Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-09-2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Tư, 12 Tháng 9 Năm 2012 11:14 |
Bắc Kinh dùng Internet để "lái" dư luận Việc đầu tiên mà các quan chức Trung Quốc phải làm sau khi ngủ là : lướt mạng Vi Bác để xem mình có bị chỉ trích hay không (DR) Gần đây ở Trung Quốc, Internet trở thành nơi để người dân bày tỏ bức xúc về tình hình chính trị xã hội của đất nước, từ việc phanh phui hàng loạt tiêu cực của các quan chức cho đến chuyện kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm. Đây có phải là một diễn đàn dân chủ hay không ? Về đề tài này, nhật báo Le Monde dành mục Thời Luận đăng bài nhận định của nhà báo nổi tiếng người Pháp bà Sylvie Kauffmann với dòng tựa : «Trang mạng Vi Bác đối kháng với đại hội đảng». Tác giả nhấn mạnh đến trang mạng Vi Bác (weibo) hiện đang phát triển rầm rộ tại Trung Quốc, nó đề cập đến tất cả các chủ đề thuộc hàng nhạy cảm nhất của đời sống chính trị xã hội tại Trung Quốc. Vi Bác mạnh đến mức mà tác giả đùa rằng, mỗi buổi sáng tại Trung Quốc, việc đầu tiên mà các quan chức phải làm sau khi rời khỏi giường ngủ là : lướt trang Vi Bác để xem mình có bị dân mạng chỉ trích hay không? Hiện Vi Bác có đến 350 triệu thành viên. Nó đã trở thành « cơn khủng bố Internet » đối với các quan chức Trung Quốc. Bề ngoài Vi Bác có vẻ có lợi cho dân chủ lắm, thế nhưng trên thực tế nó không chỉ là diễn đàn để người dân tấn công nhà cầm quyền, mà nó cũng chính là nơi để nhà cầm quyền sử dụng để phản pháo lại dư luận. Trong thực tế, các quan chức địa phương Trung Quốc đã sử dụng nhiều người có tài lí luận để tham gia phản bác lại những tấn công của dư luận đối với chính quyền. Trong bối cảnh đó, chính quyền trung ương Trung Quốc không tấn công Vi Bác một cách công khai, nhưng lại dùng chiêu bài kiểm duyệt ngầm. Tác giả cho biết, sự minh bạch luôn có giới hạn, nhất là ở Trung Quốc. Đã nhiều lần trang Vi Bác bị kiểm duyệt các nội dung có tên của các quan chức cao cấp của đảng, thậm chí của những nhà lãnh đạo đã về hưu như ông Giang Trạch Dân. Tác giả nói rõ, trên thực tế, chính quyền Trung ương Trung Quốc cho triển khai nhiều phương tiện để kiểm soát Internet và các trang mạng xã hội. Một học giả của Đại học Havard Hoa Kỳ đã dày công nghiên cứu về chủ đề này, cho biết, Bắc Kinh tập trung mọi nguồn lực để « kiểm duyệt có chọn lọc những phát ngôn ». Về chủ đề này, một blogger tại Trung Quốc nói rõ, chính sách của Bắc Kinh đối với Internet là : «Chế biến và ngăn chặn ». « Chế biến » ý muốn nói là Trung Quốc cố gắng biến những trang mạng nước ngoài thành sản phẩm riêng của mình, như Twitter thành Vi Bác (Weibo), Google thành Bách Độ (Baidu), Facebook thành Nhân Nhân (Renren). « Ngăn chặn » có nghĩa là Bắc Kinh kiểm soát toàn bộ máy chủ của các công ty Trung Quốc để có thể kiểm duyệt và ngăn chặn những thông tin bất lợi cho chế độ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đôi khi để các trang mạng xã hội được bộc phát khi mà bức xúc của người dân lên cao trào. Như vậy Bắc Kinh dùng Internet làm chỗ để cho người dân được nói cho hả giận, nhưng chỉ nói thôi, chứ chẳng làm được gì, trong khi mà chuyện phát biểu đã được chính quyền tính trước, và qua các trang mạng xã hội, chính quyền cũng có thể đo lường được sự phẫn nộ của người dân để có đối sách thích hợp. Hơn nữa, nhà cầm quyền còn có thể định hướng dư luận bằng cách cho kiểm duyệt những chủ đề quá nhạy cảm, và tạo lối vào rộng thênh thang cho cư dân mạng tấn công những chủ đề mà nhà cầm quyền muốn. Đi sâu hơn vào chiến thuật này của nhà nước Trung Quốc, tác giả cho biết, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, Internet thật sự đã tạo điều kiện cho người dân có chỗ để lên tiếng, tức hình thành một kiểu dân chủ Internet. Thế nhưng, thực chất là trên các trang mạng, nếu không muốn bị đánh sập, thì tốt nhất là chỉ nên đề cập đến tiêu cực của quan chức từ cấp tỉnh trở xuống mà thôi. Một nét nữa của chính sách Internet của Bắc Kinh là : người dân có thể bày tỏ chính kiến trên mạng, nhưng đừng bao giờ có ý định tập hợp đông người để phản đối chính quyền. Và cứ thế, chính quyền lâu lâu hé chút tự do cho người dân bộc lộ phát biểu trên mạng, rồi khi vấn đề trở nên quá nhạy cảm thì chính quyền lập tức kiểm duyệt. Và cứ thế, chính quyền trung ương thì luôn bất khả xâm phạm, chỉ có chính quyền địa phương là phải run rẩy với các trang mạng xã hội mà thôi. Thế nhưng, dù sao đi nữa, thì người dân thỉnh thoảng cũng có dịp bày tỏ chính kiến, để rồi bị kiểm duyệt, để rồi có cơ hội lại tiếp tục bày tỏ. Tác giả cho rằng, hành động của dân mạng Trung Quốc hiện tại giống như những lớp han gỉ trên vỏ tàu, chính quyền có thể lau chùi nó, nhưng sau đó lại xuất hiện lớp han gỉ mới, rồi lại lau nó, và cái vòng lẩn quẩn han rỉ rồi lao chùi vẫn cứ tiếp tục. Tranh chấp lãnh hải vẫn gây sóng gió trong quan hệ Trung-Nhật Về tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, báo L’Humanité có bài phản ánh việc chính phủ Nhật quyết định mua lại ba trong số 5 hòn đảo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Trong tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, liệu chính phủ Bắc Kinh hiện tại có theo đuổi chính sách của ông Đặng Tiểu Bình là « để cho thế hệ tương lai giải quyết » hay không ? Tờ báo cho rằng coi bộ đối sách trên của ông Đặng có vẻ không còn phù hợp, bởi tình hình hiện tại đã có nhiều diễn biến mới, nhất là việc chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng mua lại một số hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã có phản ứng mạnh. Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố : «Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ nhường một tất đất nào ». Ngay hôm qua, Bắc Kinh đã cử hai tàu hải giám đến khu vực tranh chấp để khẳng định chủ quyền. Chủ nhật rồi, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chỉ trích tiến trình quốc hữu hóa các đảo tranh chấp của Nhật Bản là « phi pháp », và kêu gọi Tokyo có thái độ hợp tác để duy trì quan hệ song phương. Theo tờ báo, quyết định nói trên của Nhật Bản có thể gây hại cho Nhật Bản : nên nhớ rằng hiện tại Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản. Thế nhưng, quyết định trên cũng không phải không có tính toán. Trước hết, trong khu vực quần đảo tranh chấp, tiềm năng khai thác thủy sản và trữ lượng dầu hỏa là rất lớn. Thứ hai, tại Nhật, tình hình chính trị đang không mấy ổn định. Gần đây, nhiều nghị sĩ Nhật Bản đã đồng loạt từ nhiệm, bầu cử quốc hội trước thời hạn có thể sắp diễn ra. Trong bối cảnh đó, Đảng Dân Chủ Nhật Bản cầm quyền không thể để cho cánh đối lập kịp nắm lá bài chủ nghĩa dân tộc. Bởi vậy mà, chính phủ Noda đang ra sức khơi dậy lòng yêu nước qua hồ sơ tranh chấp biển đảo, nhiều người Nhật trong đó có cả nghị sĩ, đã đến cấm cờ trên đảo tranh chấp. Trong khi đó, ở Trung Quốc, trước thềm đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh cũng có ý buôn lỏng tự do cho người Trung Quốc rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối Nhật Bản. Con người chỉ lo bảo vệ những loài vật có lợi cho mình ? Hội nghị toàn thể của Liên Minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đang diễn ra tại Jeju Hàn Quốc và sẽ kết thúc vào ngày 15/9 này. Trong bối cảnh đó, nhật báo Le Monde đăng bài : « 100 loài bị đe dọa nhất lại là những loài ít được bảo vệ nhất ». Hôm nay, 11/9/2012, hội nghị Liên Minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Jeju Hàn Quốc công bố một danh sách bao gồm 100 loài động thực vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có loài Sao La được các nhà khoa học phát hiện ở Việt Nam hồi năm 1992. Điểm chung của 100 loài này là : có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, nhưng lại bị con người bỏ bê nhất. Nguyên nhân mà con người không quan tâm đến sự sống chết của các loài này là : chúng không có lợi ích gì cụ thể phục vụ cho cuộc sống của loài người. Tờ báo chỉ rõ, các nhà tài trợ cho việc bảo tồn thiên nhiên, thậm chỉ các nhà hoạt động sinh thái thuần túy, họ ngày càng có xu hướng là xếp tầm quan trọng bảo tồn đối với các loài động thực vật bằng cách dựa vào lợi ích lớn nhỏ mà từng loài mang lại cho con người. Kết quả là hiện tại, các chương trình bảo tồn những loài này thiếu nguồn tài trợ trầm trọng, đến mức mà báo cáo cảnh báo rằng, nếu tình hình không cải thiện, thì cuộc đấu tranh bảo tồn những loài động thực vật « hiếm nhưng không quí » này sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi. Một chuyên gia người Anh kêu gọi : « Sự tồn tại trong tương lai của 100 loài này nằm trong tay của chúng ta. Chúng ta phải có một quyết định có đạo đức hơn », bởi vì theo chuyên gia này, các loài này có quyền được sinh tồn, bởi vì loài người chúng ta không có quyền làm ngơ để cho chúng bị tuyệt chủng. Uống rượu ít cũng có nguy cơ tai biến mạch máu não Trong lĩnh vực y tế, nhật báo Le Figaro quan tâm đến một kết quả vừa được các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm đại học y khoa Lille Pháp công bố trên tạp chí Neurology, báo động về nguy cơ gây tai biến mạch máu não của rượu. Nghiên cứu được thực hiện trên 137 bệnh nhân bị tai biến dạng xuất huyết não. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, họ chỉ mới tuổi 60, nhưng não của họ đã tương đương với những cụ già tuổi 74, tức bị lão hóa đến 14 năm. Điều đáng chú ý là tất cả họ điều có uống rượu, nhưng chỉ uống tối đa bốn li một ngày. Như vậy, nghiên cứu kết luận : dù rằng uống rượu không nhiều, nhưng nếu uống thường xuyên thì mạch máu não sẽ bị tổn thương, làm gia tăng nguy cơ tai biến. Thường thì có hai loại tổn thương mạch máu não : khi mạch máu não bị nghẹt, thì sẽ dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim, khi mạch máu bị vỡ sẽ dẫn đến xuất huyết não. Theo các chuyên gia, trong trường hợp mạch máu bị nghẹt thì tỉ lệ tử vong là từ 10 đến 13%, còn nếu mạch máu não bị vỡ tỉ lệ tử vong lên đến 40%. Pháp : báo động ô nhiễm môi trường đô thị Trong lĩnh vực môi trường, nhật báo L’Humanié đăng kết quả nghiên cứu 9 thành phố lớn ở Pháp của Viện Theo dõi y tế Quốc gia Pháp (InVS) với bài viết chạy tựa báo động : «Ô nhiễm đô thị gây tử vong và làm tiêu tốn nhiều tiền bạc». Chín thành phố đó là : Paris, Bordeau, Le Havre, Lille, Lyon, Marseille, Rouen, Strasbourg và Toulouse với tổng dân số trên 12 triệu người. Nghiên cứu cho thấy, ở tất cả 9 thành phố này, mức độ ô nhiễm không khí vượt mức quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nhà khoa học ước tính, mức ô nhiễm gây thiệt hại cho con người ở những thành phố trên lên đến 5 tỷ euro, trong đó tiêu tốn nhất là việc tốn tiền điều trị các bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí gây ra. Bên cạnh tổn thất tài chính, ô nhiễm không khí còn khiến những người tuổi 30 ở 9 thành phố nói trên có thể bị giảm đi từ 3,6 đến 7,5 tháng tuổi thọ. Nghiên cứu cho rằng, nếu mức độ ô nhiễm theo đúng quy định của WHO, thì mỗi năm ở 9 thành phố này sẽ tránh được 360 ca nhập viện do bệnh tim mạch và hơn 630 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Thiệt hại tính riêng cho những ca bệnh này cũng lên đến 4 triệu euro mỗi năm. Về các ca tử vong, theo nghiên cứu, nếu ô nhiễm đúng mức qui định của WHO, thì ở 9 thành phố trên sẽ giảm được đến 60 ca tử vong mỗi năm.
|