Home Tin Tức Thời Sự Sau Ai Cập và Libya, tòa Ðại Sứ Mỹ tại Yemen bị tấn công

Sau Ai Cập và Libya, tòa Ðại Sứ Mỹ tại Yemen bị tấn công PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang, Ð.D.   
Thứ Năm, 13 Tháng 9 Năm 2012 20:02

4 người thiệt mạng, 25 người bị thương

SANAA, Yemen (NV) - Tình trạng bạo loạn trong thế giới Ả Rập liên quan đến một cuốn phim thực hiện tại Mỹ, có nội dung bị coi là báng bổ Tiên Tri Muhammad, đã lan sang Yemen hôm Thứ Năm, nơi hàng trăm người biểu tình tấn công tòa Ðại Sứ Mỹ, hai ngày sau khi có vụ nổ súng làm thiệt mạng đại sứ Mỹ ở Libya và đám đông tìm cách tràn vào chiếm đóng tòa Ðại Sứ Mỹ ở Cairo, theo một bản tin của báo The New York Times.

 

Người biểu tình đập cửa sổ và gỡ tấm bảng Tòa Ðại Sứ Mỹ tại thủ đô Sanaa, Yemen, hôm Thứ Năm. (Hình: AP Photo/Hani Mohammed)

 

Theo một bản tin của đài CNN, trích nguồn tin Bộ Quốc Phòng Yemen, cho biết, trong cuộc biểu tình hôm Thứ Năm, bốn người Yemen bị thiệt mạng. Ngoài ra, còn có 35 người khác bị thương, bao gồm 24 nhân viên an ninh.

Các nguồn tin từ giới truyền thông cũng cho hay có cuộc biểu tình ở Tehran, nơi khoảng 500 người hô khẩu hiệu đả đảo Mỹ và tìm cách bao vây tòa Ðại Sứ Thụy Sĩ, hiện đang giữ vai trò trung gian đại diện cho Mỹ vì Washington không có liên lạc ngoại giao với Tehran.

 Hàng trăm cảnh sát viên kềm giữ đám đông không cho họ đến gần sứ bộ ngoại giao này.

Trong ngày thứ ba liên tiếp, đám đông biểu tình trước tòa Ðại Sứ Mỹ ở Cairo đã xô xát với cảnh sát gìn giữ trật tự và giới hữu trách đã phải dùng đến lựu đạn cay để giải tán họ.

Tại Sanaa, thủ đô Yemen, đám đông tràn vào được vòng ngoài của tòa Ðại Sứ Mỹ, nổi lửa đốt một văn phòng nơi này.

Những người này sau đó rút lui và lấy đi bàn ghế cùng các máy điện toán.

Tổng thống Yemen, ông Abdu Rabbu Mansour Hadi, cho hay trong một bản thông cáo là ông bày tỏ “sự xin lỗi đến Tổng Thống Barack Obama và dân chúng Mỹ” về cuộc tấn công này.

Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters cho biết giới chức Libya vừa bắt bốn người trong khi điều tra vụ tấn công tòa Lãnh Sự Mỹ ở Benghazi, làm thiệt mạng đại sứ và ba nhân viên ngoại giao Mỹ.

“Bốn người bị bắt và chúng tôi đang thẩm vấn họ bởi vì họ bị tình nghi giúp tổ chức vụ tấn công vào tòa lãnh sự,” ông Wanis Sharif, thứ trưởng Bộ Nội Vụ Libya, được Reuters trích lời nói.

Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết.

Tại Ai Cập, giới chức Hoa Kỳ phải liên lạc với đảng Huynh Ðệ Hồi Giáo cầm quyền để xác nhận hai thông điệp mâu thuẫn nhau được gởi qua hệ thống tweeter, liên quan đến vụ tấn công tòa Ðại Sứ Mỹ ở Cairo.

Trong thông điệp đầu tiên, được viết bằng tiếng Anh, ông Khairat el-Shater, phó thủ lãnh của đảng, viết ông “cảm thấy nhẹ nhõm vì không có nhân viên ngoại giao nào của tòa đại sứ bị hại” và hy vọng quan hệ Mỹ-Ai Cập “sẽ được duy trì sau các sự kiện xảy ra hôm Thứ Ba (dân Ai Cập tấn công tòa đại sứ).”

Tuy nhiên, thông điệp thứ nhì của đảng Huynh Ðệ Hồi Giáo, viết bằng tiếng Ả Rập, và cũng được đăng trên trang web của đảng, lại khen ngợi những cuộc biểu tình chống cuốn phim sản xuất tại Mỹ mà một số người Hồi Giáo cho là xúc phạm Tiên Tri Muhammad.

 Thông điệp của Huynh Ðệ Hồi Giáo cũng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình có một triệu người tham gia vào Thứ Sáu.

Ngay sau đó, Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Cairo đáp lại: “Cảm ơn. Tuy nhiên, quý vị đã kiểm tra lại thông điệp bằng tiếng Ả Rập chưa?

Hy vọng quý vị biết là chúng tôi có đọc được thông điệp này đấy nhé.”

Huynh Ðệ Hồi Giáo trả lời: “Chúng tôi hiểu quý vị đang trong tình trạng bấn loạn, nhưng nếu quý vị cho biết chính xác đoạn nào làm quý vị quan tâm thì rất tốt.”

Hôm Thứ Năm, tổng thống Ai Cập, ông Mohammed Morsi, thuộc đảng Huynh Ðệ Hồi Giáo, nói ông ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa, chứ không phải các cuộc tấn công vào các tòa đại sứ, theo bản tin của Reuters.

Trong khi đó, nhật báo The New York Times cho rằng Ai Cập, chứ không phải Libya, nơi Ðại Sứ Chris Stevens bị giết, có thể là một vấn đề chính trị rất lớn đối với Hoa Kỳ.

Ông Martin S. Indyk, cựu đại sứ Mỹ tại Israel, nói với tờ báo rằng: “Dù không có người Mỹ bị giết, nhưng đây là lần thứ tư một tòa đại sứ tại Cairo bị tấn công, trong lúc cảnh sát Ai Cập phản ứng rất nhẹ nhàng.”

“Tại sao Tổng Thống Morsi không lên án những hành động này,” ông Indyk thắc mắc.

Tại Hoa Kỳ, giới chức liên bang xác định được người đàn ông sống ở miền Nam California, từng bị tù vì tội liên quan đến gian lận tài chánh, là nhân vật chính làm cuốn phim “The Innocence of Muslims,” gây nên làn sóng chống Mỹ trong thế giới Ả Rập. Ðó là ông Nakoula Basseley Nakoula, 55 tuổi, bản tin của hãng thông tấn AP cho biết.

Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder nói Bộ Tư Pháp Mỹ đã bắt đầu điều tra cái chết của bốn công dân Mỹ tại Libya. Tuy nhiên, hiện chưa biết là Bộ Tư Pháp có tập trung sự điều tra vào nhân vật làm bộ phim ở miền Nam California hay không.

Phóng viên Richard Esposito của đài truyền hình ABC cho biết cảnh sát Los Angeles County được phái đến nhà ông Nakoula ở Cerritos tối Thứ Năm để bảo vệ ông, đề phòng trường hợp ông bị trả thù.

Tuy nhiên, sau một lát, cảnh sát rời khỏi khu vực nhà ông.