Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam cân nhắc cắt bớt một nửa các tập đoàn kinh tế

Việt Nam cân nhắc cắt bớt một nửa các tập đoàn kinh tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 07 Tháng 9 Năm 2012 13:22

Doanh nghiệp nhà nước được thành lập với vốn cấp của nhà nước VN

HÀ NỘI (NV) - Nhà cầm quyền Việt Nam đang cân nhắc để cắt bớt phân nửa trong tổng số 13 tập đoàn kinh tế quốc doanh hiện đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 

Tổng công ty tàu biển Vinalines ngập trong công nợ vì đầu tư bừa bãi. (Hình: Thanh Niên)

 

Ðây là nội dung một bản tin có tựa đề “Chính phủ cân nhắc giảm 50% số tập đoàn kinh tế đang thí điểm” của báo Petrotimes hôm Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012 còn ở dạng “thô,” tức là chờ một người có thẩm quyền tên Dũng đọc lại trước khi quyết định cho “đi” hay không.

Chính vì vậy, “tai nạn” do sơ ý đã làm cho bản tin này xuất hiện trên mạng Petrotimes ít giờ rồi bị lấy xuống.

Báo Petrotimes thuộc Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam do Cựu Ðại tá Công an Nguyễn Như Phong (nguyên phó tổng biên tập tờ Công An Nhân Dân) làm tổng biên tập.

Trong khi đó, bản tin của 'chinhphu.vn' tường thuật phiên họp thường kỳ tháng 8, 2012 của chính phủ CSVN chỉ nhắc sơ đến “...dự án Luật Ðầu Tư công, các thành viên chính phủ đã thảo luận, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; sự chồng lấn của phần đầu tư công với các luật hiện hành; về chương trình đầu tư công; việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các dự án đầu tư công; về dự án sử dụng các nguồn vốn hỗn hợp; về chủ đầu tư...”

Nếu phổ biến bản tin này, tờ Petrotimes sẽ mang tội “cầm đèn chạy trước ô tô” và chưa biết sẽ bị “cấp trên” xử như thế nào.

Bản tin của tờ Petrotimes nói rằng “...Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam thừa nhận, chính phủ, mà trực tiếp thủ tướng chính phủ đã xem xét, rà soát lại nghiêm túc việc tổ chức lại các TÐKTNN (tập đoàn kinh tế nhà nước) theo hướng chỉ duy trì 5-7 tập đoàn có sức vóc, tiềm năng và trách nhiệm xã hội lớn.

 Theo đó, trách nhiệm được phân cho bộ chuyên môn, hoặc do thủ tướng chính phủ chỉ đạo tùy theo quy mô, mức độ ảnh hưởng đến số đông người dân, mang trọng trách xã hội hay điều tiết nền kinh tế vĩ mô...”

Như vậy các TÐKTNN chỉ “hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo mục tiêu chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý, là một trong những công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ.”

Các định chế tài trợ quốc tế, suốt nhiều năm qua, thúc hối thường xuyên chế độ Hà Nội cải tổ hay bãi bỏ hệ thống quốc doanh phần lớn “lãi giả, lỗ thật,” chỉ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tổng Cục Thống Kê hồi đầu năm nói tính tới ngày cuối tháng 12, 2011, Việt Nam còn tới 4,715 công ty quốc doanh.

Trong số này có 35 doanh nghiệp “tạm ngừng sản xuất,” 637 doanh nghiệp “chờ giải thể” và 210 doanh nghiệp “không xác minh được.”

Doanh nghiệp nhà nước được thành lập với vốn cấp của nhà nước thì phải có các văn bản hành chính mà “không xác minh được” thì thật vô cùng khó hiểu.