Home Tin Tức Thời Sự Đại diện các nước Hồi giáo tới Miến Điện nắm tình hình người Rohingya

Đại diện các nước Hồi giáo tới Miến Điện nắm tình hình người Rohingya PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 11 Tháng 9 Năm 2012 12:06

Cộng đồng người Rohingyas tại Miến Điện có khoảng 800 nghìn người

 

Biểu tình tại Sanaa, Yemen, chống lại các vụ thảm sát người Rohingyas ở Miến Điện, 13/08/2012.
REUTERS/Khaled Abdullah

 

AFP hôm nay 11/09/2012 cho biết Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) đã cử một phái đoàn đến tiểu bang miền Tây Miến Điện để kiểm tra tình hình các vụ bạo lực giữa cộng đồng thiểu số người Rohingyas theo Hồi giáo và người Rakhine theo đạo Phật.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Miến Điện cho biết, ba đại diện của OCI đã tới hiện trường từ hôm Chủ nhật vừa rồi và đã được trực tiếp thị sát các trại của người tỵ nạn.

 Trong số các đại diện trên có ông Ufuck Gokcen, quan sát viên thường trực của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo tại Liên Hiệp Quốc.

Cuộc xung đột dữ dội giữa cộng đồng Rohingyas và cộng đồng theo đạo Phật nổ ra ở tiểu bang Rakhine miền tây Miến Điện hồi tháng Sáu năm nay đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia Hồi.

 Hội nghị thượng đỉnh của OCI, diễn ra tại Meca, Ả Rập Xê Út hồi tháng Tám đã quyết định đưa hồ sơ người Rohingyas tại Miến Điện ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia thành viên của OCI đã lên án gay gắt « chính quyền Miến Điện sử dụng vũ lực » đàn áp cộng đồng thiểu số người Rohingyas theo Hồi giáo và không công nhận họ là công dân Miến Điện.

Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng đã tố cáo lực lượng an ninh Miến Điện lạm dụng quyền hành ức hiếp người Rohingyas trong vụ xung đột cộng đồng.

Theo con số chính thức được công bố, các vụ bạo lực giữa cộng đồng người Hồi giáo Rohingyas và sắc tộc Rakhine theo đạo Phật, tại tiểu bang nằm sát biên giới với Bangladesh, đã làm ít nhất 90 người chết. Nhiều khu làng của người Rohingyas bị đốt phá hoàn toàn, đẩy hàng chục nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư, hoặc phải sống trong các lều trại tạm bợ.

Cộng đồng người Rohingyas tại Miến Điện có khoảng 800 nghìn người, theo đạo Hồi và dùng ngôn ngữ gần giống với tiếng Bangladesh.

Từ lâu nay, chính quyền cũng như đa số người Miến Điện vẫn coi người Rohingyas là dân nhập cư lậu. Hiện tại Bangladesh đã phải mở hai trại tỵ nạn dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Quốc để đón tiếp người Rohingyas.

Cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo này đang gây ảnh hưởng tới tiến trình cải cách ở Miến Điện, nếu không được giải quyết sẽ còn dẫn đến những hệ lụy khác nghiêm trọng hơn.