Home Tin Tức Thời Sự Lãnh đạo Apec cam kết tự do thương mại

Lãnh đạo Apec cam kết tự do thương mại PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Chúa Nhật, 09 Tháng 9 Năm 2012 16:47

Hồ Cẩm Đào lần cuối cùng xuất hiện trên diễn đàn quốc tế với cương vị tổng bí thư

 

 Các nhà lãnh đạo Apec tại Vladivostock

 

Nguyên thủ các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương hứa sẽ có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và bác bỏ việc hạn chế xuất khẩu lương thực trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế èo uột của thế giới.

Các lãnh đạo Apec đưa ra lời hứa này tại ngày cuối cùng của một hội nghị thượng đỉnh hôm Chủ nhật ngày 9/9 tại thành phố Viễn Đông Vladivostock của Nga.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia ven bờ Thái Bình Dương dự kiến sẽ chấm dứt hai ngày họp thượng đỉnh tại một hòn đảo gần thành phố cảng Vladivostock với tuyên bố quan ngại về tình trạng yếu ớt của kinh tế thế giới, an ninh lương thực toàn cầu và các dấu hiệu bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, hãng tin Anh Reuters cho biết.


‘Kinh tế mong manh’

Trước đó, 21 quốc gia thành viên Apec đã đồng ý cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ‘công nghệ xanh’, có những bước đi để thúc đẩy tăng trưởng và tự do hóa thương mại để đối phó với các vấn đề nảy sinh từ cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu.

“Chúng tôi có cảm nhận chung rằng kinh tế thế giới vẫn đang rất mong manh... tuy nhiên cũng có niềm tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua,” Thủ tướng New Zealand John Key nói với các phóng viên trước khi bắt đầu các cuộc thảo luận trong ngày họp thượng đỉnh cuối cùng.

   Một vài nước đã bày tỏ quan ngại rằng các động thái đánh vào sự bảo hộ mậu dịch ‘đang đi lùi’, Thủ tướng Key cho biết và nói thêm rằng nguy cơ là ở chỗ mọi người sẽ trở về tâm lý phòng thủ.

Các quốc gia Apec chiếm 40% dân số thế giới, 54% tổng sản phẩm kinh tế và 44% giao thương toàn cầu.

Mặc dù cả Mỹ và Nga, những nước xuất khẩu lúa mạch hàng đầu thế giới, đều vừa trải qua hạn hán gây tổn thất cho mùa màng nhưng các nhà lãnh đạo Apec đã nhất trí không hạn chế xuất khẩu lương thực và nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường mở để đảm bảo cung cấp lương thực ổn định cho thị trường toàn cầu.

Họ cũng ủng hộ một danh sách gồm 54 mặt hàng liên quan đến môi trường sẽ được giảm thuế nhập khẩu xuống còn không quá 5% đến trước năm 2015, trong đó có các thiết bị liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và quan trắc môi trường.

Khi được hỏi về đề xuất của tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin được bảo lưu quyền bảo hộ một số mặt hàng trong các thời kỳ khủng hoảng, Thủ tướng Key nói: “Tôi không thấy đề xuất này được ai chấp nhận cả.

Nga, Mỹ nhìn về châu Á

 

Vladivostock với cây cầu mới trị giá 1 tỷ đô la

 

 Nga muốn nhân thượng đỉnh Apec để quảng bá chính sách Hướng Đông của mình

Cả Moscow và Washington đều nhìn về châu Á, nơi tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối mạnh, để tạo cú hích cho nền kinh tế của mình sau các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 4 năm trước đây.

“Điều hiển nhiên là trong thập niên này, và cũng có lẽ là trong thập niên tiếp theo, khu vực quan trọng nhất trên thế giới về tăng trưởng kinh tế sẽ là các nước Thái Bình Dương,” Tổng thống Mexico Felip Calderon phát biểu.

Tổ chức hội nghị thượng đỉnh trên một hòn đảo được nối liền với đất liền bằng một chiếc cầu mới hoành tráng trị giá 1 tỷ đô la, một biểu tượng của chính sách hướng Đông của Moscow, Tổng thống Vladimir Putin đã quảng bá đất nước của mình như là cánh cửa để châu Á tiến vào thị trường châu Âu.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thì hứa hẹn rằng đất nước của ông, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, sẽ cân bằng lại nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng vững chắc và mạnh mẽ sau khi toàn bộ khu vực lâm vào suy giảm.

Ông Hồ cũng loan báo bơm 157 tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, đường sắt và đường bộ ở Trung Quốc.

Trước khi các vị nguyên thủ bắt đầu họp thượng đỉnh, hội nghị doanh nhân các nước Apec cũng đã chào đón kế hoạch của chủ tịch Trung Quốc.

Scott Price, chủ tịch và giám đốc điều hành của nhà bán lẻ khổng lồ Walmart ở khu vực châu Á, nhận định rằng Trung Quốc vẫn có tiềm năng rất lớn bất chấp tăng trưởng chậm lại ở quốc gia này.

   “Khi một chiếc ô tô không còn đi ở tốc độ 100 dặm một giờ mà chỉ còn 69 dặm một giờ thì nó vẫn còn chạy khá nhanh. Nền kinh tế Trung Quốc hiện tăng trưởng ở tốc độ 7,5% vẫn là một thị trường hết sức hấp dẫn,” ông nói.

Ông trùmg Oleg Deripaska của Nga, vốn kinh doanh trong các lĩnh vực từ khai quặng nhôm cho đến xây dựng, hoan nghênh dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do Hồ Cẩm Đào công bố.

“Chúng tôi thảo luận về nhiều dự án khác nhau với các công ty Trung Quốc về việc xây dựng các cảng, xây dựng các mỏ và đẩy nhanh tốc độ sản xuất tại các cơ sở hiện có,” Deripaska nói với Reuters.

Bất chấp các lời cam kết của các lãnh đạo Apec rằng họ sẽ ‘bắc cầu chứ không dựng tường’ đối với giao thương và đầu tư, cả Nga và Trung Quốc đều bị châu Âu chất vấn về các chính sách thương mại mà họ cho là hạn chế cạnh tranh tự do trong bối cảnh một cuộc chiến giá khí đốt đang âm ỉ giữa Brussels và Moscow.