Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Bảy, 22 Tháng 9 Năm 2012 09:50

 Bầu cử Quốc hội Belarus : Không có đối lập

 


Bầu cử Belarus : chế độ của tổng thống Lukashenko bóp nghẹt các đảng phái đối lập. Trong ảnh, tổng thống Belarus trong một festival ở thành phổ Gorki, ngày 21/09/2012.
REUTERS/Vasily Fedosenko

 

Bầu cử Quốc hội Belarus ngày mai là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm. Về chủ đề này, Le Monde có bài tường trình : « Nhà cầm quyền Belarus tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội không có đối lập, không có tranh luận ».

Để rảnh tay hành động, Minsk từ chối cấp visa cho hai quan sát viên quốc tế của OSCE.

Theo nhận định của Le Monde, các đối thủ của tổng thống Lukashenko đang ở trong tù, các nhà báo bị quấy rối, còn hoạt động nơi công cộng thì bị kiểm soát chặt.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày mai tại Belarus được coi là « một trò hề », đến mức mà hai đảng đối lập chủ yếu, Đảng Dân sự Thống nhất và đảng Mặt trận Bình dân, đã khuyên cử tri nên về quê nghỉ hay đi câu cá thay vì đi bỏ phiếu.

Lãnh đạo Đảng Dân sự Thống nhất Anatoli Lebedko, người vừa tuyên bố rút 38 ứng cử viên của đảng này ra khỏi cuộc tranh cử Quốc hội, nhận định : « Những người đứng đắn không thể tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội giả dối này ».

Trong khi đó, phái đoàn quan sát của OSDE (Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu) lo ngại rằng, chính quyền không chấp nhận cho một số ứng cử viên đối lập đăng ký tranh cử. Trên thực tế, các đối thủ chính trị chủ yếu của tổng thống Belarus đã bị kết án tù.

Công an Belarus, dưới sự điều hành của con trai cả tổng thống, nhận được lệnh trấp áp ngay tức khắc bất cứ biểu hiện phản kháng nào trên đường phố. Ngày 18/09, các phóng viên tác nghiệp tại Minsk, để ghi lại các hoạt động của đối lập, đã bị công an câu lưu.

Để rảnh tay hành động, chế độ Minsk đã từ chối visa đối với hai quan sát viên của OSCE (trong đó có một nghị sĩ đảng Xanh của Đức) và hai nhà báo muốn đưa tin về cuộc bầu cử.

Việc Bộ ngoại giao Đức triệu đại sứ Belarus để phản đối ngày 20/09 vừa qua không làm thay đổi đường lối đối đầu của tổng thống Lukashenko đối với Liên Hiệp Châu Âu.

Bị Liên Hiệp Châu Âu gia tăng trừng phạt, chế độ của tổng thống Lukashenko đã tìm được sự tiếp sức từ phía Nga. Trước bầu cử, tổng thống Lukashenko có một tuần nghỉ ngơi tại Sotchi bên bờ Biển Đen, theo lời mời của tổng thống Putin.

Theo Le Monde, chắc chắn nội dung chủ yếu được bàn đến trong cuộc gặp giữa 2 tổng thống Nga và Belarus là các trợ giúp mà Matxcơva dành cho Minsk.

Belarus được Nga coi như là thành phần chính của một « Liên hiệp Á Âu », tức một Liên Xô mới, mà Nga muốn xây dựng nhằm đối trọng lại Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Năm 2011, đối diện với một khủng hoảng kinh tế trầm trọng chưa từng thấy, Belarus sống sót được là nhờ khoản tín dụng 3 tỷ đô la của Nga và một số nước thuộc Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, đổi lại, Belarus buộc phải bán các doanh nghiệp có tính chiến lược của mình.

Tờ Le Figaro dẫn một nguồn tin thân cận với chính quyền Belarus, theo đó, sau khi tổng thống Lukashenko « bán hết các đồ quý giá của gia đình cho Nga, thì sẽ bị Matxcơva bỏ rơi không thương tiếc ».

Hiện tại, Belarus đang muốn nhờ đến sự giúp đỡ của Trung Quốc. Bắc Kinh vừa mở đường cho khoản tín dụng 16 tỷ đô la, trong đó 5,5 tỷ đã được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Một nghị sĩ Belarus lo ngại, làm như vậy nước này sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc.

Khủng hoảng chính trị, giới trẻ Rumani hoài niệm về thời cộng sản cũ

Liên quan đến một quốc gia cộng sản cũ Rumani, Le Monde có bài đáng chú ý mang tựa đề : « Giới trẻ Rumani hoài niệm về thời cộng sản mà họ chưa từng biết tới ».

Bài báo dẫn ra kết quả của một nghiên cứu của Fondation Soros gây lo ngại. Theo đó, 47% thanh thiếu niên tuổi từ 14-18 (tức là những người ra đời sau khi chế độ cộng sản không còn tồn tại nữa), cho rằng, hệ thống giáo dục hiện tại tồi tệ hơn thời cộng sản. 46% không tin tưởng vào hệ thống y tế hiện nay.

23 năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Rumani, và năm năm sau khi nước này gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, xã hội Rumani vẫn còn vương vấn với quá khứ.

Theo một điều phối viên của nghiên cứu kể trên, hai phần ba các thanh thiếu niên được hỏi khẳng định rằng, thời cộng sản là tốt hơn hiện nay, chủ yếu do vì mọi người tuân thủ luật pháp. Những người trả lời cho biết, họ không tin tưởng vào nền dân chủ, vào kinh tế thị trường, và không bác bỏ việc Rumani cần có một nhà lãnh đạo độc tài.

Một người Rumani về hưu, từng đấu tranh vì dân chủ và biết đến sự đàn áp của cơ quan mật vụ cũ Securitate, nhận xét : « nếu như giới trẻ bắt đầu yêu thích (lãnh đạo độc tài) Ceausescu, thì có nghĩa là chúng tôi đã thất bại, việc chúng tôi (đấu tranh và) bị tù đày chẳng mang lại gì ».

Như chúng ta biết, các cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt và triền miên giữa các đảng phái và những cáo buộc chính trị gia đạo văn khiến nhiều thanh niên mất lòng tin. Vẫn theo người điều phối cuộc điều tra kể trên của Fondation Soros, « Xã hội Rumani đã quên mất cái ác của thời cộng sản và bị rơi vào hoài niệm về một xã hội lý tưởng trong quá khứ. Sự quên lãng này có thể làm cho giới trẻ trở thành những con mồi của một nhà chính trị mỵ dân, muốn lợi dụng sự mơ tưởng của họ ».

Từ một năm nay Rumani rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ năm 1989, với đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Tổng thống cánh hữu, theo đề nghị của chính phủ cánh tả, vào ngày 29/07/2012.

Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh mầu xám vừa nêu, Le Monde cũng ghi nhận, ngày 19/09 vừa qua, Tòa Bảo hiến Rumani đã lấy lại được quyền lực của mình, với việc toàn bộ thành viên Tòa Bảo hiến tuyên bố là « vi hiến » đối với sắc lệnh đặc biệt của chính phủ nhằm giới hạn các hoạt động của Tòa.

 Ông Basescu đã trở lại cương vị Tổng thống, ngày 21/08, sau khi Tòa Bảo hiến Rumani bác bỏ cuộc trưng cầu dân ý đòi phế truất tổng thống kể trên, vì chỉ có chưa đầy một nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu.

Miến Điện thả tù chính trị để lấy lòng Phương Tây

Liên quan đến Châu Á, Libération có bài « Miến Điện : Trả tự do cho các tù chính trị để lấy lòng Phương Tây ».

Thứ hai tuần này, chính quyền Miến Điện tuyên bố trả tự do cho hơn 500 tù nhân, trong đó có ít nhất 80 nhà ly khai và người ngoại quốc, đúng vào thời điểm tổng thống Thein Sein tới Hoa Kỳ.

Kể từ khi tổng thống dân sự lên nắm quyền, Miến Điện đã trả tự do cho khoảng 600 tù chính trị qua bốn đợt. Hiện tại, theo Hiệp hội trợ giúp các tù chính trị Miến Điện, có trụ sở tại Thái Lan, còn khoảng 300 tù chính trị vẫn bị giam giữ.

Động thái thả thêm một đợt nữa các tù chính trị vừa diễn ra được thông tín viên Libération từ Tokyo đánh giá là nhằm giúp cho tổng thống Thein Sein (vừa được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách đen) khẳng định các cải cách đang diễn ra tại Miến Điện, để thu hút trợ giúp và để cho quốc tế dỡ bỏ trừng phạt. Cuối cùng, quyết định thả thêm tù chính trị được đưa ra lần này rơi vào thời điểm chính quyền Miến Điện bị nhiều chỉ trích trong việc hạn chế tự do của các cựu tù nhân chính trị và trong nhiều vi phạm nhân quyền tại bang Rakhine.

Báo Pháp bảo vệ quyền tự do biểu tình phản đối của người Hồi giáo

Thái độ của các tín đồ đạo Hồi đối với bộ phim bị coi là báng bổ Hồi giáo và các bức biếm họa trên tờ báo trào phúng Charlie Hebdo chế giếu nhà tiên tri Mahomet, tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp.

 Libération chạy trên trang nhất hàng tựa « Những người thuộc trào lưu Hồi giáo cực đoan Salafiste ở Pháp là ai ? ».

Libération ghi nhận, kêu gọi biểu tình của những thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan này vào hôm nay, thứ Bảy 22/09/2012 tại Paris, gây lo ngại.

Bản thân Bộ Nội vụ Pháp đã ra lệnh cấm các cuộc biểu tình này. Tờ báo cũng dành nhiều trang đầu tiên để tìm hiểu về hoạt động của trào lưu Hồi giáo « Salafiste », được đánh giá là có đường lối cực đoan, với khoảng 12.000 đến 15.000 thành viên.

Xã luận Libération cho biết, mặc dù hết sức bất bình với các bức biếm họa của Charlie Hebdo, ngày hôm qua, các đại diện chính thức của đạo Hồi của Pháp đã giữ một khoảng cách rất rõ ràng với những lời kêu gọi biểu tình của những thành phần cực đoan nhất trong cộng đồng Hồi giáo. Các lãnh đạo Hồi giáo Pháp tuyên bố, họ ý thức được mức độ nghiêm trọng của « bối cảnh hiện nay ». Đây là điều mà tuần báo Charlie Hebdo đã không chú ý.

Theo Libération, các tín đồ Hồi giáo sẽ vẫn đi biểu tình hôm nay, bất chấp lời kêu gọi của các giáo sĩ và các lãnh đạo cộng đồng. Trong số những người biểu tình, cũng sẽ có những người thuộc trào lưu Hồi giáo « Salafiste ».

 Libération đặt câu hỏi, liệu có nên cấm người Hồi giáo biểu tình phản đối Charlie Hebdo, với lý do biểu tình gây rối loạn trật tự công cộng ? Bởi vì, nếu như báo Charlie Hebdo có quyền xuất bản « các tranh biếm họa ngu xuẩn và độc ác về nhà tiên tri Mahomet », và cũng như không thể bác bỏ được sự lan truyền của một « bộ phim bẩn thỉu và chống lại Hồi giáo », thì cũng không thể cản trở quyền tự do ngôn luận trên các đường phố nước Pháp, chống lại các hành động báng bổ này.

 Với điều kiện là, Libération lưu ý, điều này phải được thực hiện trong sự tôn trọng luật pháp và các giá trị của nền Cộng hòa.

Hồ sơ riêng của Libération về « Salafiste » (trong tiếng Ả Rập có nghĩa là « Tổ tiên »), lưu ý độc giả nhiều chi nhánh rất khác nhau của trào lưu này, từ những người chủ trương hoạt động thuần túy tôn giáo, cho đến phái Salafiste cải cách muốn tham gia vào chính trị, bên cạnh đó là nhóm Salafiste chủ trương thánh chiến.

Chính trị gia Pháp chỉ trích hành động đổ dầu vào lửa của đảng cực hữu

Cũng liên quan đến các căng thẳng xã hội xung quanh vấn đề đạo Hồi, Le Monde chạy trên trang nhất hàng tựa « Cuộc tấn công ‘‘thế tục’’ của lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen ».

 Mở đầu hoạt động của đảng chính trị cực hữu sau kỳ nghỉ hè, bà Marine Me Pen đã đưa ra một kêu gọi gây sốc : cấm mang khăn trùm Hồi giáo và mũ kippa của đạo Do Thái ở nơi công cộng, và kêu gọi đuổi ra khỏi Pháp các thành phần tôn giáo cực đoan. Nhiều chính trị Pháp nhận định, đề nghị của lãnh đạo đảng cực hữu Pháp chẳng khác nào đổ dầu vào lửa vào lúc này và đề nghị này được đưa ra chẳng qua chỉ nhằm để đảng cực hữu thu hút sự chú ý của cử tri.

 Bộ trưởng Giáo dục Pháp nói thẳng : « Bà Marine Le Pen là người đứng đầu trong số những người cực đoan ».

Le Figaro dẫn lời tổng thống Pháp nhấn mạnh : « Tất cả những gì gây chia rẽ, đối lập nhau là hành động vụng về, điều mà chúng ta cần áp dụng là các quy tắc. Những quy tắc duy nhất mà chúng ta công nhận đó là các quy tắc của nền Cộng hòa và thể chế thế tục (Laicité) ».

Hồi đầu tuần này, trong buổi lễ khai trương Gian triển lãm Nghệ thuật Hồi giáo mới tại Bảo tàng Louvre, tổng thống Pháp tuyên bố : « Các nền văn minh Hồi giáo cổ xưa hơn, sống động hơn và khoan dung hơn một số những trào lưu nào hiện nay đang muốn phát ngôn nhân danh đạo Hồi. »

 Ông cũng khẳng định : « Vũ khí tốt nhất để chống lại chủ nghĩa cuồng tín của những người nhân danh đạo Hồi nằm trong chính đạo Hồi » và đồng thời cam kết sẽ nỗ lực « chống lại các nhóm phái, bị sự quá đỗi dốt nát và ngu xuẩn đẩy đến các hành động chống lại nền văn minh ».