Iran và Bắc Triều Tiên ký kết hợp tác về hạt nhân |
Tác Giả: Trọng Thành |
Chúa Nhật, 02 Tháng 9 Năm 2012 17:59 |
Hợp tác hạt nhân giữa hai nước gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội BTT Kim Yong-Nam (thứ 3 từ trái) tại Teheran tham dự hội nghị thượng đỉnh phong trào Không liên kết. Hôm nay 02/09/2012, AFP loan tin, theo báo chí tại Iran, trong thời gian hội nghị các nước Không Liên Kết tại Teheran, Iran và Bắc Triều Tiên đã ký kết một hiệp ước hợp tác về khoa học và công nghệ. Hợp tác hạt nhân giữa hai nước gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Lễ ký kết có sự tham dự của tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và nhân vật số hai của Bắc Triều Tiên, chủ tịch Quốc hội Kim Jong-nam. Theo thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA, trước đó, một phái đoàn Iran đã tới Bắc Triều Tiên vào tháng Bảy để thảo luận trước về vấn đề này và hai nước đã thúc đẩy một « mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc và độc tài ». Việc Teheran và Bình Nhưỡng có một hiệp ước hợp tác chính thức kể trên gây lo ngại, vì từ nhiều năm nay, hai phía đã bị nghi ngờ là trao đổi nhiều công nghệ liên quan đến hạt nhân quân sự và tên lửa tầm xa. Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul Hai quốc gia bị cựu tổng thống Hoa Kỳ George Bush liệt vào « trục của cái Ác » chính thức tuyên bố quyết tâm hợp tác. Theo truyền thông Iran, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước Không Liên Kết, Teheran và Bình Nhưỡng đã ký kết một thỏa thuận dự kiến trao đổi về khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực tin học và năng lượng. Mà sự hợp tác của Iran và Bắc Triều Tiên vốn từ lâu nay đã làm lo ngại các chuyên gia về vấn đề phổ biến hạt nhân. Theo báo động của nhà khoa học Mỹ Siegfried Hacker vào năm 2011, ‘‘Các chuyên gia hạt nhân của hai nước này bổ sung cho nhau rất tốt, và nhiều hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai quốc gia là có thể được’’. Bắc Triều Tiên nhiều lần bị cáo buộc đã cung cấp cho Iran các công nghệ hạt nhân bị cấm vận, các tên lửa tầm xa, cũng như một phần mềm mô phỏng các luồng nơtron trong phản ứng hạt nhân. Khi thể hiện công khai quan hệ hợp tác, Teheran và Bình Nhưỡng cho thấy ý chí cương quyết chống lại áp lực của Phương Tây đòi hai nước này phi hạt nhân hóa. Thỏa thuận giữa Iran và Bắc Triều Tiên cho phép chế độ Bình Nhưỡng khẳng định trước dân chúng nước này là chế độ có đồng minh trên trường quốc tế. Iran bị chỉ trích về chương trình hạt nhân ngay trong thời gian Hội nghị Không Liên Kết Liên quan đến hội nghị các nước Không Liên Kết do Iran tổ chức, theo các nhà phân tích, với việc tiếp đón đại biểu 120 quốc gia tham dự hội nghị tuần này, Iran đã ghi được điểm trong thế trận đối đầu với phương Tây, cho dù chỉ có khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước tới Teheran. Báo chí chính thức của Iran đã ca ngợi hội nghị này như « một thành công lớn nhất trong lịch sử nước này ». Nhiều báo cho rằng, đây là « một thất bại ngoại giao của Hoa Kỳ và phương Tây » và là dấu hiệu cho thấy một sự đổi mới trong ảnh hưởng của Iran trên trường quốc tế. Theo một chuyên gia về vấn đề hạt nhân, Teheran muốn sử dụng hội nghị này để khẳng định chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử hòa bình và là nạn nhân của một âm mưu từ phía các cường quốc trong Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế, được công bố đúng vào lúc đang diễn ra hội nghị các nước Không Liên Kết, một lần nữa nhắc lại vấn đề chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Báo cáo này cho thấy Teheran tiếp tục phát triển các công nghệ làm giàu uranium, có thể được dùng làm bom nguyên tử, vi phạm sáu nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cản trở cơ quan chuyên môn của tổ chức này thanh sát các cơ sở bị nghi là có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng tranh thủ hội nghị này để chính thức kêu gọi Iran tôn trọng các nghị quyết của LHQ, nếu không muốn bị loại khỏi cộng đồng quốc tế và chuốc lấy nguy cơ chiến tranh từ phía Israel và Hoa Kỳ. Nhà phân tích Alireza Nader của viện tư vấn Rand Corporation nhận định, Iran có thể dùng hội nghị thượng đỉnh phong trào Không Liên Kết để đánh bóng hình ảnh của mình trong một thời gian, nhưng Teheran khó lòng sử dụng được phong trào này như một công cụ trong chiến lược ngoại giao chống phương Tây. |