Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngàý8-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngàý8-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 18 Tháng 9 Năm 2012 07:14

 Bài Nhật quá trớn gây hại cho lợi ích Trung Quốc

 


Từ nhiều ngày qua, biểu tình chống Nhật diễn ra khắp Trung Quốc.
REUTERS/Bobby Yip

 

Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài về biển Hoa Đông đang nổi sóng bởi tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhật báo Le Monde có bài : « Bắc Kinh lên giọng với Tokyo về quần đảo Senkaku », Le Figaro chạy tựa : « Cơn phẫn nộ bài Nhật đang làm sôi sục Trung Quốc ».

Đáng chú ý nhất là bài phỏng vấn : « Sự bùng phát biểu tình có thể gây phiền toái cho Bắc Kinh » trên Le Figaro, và bài của Les Echos : « Xích mích lãnh thổ : Bắc Kinh đe dọa trả đũa kinh tế Nhật Bản ».

Đầu tiên đến với bài phỏng vấn, Le Figaro đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel thuộc viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute - SPRI) tại Bắc Kinh.

Chuyên gia Mathieu nhấn mạnh, làn sóng bài Nhật càng dữ dội thì sẽ có tác dụng ngược đối với chính phủ Bắc Kinh, bởi vì Trung Quốc đang trước thềm thay đổi chóp bu lãnh đạo nên ưu tiên số một của Bắc Kinh là ổn định chính trị xã hội.

Giải thích cho làn sóng bài Nhật hiện đang dữ dội tại Trung Quốc, ông Mathieu cho biết, thành phần tham gia các cuộc biểu tình chống Nhật chủ yếu là những người thất nghiệp vô công rỗi nghề, chứ không phải là giới « trí thức phẫn nộ » như thường nói. Bởi vậy mà tính biểu trưng chính trị của các cuộc biểu tình không cao và bộ phận người tham gia biểu tình này cũng không có giá trị đại diện.

Bàn về thái độ của giới quân sự Trung Quốc, ông Mathieu nhận định, dù có một vài gương mặt quân đội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với những lời lẽ mạnh bạo, nhưng nhìn chung khả năng can thiệp của quân đội Trung Quốc là không cao. Theo chuyên gia này, khi nào mà tàu chiến Trung Quốc được cử đến vùng tranh chấp, thì khi ấy mới có thể có sự leo thang thật sự.

Tuy nhiên, bên cạnh chủ quyền quốc gia và lòng tự tôn dân tộc, ông Mathieu cho biết vấn đề còn liên quan đến lợi ích kinh tế và chiến lược. Trong khu vực tranh chấp hẳn nhiên có nhiều dầu hỏa khí đốt. Bên cạnh đó, Trung Quốc lo ngại nếu Nhật Bản thật sự chiếm quyền sở hữu hòn đảo này, thì từ khu vực Senkaku, Nhật Bản thậm chí là Hoa Kỳ sẽ có thể kiểm soát toàn bộ giao thương hàng hải đi qua khu vực.

"Coi chừng lưỡng bại câu thương"

Trong bài viết « Xích mích lãnh thổ : Bắc Kinh đe dọa trả đũa kinh tế đối với Nhật Bản ». Les Echos tập trung phân tích tổn thất kinh tế có thể xảy đến với hai nước nếu căng thẳng leo tiếp tục leo thang.

Đối với Nhật Bản, tờ báo cho biết, làn sóng bài Nhật hiếm thấy ở Trung Quốc đã và đang gây hoang mang cho các công ty Nhật làm ăn ở Trung Quốc.

Cuối tuần rồi, một nhà máy của hãng Panasonic và một xưởng của hãng Toyota đã bị người biểu tình Trung Quốc đập phá. Hai hãng này cùng các hãng nổi tiếng khác của Nhật Bản đang phải rất thận trọng. Canon thông báo tạm ngưng hoạt động ba trên bốn nhà máy tại Trung Quốc đến chiều nay, Panasonic thì kêu gọi công nhân ở nhà ít nhất đến sáng mai.

Đối với những nhãn hiệu khác chưa bị tấn công, chính phủ Nhật Bản kêu gọi họ cẩn thận. Thậm chí Hitachi còn khuyên nhân viên của mình làm việc tại Trung Quốc không nên nói tiếng Nhật quá nhiều trong hiện tại.

Tờ báo cho biết, các tập đoàn Nhật Bản lo ngại việc nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra dễ dãi với làn sóng quá khích. Hôm qua, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc còn có lời lẽ đe dọa trả đũa kinh tế đối với Nhật Bản.

 Mạnh miệng nhất là tờ Nhân dân Nhật báo với bài xã luận dọa nếu Trung Quốc trả đũa kinh tế thì Nhật Bản sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Les Echos giải thích chi tiết này như sau : mỗi năm trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 340 tỉ đô la, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nhật Bản, còn Nhật thì chỉ xếp hạng 3 trong danh sách các đối tác thương mại của Trung Quốc.

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc không phải hoàn toàn không có thiệt hại về kinh tế, nếu căng thẳng leo thang với Nhật Bản.

 Phần lớn hàng nhập khẩu từ Nhật Bản đến Trung Quốc đều là thành phẩm, trong khi đó các nhà máy của Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc chủ yếu là lấp ráp phụ tùng rồi dán nhãn « made in Japan », bởi vậy mà một khi chiến tranh kinh tế giữa hai nước xảy ra thì một bộ phận không nhỏ dây chuyền sản xuất ở các nhà máy này sẽ bị ảnh hưởng, chưa kể là việc các tập đoàn Nhật Bản sẽ di dời nhà máy đến các nước Châu Á khác, những nơi mà hiện tại có chi phí sản xuất rẻ hơn ở Trung Quốc.

Ấn Độ : mở cửa kinh tế để đối phó khủng hoảng

Liên quan đến Ấn Độ, nhật báo Le Monde có bài phân tích tình hình kinh tế của nước này với dòng tựa : «Đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm, Ấn Độ tái thúc đẩy quá trình tự do hóa nền kinh tế ».

Quá trình tái thúc đẩy mà tờ báo đề cập đó là việc vào ngày 14 rồi, chính phủ liên minh Ấn Độ do đảng Quốc đại lãnh đạo đã thông báo mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó chủ yếu là ngành bán lẻ và hàng không.

Liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, sắp tới các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể tham gia cổ phần tại Ấn Độ trên 51%. Quyết định này rất quan trọng đối với kinh tế Ấn Độ, bởi nước này có đến 12 triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẽ, mà đa phần có qui mô nhỏ, sử dụng đến 40 triệu lao động với doanh số đạt 400 tỉ đô la. Bên cạnh đó, chính phủ còn thông báo mở cửa lĩnh vực hàng không dân dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2011, chính phủ ông Manmohan Singh cũng đã từng đệ trình một kế hoạch tương tự, nhưng khi ấy trong chính phủ liên hiệp có quá nhiều bất đồng ý kiến nên kế hoạch phải tạm ngừng. Còn lần này, trước tình hình kinh tế khó khăn chính phủ Manmohan Singh quyết tâm thực hiện cho bằng được đề nghị cải cách.

Khó khăn của nền kinh tế Ấn Độ được Les Echos chỉ ra như sau : từ 6/2011 đến 6/2012 đầu tư nước ngoài giảm đi 78%, lạm phát ở mức 7,6%, thâm hụt ngân sách 5,9%, thâm hụt thương mại 2,4%, tình trạng thâm hụt đang có khuynh hướng gia tăng, đồng rupi ngày càng mất giá, hồi tháng 6, công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã dọa hạ điểm tín nhiệm của nước này.

Les Echos nhận định, một trong những khó khăn của nền kinh tế Ấn Độ đó là tình trạng èo uột của lĩnh vực sản xuất. Bởi thế mà, giới kinh doanh luôn mong mỏi chính phủ có những cải cách quyết liệt hơn. Một tờ báo địa phương của Ấn Độ chia sẽ quan điểm này khi nhấn mạnh : « Một đột phát thật sự trong cải cách luôn được mong đợi ».

Châu Âu : điều tra môi trường đô thị ở 26 thành phố

« Y tế : 26 thành phố Châu Âu được đặt dưới kính lúp », đó là tựa đề bài viết đăng trên Le Figaro nói về kết quả nghiên cứu vừa qua về môi trường đô thị ở 26 thành phố tiêu biểu ở khắp Châu Âu.

Nghiên cứu mang tên Euro-Urhis 2 với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ 10 nước Châu Âu. Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trong hội nghị về sức khỏe đô thị diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Chín này tại Amsterdam. Lần nghiên cứu này, các chuyên gia không dừng lại ở các chỉ số truyền thống như rượu hay thuốc lá, mà còn so sánh cả điều kiện sống ở 26 thành phố Châu Âu.

Tờ báo đăng bảng nêu kết quả cụ thể của 26 thành phố được điều tra với những trọng tâm là tỉ lệ hút thuốc lá, uống rượu, dùng ma túy, béo phì và chế độ dinh dưỡng.

Liên quan đến nước Pháp, thành phố Monpellier đội sổ về chỉ số hài lòng của dân cư đối với không gian xanh trong thành phố, với mức độ hài lòng là 72%, trong khi mức trung bình Châu Âu là 84%.

Thành phố Bordeau của Pháp vượt chỉ số hài lòng này với mức 88%. Tuy nhiên, Bordeau bị điểm thấp trong hồ sơ thanh thiếu niên dùng các chất độc hại : 32% thiếu nhiên từ 14-16 đã từng hút cần sa, tức gấp hai lần mức trung bình Châu Âu, 31% tuổi trẻ Bordeau bắt đầu hút thuốc trước 13 tuổi, 68% cũng bắt đầu uống rượu trước tuổi 13, cả hai con số này điều cao hơn mức trung bình của Châu Âu.

Tờ báo nhận định, với nghiên cứu này từ đây mỗi thành phố trong số 26 thành phố tham gia sẽ có cho mình bảng chỉ số so sánh môi trường đô thị với các thành phố khác, để từ đó có thể định hướng tốt hơn cho các chính sách y tế cộng đồng.

15.000 thỏ Pháp biến đổi gen tới Trung Quốc

Trong lĩnh vực bảo tồn động vật, Le Figaro có bài chạy dòng tít gây chú ý : «Pháp xuất 15 000 con thỏ đến Trung Quốc để cứu nguy cho loài vật này ».

Tờ báo dí dỏm rằng, để nuôi sống 1,3 tỉ dân của mình, Trung Quốc đã phải cầu cứu đến… thỏ của Pháp. Vừa rồi, công ty Hycole của Pháp đã cho vận chuyển 15 000 thỏ cái đến Tứ Xuyên Trung Quốc. Hycole là một công ty có trụ sở ở miền bắc nước Pháp, chuyên về lai tạo sinh sản. 15 000 chị thỏ biến đổi gien này sẽ có nhiệm vụ tham gia tái tạo giống thỏ địa phương ở Tứ Xuyên hiện ít khả năng sinh sản và ít thịt.

Một lãnh đạo Hycole cho biết, công ty đã cho lai tạo hàng trăm giống thỏ để có được loài vừa xuất khẩu cho Trung Quốc, loài này có sức đề kháng cao và có nhiều thịt.

Trước thỏ, vịt biến đổi gien của Pháp cũng đã đến Trung Quốc. Nhiệm vụ của đàn vịt đến từ Pháp là giúp cải tạo năng suất nuôi vịt ở Trung Quốc, góp phần duy trì món đặt sản vịt quay Trung Hoa.

Tờ báo cho biết, một dự án mới đang được hai bên bàn thảo, và lần này sẽ đến lược các anh chị heo lên đường làm nhiệm vụ.