Home Tin Tức Thời Sự Diễn văn của bà Romney giúp chồng ‘lên giá’

Diễn văn của bà Romney giúp chồng ‘lên giá’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Năm, 30 Tháng 8 Năm 2012 12:56

 Bà nói về một ông Mitt mà cả nước hầu như không ai biết là người thế nào.

TAMPA, Florida - Trong bối cảnh chồng mình bị chê là “cứng nhắc,” không tạo được mối cảm thông với cử tri, nhất là cử tri nữ giới, bài diễn văn của Ann Romney, vợ ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa Mitt Romney, được xem là một cơ hội vận động tranh cử quan trọng trong đại hội đảng Cộng Hòa diễn ra tại Tampa, Florida.

 

Bà Ann Romney, vợ ứng cử viên tổng thống Mitt Romney, nói chuyện với cử tri trong đại hội đảng Cộng Hòa tại Tampa, Florida ngày Thứ Ba. (Hình: J. Scott Applewhite/AP)

 

Sứ mệnh của Ann Romney trong bài diễn văn là vẽ nên một hình ảnh rất “người” của Mitt, mà đa số cử tri cho đến giờ chưa thấy, cũng như tạo sự cảm thông giữa ông và đại đa số người dân Hoa Kỳ.

Chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ sau khi Ann Romney dứt lời, các bài tường trình và bình luận về bài diễn văn tràn ngập trang mạng của mọi cơ quan truyền thông cũng như các blogs tư nhân. Ða số giới quan sát cho rằng Ann Romney có “bài nói chuyện tuyệt vời,” “làm cử tọa xúc động.”

Ký giả Chris Cillizza của tờ Washington Post viết: “Ann Romney làm đúng những gì mà chồng bà và ủy ban tranh cử của ông cần bà phải làm. Bà nói về một ông Mitt mà cả nước hầu như không ai biết là người thế nào.”

Theo tường thuật của ký giả Marie Rickert của tờ The Register, một nam cử tri thuộc tiểu bang Iowa, nói: “ Nhìn quanh tôi thấy biết bao phụ nữ rút giấy Kleenex ra lau nước mắt,” và một nữ cử tri khác, cũng đến từ Iowa, bảo: “Tôi nghĩ Ann Romney thành thật khi bà kể rằng dù bây giờ giàu sang, hai người khởi đầu cuộc hôn nhân với một đời sống khiêm tốn,” và câu chuyện của bà “tạo cho nhiều người niềm hy vọng.”

Trong khi đó, ký giả Amanda Paulson của tờ The Christian Science Monitor, phân tích: “Chẳng có gì ngạc nhiên khi bà Romney đặt trọng tâm của bài nói chuyện vào 'trái tim.' Bà dùng chữ 'love' tất cả là 14 lần, nói về mối tình của hai người thuở ban đầu, nói về những khó khăn của cuộc sống mà hai người đã vượt qua, để rồi kết luận: 'chúng ta có thể tin vào Mitt', và răn đe đối thủ: 'chồng tôi sẽ không thất bại!'”

Thuộc thiểu số những người phê bình sự hữu hiệu của bài diễn văn, bình luận gia Juan Williams, của Fox News, nhận định: “Trong khi cố chứng tỏ là gia đình nhà Romney cũng nghèo, cũng phải đối mặt với những chật vật của cuộc sống như bao người dân Mỹ, Ann Romney lại có dáng vẻ của 'vợ ông lớn', chưa bao giờ phải giật gấu vá vai, bà không thuyết phục được tôi là bà hiểu được nỗi khổ của đa số phụ nữ Hoa Kỳ.”

Sự kiện Juan Williams nhận được biết bao lời “đay nghiến” của quần chúng qua Twitter và Facebook sau khi đưa ra nhận định trên, cho thấy sự thành công của Ann Romney qua bài nói chuyện.

Giới phân tích cho rằng Ann Romney có nhiều điều kiện thuận lợi để đóng trọn vai trò. Bà đã từng là dân cử trước cả chồng, vào năm 1977, khi ba người con của hai vợ chồng còn nhỏ, khi được bầu làm Town Meeting Representative ở Belmont, Massachusetts, nơi họ sinh sống.

Hiện là mẹ của năm người con trai và bà của 18 đứa cháu, Ann Romney có thể tạo cảm thông với phụ nữ khắp nơi dễ dàng về vai trò làm vợ, làm mẹ, và làm bà nội. Hai lần chạm trán với bạo bệnh, multiple sclerosis (bệnh xơ cứng) năm 1998, và ung thư vú năm 2008, Ann Romney làm nhiều người cảm động, khi kể về nỗi lo âu hoảng hốt khi đối diện với bệnh và vui lây khi bà kể về sự tận tụy của chồng, nỗi tận tụy đã giúp bà “vượt qua tất cả.”

Mặt khác, nhiều người cho rằng dù bài diễn thuyết hay đến đâu, cảm động đến đâu, bà Romney cũng khó thuyết phục được giới bình dân, hay cả trung lưu của Hoa Kỳ là bà hiểu hoàn cảnh khó khăn của họ.

Bà Julie Fullmer, một nữ cử tọa đến nghe diễn thuyết tại đại hội phát biểu: “Dù nói gì thì nói, sự giầu có của gia đình Mitt Romney khiến tôi khó có thể hình dung là họ hiểu thế nào là phải lo cơm từng bữa, có bệnh mà không thể đi bác sĩ vì không tiền.”

Bày tỏ sự hoài nghi, ký giả John Dickerson, CBS News, trong bài “Ann Romney gave a great speech. But will we remember it in a day or two?” viết: “Bài diễn văn của Ann Romney hay nhất là lúc bà nói 'chúng tôi có một hôn nhân bình thường như mọi người' và 'Mitt Romney luôn luôn đóng góp cho cộng đồng nhưng không thích kể lể về điều đó, vì được đóng góp là một vinh hạnh, không phải là để kiếm điểm.'”

Thế nhưng, John Dickerson đặt câu hỏi: “Những người đã nghe bà nói chuyện có thể truyền đạt những gì cho người không nghe bài diễn thuyết đó? Người ta sẽ có ấn tượng gì về Mitt Romney mà họ không có trước khi nghe bài diễn thuyết của vợ ông? Sự thông cảm của Mitt Romney với cử tri thật ra phải do những gì chính Romney tạo ra, và nếu sự xa cách với cử tri là trở ngại cho ông bước vào Tòa Bạch Ốc, thì Romney phải tự vượt qua trở ngại đó.”

Quan tâm của dư luận về bài diễn thuyết của Ann Romney cho thấy không ai có thể coi nhẹ vai trò của người vợ một ứng cử viên tổng thống trong cuộc tranh cử của chồng.

Trong bài xã luận tóm tắt công trình nghiên cứu có tên: “Candidate wives: Spouses as strategic surrogates on the presidential campaign trail” (Phối ngẫu của ứng cử viên: Người thay thế chiến lược trên đường mòn vận động tranh cử), Tiến Sĩ Abigail Mrguerite VanHorn, thuộc Purdue viết:

 “Người vợ ứng cử viên đóng một vai trò thay thế có hiệu quả cho chồng, bằng cách nói với cử tọa về khía cạnh rất người, rất đời thường của ông. Bằng cách đưa ra những bằng chứng xác thực của đời sống gia đình, người vợ có thể củng cố hình ảnh của chồng và trám vào các lỗ hổng trừu tượng mà các cuộc tranh cãi về chính sách không ít thì nhiều tạo ra.”

Có lẽ còn quá sớm để có thể đo lường ảnh hưởng bài nói chuyện của Ann Romney lên cảm tình của quần chúng với chồng bà. Và thế giới cũng đang chờ nghe bài diễn thuyết của Ðệ nhất Phu nhân Michelle Obama sắp đọc trong thời gian ngắn sắp tới.