Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-09-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-09-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 02 Tháng 9 Năm 2012 18:06

 Chính sách mua trữ lúa gạo của Thái Lan sẽ có lợi dài hạn


 

Nông dân Thái Lan thu hoạch lúa tại tỉnh Ayutthaya
REUTERS/Sukree Sukplang

 

Hồi tháng 7/2011, Đảng Puea Thai (Đảng vì nước Thái) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan ( 260 trên 500 ghế ), đã tiến hành thành lập chính phủ với người đứng đầu là bà Yingluck Shinawatra.

 Thực hiện một trong những lời hứa khi tranh cử, chính phủ đã hỗ trợ nông dân bằng cách mua tạm trữ lúa gạo trong dân với giá gấp đôi giá thị trường. Nhật báo Bangkok Post của Thái Lan có bài phân tích cái được mất của chính sách này, được Courrier International dẫn lại với dòng tựa: “Bangkok đặt cược với lúa gạo”.

Theo tờ báo, trước tiên biện pháp này khiến chính phủ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, mà tiền của chính phủ lại là tiền thuế của dân, như vậy cuối cùng chính người đóng thuế nai lưng chịu. Thêm vào đó, việc mua lúa gạo cao hơn giá thị trường cho nông dân rồi dự trữ lại đó đã khiến cho Thái Lan mất dần vị trí nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới.

Các chỉ trích về chính sách mua lúa tạm trữ của chính phủ Thái Lan cũng đã rộ lên, nhất là từ phía Đảng Dân chủ đối lập.

Nhìn chung, các chỉ trích đều cho rằng, trong quá trình thực hiện, nhiều quan chức và doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này để trục lợi bằng mọi cách. Chính sách đã vô tình làm lợi cho giới trung gian.

Ngay đến bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kitirat Na-Ranong cũng đã thừa nhận trước quốc hội rằng: “Chương trình này đã bị huỷ hoại do tình trạng tham lạm quá phổ biến”. Còn ở bên ngoài thì chính phủ Hoa Kỳ đã lên tiếng cho rằng, chính sách mua lúa gạo kiểu trên của Thái Lan rõ ràng là vi phạm qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong bối cảnh đó, tờ báo cho rằng, về lâu về dài chính sách nói trên của chính phủ Thái Lan sẽ có lợi cho nước Thái, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nguy cơ lâm vào khủng hoảng lương thực trong thời gian tới.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2013 tình trạng khan hiếm lương thực và giá thực phẩm sẽ tăng lên có thể ngang bằng với mức năm 2007-2008, giai đoạn mà ở nhiều nước đã có bạo động chỉ vì thiếu lương thực. Năm 2013, giá gạo sẽ tăng ít nhất 20%, còn trong tháng 7 vừa qua giá gạo cũng đã tăng 6%. Tờ báo nhận định, từ đây đến cuối năm, 17 triệu tấn lúa dự trữ ở các địa phương Thái Lan sẽ có được giá tăng gấp đôi thậm chí gấp ba so với hiện tại.

Việt Nam cần tập trung vào chất lượng lúa gạo

Trong khi Thái Lan mất dần vị trí số một về xuất khẩu lúa gạo, thì Việt Nam có nhiều cơ hội để giành lấy vị trí này.

Thế nhưng, dù có dành được vị trí đầu bảng, thì Việt Nam cũng chỉ khẳng định được sức mạnh lúa gạo về mặt số lượng xuất khẩu mà thôi. Courrier International nhắc lại, trên báo Người Lao Động của Việt Nam, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long nhận định rằng, thu nhập của nông dân Việt Nam vẫn còn thấp do sản phẩm họ làm ra được bán với giá rẻ. Từ đó cho thấy, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay không phải là giành được ngôi đầu bảng các nước xuất khẩu lúa gạo, mà là cải thiện thu nhập của nông dân và các doanh nghiệp.

Như vậy vấn đề chất lượng và giá cả mới thực sự là điểm cốt yếu của chính sách xuất khẩu lúa gạo. Nên nhớ rằng, dù Thái Lan có mất ngôi đầu bảng về lượng xuất khẩu lúa gạo, nhưng giá gạo Thái Lan vẫn cao hơn của Việt Nam bởi có chất lượng được đánh giá tốt hơn. Chẳng hạn như gạo Jasmin của Thái Lan vẫn được thị trường quốc tế ưa chuộng, hiện đã có giá cao, và sắp tới nếu thế giới bị khủng hoảng lương thực, thì giá sẽ còn cao hơn nữa.

Trung Quốc bất chấp thủ đoạn để tìm nguồn năng lượng

Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá diễn ra quá nhanh ở Trung Quốc đã khiến nước này ngày càng đói năng lượng, đến mức mà Bắc Kinh mấy năm nay không ngừng mở rộng hợp tác với nhiều nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nước Châu Phi.

 Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi vì thế đã tăng phi mã. Phân tích mối quan hệ đối tác về mặt nguyên tắc này, tạp chí Thế giới ngoại giao Le Monde Diplomatique số ra tháng 9 có bài chạy dòng tựa khá ấn tượng: “Trung Quốc có phải là một nước đế quốc chủ nghĩa ?”.

Tờ báo nhắc lại, đến tận năm 1993, nguồn dầu hoả trong nước vẫn có thể đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng với sự phát triển phi mã của nền kinh tế, Trung Quốc phải lao vào con đường nhập khẩu dầu hoả và khí đốt và lượng nhập khẩu này ngày càng tăng.

Trung Quốc đã rơi vào tình trạng lệ thuộc năng lượng nhập khẩu, đến mức mà chỉ cần một rắc rối nhỏ ở một trong những nước cung ứng năng lượng cho Trung Quốc cũng đủ gây ra nhiều khó khăn to lớn cho nền kinh tế nước này.

Bởi vậy mà chính phủ Bắc Kinh phải bất chấp thủ đoạn để đảm bảo đủ nguồn cung ứng năng lượng phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước.

 Trên bề mặt, lãnh đạo Trung Quốc lúc nào cũng hô hào nguyên tắc hợp tác kinh tế không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, ấy thế nhưng trên thực tế có khi lại khác hoàn toàn. Le Monde Diplomatique đã dẫn chứng một số trường hợp tiêu biểu.

Theo tờ báo, để đảm bảo đủ nguồn năng lượng nhập khẩu, toàn bộ hệ thống của nhà nước Trung Quốc đã vào cuộc: từ ngân hàng Trung ương, các tập đoàn nhà nước, các cơ quan ngoại giao đến cả quân đội. Như trong lĩnh vực dầu khí và khai thác, nhiều tập đoàn dầu khí và khai thác mỏ của nhà nước Trung Quốc đã đầu tư khai thác ở nước ngoài.

Để bôi trơn cho các hoạt động đầu tư này, phía Trung Quốc thường hay hứa hẹn nhiều lợi ích cho các nước cung ứng, như cho vay ưu đãi, các kế hoạch khổng lồ về xây dựng điện đường trường trạm, xây dựng trung tâm thể thao, và có cả hổ trợ quân sự.

Le Monde Diplomatique nhắc lại, phía Trung Quốc đã cho chính phủ Angola vay ưu đãi 2 tỷ đô la, cho Venezuela vay ưu đãi 20 tỷ đô la, nhiều nước khác như Soudan và Zimbabwe cũng đã nhận hỗ trợ quân sự từ phía Trung Quốc đổi lại việc cho nước này vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 Mới đây, trong diễn đàn hợp tác Trung Quốc- Châu Phi lần thứ Tư tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc cũng đã cam kết cho các nước Châu Phi vay ưu đãi 10 tỷ đô la.

Không chỉ dừng ở việc dùng hổ trợ tài chính đổi lấy hợp đồng khai thác năng lượng, Bắc Kinh có khi còn không ngại can thiệp sâu vào công việc nội bộ của nước khác, mà điều đáng nói là sẵn sàng hổ trợ tài chính và quân sự cho những chính phủ độc tài đàn áp người dân.

 Chẳng hạn như ở Soudan, Trung Quốc bị nghi là đã cung cấp vũ khí giúp chính phủ ông Omar Al-Bachir và hậu thuẫn về mặt ngoại giao cho chính phủ này ở Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng từ khi Soudan bị tách làm hai với việc ra đời nhà nước Nam Soudan, sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho ông Al-Bachir đã giảm đi rõ rệt, bởi vì nguồn dầu hoả chủ yếu nằm trên lãnh thổ Nam Soudan.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng hỗ trợ quân sự cho Iran, và ủng hộ đắc lực Iran tại Liên Hiệp Quốc. Đối với Zimbabwe, tờ báo cho biết, để có thể vào đầu tư khai thác đất nông nghiệp, tiếp cận nguồn cung ứng thuốc lá hoặc nguyên liệu, Trung Quốc đã giúp chính phủ ông Robert bằng việc trang bị vũ khí và huấn luyện các lực lượng an ninh để trấn áp đối lập.

Một chiêu bài khác mà tờ báo chỉ ra, đó là để có thể tiếp cận nguồn năng lượng cần thiết, phía Trung Quốc sẵn sằng hợp tác với chính quyền để đạt được thoả thuận, dù thoả thuận đạt được không phải phục vụ cho người dân địa phương mà là để làm giàu cho các nhà chức trách.

Chẳng hạn như ở Angola, phía Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với một tập đoàn nhà nước được kiểm soát bởi các nhân vật thân cận của tổng thống Angola. Thế là, quan chức tập đoàn này cứ hưởng lợi, trong khi người dân Angola vẫn phải sống lay lắt ở mức dưới 2 đô la/ngày.

 Hiện tại, nhiều dự án hợp tác theo kiểu này cũng đang được thương thảo giữa Trung Quốc và chính quyền Angola.

Liên quan đến việc Trung Quốc đến đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho một số nước nghèo, Le Monde Diplomatique cho rằng, các công trình trước nhất là để phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển của các tập đoàn khai thác dầu khí và nguyên liệu. Đến mức mà một báo cáo vừa được trình cho nghị viện Châu âu đã khẳng định chua chát rằng, thoạt nhìn sự thèm khát về năng lượng của Trung Quốc có lợi cho Châu Phi, nhưng trên thực tế hành vi đầu tư khai thác của Trung Quốc trên thực địa là hoàn toàn khác.

Như vào năm 2005, chỉ có 14 nước Châu Phi là có cán cân thương mại dương đối với Trung Quốc, và đây là 14 nước xuất khẩu dầu hoả hoặc nguyên liệu cho Trung Quốc.

 Trong khi đó, có đến 30 nước Châu Phi bị thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc, và ở những nước này thì tràn ngập hàng hoá Trung Quốc, gây điêu đứng cho các doanh nghiệp bản địa.

Tóm lại, theo tờ báo, Trung Quốc lấy việc tiếp cận nguồn tài nguyên của các nước làm ưu tiên, chứ không phải đến các nước đầu tư khai thác để giúp nước đó phát triển kinh tế, để giúp người dân bản địa được cải thiện đời sống. Kiểu hành động này rõ ràng đã biến Trung Quốc trở thành “một nước đế quốc đi khai thác thuộc địa ” không hơn không kém.

 Và rõ ràng kiểu quan hệ hợp tác này không thể nào tồn tại lâu dài được trong xã hội hiện đại ngày nay, như lời của tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Diễn đàn hợp tác Trung-Phi ở Bắc Kinh hồi tháng Bảy rồi:

 Cam kết của Trung Quốc cho sự phát triển của Châu Phi chủ yếu nhằm mục đích tiếp cận nguồn nguyên liệu, nếu cứ quan hệ với nhau mãi theo kiểu đó thì mối quan hệ này sẽ không thể bền vững được.

Trung Quốc : Đầu óc bá chủ vẫn còn đó

Le Nouvel Observateur thì nhìn về quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng qua bài viết đăng hình thanh niên Trung Quốc biểu tình bài Nhật tại thành phố Hàng Châu.

Cuộc biểu tình nói trên không phải để lên án sự tàn bạo của Nhật đối với người Trung Quốc hồi đầu thế kỷ trước, mà phát nguồn từ tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên quần đảo Điếu Ngư mà người Nhật gọi là Senkaku.

Gần đây, tranh chấp ngày càng căng thẳng. Hôm 15/8, ngày phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh kết thúc Thế chiến thứ hai, một đoàn người Trung Quốc-Hồng Kong đã đến một trong những hòn đảo ở đây để cắm cờ Trung Quốc khẳng định chủ quyền. Thế là ngay tuần sau đó, một nhóm người Nhật cũng đến đúng hòn đảo đó để cắm cờ Nhật Bản.

Làn sóng phản đối lập tức rộ lên tại nhiều địa phương ở Trung Quốc, người Trung Quốc đi đến mức đập phá xe cộ của Nhật Bản, tấn công các cửa hàng của người Nhật hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.

Không chỉ xích mích lãnh thổ với Nhật Bản, Trung Quốc còn có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với nhiều nước láng giềng khác.

 Theo tờ báo, cứ mãi dựa vào quá khứ đế quốc xa xưa của mình, chính phủ Trung Quốc hiện tại tuyên bố chủ quyền gần hết diện tích Biển Đông.

Hồi tháng Sáu rồi, Bắc Kinh còn đi đến mức thành lập cái gọi là « thành phố Tam Sa cấp địa khu » bao gồm hầu hết các quần đảo trên Biển Đông. Để bảo đảm cho việc thực hiện thành công tham vọng đó, từ tháng Bảy rồi, Bắc Kinh cho triển khai trong khu vực các đơn vị tàu và máy bay tuần dương trong tư thế « sẵn sàng chiến đấu ».

 Philippines vì thế vội vã tăng cường trang bị vũ khí, còn Việt Nam thì cũng thông qua ngay một luật biển tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Như vậy, nhìn trên tổng thể, Trung Quốc có tranh chấp với tất cả các nước láng giềng và đang ở trong thế bị bao vây : ở phía nam, một vòng vây chống Trung Quốc bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaisia, ở phía đông thì có Nhật Bản và Hàn Quốc, và tất cả có « một kẻ thù chung » là Bắc Kinh, một « kẻ thù » mà lòng tham không đáy về lãnh thổ đe dọa tất cả các nước lân cận.

Hoa Kỳ : Tổng thống không dễ gì tái cử

Đến với cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, tuần san Courrier International dành hẳn một hồ sơ cho chủ đề này với dòng tựa được chạy lớn trên trang nhất :

 « Obama : tại sao ông có thể bị thất cử ». Nguyên nhân số một có thể dẫn đến sự thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới đối với đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama đó là nền kinh tế đang hồi khó khăn của Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế Mỹ có tăng trưởng nhưng rất chậm.

Thị trường xuất khẩu chính của Mỹ là Châu Âu thì đang điêu đứng vì nợ công, khiến kinh tế Mỹ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

 Dự báo từ đây đến khi diễn ra bầu cử, tình hình kinh tế sẽ không tốt hơn hiện tại là mấy. Trong bối cảnh đó, nạn thất nghiệp vẫn còn cao, ở mức trên 8%. Lịch sử bầu cử tổng thống ở Mỹ cho thấy, với tỉ lệ thất nghiệp ở mức đó, chưa từng có vị tổng thống nào được tái cử.

Trên phương diện ngoại giao, tờ Newsweek tại New York cho rằng, trong nhiệm kỳ tổng thống Obama, ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm, Mỹ bớt năng nổ hơn trên trường quốc tế, từ đó vị thế quốc tế của Mỹ cũng giảm đi.

Số liệu thống kê cho thấy, có 46% người Mỹ cho rằng sớm muộn gì vị trí đệ nhất cường quốc thế giới của Mỹ cũng sẽ lọt vào tay Trung Quốc.

Một bất lợi nữa dành cho tổng thống Obama đó là nguồn tài trợ tranh cử của cử tri dành cho ông quá ít so với ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Mitt Romney.

 Đặc biệt đối với những đại gia ủng hộ ứng viên Obama hồi năm 2008 thì năm nay đa phần đã rút lui. Trong khi đó, chỉ còn hai tháng nữa là tới bầu cử, liệu từ đây đến đó những nhà tài trợ cho Đảng Dân chủ có kịp tỉnh giấc hay không ?

Còn nữa, trong chiến dịch tranh cử lần này, cũng giống như hồi năm 2008, ông Obama chọn nơi làm tổng hành dinh tranh cử là Chicago.

 Báo chí Mỹ cho rằng đây là một tính toán sai lầm, vì ê kíp tranh cử của ông sẽ phải làm việc ở một nơi quá xa Nhà Trắng và quá xa trung tâm chính trị của nước Mỹ là thủ đô Washington.


Một khó khăn nữa cũng không nhỏ đối với đương kim tổng thống Obama đó là quan hệ giữa ông và các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại lưỡng viện quốc hội Mỹ không mấy tốt đẹp. Điều này sẽ khiến ông bị mất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới.

Với những khó khăn to lớn vừa nêu, tổng thống Obama khó lòng xoay trở kịp tình hình trong khi chỉ còn cách cuộc bầu cử có hai tháng nữa.

 Hơn nữa, nhìn lại lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, một vị tổng thống kết thúc nhiệm kỳ trong điều kiện tương tự như ông là không thể tái cử.

Liệu ông Obama có làm thay đổi được lịch sử hay không ? Đây là một câu hỏi lớn khó lòng được giải đáp cho cặn kẻ.

Châu Âu : khủng hoảng kinh tế làm chảy máu chất xám

Tại Châu Âu, khủng hoảng tài chính và nạn thất nghiệp đã tạo ra một làn sóng di cư của giới trẻ có bằng cấp đến những nước Châu Âu có nền kinh tế ổn định hơn hoặc các nước mới trỗi dậy. Làn sóng này ngày càng cao khi cuộc khủng hoảng tại Châu Âu vẫn còn dai dẳng.

 Tuần san Le Nouvel Observateur đi sâu vào chủ đề này với bài viết cảnh báo : « Coi chừng chảy máu chất xám ».

Tờ báo cho biết, hiện tượng nói trên bắt đầu từ năm 2008, nhưng tăng tốc kể từ năm 2010. Người di cư là những người có bằng cấp hẳn hoi, tuổi đời chưa quá 30 và chưa có gia đình.

Với một chiếc va-li gọn nhẹ và một chiếc vé giá rẻ, họ chấp nhận hành trình phiêu lưu tìm nơi có thể có điều kiện sống tốt hơn. Các nước bị chảy máu nguồn lao động này được gọi tắc là nhóm PIIGS bao gồm : Bồ Đào Nha, Ai Len, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha, tức những nước có kinh tế đang gặp khó khăn.

Mãnh đất mới mà người di cư tìm đến trước hết là các nước giàu nhất Châu Âu như Đức, Thụy Sĩ, Áo, Hà Lan hay Na Uy. Chẳng hạn như người Ai Len thì trước tiên muốn đến Anh, nhưng cũng có người tìm đến Mỹ, Canada và Úc.

 Người Tây Ban Nha thì hướng về Châu Mỹ La Tinh còn người Bồ Đào Nha thì tìm đến Braxin.

 Nói về Châu Âu, có một hiện tượng đáng lo là, ngày càng có nhiều thanh niên có trình độ cao rời khỏi Châu Âu để tìm đến Châu Lục khác làm việc. Hiện vẫn còn chưa thể xác định được hiện tượng này có kéo dài hay không, nhưng theo các chuyên gia đây là một hiện tượng đáng lo.

 Đến mức mà ở Tây Ban Nha, 40 000 trí thức đã hợp ký một bảng kiến nghị kêu gọi chính phủ có biện pháp ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám.

Le Nouvel Observateur nhận định, nếu hiện tượng này kéo dài, nó không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế tri thức nền tảng của sự phát triển Châu Âu, mà sẽ còn làm mất cân đối dân số ở các nước có liên quan, bởi vì theo số liệu thống kê, người di cư ra nước ngoài đều là tuổi trẻ, còn người ở lại trong nước thì thuộc thế hệ già, bởi vậy, nước nào bị chảy máu lao động kiểu đó sẽ có nguy cơ bị lão hóa dân số, giảm tỉ lệ sinh và sẽ bị khủng hoảng về lao động.

Hàn Quốc tìm cách "cai nghiện" games online cho lớp trẻ

Tình trạng "nghiện" games online ở tuổi trẻ xứ sở Kim Chi ngày càng nghiêm trọng, làm mất ăn mất ngủ chính quyền và giới phụ huynh.

Phụ trang Le Monde cuối tuần có bài phản ánh chạy tựa : « Tuổi trẻ Hàn Quốc bị tước mất web ».

Theo một nghiên cứu gần đây tại Hàn Quốc, 40% học sinh phổ thông ở Seoul có triệu chứng nghiện games online.

Không chỉ có tuổi học trò, hồi tháng 4 rồi, tại một quán cà phê internet, một phụ nữ 26 tuổi vì không nỡ làm gián đoạn trò chơi trên mạng của mình đã không kịp vào bệnh viện để sinh con, mà lại lâm bồn ngay trong nhà vệ sinh của quán cà phê Internet, rồi bỏ đứa trẻ sơ sinh vào môt túi ni lông và đem bỏ trong một bãi đậu xe lân cận.

 Hồi năm 2010, một phụ nữ đã nhẫn tâm giết đứa con trai lên ba tuổi vì bị đứa bé làm phiền khi bà chơi games online. Tình hình nghiêm trọng đến mức mà chính quyền và phụ huynh phải tăng cường biện pháp xiết chặt quản lí đối với tuổi trẻ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc kêu gọi các bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến con em mình.

Kể từ ngày 1 tháng Bảy rồi, một bộ luật mới chính thức có hiệu lực cho phép việc kiểm soát từ xa việc chơi games online của giới trẻ.

 Biện pháp quản lí như sau : Thanh thiếu niên phải có sự cho phép của phụ huynh mới được đăng ký tài khoản cho 100 trò chơi điện tử trên mạng phổ biến nhất Hàn Quốc, mặt khác phụ huynh cung cấp tài khoản trên mạng của con em mình cho nhà chức trách và ghi rõ thời gian mà họ cho phép con em mình được lên mạng chơi games, chính quyền sẽ dựa vào đó để cho phép thanh thiếu niên lên mạng chơi games.

Đây là một biện pháp tăng cường chống nghiện games online tại Hàn Quốc.

 Hồi đầu năm, một qui định cũng đã được thông qua theo đó người dưới 16 tuổi tự động bị cấm lên mạng chơi games trong khoảng thời gian từ nữa đêm đến 6 giờ sáng. Tuy vậy, nhiều nhà xã hội học Hàn Quốc cho rằng, các biện pháp trên vẫn còn chưa đủ để ngăn chặn tệ nghiện games online vốn đã trở thành một nỗi ám ánh trong xã hội Hàn Quốc.

Bàn về nguyên nhân nghiện games online, các chuyên gia cho rằng, đó là hậu quả cuộc việc học sinh phổ thông bị quá nhiều sức ép học tập trong trường cũng như ở nhà.