Home Tin Tức Thời Sự Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á : Trấn an đồng minh, làm dịu căng thẳng với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á : Trấn an đồng minh, làm dịu căng thẳng với Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Chúa Nhật, 16 Tháng 9 Năm 2012 13:05

Trước khi tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Nhật Bản.

  

 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta (phải) trò chuyện với báo chí trên chuyến bay ngày 15/09/2012 trong khuôn khổ vòng công du Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand.
REUTERS/Larry Downing

 

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lên đường công du ba nước châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand.

Nhiệm vụ của ông Panetta là giải thích với Bắc Kinh rằng việc Hoa Kỳ chuyển hướng chiến lược sang châu Á không nhằm kiềm chế, ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc vào lúc nước này đang chuẩn bị chuyển giao thế hệ lãnh đạo.

Mặt khác, khi thăm Nhật Bản, ông Panetta muốn đưa ra một tín hiệu là Mỹ củng cố sự hiện diện quân sự tại đây, và Washington vẫn luôn đứng bên cạnh đồng minh Tokyo trong bối cảnh đang có căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Hoa Đông.

 Chặng cuối trong vòng công du này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới New Zealand để thảo luận việc triển khai thỏa thuận hợp tác quân sự song phương được ký kết hồi tháng Sáu vừa qua.

Trả lời qua điện thoại hãng tin Bloomberg, ông Kenneth Lieberthal, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Học viện Brookings ở Washington, nhận định rằng, các lãnh đạo Trung Quốc lo ngại kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á là nhằm khống chế ảnh hưởng của Bắc Kinh; và khuyến khích một số nước láng giềng chống lại Trung Quốc, trong các hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

 Vào lúc Trung Quốc đang có một sự chuyển giao quyền lực khó khăn, Bắc Kinh cho rằng sự can thiệp của Mỹ nhằm thổi phồng những căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Điều này giúp cho Hoa Kỳ bố trí lại lực lượng để tạo thế cân bằng trong khu vực.

Theo chiến lược quân sự, được thông báo hồi tháng Giêng năm nay, Hoa Kỳ sẽ bố trí 60% lực lượng hải quân của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ nay đến năm 2020, thay vì 50% như hiện nay. Kế hoạch này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta khẳng định nhân Hội nghị an ninh - Đối thoại Shangri-La, Singapore, đầu tháng Sáu vừa qua. Nhằm cân bằng lại tương quan quân sự, Mỹ sẽ điều quân từ Nhật Bản đến Guam, luân chuyển một lực lượng thủy quân lục chiến ở phía bắc Úc, và có thể tại Philippines.

Tuy nhiên, ông Patrick Cronin, chuyên gia về châu Á ở Trung tâm An ninh mới của Mỹ tại Washington nói rằng, cái khó của ông Panetta khi giải thích chiến lược của Mỹ là không nên để cho Trung Quốc hiểu rằng chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đã mang lại kết quả.

 Bởi vì, dường như Trung Quốc đã từ bỏ phương châm « Thao quang dưỡng hội - Ẩn mình chờ thời » mà Đặng Tiểu Bình đưa ra trước đây và tỏ thái độ quyết đoán, hung hăng trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng. Chẳng hạn như vụ Senkaku/Điếu Ngư, hay vụ đối mặt giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trong nhiều tuần lễ, hồi tháng Tư tại bãi đá Scarborough hoặc vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hồi năm ngoái.

Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc phát triển bộ máy quân sự cũng là một thách thức đối với chiến lược của Mỹ tại châu Á. Bắc Kinh đã cho thử tiêm kích tàng hình vào tháng Giêng năm 2011, chế tạo tên lửa đối hạm DF-21. Do vậy, Hoa Kỳ đang có kế hoạch mở rộng lá chắn chống tên lửa trong khu vực, với sự tham gia của Nhật Bản và có thể cả Philippines.

Trước khi tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Nhật Bản.

 Cựu đô đốc hải quân Hoa Kỳ Dennis Blair cho rằng khi thảo luận với Tokyo về chiến lược cân bằng quân sự, ông Panetta sẽ phải giải thích quan điểm của Washington về tương lai của châu Á. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng tìm cách trấn an Nhật Bản rằng việc đưa máy bay Osprey V-22 của thủy quân lục chiến Mỹ tới các căn cứ Nhật Bản là an toàn.

Kết thúc vòng công du châu Á, ông Panetta sẽ tới New Zealand. Đây là lần đầu tiên kể từ 30 năm qua, một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm nước này.

 Cùng với Úc, New Zealand là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, thế nhưng, quan hệ quân sự song phương đã có nhiều thay đổi, kể từ năm 1985, khi Wellington thông qua một đạo luật cấm các tàu dùng năng lượng hạt nhân hoặc có trang bị vũ khí nguyên tử tới các cảng của nước này.

Ông Robert Ayson, giáo sư nghiên cứu chiến lược, thuộc đại học Victoria, Wellington nhận định, việc các quan chức Mỹ liên tiếp công du New Zealand « phản ánh mối lo ngại của Hoa Kỳ là Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong vùng và Mỹ không muốn nhượng bộ Trung Quốc » tại khu vực nam Thái Bình Dương.