ sự sống, sinh hoạt và xây dựng cộng đoàn rất là có uy tín... Thế thì những con người tốt như vậy và với mục đích trong sáng, xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn, và muốn có một Quốc hội dân chủ và đại diện nhiều hơn. Việc họ có những hành vi như vậy, theo tôi, hoàn toàn không vi phạm. Ngược lại, chính họ phải được tuyên dương. RFI : Hành động chỉ trích những vi phạm pháp luật của cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam của các bị cáo phê phán dường như cũng là những điều, mà nhiều người trong chính bản thân « hệ thống chính trị » Việt Nam đã làm ? Luật sư Lê Quốc Quân : Đúng như vậy. Nhưng ở Việt Nam, thông thường là người ta « đối nhân », chứ không « đối sự ». Có nghĩa là cùng một sự việc, mà một người không phải đảng viên đảng Cộng sản nói thì bị, nhưng một người đảng viên đảng Cộng sản nói thì không bị. Cái thứ hai nữa là, họ có thái độ kỳ thị đối với những tổ chức, hội đoàn, nhóm sinh hoạt tôn giáo. Nếu không có sự kỳ thị, thì có cả thái độ lo sợ nữa, bởi vì họ nghĩ rằng đằng sau đó có vấn đề gì… rồi họ suy ra và dẫn đến chuyện họ kết án các em như vậy. Bản thân các em chỉ là sinh viên, trong tay không tấc sắt nào. Và các em cũng có những phần giầu tình cảm, yêu thương, thậm chí yếu đuối. Những chuyện xảy ra trước phiên tòa, các em cũng thể hiện là ngoan ngoãn, hiền lành, ôn hòa lắm. Xét về con người và những hành vi cụ thể, các em không có gì vi phạm pháp luật cả. Nhưng Nhà nước vẫn cứ áp đặt với các em những bản án hết sức nặng nề. Ở ngay trong địa phận Vinh, đã có hai nhận định rất rõ ràng. Một là, các em hãy can đảm hơn nữa, vì các em là những người vô tội. Thứ hai là, theo Ban Công lý và Hòa bình, phiên xét xử vừa rồi là không tốt, vì vi phạm tố tụng. Hy vọng là phiên tòa thứ Tư sẽ công khai, công bằng, dân chủ và trả tự do cho các em. Xin chân thành cảm ơn Luật sư Lê Quốc Quân. |