Châu Âu kêu gọi Trung Quốc gia tăng cải cách |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Năm, 06 Tháng 9 Năm 2012 14:11 |
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể rời khỏi Trung Quốc, nơi tăng trưởng đang chậm lại, và giá lao động thì tăng lên.
Thượng Hải, biểu tượng của sự thành công kinh tế của TQ
Phòng thương mại Châu Âu tại Trung Quốc đưa ra nhận định, việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới của chế độ Trung Quốc là một dịp để nền kinh tế thứ hai thế giới tăng cường cải cách và khuyến khích đổi mới. Cụ thể là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Châu Âu vào thị trường Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu này sẽ phải tiến hành thay đổi bộ máy lãnh đạo, lần đầu tiên kể từ 10 năm nay. Tiếp theo đó, vào tháng ba năm tới 2013, vị trí chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ của Trung Quốc cũng sẽ được thay thế. Báo cáo thường niên của Phòng thương mại Châu Âu tại Trung Quốc khẳng định : « Trước một cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Trung Quốc có một cơ hội lịch sử để đưa nền kinh tế nước mình vượt sang một giai đoạn mới ». Cụ thể là, theo Phòng thương mại Châu Âu, lãnh đạo Trung Quốc cần thay đổi đường lối một cách nhanh chóng và triệt để, nhằm tái cân bằng nền kinh tế, hiện đang nghiêng về phía các đầu tư của Nhà nước, để hướng sang mô hình kinh tế với cơ chế thị trường là chủ đạo. Đây cũng là điều được lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) đang diễn ra. Báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu viết : « Một sự thực thi đáng kể (kế hoạch kể trên) đang được mong đợi ». Trong số các vấn đề cản trở các doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc, báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu chỉ ra các cản trở pháp lý cho việc thâm nhập thị trường, việc trợ giá và cấp tín dụng với lãi suất ưu tiên được chỉ đạo đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như các biện pháp phân biệt đối xử khác về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài. Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu David Cucino tin tưởng vào một hành động nhanh chóng theo hướng này của ban lãnh đạo mới tại Bắc Kinh một khi họ lên nắm quyền. Ông David Cucino cũng cảnh báo, trong trường hợp ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài có thể rời khỏi Trung Quốc, nơi tăng trưởng đang chậm lại, và giá lao động thì tăng lên. Theo các nhà phân tích, sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc từ 30 năm nay đặc biệt nhờ ở giá nhân công thấp. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc đang giảm dần, kể từ tháng 11/2011, và ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn dời các cơ sở sản xuất sang các quốc gia có giá cả rẻ hơn. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chủ yếu là do đầu tư, hơn là do lượng tiêu thụ của thị trường trong nước. Mặt khác, các cách tân còn rất thiếu tại Trung Quốc, vì điều này đòi hỏi phải có một môi trường tốt và các cách tân đòi hỏi phải có thời gian. |