Điểm Báo Pháp Quốc Ngày01-09-2012 |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Bảy, 01 Tháng 9 Năm 2012 16:26 |
Bất cập trong giáo dục tiểu học tại Pháp
Mùa tựu trường tại Pháp : một lớp tiểu học tại Vincennes (REUTERS)
Tình hình Pháp, tranh cử tổng thống Mỹ, là những chủ đề được báo chí hôm nay quan tâm. Về nước Pháp, nếu Le Figaro chú ý đến chính trường và tỏ ý mỉa mai trên phát biểu của tổng thống Pháp vào hôm qua về khủng hoảng kinh tế : Ông Hollande khám phá mức độ nghiêm trọng cuộc khủng hoảng, thì La Croix, trước ngày nhập học, nhìn lại các trường tiểu học Pháp và bàn về cách cải thiện tình hình học tập. Tờ nhật báo Công giáo nêu bật trước tiên một kết quả đáng lo ngại : Từ 15% đến 20% các em từ cấp 1 lên đến cấp 2 không biết đọc và biết viết một cách vững chãi, làm toán cũng dở. Cho nên chính phủ đã xem đây là một trong những ưu tiên của mình. La Croix điểm lại tình hình với hàng tựa trang trong : “Tại sao phải xây dựng lại trường tiểu học (cấp 1) ?” Bài báo mở đầu với câu chuyện về nhà văn Albert Camus, vào ngày 19/11/1957, khi vừa được giải Nobel Văn học, đã cầm bút viết một lá thư cám ơn người giáo viên của mình, ông M.Germain. Nhà văn Albert Camus viết : “Tôi vừa nhận được một vinh dự quá lớn, mà tôi không tìm kiếm. Nhưng khi tôi biết tin, suy nghĩ đầu tiên của tôi, sau mẹ tôi, là tôi nghĩ đến ông. Không có ông, không có bàn tay mà ông chìa ra cho đứa trẻ nhà nghèo, không có sự dậy dỗ của ông, tấm gương của ông, thì chuyện này (đoạt giải Nobel) sẽ không bao giờ xẩy ra”. Theo La Croix, câu chuyện ông Camus, lá thư của ông, chứng minh lý tưởng và vai trò của trường học - trên mặt lý thuyết - là mang lại cơ may đồng đều, những chiếc chià khóa thuận lợi, bất kể xuất thân xã hội. Nhìn thực tế, La Croix nêu bật là trong quá khứ cũng như hiện tại còn nhiều em bị bỏ rơi dọc đường, và đó là vì trường học đã thất bại trong nhiệm vụ đầu tiên của mình là xoá đi hay vượt qua bất bình đẳng xã hội. Điều này theo La Croix, đã được nêu bật trong báo cáo của Chương trình quốc tế PISA (cơ chế theo dõi kết quả học tập trẻ em nhằm đánh giá chất lượng các hệ htống giáo dục các nước trong Tổ chức Hợp tác Phát triển OCDE) năm 2009 : Chênh lệch kết quả học tập giữa các em thuộc gia đình khá giả và gia đình trung bình, ở Pháp cao hơn những nơi khác. La Croix cũng trích nhận định vừa qua của Tổng thư ký công đoàn giáo dục Snuip-FSU, Sébastien Situy, đánh giá là cấp 1 cũng có những thành tựu đáng kể, trình độ trung bình đã tăng cao từ 40 năm qua. Nhưng có những khó khăn không chối cãi, là từ 15% đến 20% - khoảng 200.000 học sinh - hàng năm rời nhà trường với kết quả tồi tệ. Đây thường là các em thuộc thành phần không khá giả. Nguyên nhân được nêu lên trước tiên là chinh sách, đầu tư của chính phủ. Bài báo cho là trên nguyên tắc, nỗ lực của chính phủ phải tập trung vào những nơi khó khăn ở nông thôn hay thành phố. Nhưng theo La Croix thực tế không như thế : báo cáo của Viện Thẩm kế Pháp tháng 4/2012, cho thấy xu hướng ngược lại và tạo ra bất công : ví dụ như chi phí chính phủ cho một học sinh ở Paris cao hơn một học sinh khu vực khó khăn hơn là Créteil đến 47%. Không chỉ thế, La Croix nêu lên những vấn đề gây tranh cãi, đang được xem xét lại và ảnh hưởng đến kết quả học tập : vấn đề đào tạo giáo viên, nội dung chương trình, cách tổ chức phụ đạo các em. v.v. Một chỉ trích cũng thường đươc nghe thấy là ‘lối giảng dậy không phù hợp với nhu cầu thực, còn quá chú trọng đến bài tập ở nhà, điểm số, việc ở lại lớp. Trường học, theo một số quan điểm, phải dựa nhiều hơn nữa trên thế giới chung quanh, trên gia đình. Nói cách khác, trường học và phụ huynh học sinh phải có tiếp xúc thường xuyên, trao đổi với nhau, để cùng đầu tư vào công việc học vấn con em. La Croix nêu ví dụ của Thụy Điển trên vấn đế này. Ngay ở trường mẫu giáo, nhu trường Tempeltrappan, Stockholm, cô giáo có những cuộc gặp gỡ định kỳ, với cả phụ huynh lẫn đứa trẻ. Cô giáo gặp riêng đứa bé để tìm hiểu cái gì em thích cái gì em muốn làm, còn gặp riêng cha mẹ là để xem đánh giá của họ, và cũng kể lại cho họ biết về sinh hoạt, phản ứng các bé trong lớp. Các cuộc gặp gỡ kiểu này tiếp tục ở cấp 1, và kéo dài trên 9 năm. Từ lúc 7 tuổi đến 15 tuổi, các em được mọi người lắng nghe, có thể nói lên suy nghĩ của mình, trao đổi với thầy cô. Mục tiêu của những trao đổi, lắng nghe này là để xem trường học có thể hổ trợ sự phát triển của các em như thế nào. Theo giới giáo dục Thụy Điển, họ muốn là nhìn thấy được khó khăn gặp phải ngay từ lúc các em 7 tuổi, để có thể giải quyết càng sớm càng tốt. Hàng ngàn sinh viên nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Anh Báo Le Figaro đưa ra ví dụ của sinh viên trường London Metropolitain University, cụ thể là trường hợp của Abdus Samad, sinh viên Bangladesh, đã đến học luật tại đây một năm nay. Nhưng anh vừa nhận đươc mail của trường cho biết là anh có 60 ngày để đi tìm một trường học khác nếu không thì phải về nước. Sự vụ theo Le Figaro là trường này vừa bị rút giấy phép bảo trợ sinh viên nước ngoài. Các trường đại học Anh được bộ nội vụ trao quyền đánh giá các đơn xin visa với tư cách nhà “bảo trợ tín nhiệm”. Nhưng theo điều tra của Cơ quan Kiểm soát Xuất nhập cảnh UKBA, thì trường London Metropolitain University đã quá dễ dãi trong việc xem xét hồ sơ, và nhất không xem trình độ tiếng Anh. Giấy phép của trường bị rút hôm thứ Tư 29/08, đã khiến 3000 sinh nước ngoài - từ các nước ngoài Châu Âu - đang ở tại trường, lâm vào cảnh ngộ như Abdus Samad. Theo Le Figaro, trường London Metropolitain University đã thiết lập một đường giây điện thoại hướng dẫn số sinhh viên từ 160 quốc gia của họ, trong đó có Nga, Colombia, Trung Quốc, Hoa Kỳ... Cơ quan di trú Anh đang khuyên các sinh viên được phép nhập học năm nay là không nên đến Anh. Sinh viên dĩ nhiên là rất phẫn nộ, họ xuống đường phản đối, cho là Anh không thích sinh viên nước ngoài. Theo Le Figaro, chính phủ Anh cũng đang đau đầu và đang cùng với các trường Đại học tìm kiếm giải pháp cho tình hinh mà quyết định của cơ quan di trú gây ra. Và đây là một khó khăn lớn đối với chính quyền Anh trong việc thực hiện quyết định giảm nhập cư vào nước Anh, từ 216.000 mổi năm xuống không đầy 100.000 từ đây đến 2015. Nhưng trong số người vào Anh, 40% là sinh viên, và số lượng đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Hoa Kỳ : Romney khởi động trận đánh giành Nhà Trắng Báo Le Monde ghi ngày hôm nay dành tít lớn đập mắt “Romney tung trận chiến giành Nhà Trắng”, và tỏ vẻ khá gay gắt, trích lại những câu nói hùng hồn của ứng viên đảng Cộng Hoà ngày 30/08 vừa qua, lúc ông chấp nhận việc được đảng đề cử , như ông muốn “khôi phục lại nước Mỹ”; đưa người Mỹ trở lại làm việc... hay là nước Mỹ sẽ tiếp tục có “một quân đội hùng mạnh đến nỗi mà không ai dám đụng đến”; “nước Mỹ mà chúng ta muốn có đi vay 1000 tỷ đô la nơi Trung Quốc hay không ? Không !” Trong cử toạ 4000 người cũng vang lên những tiếng hô “Không ! Không ! Ông Romney khẳng định ông đang là hy vọng của một tương lai tươi sáng hơn cho nước Mỹ sau những thất bại của Obama. Le Monde nhận thấy là bài diễn văn được viết cho hàng triệu khán giả truyền hình theo dõi sự kiện chứ không chỉ nhắm vào cử toạ hàng ngàn người đến Tampa, tham dự Đại hội Đảng Cộng hoà, những người ăn mặc trịnh trọng, không mấy trẻ trung, và gồm toàn người da trắng. Không khí buổi tối đó mà đỉnh điểm là bài diễn văn của ông Mitt Romney, là một sự kết hợp : vừa là một sự đề cao tinh thần ái quốc, vừa là một lễ phong vương, và đặc biệt là một show truyền hình. Le Figaro cũng chú ý đến ứng cử viên Đảng Cộng hoà, nhìn thấy là “ông Mitt Romney mới thắng cuộc một nửa mà thôi”. Tờ báo đánh giá vào ngày cuối Đại hội Đảng Cộng hoà ông đã rạch được chiếc áo giáp nhưng dự án của ông còn nhièu chỗ hở. Le Figaro nhận thấy là không có phép lạ của lời nói, không có sự huyền diệu bay bổng, nhưng Mitt Romney đã thành công trong mục tiêu cho thấy ông là một con người có tình cảm chứ không chỉ là một nhà kinh doanh lạnh lùng. Chưa bao giờ ông nói đến gia đình, bố mẹ, như vào tối thứ năm vừa qua. Trên bình diện cho thấy ông là một con người bằng xương bằng thịt chứ không chỉ là một nhà quản lý biết tạo công việc làm, thì Mitt Romney đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ngược lại, Le Figaro thấy là đề án của ông để đưa nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng còn mơ hồ : tạo 12 triệu công việc làm, nhưng bằng cách nào không rõ. Những mũi tấn công của ông cũng không có gì sắc sảo, vẫn trống rỗng nhu trong suốt cuộc vận động trước đây. Clint Eastwood : Ngôi sao không sức hút Trong ngày cuối Đại hội, Le Figaro còn chú ý đến môt người khách bất ngờ đến ủng hộ ông Romney đó là nam tài tử nổi tiếng đồng thời là đạo diễn : Clint Eastwood. Le Figaro mô tả cảnh cả cử tọa như điên rồ nồng nhiệt hoan nghênh Clint Eastwood khi ông bước lên bục phát biểu. Vì Holywood thường ủng hộ đảng Dân Chủ, đảng Cộng hoà đã khá vui mừng đón một trong những nhân vật nổi tiếng, được ái mộ nhất Holywood. Nhưng ‘món quà’ tuyệt diệu này chẳng mấy chốc trở nên quà bỏng tay, khi nam tài tử 80 tuổi này bắt đầu phát biểu. Ông nói gì không ai hiểu, nói răng rít lại, trong suốt 15 phút, với một chiếc ghế trống bên cạnh, vơí một Obama tưởng tượng ngồi đấy. Không ai nghe được để hiểu những lời bông đùa mỉa mai của ông. Ông nhắc lại những điều làm ông bực tức : là mọi người đã khóc xúc động khi ông Obama thắng cử năm 2008, nhưng giờ đây ông đã không khóc được nữa từ khi ông biét là có 23 triệu ngươì thất nghiệp...v.v. Cuối cùng Clint Eatswood kêu gọi bầu cho Mitt Romney. Theo le Figaro bà Ann Romney đã nhìn cảnh phát biểu của Clint Eatswood một cách không thích thú chút nào, vì nó đã làm loãng đi nỗi xúc động trong cử toạ. Và ngày hôm sau, thứ Sáu thì báo chí nói nhiều đến phát biểu của Clint Eatswood mà họ chế nhạo, hơn là nói đến nhân vật chính Mitt Romney. Air France xây dựng nhà máy ở Trung Quốc Nhìn về Châu Á hôm nay, Le Figaro chú ý đến bình diện kinh tế với sự kiện hãng hàng không pháp Air France sẽ xây dựng hai nhà máy bảo trì máy bay ở Trung Quốc. Bài báo giải thích : Trung Quốc là tương lai ngành hàng không. Không chỉ tương mà còn là hiện tại. Và hãng Air France cũng như Airbus không muốn bỏ lỡ cơ hội to lớn này. Hai xưởng nói trên sẽ đặt tại Tây An và Thượng Hải. Hiện nay theo Le Figaro, lãnh vực bảo trì máy bay là trụ cột thứ 3 trong hoạt động của Air France, bên cạnh vấn đề chuyên chở khách và hàng hóa. Air France KLM đứng hàng thứ hai thế giơí trong lãnh vực này sau hãng Đức Lufthansa. Giám đốc Air France muốn thúc đẩy mạnh hơn hoạt động trong lãnh vực thứ 3 này. Air France nhìn thấy thị trường bảo trì, sửa chữa máy bay ước tính 50 tỷ euro sẽ tăng 3% trong 10 năm tới đây nhờ Châu Á, cho nên xây dựng 2 xưởng trên ở Trung Quốc là điều hợp lý. Năng lượng mặt trời : Đức bỏ châu Âu để ôm chân Trung Quốc Sự kiện thứ hai mà Le Figaro chú ý là việc Thủ tướng Đức Angela Merkel bỏ rơi các nhà sản xuất pin mặt trời châu Âu để chiều ý Trung Quốc. Theo tờ báo Pháp, các nhà sản xuất pin mặt trời Châu Âu đã kiện Trung Quốc bán phá giá. Trong lúc Bruxelles chuẩn bị điều tra, thì thủ tướng Đức lên tiếng chống đối mọi trừng phạt. Le Figaro cho là quả là giữa các nhà sản xuất xe hơi hùng mạnh và ngành pin mặt trời còn yếu ớt, thì bà Markel đã không do dự gì cả. Trong chuyến đi Bắc Kinh bà đã hy sinh ngành này để bảo vệ quan hệ tốt với Bắc Kinh, không lý gì đến việc Bruxelles rất bực dọc vì sắp quyết định cho mở điều tra vào tuần tới đây. Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức gián tiếp nhắn nhủ Bruxelles là vẫn còn thời gian và nên giải quyết vấn đề qua sự tham khảo hai bên. Trung Quốc hiẻn nhiên rất hài lòng : 60% pin mặt trời Trung Quốc xuất ra ngoại quốc là nhắm vào Châu Âu. Le Figaro cho là thủ tướng Đức đã đáp trả sự đón tiếp nồng hậu của Bắc Kinh. Và thứ năm vừa qua, bà đã nghe được thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đưa ra những lời được mong đợi là Bắc Kinh sẽ mua lại nợ của Châu Âu, trước khi ông thông qua việc Trung Quốc mua 50 chiếc Airbus A320. Tờ báo kết luận : Chưa bao giò kinh tế Đức cần đến thị trường Trung Quốc như hiện nay. Trong lúc kinh tế thế giới bị hụt hơi, thì thủ tướng Đức sát cánh với nền kinh tế thứ nhì thế giới, nơi mà ngành xe hơi Đức có được mức lợi nhuận ngoạn mục. |